Friday, June 10, 2011

VỀ BIỂU TÌNH 5-6-2011 : NGÀY CỦA LÒNG YÊU NƯỚC (Bùi Văn Phú)



10.06.2011
http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=12896

Tụ tập biểu tình là vi phạm pháp luật Việt Nam. Vì thế khi có những lời kêu gọi quần chúng xuống đường phản đối Trung Quốc gây hấn, vi phạm lãnh hải Việt Nam thì đây là một việc được coi là can đảm và là thách đố với chính quyền Hà Nội. Ai đã đưa ra lời kêu gọi còn là chuyện bí mật vì dưới chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam, những người tranh đấu cho độc lập, tự do, dân chủ thường phải trả giá bằng những năm tù.

Sự kiện làm nhiều người Việt bức xúc là vào ngày 26.5 vừa qua ba tàu hải giám Trung Quốc đã cắt dây cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam trong khi tàu này đang thực hiện thăm dò dầu khí trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam cách bãi biển Đại Lãnh 120 hải lí. Một hành động, cũng như trước đây trong nhiều vụ gây hấn mà Trung Quốc đã nhằm vào ngư dân Việt, rõ ràng đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam trong khi nhà nước chỉ phản ứng qua loa. Nhiều lần trước quan chức ngoại giao còn không dám nêu đích danh Trung Quốc mà chỉ gọi đó là tàu “nước lạ”.

8 giờ sáng Chủ Nhật 5 tháng Sáu. Tụ điểm là trước cơ sở ngoại giao của Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn.
Những người quan tâm chờ đợi thông tin về sự việc. Trong đó có tôi, dù đang sống ở xa đất nước vạn dặm nhưng lòng vẫn sôi lên trước những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của một nước láng giềng khổng lồ sát bên mà hay chơi xấu. Cuối năm 2007 khi ở Sài Gòn và Hà Nội có biểu tình, bên này đại dương tôi cũng đã cùng hàng trăm người Việt tham gia biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco để phản đối nước này có quyết định hành chánh sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào huyện Tây Sa.

Tin tức được phát tán nhanh và sớm nhất qua các trang tin của Anh Ba Sàm (anhbasam.wordpress.com, trang này ngày 9-6 đã bị tin tặc lấy mất tên miền, nay tạm đổi sang basam1.wordpress.com) và Dân Làm Báo (danlambaovn.blogspot.com).

Biểu tình đã thực sự xảy ra. Chín giờ tối thứ Bảy ở California, tức 11 giờ sáng ở Việt Nam, trên mạng đã có hình ảnh ghi nhận được từ Hà Nội và Sài Gòn.

Sáng sớm Chủ Nhật. Phố còn vắng. Đến 8 giờ, từng đoàn người kéo nhau về tụ điểm. Các mạng liên kết xã hội đã hoạt động có hiệu quả. Mãnh liệt đến mức nào còn phải chờ xem.

Thanh niên, sinh viên Việt nghe lời kêu gọi qua Facebook, qua Internet đã đáp lời sông núi. Hàng trăm người tụ họp trong công viên đối diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội với bích chương biểu ngữ trên tay: “China, hàng xóm to xác, xấu tính”, “Trung Quốc vĩ đại nhưng hành xử tầm thường”. Không phải ai cũng đến được điểm hẹn. Nhà báo Nguyễn Thượng Long viết trên boxitvn.net cho biết đã bị công an ngăn cản đến gần chỗ biểu tình. Ông cũng nhìn thấy cựu giáo viên địa lý Dương Thị Xuân bị cảnh sát đẩy lên xe bít bùng chở đi.

Đoàn biểu tình tập họp được chốc lát thì bị cảnh sát giải tán. Công viên Lê Nin với nhiều cây xanh, bóng mát trong một sáng Chủ Nhật đã phải đóng cửa vì nhà nước sợ dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước. Có một quốc gia nào lại có một chính phủ với những hành động lạ lùng hơn là Việt Nam? Một đất nước với lịch sử nhiều nghìn năm chống xâm lăng mà người dân lên tiếng chống ngoại xâm lại bị cảnh sát, công an ngăn cản.

Trong Sài Gòn không khí sôi động hơn. Vài nghìn người, từ nhiều phiá đã tìm cách đến trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc cũng đã bị cảnh sát ngăn cản. Tham gia biểu tình đa số là thanh niên, sinh viên. Đoàn người tuần hành qua đường phố, tay cầm biểu ngữ xác định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, miệng hô to: “Đả đảo Trung Quốc”, “Hoàng Sa. Việt Nam”, Trường Sa. Việt Nam”, “Tẩy chay hàng Trung Quốc” vang khắp phố phường.
Từ sáng sớm đã có mặt những người nổi tiếng như giáo sư Nguyễn Đình Đầu, các ông Đình Vượng, Vương Đình Chữ, các nhà tranh đấu một thời với nhiều kinh nghiệm là Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lộc, có nhà báo Nguyễn Quốc Thái. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết một bài tường thuật đầy nét hào hùng trên Blog Quê Choa (quechoa.info) của Nguyễn Quang Lập tả lại cảnh đối đáp khá nảy lửa giữa cán bộ thành đoàn, quan chức Ủy ban Nhân dân Thành phố khi họ tỏ ra thuần phục Trung Quốc, lên tiếng khuyên can đừng tham gia biểu tình. Phản ứng của các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Cao Lập thật đáng khâm phục.

Đỗ Trung Quân ghi được mẩu đối thoại với công an chìm ở chỗ biểu tình ngoài đường phố:
Một chiếc áo thường phục hung hăng nhất: “Đề nghị giải tán, hoạt động phải có luật pháp”. Anh Cao Lập, cựu tù Côn Đảo vốn nóng tính, hét to: “Pháp luật là để bảo vệ người dân và bảo vệ đất nước không phải để bảo vệ bọn Trung Quốc!”. Tiếng vỗ tay ầm ĩ. Một người mặc thường phục khác tiến về anh Lê Hiếu Đằng [cựu Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Thành phố], anh Đằng chỉ mặt quát: “Anh đứng về phía nào, Việt Nam hay Trung Quốc?”. Người mặc thường phục phải lùi lại.

Sau đó Ủy ban Nhân dân mời họ vào văn phòng nói chuyện. Theo Đỗ Trung Quân mô tả:
Ông Nguyễn Chơn Trung [Sáu Quang - nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố] lại không được nhã nhặn, ông đập tay xuống bàn nói với ông Lê Hiếu Đằng: “Các anh muốn gì cũng phải có phương pháp đúng đắn”. Ông Lê Hiếu Đằng [môi giựt, tay run]: “Anh không phải dạy chúng tôi về phương pháp…”. Ông Cao Lập đứng bật dậy: “Tôi không thể tưởng tượng hôm nay anh Sáu Quang tệ hại đến mức này”. Ông Huỳnh Tấn Mẫm điềm đạm: “Chúng tôi đã bày tỏ xong thái độ. Nếu nhà nước hiểu lòng dân chúng tôi sẽ ủng hộ, nếu không thì chúng tôi tiếp tục bày tỏ thái độ.”…

Biện luận của ông Nguyễn Chơn Trung cũng là cách Giáo sư Nguyễn Khắc Cảnh, phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, dùng khi ông ra gặp sinh viên để khuyên họ ngừng biểu tình. Ông nói với đám đông tụ họp ở một ngã tư đường là biểu tình như thế đủ rồi và đã bị nhiều em sinh viên la ó phản đối. Có em còn dõng dạc: “Chúng ta biểu tình là làm đúng điều 69 của Hiến pháp Việt Nam.” Xem phim trên mạng danlambao, tôi nghe giáo sư khen cách tranh đấu theo đường lối ngoại giao và luật pháp quốc tế với Trung Quốc của nhà nước là đúng đắn. Rồi ông kết luận: “Chúng ta hết sức kiên quyết đấu tranh với phiá bạn Trung Quốc.” Đã đấu tranh thì chỉ có địch thủ của mình chứ sao lại gọi Trung Quốc là bạn!

Thái độ sợ Trung Quốc còn thể hiện qua một văn thư do ông Đặng Công Tráng của Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ký tên đóng dấu với nội dung ngăn cấm sinh viên tham gia biểu tình ngày 5 tháng Sáu. Cuối năm 2007 một văn thư tương tự cũng đã được Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận ký.

Dù có những răn đe trước hay khuyên bảo tại chỗ thanh niên sinh viên vẫn xuống đường. Nhưng cũng như ở Hà Nội, nhiều người muốn tham gia biểu tình đã bị công an, cảnh sát ngăn cản, trong đó có Hoà thượng Thích Quảng Độ, các blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Người Buôn Gió Bùi Thanh Hải, Tạ Phong Tần đều bị công an bắt giữ trước hay trong sáng sớm ngày 5-6. Nhiều nhà tranh đấu cho dân chủ khác cũng đã bị công an canh chừng không cho ra khỏi nhà trong ngày hôm đó.

Nhận xét chung tinh thần của sinh viên rất cao. Suốt hơn bốn tiếng đồng hồ biểu tình tuần hành qua phố chính của Sài Gòn các bạn trẻ đã tôn trọng luật pháp, nhưng mạnh mẽ và cương quyết lên tiếng chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Công an, cảnh sát cũng giữ vẻ ôn hoà và đã không có bạo động xảy ra.

Tuy số người tham gia các cuộc biểu tình ngày 5 tháng Sáu còn ở mức khiêm nhượng, nhưng đã đánh động được lòng yêu nước của nhiều người Việt Nam. Sự kiện đã được nhiều hãng thông tấn và báo chí quốc tế đưa tin.

Thế nhưng cả nước với mấy trăm tờ báo, Hà Nội và Sài Gòn có toà soạn của nhiều báo có đông bạn đọc, với cả trăm phóng viên lại không có bài tường thuật nào. Riêng Thông tấn xã Việt Nam chỉ có một bản tin ngắn cho rằng các tin quốc tế về biểu tình là sai sự thật.

Đọc bản tin 270 chữ của cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam tôi tưởng đang đọc tin từ một nước lạ nào.
.
.
.

No comments: