Trần Vinh Dự
Thứ Hai, 06 tháng 6 2011
Từ sau sự kiện ngày 26 tháng 5, 2011, khi Trung Quốc đưa tàu hải quân đe dọa tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Petro Việt Nam và sử dụng thiết bị cắt cáp thăm dò của tàu này trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làn sóng dư luận phản đối trong và ngoài nước dâng lên ngày càng mạnh mẽ. Theo tin do nhiều hãng thông tấn báo chí đăng tải, có vẻ như các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc ở trong và ngoài nước đang được chuẫn bị thực hiện.
Điều này gợi nhớ đến vụ thảm sát ở Vịnh Bắc Bộ vào ngày 8 tháng 1 năm 2005. Khi đó cảnh sát biển Trung Quốc xả súng tấn công ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng đánh cá chung của Vịnh Bắc Bộ do Việt Nam và Trung Quốc lập ra theo Hiệp định hợp tác nghề cá giữa VN-TQ trong vịnh Bắc bộ. 9 ngư dân vô tội của Việt Nam bị thiệt mạng trong vụ thảm sát này.
Ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 2005, làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc cũng bùng phát mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, chúng tôi, những người cổ súy cho phong trào phản đối bất bạo động, đã có hai bài viết thể hiện lập trường của mình. Cả hai bài viết đều do người bạn thân của chúng tôi là anh Nguyễn An Nguyên, nay là Tiến sỹ kinh tế đang làm việc cho ngân hàng Barclay ở New York, chấp bút. Nay xin giới thiệu lại với bạn đọc, tạm coi như một món quà gửi tới tất cả đồng bào trong và ngoài nước – những người có lòng với đất nước và đang dõi theo sự kiện tàu Bình Minh 02.
Bài số 2: Từ chối bạo lực là tôn trọng con người
Nguyễn An Nguyên
Trong thời đại chúng ta, không phải tài nguyên, dù đất hay biển, mà chính con người mới là vốn quý nhất của một đất nước. Trong con người, thì tính thiện là vốn quý nhất. Có tính thiện thì xã hội mới hòa thuận để phát triển. Đã tôn trọng con người thì dứt khoát phải từ chối bạo lực. Vì dùng bạo lực, dù là bạo lực với người ngoài, sẽ hủy diệt tính thiện của người dân nước mình, tạo ra một xã hội không nhân bản, đi dần tới chỗ diệt vong. Làm việc bất thiện cho người là gieo mầm họa cho chính mình.
Trước một cuộc thảm sát tàn bạo và phi nhân như vụ Thảm Sát Vịnh Bắc Bộ ngày 8 tháng 1 [năm 2005] vừa qua, không chỉ người Việt mà những người có lương tri trên thế giới đều cảm thấy đau xót và phẫn nộ. Chúng ta phẫn nộ vì hai lần tội ác: tước đoạt quyền sống của những người dân lương thiện bằng súng đạn, và tước đoạt nhân phẩm của họ bằng sự vu khống bỉ ổi.
Nhưng chúng ta sẽ không chống người Trung Quốc. Chúng ta chống tham vọng bành trướng lỗi thời đã dẫn đến sự sùng bái bạo lực của một số người đương quyền đang gây họa cho chính người Trung Quốc. Những người đó vẫn đang khư khư một quan niệm đã suy tàn của thời phong kiến, rằng lấy đất đai và lãnh thổ là tất cả. Họ đã nhầm. Nhật Bản cũng đã từng vì tham vọng bành trướng bằng bạo lực của mình mà tự hủy diệt. Nhật Bản, vẫn là nước nghèo tài nguyên và ít đất ấy, đã đứng dậy vì biết vun đắp cho con người.
Sự phẫn nộ trước bạo lực của ta là chính đáng, nhưng phẫn nộ không nhất thiết phải nối tiếp bằng bạo lực. Không, dân tộc ta đã chịu quá nhiều đau thương vì bạo lực bất công, nên chúng ta đã chọn “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi). Nhưng lịch sử chúng ta chưa bao giờ có chuyện cúi đầu chấp nhận bất công và sỉ nhục. Chúng ta phải bày tỏ sức mạnh đoàn kết của mình và nói lên lẽ phải của chúng ta trước dư luận quốc tế và cho người dân Trung Quốc.
Vì tôn trọng con người, chúng ta phải lên tiếng. Và vì tôn trọng con người, chúng ta lên tiếng trong hòa bình. Vì tin con người mà chúng ta sẽ dựa vào công luận Việt Nam, Trung Quốc và thế giới. Chúng ta đã lên tiếng bằng thư phản đối tới nhà cầm quyền Trung quốc. Chúng ta đòi hỏi họ khắc phục hậu quả, xin lỗi các nạn nhân và trừng trị những kẻ đã dùng bạo lực một cách phi pháp và phi nhân với những ngư dân Việt Nam vô tội. Chúng ta sẽ còn lên tiếng bằng biểu tình hòa bình trước các đại sứ quán của họ ở các nước và bằng nhiều cách sẽ lôi cuốn sự chú ý của dư luận quốc tế. Chúng ta sẽ còn nhiều biện pháp đấu tranh hòa bình khác nữa, cho đến khi họ nhận thấy rằng không thể chà đạp lên lương tri của thời đại. Và thực tế đã chứng tỏ sức đoàn kết của lương tri: chỉ trong ít ngày, ta đã có hàng chục nghìn chữ kí của đồng bào trong và ngoài nước. Ta đang có những cuộc vận động cho các cuộc biểu tình hòa bình ở nhiều nơi.
Khi chúng ta, tức là mỗi người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, gái trai, trong nước hay ngoài nước, cùng lên tiếng trong hòa bình, thì chúng ta cũng khẳng định lại với chính mình rằng mỗi người trong chúng ta đều tôn trọng con người và tin vào bất bạo động. Mỗi người đều biết rằng mọi người xung quanh ta đều biết ta đang chia sẻ với người ấy.
Một khi một dân tộc có chung một ý chí như thế thì dân tộc ấy sẽ không chịu làm ngơ trước bất công xảy ra với đồng bào mình, và các nước sẽ hiểu rằng không thể khuất phục được họ. Và dư luận quốc tế sẽ lên tiếng vì (và chỉ khi) họ đã nghe thấy yêu cầu được cả một dân tộc cùng cất lên. Chúng ta sẽ còn một quãng đường dài để đoàn kết trước khi thế giới lắng nghe và lên tiếng hỗ trợ chúng ta, nhưng chúng ta đã đi những bước đầu tiên tự tin và vững chãi. Bằng tiếng nói đạo nghĩa của mình, chúng ta sẽ lại một lần nữa chiến thắng.
Nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ phải quay về với nguyên tắc tôn trọng con người và không dùng bạo lực. Họ không còn con đường nào khác, vì muốn được gia nhập gia đình thế giới, họ buộc phải chấp nhận những giá trị chung của con người. Cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận một thành viên sẵn sàng dùng bạo lực với những người dân vô tội. Và bởi vì người dân Trung Quốc, thân nhân của hàng chục triệu nạn nhân của một nhà cầm quyền không tôn trọng và đã dùng bạo lực chính người dân của họ trong nhiều thập kỉ, sẽ không chấp nhận sự lạm dụng bạo lực nữa.
Ngày nay, tôn trọng con người và từ chối bạo lực đã trở thành lương tri của loài người. Niềm xác tín rằng con người là vốn quý nhất và vì thế, quyền sống và quyền tự do (trong đó có quyền tự do kiếm kế sinh nhai của những ngư dân Việt Nam) là bất khả xâm phạm đã được ghi trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, và trong Hiến chương của Liên Hiệp Quốc mà cả Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia. Thực tâm tôn trọng những nguyên tắc cơ bản này, thực tâm hiểu rằng con người, dù là người Trung Quốc hay là người Việt Nam, là vốn quý không gì thay thế được, sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của chính Trung Quốc và sự sống chung hòa bình lâu dài trên biển Đông.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
--------------------------------------
Human Rights Watch - September 22, 2010
Thanh Quang, phóng viên RFA - 2010-09-18
.
.
.
No comments:
Post a Comment