Thursday, June 23, 2011

TRUNG QUỐC QUYẾT TÂM ÁP DỤNG HỌC THUYẾT MONROE Ở ĐÔNG NAM Á (Michael Richardson)



Tác giả: MICHAEL RICHARDSON
Bài đã được xuất bản.: 23/06/2011 05:00 GMT+7

Khi sức mạnh của Trung Quốc trở nên ngày một rõ rệt hơn, đặc biệt đối với các nước láng giềng châu Á, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang ngày càng khó cân bằng giữa những ngôn từ hòa dịu với những hành động quyết đoán. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt mới đây muốn trấn an các nước Đông Nam Á và các nước khác coi biển Đông là một tuyến đường huyết mạch về kinh tế và an ninh, cho thấy độ đáng tin cậy của Trung Quốc đã trở nên mập mờ như thế nào.

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Tướng Lương Quang Liệt nhắc lại "câu thần chú" của các quan chức Trung Quốc từ cấp cao nhất là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trở xuống: rằng chính sách an ninh của Trung Quốc "thuần túy mang tính phòng thủ"; rằng Trung Quốc sẽ "không bao giờ tìm cách bá chủ hay bành trướng quân sự"; và "cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông".

Trong bài phát biểu trước các chuyên gia quốc phòng quốc tế, Tướng Lương không nhắc tới tuyên bố đòi chủ quyền từ lâu của Trung Quốc đối với tất cả các nhóm đảo chính ở biển Đông và đòi quyền tài phán đối với các vùng nước lân cận, vùng đánh cá và nguồn tài nguyên dưới lòng biển, trong đó có dầu mỏ và khí tự nhiên. Đòi hỏi của Trung Quốc chồng lấn với đòi hỏi của Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, bao trùm khoảng 80% biển Đông, rộng 3,35 triệu km vuông, kéo dài từ Singapore tới Đài Loan.

Tuy nhiên, theo một tuyên bố chính thức của Trung Quốc, không có sự tương phản giữa các cam kết và chính sách của họ. Họ cho rằng vì biển Đông là phần "không thể tranh cãi" của lãnh thổ toàn vẹn và thống nhất quốc gia Trung Quốc, nên việc bảo vệ vùng biển này bằng mọi cách, kể cả sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chỉ là để "phòng thủ".

Sau tuyên bố của Tướng Lương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Philippines đã đặt lại vấn đề các cam kết của Trung Quốc hướng tới một giải pháp hòa bình về việc ai sẽ kiểm soát "trái tim biển" của Đông Nam Á. Tướng Phùng Quang Thanh cảnh báo không nên tái diễn sự việc ngày 26/5, khi một tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của một tàu thăm dò dầu khí trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 220km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 630km. Nhưng tuần trước, Việt Nam cho biết một tàu thăm dò dầu khí khác của mình đã bị một tàu cá Trung Quốc cố ý chặn lại ngay trong vùng EEZ của Việt Nam, cách đảo Hải Nam hơn 1.000km.


Tại Manila, Đại sứ Trung Quốc Lưu Kiến Siêu cảnh báo các nước khác cũng đòi chủ quyền trên biển Đông nên ngừng hoạt động thăm dò dầu khí tại các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền khi chưa được Trung Quốc cho phép.

Nếu những gì Philippines lo ngại là đúng, liên quan đến việc các tàu của Trung Quốc thả vật liệu xây dựng và phao cứu sinh trên bãi đá không có người sinh sống Amy Douglas thuộc quần đảo Trường Sa trong các ngày 21-24/3, tức là vào đúng thời điểm Tướng Lương đang ở Manila thảo luận về cách thức hóa giải căng thẳng, thì đây sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông, mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002.

Trung Quốc từ chối pháp điển hóa tuyên bố trên. Nhưng Việt Nam cũng như Philippines, Malaysia và Brunei, đều tỏ ra quyết tâm và không khoan nhượng trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Ngày 9/6 vừa qua, khi các tin tặc từ Việt Nam và Trung Quốc phát động chiến dịch chống lại nhau, tấn công hàng trăm trang web trong đó có cả các trang web của chính phủ, trong bối cảnh sự giận dữ đang tăng cao liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lần đầu tiên "đăng đàn" công khai.

Ông nói chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quần đảo Trường Sa là không thể tranh cãi, và Việt Nam sẽ bảo vệ chủ quyền của mình bằng vũ lực. Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Malaysia cũng đang đòi chủ quyền đối với một số đảo trong quần đảo này.

Việt Nam và Philippines đang xúc tiến khai thác dầu mỏ tại các vùng biển đang tranh chấp với Trung Quốc. Trung Quốc thì tìm mọi cách ngăn chặn các hoạt động này. Giới chức Trung Quốc cho biết giữa năm 2010, 180 mỏ dầu và khí đốt và hơn 200 giếng dầu có triển vọng đã được phát hiện dưới lòng biển Đông. Họ cho biết thiệt hại đối với Trung Quốc tương đương 20 triệu tấn dầu mỗi năm, khoảng 40% tổng sản lượng dầu ở ngoài khơi của nước này.
Nhưng cuộc tranh giành quyền kiểm soát biển Đông không chỉ liên quan đến chủ quyền quốc gia và các nguồn tài nguyên có thể đang nằm trong lòng đất dưới đáy biển. Cuộc chiến này còn mang một chiều kích chiến lược. Trong một bài viết trên tờ China Daily gần đây, giáo sư chính trị Gong Jianhua, thuộc Đại học Đại dương Quảng Đông, đã giải thích tại sao.

Ông viết: "Chỉ cần một số lượng nhỏ các đảo đang tranh chấp nằm ngoài quyền kiểm soát của mình, Trung Quốc sẽ mất đi những cầu nối vùng biển quốc gia với Thái Bình Dương. Để trở thành một cường quốc có ảnh hưởng, Trung Quốc phải biến đổi từ một 'cường quốc đại lục' thành một 'cường quốc biển'. Và tranh chấp trên biển Đông là một phép thử thực sự để họ đạt mục đích này".

Chính sách của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi sự hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và sự mở rộng các hạm đội hải quân và tàu tuần tra, đang có vẻ ngày càng giống với một Học thuyết Monroe áp dụng cho vùng biển ở châu Á. Học thuyết này là một tuyên bố chính sách năm 1823 của Mỹ nhằm cấm các vương quốc Âu châu đòi quyền kiểm soát bán cầu Tây. Cùng với thời gian, Mỹ đã xây dựng một lực lượng hải quân đủ mạnh để áp dụng học thuyết này. Trung Quốc có thể cũng đang cố làm điều tương tự ở biển Đông./.

Châu Giang (theo canberratimes)
.
.
.

No comments: