Monday, June 20, 2011

TRUNG QUỐC TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG (Chu Tuệ Lai)



Chu Tuệ Lai
Liên hợp Buổi sáng (Xinhgapo)  8-6-2011

Đăng bởi anhbasam on 20.06.2011

Tài liệu tham khảo đặc biệt
của
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Thứ Tư, ngày 15/06/2011


TTXVN (Hồng Công 13/6)

Trang web của tờ Liên hợp Buổi sáng (Xinhgapo) ngày 8/6 đăng bài của nhà bình luận độc lập Chu Tuệ Lai cho biết trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đang dần hình thành “sách lược hai cánh tay” và sách lược này có thể sẽ được Trung Quốc thực thi lâu dài. Dưới đây là nội dung bài viết:

Từ ngày 3 đến 5/6, Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (còn gọi là Đối thoại Shangri – La 10) đã được tổ chức tại Xinhgapo. Đối thoại Shangri-La 10 không chỉ có quy mô lớn nhất mà lần đầu tiên còn chứng kiến sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Nhiều năm lại đây, Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) đã trở thành vấn đề khó tránh được tại Đối thaọi Shangri-La và năm nay cũng không là ngoại lệ. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt nhấn mạnh Trung Quốc nỗ lực vì hoà bình và ổn định của Biển Đông cho thấy “sách lược hai cánh tay” của Trung Quốc trong vấn đề về Biển Đông đã dần được thành hình.

Hai nhân tố quyết định tính phức tạp của vấn đề Biển Đông

Tránh không để vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn là một mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của nền ngoại gioa Trung Quốc nhiều năm nay. Việc này đương nhiên là chịu ảnh hưởng của vấn đề sức mạnh quốc gia, đặc biệt là sức mạnh của hải quân và không quân chưa được như ý muốn, nhưng cũng liên quan tới chiến lược ngoại giao phát triển toàn cục của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, việc có thành công hay không trong sách lược tránh không để vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn phụ thuộc vào hai nhân tố sau.

Thứ nhất, thế lực bên ngoài, đặc biệt là Mỹ có can dự vào vấn đề Biển Đông hay không. Là siêu cường thế giới, Mỹ không những có đồng minh và các căn cứ quân sự quan trọng nhất ở khu vực Đông Á, mà còn được nhiều nước trong khu vực dựa vào để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Do đó, vấn đề Biển Đông có trở nên phức tạp hay không, thái độ và chính sách của Mỹ đóng vai trò rất quan trọng. Một khi Mỹ thay đổi thái độ duy trì hiện trạng trong vấn đề Biển Đông, trắc trở và bất ngờ sẽ nảy sinh.
Lâu nay, trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ lần lượt đặt ở châu Âu và vấn đề chống khủng bố. Tại khu vực Đông Á, Mỹ quan tâm nhiều tới các nước đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Đối với Đông Nam Á, Mỹ dường như không có thời gian để quan tâm tới khu vực này. Mãi tới năm 2010, Mỹ mới lớn tiếng tuyên bố trở lại Đông Nam Á. Trước đó, Mỹ thiên về xu hướng duy trì hiện trạng trong vấn đề Biển Đông hay nói một cách khác là Mỹ giữ lập trường “trung lập” trong vấn đề này. Và bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội vào tháng 7/2010 đã đánh dấu sự chuyển biến trong thái độ của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, từ “trung lập” sang “can dự”. Sự thay đổi về thái đọ của Mỹ đã giúp các nước như Việt Nam và Philippin nhìn thấy hy vọng, trở nên mạnh mẽ hơn trong cả lời nói lẫn hành động. Ở khía cạnh khác, sự can dự của Mỹ đã khiến phức tạp hoá trở thành xu thế lớn của vấn đề Biển Đông.

Hai là, ASEAN có đoàn kết được hay không cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn. Trong 10 nước thành viên ASEAN chỉ có 4 nước là Việt Nam, Philippin, Malaixia và Brunây đang tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Việt Nam và Philippin là hai nước chủ chốt. Đối với ASEAN, Biển Đông là vấn đề lớn ảnh hưởng tới tiến trình nhất thể hoá của tổ chức này. Hiện nay, ASEAN đang đứng trước khó khăn giữa nhất thể hoá nội bộ và xử lý quan hệ với Trung Quốc, duy trì ổn định khu vực.
Lâu nay, Trung Quốc kiên trì theo đuổi lập trường: Vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quố và ASEAN mà là vấn đề giữa các nước xung quanh Biển Đông với nhau. Vì vậy, Trung Quốc nhấn mạnh tới việc sử dụng cơ chế song phương để giải quyết vấn đề này, phản đối việc đa phương hoá và quốc tế hoá vấn đề Biển Đông. Đối với Trung Quốc, sự đoàn kết của ASEAN không chỉ đồng nghĩa với việc phải đối mặt với một sức mạnh tập thể, mà còn đặt ngoại giao xung quanh Trung Quốc trước những thách thức toàn diện.

Trung-Mỹ thừa nhận có lợi ích chung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Trước tình hình trên, Trung Quốc có thể sử dụng “sách lược hai cánh tay” để đối phó.
“Cánh tay thứ nhất” là thông qua tăng cường giao lưu hợp tác để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông trong khung nhận thức chung về việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, cùng thắng mà nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ đã đạt được. Tại cuộc Đối thoại Chiến lược An ninh Trung-Mỹ lần đầu tiên từ ngày 9 đến ngày 10/5 tại Oasinhton (Mỹ), hai bên thừa nhận có lợi ích chung trong việc duy trì hoà bình, ổn định và phồn vinh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quyết định xây dựng cơ chế hiệp thương Trung-Mỹ về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc hoan nghênh Mỹ tiếp tục phát huy vài trò tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sau đó, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Trần Bỉnh Đức đã thăm Mỹ, đề xuất việc xây dựng “quan hệ quân sự kiểu mới” với Mỹ, ở một mức độ nào đó đã giúp tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ về an ninh chiến lược.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ngày 31/5, ở Washington D.C, Trợ lý Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Kurt Campbell đã nói rằng “một trong những công việc quan trọng nhất mà Mỹ phải làm năm nay tại Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á chính là thể hiện nỗ lực hợp tác với Trung Quốc”. Tại Đối thoại Shangri-La 10, tuy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi những cam kết an ninh với các nước đồng minh châu Á-Thái Bình Dương, hơn nữa còn duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh tại châu Á, nhưng ở một mức độ rất lớn, người ta vẫn chưa thấy sự sáng rõ trong quan hệ Trung-Mỹ cũng như việc hai nước sẽ đóng vai trò gì hay Mỹ sẽ khôi phục vị thế của mình như thế nào tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương… Điều đó có nghĩa, phát biểu của Gates tại Đối thoại Shangri-La 10 đã không tách rời nền tảng hợp tác Mỹ-Trung.
Do vậy, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc và Mỹ đều phải tuân theo chiến lược toàn cục của mỗi nước. Đối với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông thuộc chủ quyền, là lợi ích cốt lõi và nước này không muốn thay đổi lập trường nhất quán là duy trì hiện trạng tự do đi lại ở Biển Đông và không thách thức vai trò lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương, nước này sẽ không đối kháng với Trung Quốc, đó là chưa nói đến việc vấn đề Biển Đông ở một ý nghĩa nào đó, chỉ là công cụ của Mỹ.

“Cánh tay thứ hai” là tiếp tục ngăn chặn sự đoàn kết của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, kiểm soát vấn đề Biển Đông trong phạm vi song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan. Sách lược này được cấu thành bởi hai bộ phận.
Thứ nhất, cũng là bộ phận quan trọng nhất, là lợi dụng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng để tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Ở mức độ nào đó, sự phát triển kinh tế của ASEAN không thể tách rời khỏi Trung Quốc. Từ khi Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc – ASEAN khởi động tới nay, thương mại song phương phát triển mạnh mẽ hơn. Từ tháng 1 đến tháng 4/2011, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt 110 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2010. Với tốc độ phát triển này, kim ngạch thương mại song phương năm 2011 có hy vọng vượt qua mốc 300 tỉ USD. Lợi ích thương mại lớn như vậy sẽ là nguyên nhân chính khiến ASEAN khó có được sự đoàn kết trong vấn đề Biển Đông và gây khó dễ cho Trung Quốc. Một nhà ngoại giao Thái Lan từng nói: “Vấn đề chủ quyền Biển Đông là chủ đề song phương, không nên làm nó trở thành vấn đề của toàn bộ ASEAN”.
Thứ hai là nhấn mạnh tới việc Trung Quốc quyết tâm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình và nỗ lực vì sự hợp tác của khu vực. Từ lâu, khu vực ASEAN đã tồn tại kết cấu chiến lược: dựa vào Trung Quốc về mặt kinh tế, dựa vào Mỹ về an ninh, làm hạn chế những nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh với ASEAN thông qua hợp tác kinh tế của Trung Quốc. Do vậy, tại Đối thoại Shangri-La 10, ông Lương Quang Liệt đã có bài phát biểu với chủ đề “hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc”, gửi đi thông điệp rằng quân đội Trung Quốc nỗ lực tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác an ninh khu vực, coi trọng việc bảo vệ và tăng cường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuyên bố của ông Lương Quang Liệt khẳng định sữ hỗ trợ việc làm dịu bớt những lo ngại về sự lớn mạnh của quân lực Trung Quốc.
Cùng với sự lớn mạnh của lực lượng hải quân và không quân Việt Nam cũng như tình cảm dân chúng lên cao, các biện pháp đối phó của Trung Quốc (trong vấn đề Biển Đông) chắc chắn sẽ ngày một cứng rắn. Nhưng xuất phát từ nhu cầu phát triển toàn cục của đất nước cũng như sự ổn định của khu vực, “sách lược hai cánh tay” mềm dẻo của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục được thựchiện trong thời gian dài, trừ phi không gian hoà bình bị triệt tiêu.

***

TTXVN Bắc Kinh 12/6)

Tờ “Quốc tế tiên khu đạo báo”, ấn phẩm của Tân Hoa xã số ra ngày 10-16/6 có bài tổng hợp dài hơn một trang, với hàng tít nổi bật ngay trên trang nhất “Đông Nam Á trở thành vũ dài ra đòn giữa Trung Quốc và Mỹ”, tên tác giả được ghi là Bình luận viên thời sự Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng, thể hiện thực trạng quan hệ Mỹ-Việt Nam cũng như quan hệ Mỹ-Việt Nam-Trung Quốc trong bối cảnh đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như hiện nay và đối sách của Trung Quốc cần phải được xác định trong thời gian tới. Bài báo cho rằng “bối cảnh lớn” về sự “tan băng” trong giao lưu quân sự Trung -Mỹ tuy khiến bộ trưởng quốc phòng hai nước bề ngoài trao đổi rất vui vẻ nhưng sự thay đổi về “môi trường nhỏ” lại khiến Trung Quốc có cảm giác trước sau đều có địch.
Bài báo cho biết do Mỹ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, cộng thêm sự kiện tàu Cheonan ở bán đảo Triều Tiên khiến cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Phó Tổng tham mưu trưởng PLA công khai chỉ trích lẫn nhau, đưa đến bầu không khi của Đối thoại Shangri-La năm ngoái căng thẳng, tình hình an ninh khu vực trở nên nhạy cảm và phức tạp, cơ chế an ninh song phương và đa phương mong manh. Trước Đối thoại Shangri-La lần này, bầu không khí của diễn đàn cũng căng thẳng không kém, nhưng sau chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu năm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates và sau chuyến thăm Mỹ của đoàn đại biểu cấp cao PLA do Tổng tham mưu trưởng Trần Bỉnh Đức dẫn đầu từ ngày 15-22/5, quan hệ quân sự Trung-Mỹ đã ấm trở lại. Bộ trưởng R. Gates nói Mỹ không có ý đồ gây trở ngại cho ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày một tăng lên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell cũng nói một trong những việc quan trọng nhất của Mỹ trong năm nay là phải ra sức hợp tác với Trung Quốc ở Đông Nam Á. Viên Bằng, Trưởng phòng Nghiên cứu nước Mỹ thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc nói, những lời nói như vậy đã xác định dòng suy nghĩ xuyên suốt cho Đối thoại Shangri-La lần này.
Tuy nhiên, khác với báo chí dự đoán, trong diễn đàn Đối thoại, R. Gates đã không bàn nhiều về quan hệ Mỹ-Trung mà tập trung nhấn mạnh nhiều hơn tới sự có mặt quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mặc dù kinh tế không sáng sủa, ngân sách quốc phòng bị cắt giảm nhưng Mỹ vẫn kiên quyết thực hiện cam kết đảm bảo an ninh với các đồng minh ở khu vực này, trong đó Gates đặc biệt nhấn mạnh đến an ninh biển.
Theo cách sắp xếp truyền thống của Đối thoại Shangri-La, mỗi lần đối thoại đều có một chủ đề liên quan đến “an ninh biển”. Chủ đề năm nay tuy vẫn không ngoại lệ nhưng đọc lên lại có cảm giác “nhức mắt” là “phản ứng trước mối đe doạ an ninh biển”, dễ khiến người ta liên hệ đến những tranh chấp chủ quyền lãnh hải liên tục xảy ra tại biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) thời gian gần đây. Về phương diện này, có thể nước chủ nhà đã cố ý tạo cho Đối thoại diễn ra không suôn sẻ thông qua việc đảo trình tự sắp xếp mang “tính sách lược”. Trước đây Mỹ và Trung Quốc lần lượt phát, đầu tiên là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ… Nhưng năm nay phát biểu của hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã tách ra cách nhau hai ngày. Liền ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Lương Quang Liệt ngày 5/6 là phát biểu của Bộ trưởng các nước Malaixia, Việt Nam và Philippin. Quan sát tinh ý sẽ thấy ba nước nói trên đều là những nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc, nhất là Việt Nam.
Một sĩ quan cao cấp PLA tham gia phái đoàn đối thoại Trung Quốc nói “trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam quả thực không đủ tư cách là bạn”. Có thể do được một vài nước lớn nào đó ủng hộ, trong thời gian “Đối thoại Shangri-La” Việt Nam đã lợi dụng hai bình diện để công khai chỉ trích Trung Quốc. Trong khi phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đóng vai quan “mặt đỏ”, vừa lớn tiếng nói đến tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh khu vực Biển Đông, vừa cao giọng cho thấy muốn cùng với nước hữu quan đối thoại để giải quyết vấn đề, nhưng mặt khác lại hưởng ứng theo Mỹ nhấn mạnh tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và Luật biển quốc gia, tất cả mọi tranh chấp phải được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Đồng thời, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh lại tổ chức họp báo, đóng vai quan “mặt đen” chỉ trích Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, rằng hành động của tàu hải giám Trung Quốc là “hành vi bạo lực”, “cơ quan chấp pháp biển của Việt Nam sẽ căn cứ theo luật biển quốc tế và luật ở trong nước để thi hành pháp luật trên biển” v.v…
Trong những phân tích ở phía sau đối với Việt Nam, thái độ của Mỹ vẫn được cho là không thể coi thường. Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Willard khi trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc đã cho biết rõ rằng “quan hệ giữa chúng tôi với quân đội Việt nam đã có thay đổi, chúng tôi muốn giữ xu thế này. Điều quan trọng nhất là quân đội hai nước chúng tôi hiểu nhau, trao đổi tình báo và từ đó mở rộng ra đến những tiêu chuẩn giá trị mà chúng tôi có thể chia sẻ để đảm bảo an ninh cho khu vực Biển Nam Trung Hoa”. Gates lại càng nói thẳng không hề giấu diếm: “Mỹ và Việt Nam cố gắng mạnh mẽ để xây dựng mối quan hệ song phương vững chắc và đầy sức sống. Mỹ cùng với Việt Nam đã thể hiện ra rằng sẽ xây dựng mối quan hệ sao cho không lặp lại lịch sử. Hôm nay lời cam kết mà dường như đã vượt qua được những trở ngại tưởng như không thể vượt qua đang định hướng cho chúng tôi xây dựng quan hệ đối tác bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, an ninh và quốc phòng”. Rõ ràng trong vấn đề Biển Đông, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các nước liên quan vẫn phức tạp và nhạy cảm hơn do sự can dự tích cực của Mỹ.
Báo Mainichi Shimbun của Nhật Bản ngày 4/6 cho hay bởi lo ngại Trung Quốc về mặt chiến lược nên Chính quyền Obama đã phải nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên “một tầm cao mới”. Báo dẫn kết quả một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ cho thấy, để ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, Chính quyền Obama chuẩn bị để Việt Nam, nước láng giềng với Trung Quốc phát huy vai trò quân sự lớn hơn. Trước mắt, Mỹ đang mở rộng viện trợ quân sự cho Việt Nam và Philippin. Có thể nhận thấy ý đồ của Mỹ là muốn phát triển những nước này thành “đê chắn sóng Trung Quốc”. Tình hình nói trên đang báo trước một cuộc chạy đua vũ khí xung quanh hải dương có nguy cơ leo thang.
Thái độ bề ngoài “lui về tuyến sau để đứng vị trí thứ yếu” trong vấn đề điểm nóng Nam Hải (Biển Đông) lần này của Mỹ là rất đáng suy nghĩ. Trong vấn đề Biển Đông, tuy Mỹ vẫn giữ giọng điệu cũ nhưng muốn vấn đề Biển Đông được giải quyết thông qua cơ chế đa phương, đồng thời kiên trì “quyền tự do hàng hải”.
Trong bối cảnh nói trên, quan hệ quân sự Mỹ-Trung và vấn đề Biển Đông có mối liên hệ tế nhị. Trong quá trình lúc tiến lúc lùi của quan hệ quân sự không có nghĩa là quan hệ đã ổn định và hoàn hảo, Biển Đông không phải là vấn đề có thể giải quyết một lần nhưng nếu không có sự tiếp xúc giữa hai quân đội Trung-Mỹ thì vấn đề nhạy cảm này sẽ dễ đi đến chỗ mất kiểm soát.
Học giả trong nước Trung Quốc hiện nay cho rằng thái độ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông hiện nay là lạnh lùng và kiềm chế. Có chuyên gai kiến nghị quân đội Trung Quốc cần phải tạm thời áp dụng sách lược phớt lờ, không va chạm trong điều kiện đối phó bình tĩnh, từ đó sẽ lấy tĩnh khắc chế động.
Một số đài truyền hình địa phương Trung Quốc như Đài truyền hình vệ tinh tỉnh Vân Nam tối 9/6 đã phát chương trình toạ đàm sôi nổi giữa các học giả xung quanh vấn đề Biển Đông hiện nay, cho rằng Trung Quốc tuyệt đối không được nhân nhượng. Có tin cho biết Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng Hồng Công cũng đang tổ chức chương trình bình luận xung quanh chủ đề này.

***

Trên mục Diễn đàn quân sự của Mạng Sina ngày 7/6/2011 có bài của Thượng uý Hồ Tử Lý thể hiện quan điểm của mình về vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay, nội dung như sau:

Nhiều phen va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam gần đây về vấn đề Biển Đông không chỉ làm tăng thêm biến số cho quan hệ hai nước, mà còn làm tăng bầu không khí căng thẳng trong khu vực. Tình hình một lần nữa nhắc nhở mọi người rằng nếu bên liên quan không xử lý thoả đáng thì vấn đề Biển Đông sẽ trở thành nhân tố tiêu cực ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định khu vực rõ nét nhất. Điều đặc biệt đáng chú ý là biểu hiện của Việt Nam lần này tỏ ra cứng rắn khác thường.
Ngày 29/5 tại buổi họp báo cuối tuần hiếm thấy, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết “hải quân Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Lời lẽ như vậy không những tỏ thái độ cứng rắn nhất từ trước đến nay, mà rõ ràng cũng đã phá vỡ giới hạn cần có trong vấn đề này.
Để làm rõ ngọn nguồn, cần phải trở lại cả quá trình của sự việc. Cách nói của Trung Quốc và Việt Nam tuy có phần khác nhau nhưng qua lời lẽ của hai bên vẫn có thể thấy được nội dụng khái quát của câu chuyện: Sáng sớm ngày 26/5 tàu chấp pháp của hải giám Trung Quốc tuần tra thường lệ trong vùng biển Nam Hải (Biển Đông), phát hiện tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam đang tác nghiệp ở đó, phía Trung Quốc lập tức yêu cầu Việt Nam dừng hành động “xâm phạm chủ quyền” nhưng tàu Việt Nam từ chối. Tàu Trung Quốc lập tức áp dụng biện pháp cưỡng chế, đã cắt đứt cáp quang của tàu thăm dò Việt Nam.
Hôm sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc bồi thường mọi thiệt hại. Hôm sau nữa tại buổi họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả, phê phán Việt Nam “thăm dò dầu khí ở vùng biển do Trung Quốc quản lý, gây tổn hại đến quyền và lợi ích của Trung Quốc”, đồng thời cho biết hành động mà ngành chủ quản Trung Quốc áp dụng hoàn toàn là giám sát chấp pháp biển bình thường. Vậy là, ngày 29/5 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thể hiện thái độ qua cách nói “hải quân Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Khách quan mà nói, Trung Quốc và Việt Nam tồn tại tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Nam Hải là một sự thực. Chúng ta cũng không có ý định mất nhiều lời ở đây, vì đó là vấn đề hết sức phức tạp, không ai thuyết phục được ai. Điều chúng ta muốn chỉ ra là sau khi hai bên xảy ra sự việc, vấn đề cần phải được giải quyết bằng thái độ như thế nào? Dàn xếp nhượng bộ cho êm ả, thông qua đối thoại hiệp thương để giải quyết, hay làm cho sự việc leo thang mất kiểm soát, thậm chí phải dùng đến cả biện pháp quân sự? Đáp an ở đây rất rõ ràng. Trong “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải” (Biển Đông) đã quy định rõ “các bên không dùng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp Nam Hải” (Biển Đông). Lần này Việt Nam đã tỏ rõ lá bài “hải quân”, quả thực cũng khiến mọi người ngạc nhiên.
Kỳ thực, nếu phải so sánh lực lượng hải quân Việt Nam về cơ bản không ở cùng một cấp độ, cùng một bình diện với Trung Quốc. Sở dĩ Trung Quốc không dễ dàng nói đến việc sử dụng vũ lực, cũng không phải không tự tin mà vì như vậy không phù hợp với ý tưởng ngoại giao và quốc phòng của chính mình, cũng không muốn kẻ khác mượn cớ làm cho dư luận bên ngoài sôi lên “thuyết về mối đe doạ từ Trung Quốc”, lại càng không muốn vì thế mà ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định khu vực, gây tổn hại cho môi trường bên ngoài để tập trung xây dựng kinh tế ở trong nước. Nhưng như vậy hiển nhiên cũng không thể trở thành lý do để Việt Nam dễ dàng nói đến vũ lực. Việt Nam cần biết rõ rằng ngay từ thời kỳ đầu mới xây dựng chính quyền, Trung Quốc đã dám đương đầu với Mỹ trên chiến trường Triều Tiên thì sao có thể khuất phục trước sự hù doạ vũ lực của một quốc gia có lực lượng quân sự hạng ba?
Nguyên nhân Việt Nam lần này cứng rắn khác thường cũng trở thành điểm nóng để dư luận thế giới quan tâm. Tạp chí “Chiến lược quốc gia” của Mỹ cho rằng mấu chốt trong vấn đề Biển Đông là Mỹ khẳng định sẽ ngăn Trung Quốc dừng lại ở chuỗi đảo thứ nhất, nếu không được như vậy cũng phải dừng lại ở chuỗi đảo thứ hai. Dựa vào tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Mỹ thực thi chiến lược này sẽ có thể bỏ một được mười. Xuất phát từ yếu tố này mà Mỹ gần đây đã mở rộng mức độ can thiệp vào vấn đề Biển Đông, lời lẽ đã rõ từ Diễn đàn khu vực ASEAN năm ngoái khi Ngoại trưởng H. Clinton công khai tỏ rõ thái độ, nói rằng vấn đề Nam Hải liên quan đến lợi ích của Mỹ, Mỹ có trách nhiệm cùng với nước hữu quan giải quyết vấn đề này.
Ngày 14/3 năm nay Ngoại trưởng H. Clinton trao đổi qua điện thoại với quan chức Philippin nói rõ tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế xung quanh các quần đảo ở Biển Đông là hết sức quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ. Micheal Green, cựu quan chức phụ trách khu vực châu Á thuộc Uỷ ban an ninh quốc gia Mỹ cho rằng tuyên bố như vậy làm cho một số nước Đông nam Á “hơi cảm thấy tự tin”. Rõ ràng, thái độ của Mỹ đã khiến một số nước có tâm lý cáo mượn oai hùm tìm được chỗ dựa.
Tuy nhiên, những nước này cần sáng suốt nhận thấy rằng Mỹ tuy có nhảy vào cuộc xung đột lợi ích trong các công việc ở Biển Đông nhưng nếu sự vệic gần đến điểm giới hạn, nước Mỹ khi đó liệu có đủ ý chí làm được như vậy hay không? Trong cuộc chiến ở một nước nhỏ như Libi, Mỹ đều chủ động lùi về tuyến hai, vậy Mỹ sẽ dám đương đầu vũ lực với Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng cách nào? Tờ “The Huffington Post” phân tích rằng sau mấy chục năm Mỹ rút khỏi chiến trường Việt Nam, nay Việt Nam một lần nữa lại muốn sử dụng Mỹ để cân bằng với Bắc Kinh, vậy 58 nghìn người Mỹ cuối cùng vì sao lại thiệt mạng? Lịch sử như vậy tin rằng Việt Nam không thể không biết rõ.
Trên thực tế, các bên đều không nên có ý tưởng đầy tranh chấp Biển Đông đến chỗ phải dùng biện pháp quân sự để giải quyết, vì như vậy đối với ai cũng đều lợi ít hại nhiều. Vì thế từ nhiều năm nay Trung Quốc luôn áp dụng thái độ ôn hoà và nhân nhượng thận trọng. Hành động vượt quá quỹ đạo của nước hữu quan cũng cần phải được kiềm chế hết sức mình. Văn kiện có tên “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc” do Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc xuất bản năm 2007 đã nói rõ nước hữu quan đã khoan hơn 1.000 giếng dầu trong phạm vi “đường biên giới đứt đoạn” của Trung Quốc, mỗi năm khai thác trên 50 triệu tấn dầu khí. Hãng tin “United Press International-UPI” của Mỹ cho rằng tại vùng Biển Đông được gọi là “Vùng Vịnh Pécxích thứ hai”, Việt Nam, Philippin, Malaixia, Inđônêxia và Brunây là các nước luôn chiếm địa vị chủ đạo về khai thác dầu khí nhưng Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn các hành động nói trên. Tuy thế các nước hữu quan tuyệt đối không thể xem việc Trung Quốc nhìn nhận đại cục một biểu hiện yếu mềm có thể lừa gạt mà phải thấy được rằng Trung Quốc không muốn làm to chuyện nhưng cũng không sợ ai mượn dịp để làm to chuyện, lại càng không sợ đe doạ vũ lực./.
.
.
.

No comments: