Saturday, June 18, 2011

TRUNG QUỐC SỬ DỤNG VŨ LỰC ĐỂ HỖ TRỢ NHỮNG ĐÒI HỎI VÔ LÝ Ở BIỂN ĐÔNG (theo ABC)



Mỹ Loan (theo ABC)
Thứ bảy, 18/6/2011 7:04 GMT+7
 (Tamnhin.net) - Thiếu cơ sở pháp lý, nhưng Trung Quốc vẫn cứ muốn dùng sức mạnh quân sự của mình để duy trì "đường lưỡi bò" trên thực tiễn.

Đường "lưỡi bò" cực kỳ phi lý

Nhận định này được Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu các tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời là thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông kiêm cố vấn học thuật của Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông ABC, Australia.

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, những hành động của Trung Quốc gây căng thẳng trên biển Đông vừa rồi không phải là ngẩu nhiên mà nằm trong một chuỗi hành động được tính toán từ rất lâu của họ. Với tham vọng vươn ra đại dương, Trung Quốc đã hình dung ra hai chuỗi đảo chính, trong đó biển Đông nằm trong chuỗi đảo số 1, như là cửa ngõ để Trung Quốc có thể vươn ra chuỗi đảo số 2, dần dần thống trị Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Để độc chiếm biển Đông, họ đưa ra ‘đường lưỡi bò’, công khai chính thức ra ngoài từ năm 2009 và nhanh chóng bị hầu hết các nước trong khu vực biển Đông phản đối, chỉ ra sự vô lý của nó. Thiếu cơ sở pháp lý, nhưng Trung Quốc vẫn cứ muốn dùng sức mạnh quân sự của mình để duy trì ‘đường lưỡi bò’ trên thực tiễn ".

“Mới đây, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đến hai nước Indonesia và Philippines, không rõ là các bên có trao đổi gì không, nhưng hành động của Trung Quốc bắt đầu cứng rắn hơn rất nhiều. Năm 1992, Trung Quốc từng cấp phép cho một công ty của Mỹ khai thác dầu ở bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, nhưng phải rút khi Việt Nam phản đối mạnh. Thì đến bây giờ, vụ tàu Bình Minh cũng gần giống như thế, vì nơi tàu bị cắt cáp cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, mà theo công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì Việt Nam có toàn quyền khảo sát, thăm dò, khai thác các tài nguyên".

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng, Việt Nam cần cẩn trọng là Trung Quốc, sau những hành động xâm lấn, có thể đưa ra cái bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Thế nhưng lại cùng khai thác ở ngay trong thềm lục địa, trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà hiển nhiên mình phải có toàn quyền khai thác. Đặc biệt là hiện tại Việt Nam và Trung Quốc lại đang đàm phán ở cấp thứ trưởng ngoại giao về nguyên tắc giải quyết chung trong tranh chấp trên biển. Tôi nghĩ các hành động hung hăng của Trung Quốc có lẽ sẽ còn tiếp diễn rất nhiều, đây mới chỉ là khúc dạo đầu thôi".

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, phản ứng của nhà nước Việt Nam rất kịp thời và cũng thẳng thắn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga còn tuyên bố hải quân Việt Nam sẽ làm mọi thứ để bảo vệ chủ quyền. Điều này tôi rất đồng ý, chúng ta không muốn sử dụng biện pháp chiến tranh nhưng chúng ta phải bằng mọi cách bảo vệ cái gì thuộc về của chúng ta. Chúng ta nên nhận thức rằng hành động của Trung Quốc là nằm trong một chuỗi tính toán như thế và cần chủ động hơn trong cách đối phó".

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng, đã đến lúc không thể không phản ứng được. Nếu không lên tiếng thì mọi chuyện sẽ trôi qua, sẽ thành tiền lệ, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới nữa. Khi sự xâm phạm của Trung Quốc ở mức nghiêm trọng như vậy thì buộc phía Việt Nam phải có phản ứng mạnh.

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, các nước ASEAN mà cùng lên tiếng mạnh thì có lẽ thái độ của Trung Quốc cũng sẽ thay đổi. Nếu cứ để diễn biến thế này, Trung Quốc vấn cố tình tiếp tục như thế và Việt Nam bằng mọi giá bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình thì tương lai về một cuộc xung đột quân sự là điều khó tránh. Mà chiến tranh thì chẳng bên nào có lợi, kể cả Trung Quốc".

“Đồng thời, một điều rất quan trọng bây giờ là Việt Nam phải nhanh chóng ban hành luật biển, phải luật hóa, quy định rõ những vùng biển nào của ta và cách hành xử để khi bị xâm phạm thì lực lượng cảnh sát biển sẽ dễ xử lý. Luật biển Việt Nam soạn thảo đến 13 năm nay vẫn chưa đưa ra Quốc hội để thông qua, trong khi các quốc gia khác xung quanh đã có cả rồi".

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng, đưa ra tòa quốc tế lúc này là không được. Để đưa sự việc ra các tòa như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật biển và Tòa án Trọng tài Quốc tế đều phải có sự chấp nhận của các bên tranh chấp, tức hai quốc gia phải đồng ý đưa ra tòa thì mới có thể giải quyết. Mà đương nhiên là Trung Quốc không chấp nhận, và như vậy tòa không đủ thẩm quyền để giải quyết. Còn chuyện đơn phương đưa ra tòa quốc tế giải quyết thì phải với điều kiện là các bên trong tranh chấp trước đó phải có tuyên bố đơn phương chấp nhận thẩm quyền của tòa. Tuy nhiên,vào năm 2006 Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố khước từ. Như vậy, khả năng đưa ra tòa quốc tế rất thấp. Theo tôi, chúng ta vẫn có thể đưa ra các khả năng như thế để tham khảo. Ít ra nó cũng sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế và thể hiện thái độ, sự phản ứng tới cùng của ta".

Mỹ Loan (theo ABC)
----------------------------------

Minh Bích (theo đài báo nước ngoài)
Thứ bảy, 18/6/2011 14:11 GMT+7
(Tamnhin.net) – Trung Quốc gia tăng các hoạt động hải giám, tập trận và tăng cường hải quân trong lúc căng thẳng ở Biển Đông lên cao.

Trung Quốc phô diễn sức mạnh

Tờ China Daily ngày 17/6 dẫn lời một quan chức cao cấp không nêu danh tính cho biết các lực lượng thuộc Cục Đại dương (Trung Quốc) sẽ được trang bị 16 máy bay và 350 tàu thủy vào kỳ cuối của kế hoạch năm năm vốn kết thúc vào năm 2015. Theo tờ báo, lực lượng hải giám Trung Quốc sẽ có hơn 15.000 nhân viên và 520 tàu đến năm 2020.

Đây được cho là một động thái có khả năng làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng vốn có tuyên bố về chủ quyền ở các khu vực biển đảo tranh chấp, được cho là có những trữ lượng lớn về dầu khí, hải sản và giá trị thông thương hàng hải.

Cùng ngày, hãng tin Reuters cho rằng việc mở rộng quy mô và hoạt động của lực lượng Hải Giám Trung Quốc (CMS), một cơ quan bán quân sự có nhiệm vụ "thực thi pháp luật" khi tiến hành tuần tra vùng lãnh hải, đã được công bố hai ngày sau khi Bắc Kinh điều động tàu hải giám lớn nhất đến Biển Đông. Căng thẳng ở Biển Đông đã gia tăng trong tháng vừa qua khi xuất hiện các mối quan ngại rằng Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán, mạnh tay hơn trong các khu vực biển đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp với các quốc gia vốn cũng tuyên bố chủ quyền khác là Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Hãng tin AP trích nguồn của báo chí nhà nước Trung Quốc ngày 17/6 cho biết Trung Quốc đã tiến hành tập trận tại Biển Đông 3 ngày. Các cuộc tập trận này có sự tham gia của tổng cộng 14 tàu tuần tra, tàu đổ bộ, thuyền săn tàu ngầm, cùng với hai phi cơ quân sự.

Truyền thông Trung Quốc cho hay các cuộc tập trận nói trên nhắm vào các tác nghiệp chống tàu ngầm, "bổ sung các khả năng quốc phòng hải đảo" nhằm "đối phó tốt hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng bất ngờ nào" trong tương lai.

Theo tin của “Thời báo Hoàn cầu” , 14 chiếc tàu của Trung Quốc gần đây đã thực hiện những cuộc tập trận trong vùng biển gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, kể cả những hoạt động diễn tập chống tàu ngầm và đổ bộ vào bờ biển. Bản tin của báo này nói thêm rằng cuộc tập trận ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) nhắm tới mục tiêu mà Trung Quốc gọi là “phòng ngự các hòn đảo và bảo vệ các tuyến hàng hải.”

Hãng tin AP cũng trích thuật bản tin của tờ “Trung Quốc Nhật báo” nói rằng cuộc tập trận này bao gồm hoạt động săn tàu ngầm và tăng cường khả năng phòng vệ đảo để có thể ứng phó tốt hơn trong trường hợp xảy ra những vụ khủng hoảng bất ngờ trong tương lai. Tờ “Trung Quốc Nhật báo” không cho biết thời gian và địa điểm của cuộc diễn tập, nhưng những hình ảnh đăng kèm bài báo cho thấy những hoạt động thao dượt đó có thể đã diễn ra gần quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Việt Nam đều có binh sĩ đồn trú.

Trong khi đó, tờ “Giải Phóng quân” của quân đội Trung Quốc loan tin về một cuộc tập trận ngày 6/6/2011, trong đó nhiều thiết bị đổ bộ (chắc là xe thiết giáp) đã từ các chiến hạm tiến lên một hòn đảo ở Biển Đông.

Các động thái của Trung Quốc, đặc biệt với việc nhiều báo chí chính thức của nhà nước đồng loạt đưa tin tập trận và tăng cường lực lượng tuần duyên... là tín hiệu chứng tỏ Trung Quốc tiếp tục tuyên bố và thực thi tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đang tranh chấp tại Biển Đông.

Philippines điều tàu chiến ra Biển Đông

Truyền thông Philippines đưa tin nước này sẽ điều chiếc tàu chiến lớn nhất ra tuần tra quanh bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Tin này được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc loan báo về việc phái tàu Hải Tuần 31 - tuần tra lớn nhất của Trung Quốc - tới Singapore, với hải trình đi qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp.

Tàu tuần tra biển Hải Tuần 31 thuộc Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông (Trung Quốc) đã rời đất liền hôm 15/6. Để tới Singapore tàu này sẽ đi qua Hoàng Sa và Trường Sa.

Tờ Philippine Star ngày 17/6 dẫn nguồn hải quân cho hay tàu chiến BRP Rajah Humabon sẽ được phái tới làm công việc tuần tra quanh bãi Scarborough do Philippines chiếm giữ ở vùng biển mà nay nước này gọi là Biển Tây Philippines. Việc đổi tên sang Biển Tây Philippine vừa mới được Tổng thống Benigno Aquino III quyết định hôm 13/6/2011 như một biện pháp khẳng định chủ quyền.


Với việc khu trục hạm chống tàu ngầm BRP Rajah Humabon trọng lượng 1.400 tấn - tàu chiến hàng đầu của hải quân Philippines - được điều tới Biển Đông sau tàu Hải Tuần 31, tranh chấp hàng hải trong khu vực có nguy cơ tiếp tục leo thang.
http://www.tamnhin.net/Uploaded/minhbichluyen/Images/n%C4%83m%202011/0611/1906/BRP%20Rajah%20Humabon.jpg

Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexander Pama, khẳng định hải quân nước này "sẽ không có hành động khiêu khích nào ở Biển Tây Philippine". Ông nói lực lượng hải quân sẽ chỉ thực hiện công việc tự vệ trong vùng biển chủ quyền của Philippines: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ quy tắc đề cao đối thoại và nếu như có nổ súng trong các bên tranh chấp ở Trường Sa thì phát súng đầu tiên chắc chắn sẽ không phải từ phía chúng tôi. Chúng tôi không bắn trước, nhưng sẽ có hành động tự vệ. Chúng tôi không thể thoái lui hay đứng nhìn nước ngoài bắn vào mình."

Chỉ huy trưởng tàu chiến Humabon, Celestino Abalayan, nói:" Chúng tôi sẽ theo dõi để phát hiện các đe dọa an ninh trong khu vực, cũng như những kẻ... vi phạm chủ quyền của Philippines". Ông Abalayan nói hoạt động của chiếc tàu không liên quan gì tới tranh chấp quanh quần đảo Trường Sa và rằng đây chỉ là hoạt động thường kỳ.

Bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal) - nằm cách Vịnh Subic 198km về phía Tây và rộng chừng 150 cây số vuông - không thuộc Trường Sa và hiện do Philippines chiếm giữ, nhưng Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn này.

Cùng ngày 17/6, nhật báo Jakarta Post của Indonesia có bài xã luận mạnh mẽ kêu gọi lãnh đạo nước này hãy làm tất cả để đưa các bên tranh chấp tại vùng biển Đông Nam Á nói chuyện lại với nhau.

Jakarta Post nói ở cương vị nước chủ tịch luân phiên năm nay của ASEAN, và có uy tín ngoại giao quốc tế, Indonesia cần giúp giải tỏa bất đồng quanh vùng biển mà "căng thẳng đang thành điểm nóng có nguy cơ dẫn tới chiến tranh". Ngoài tranh chấp lãnh thổ và nguồn lợi thiên nhiên, bài báo cho rằng "sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc cũng là một yếu tố nữa" khiến các quốc gia không sớm thì muộn "cũng đối mặt nhau".

Minh Bích (theo đài báo nước ngoài)

.
.
.

No comments: