Thanh Phương - RFI
Thứ bảy 18 Tháng Sáu 2011
Hôm qua, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã chiếu cảnh các tàu tuần tra của Trung Quốc nả súng liên tục vào một mục tiêu dường như là một đảo không người ở, bên trên là hai chiến đấu cơ bay yểm trợ. Bản tin cho biết có hai chiến đấu cơ và 14 chiến hạm tham gia tập trận, bao gồm các cuộc tập luyện chống tàu ngầm và đổ bộ.
Đó là cuộc tập trận mà hải quân Trung Quốc đã tiến hành trong ba ngày, trong đó có việc tập bắn đạn thật, mà tờ Hoàn Cầu Thời báo loan tin hôm qua. Không rõ là cuộc tập trận nói trên diễn ra lúc nào, nhưng theo Hoàn Cầu Thời báo, đây là lần đầu tiên Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mở cuộc tập trận chung giữa lực lượng tuần dương và lực lượng hải giám ở khu vực chung quanh đảo Hải Nam.
Không chỉ có tập trận, hôm thứ tư vừa qua, Trung Quốc còn điều động tàu hải giám lớn nhất, tàu Tuần hải 31, đến khu vực Biển Đông. Về mặt chính thức, chiếc tàu này sẽ đậu tại cảng Singapore trong hai tuần trong khuôn khổ các trao đổi về tìm kiếm cứu nạn, chống hải tặc và quản lý bến cảng. Hôm qua, Trung Quốc vừa loan báo kế hoạch tăng cường lực lượng hải giám, nâng số tàu lên 520 chiếc vào năm 2020.
Như vậy, mặc dù Bắc Kinh cam kết sẽ không sử dụng vũ lực trong việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Việt Nam, nhưng qua những hành động nói trên, rõ ràng là Bắc Kinh muốn phô trương lực lượng trên Biển Đông nhằm cảnh cáo Hà Nội, sau khi Việt Nam tiến hành huấn luyện bắn đạn thật trên Biển Đông, tại khu vực đảo Hòn Ông, thuộc tỉnh Quảng Nam. Hà Nội khẳng định đây chỉ là một cuộc huấn luyện « thông thường » hàng năm, nhưng các nhà phân tích Trung Quốc lại xem đây là một « hành động khiêu khích ».
Không chỉ tập bắn đạn thật, Việt Nam trên nguyên tắc cũng sẽ luyện tập chung với Mỹ vào tháng tới. Các giới chức Đệ thất hạm đội của Hoa Kỳ vào đầu tuần đã xác nhận là một khu trục hạm Mỹ sẽ cập bến cảng Đà Nẵng vào tháng tới để tham gia hoạt động luyện tập tìm kiếm cứu hộ với hải quân Việt Nam, trong khuôn khổ các cuộc luyện tập thưòng niên với các đồng minh và các đối tác trong khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc tập trận chung Mỹ-Việt nếu thật sự diễn ra vào tháng tới chắc chắn sẽ gặp phản ứng của Trung Quốc.
Hải quân Philippinnes sẽ tập trận chung với đồng minh Hoa Kỳ trong 11 ngày, kể từ ngày 28/6/2011. Trước mắt, Manila cũng biểu dương lực lượng theo kiểu của mình khi hôm qua thông báo sẽ gởi một chiến hạm đến vùng Biển Đông. Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội Philippines hôm nay đã giảm nhẹ ý nghĩa cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, cho rằng đó là chuyện « bình thường ».
Về phần Indonesia, hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, hôm nay vừa lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nên bắt đầu ngay cuộc thương lượng để thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Nhưng tiếng nói của Indonesia, quốc gia đang có quan hệ rất hữu hảo với Trung Quốc, bây giờ chẳng có trọng lượng gì đáng kể và nói chung, ASEAN đang hoàn toàn bất lực trước căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.
-------------------------
BBC
Cập nhật: 11:11 GMT - thứ sáu, 17 tháng 6, 2011
Trung Quốc sắp tăng cường lực lượng bờ biển bằng cách tăng thêm số lượng tàu thuyền và 6.000 nhân viên vào năm 2020, theo các phương tiện truyền thông nhà nước của nước này hôm thứ Sáu.
Đây được cho là một động thái có khả năng làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng vốn có tuyên bố về chủ quyền ở các khu vực biển đảo tranh chấp, được cho là có những trữ lượng lớn về dầu khí, hải sản và giá trị thông thương hàng hải.
Hãng Reuters hôm 17 tháng Sáu cho hay việc mở rộng quy mô và hoạt động của lực lượng Hải Giám Trung Quốc (CMS), một cơ quan bán quân sự có nhiệm vụ "thực thi pháp luật" khi tiến hành tuần tra vùng lãnh hải, đã được công bố hai ngày sau khi Bắc Kinh gửi tàu tuần tra hàng hải dân sự lớn nhất của mình tới biển Nam Trung Hoa (hay Biển Đông.)
Reuters đánh giá động thái này cho thấy rõ quyết tâm của Bắc Kinh nhằm bảo vệ các "quyền hàng hải và chủ quyền" mà họ nói là "đã bị vi phạm ngày càng gia tăng" giữa lúc các tranh chấp trở nên căng thẳng.
Hôm thứ Sáu, tờ China Daily dẫn lời một quan chức cao cấp không nêu danh tính cho biết các lực lượng hàng hải, thuộc Cục Quản lý Nhà nước về Đại dương sẽ được trang bị 16 máy bay và 350 tàu thủy vào kỳ cuối của kế hoạch năm năm vốn kết thúc vào năm 2015.
Theo tờ báo, lực lượng hàng hải Trung Quốc sẽ có hơn 15.000 nhân viên và 520 tàu đến năm 2020, trong khi vẫn nguồn này khẳng định:
"Đã có một số lượng ngày một gia tăng các vụ xâm nhập của tàu thuyền nước ngoài và phi cơ vào vùng biển và vùng trời Trung Quốc trong những năm gần đây".
Hãng Reuters trích thuật nguồn của China Daily thống kê rằng các lực lượng tuần duyên của Trung Quốc đã ghi nhận được các trường hợp 1.303 tàu nước ngoài và 214 chiếc phi cơ "xâm nhập" Trung Quốc trong năm 2010, so với tổng số 110 trường hợp trong năm 2007.
Căng thẳng ở Biển Đông đã gia tăng trong tháng vừa qua khi xuất hiện các mối quan ngại rằng Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán, mạnh tay hơn trong các khu vực biển đảo mà Trung Quốc tranh chấp với các quốc gia vốn cũng tuyên bố chủ quyền khác là Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, hãng tin Reuters nhận xét.
Tập trận
Cũng trong ngày hôm nay, Trung Quốc tiết lộ đã có ba ngày tập trận tại Biển Đông.
Các cuộc tập trận này có sự tham gia của tổng cộng 14 tàu tuần tra, tàu đổ bộ, thuyền săn tàu ngầm, cùng với hai phi cơ quân sự, hãng tin AP trích nguồn của báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết hôm 17 tháng Sáu.
Truyền thông Trung Quốc cho hay các cuộc tập trận đã được nhắm vào các tác nghiệp chống tàu ngầm, "bổ sung các khả năng quốc phòng hải đảo" nhằm "đáp ứng tốt hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng bất ngờ nào" trong tương lai.
Các động thái của Trung Quốc, đặc biệt với việc nhiều báo chí chính thức của nhà nước đồng loạt đưa tin tập trận và tăng cường lực lượng tuần duyên hôm thứ Sáu, có thể là một thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi tới quốc dân ở trong nước để trấn an, trong khi là tín hiệu tỏ ra Trung Quốc tiếp tục không thuyên giảm việc tuyên bố và thực thi tuyên bố chủ quyền của quốc gia này với các vùng tranh chấp tại Biển Đông.
Trước đó, Hải quân Việt Nam đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật hôm thứ Hai, sau khi Hà Nội cáo buộc Trung Quốc hai lần vi phạm lãnh hải và vùng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, mà một trong số đó là việc một tàu hải giám Trung Quốc được cho là cố tình làm hỏng tàu thăm dò dầu khí của nước láng giềng ở Đông Nam Á.
Việt Nam và Philippines cũng đồng thời tuyên bố sẽ có các hoạt động tập trận phối hợp riêng rẽ với hải quân Hoa Kỳ.
Tuần này, truyền thông Philippines đưa tin nước này sẽ điều chiếc tàu chiến lớn nhất ra tuần tra quanh Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, tin này được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc loan báo về việc phái tàu tuần tra lớn nhất - Hải Tuần 31 - tới Singapore, với hải trình đi qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp.
Trong một diễn biến riêng rẽ, hãng Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức nhà nước của Trung Quốc cuối tuần này cho biết thẩm phán Cao Chi Quốc người Trung Quốc vừa tái đắc cử chức thẩm phán tại Tòa án Quốc tế về Luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea - Itlos).
Đây là một cơ quan độc lập được thiết lập bởi Công ước Liên hiệp Quốc về Luật biển (Unclos) nhằm phân xử các tranh chấp xung quanh việc thực hiện công ước.
---------------------------------
Đức Tâm - RFI
Thứ sáu 17 Tháng Sáu 2011
Báo chí Trung Quốc hôm nay, 17/06/2011, cho biết, quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận kéo dài trong ba ngày tại Biển Đông và Bắc Kinh có kế hoạch tăng cường lực lượng hải giám, gia tăng các hoạt động tuần tra ở vùng biển này.
Theo Hoàn Cầu thời báo, 14 tàu chiến của Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận tại vùng biển gần đảo Hải Nam ở Biển Đông. Trong đợt tập trận này, hải quân Trung Quốc luyện tập đổ bộ và các phương án tác chiến với sự tham gia của tàu ngầm.
Mục đích của cuộc tập trận, theo tờ báo này, là "bảo vệ các đảo và các tuyến giao thông hàng hải".
Tuy nhiên, Hoàn Cầu thời báo không cho biết chính xác là cuộc tập trận nói trên đã diễn ra từ lúc nào.
Cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc đã diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Bắc Kinh và Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan, đối với vùng quần đảo Trường Sa.
Bắc Kinh đã tuyên bố không dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền sau khi Philippines, vào tuần trước, kêu gọi sự giúp đỡ của Mỹ, còn Việt Nam thì hoan nghênh quốc tế tham gia làm dịu căng thẳng tại Biển Đông. Mặt khác, hải quân Việt Nam cũng vừa tiến hành tập trận bắn đạn thật trong khu vực đảo Hòn Ông, ở Biển Đông.
Báo chí Trung Quốc cho biết tàu Tuần hải 31, tàu hải giám lớn nhất của Trung Quốc đã được điều động tới Biển Đông, đi sát qua khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng trong ngày hôm nay, báo chí Trung Quốc đưa tin là nước này tăng cường lực lượng tuần tra trên biển.
Theo báo Anh ngữ China Daily, được Reuters trích dẫn, từ nay đến 2015, lực lượng hải giám, một tổ chức bán quân sự, chịu trách nhiệm tuần tra các vùng biển của Trung Quốc, sẽ có 16 máy bay và 350 tàu tuần tra. Hiện nay, quân số lực lượng hải giám Trung Quốc vào khoảng 9000 nguời và đến năm 2020, sẽ lên đến 15 000 người.
Giải thích lý do Bắc Kinh tăng cường lực lượng hải giám, China Daily cho biết là số vụ xâm phạm không phận và hải phận Trung Quốc đã gia tăng trong những năm vừa qua. Lực lượng hải giám Trung Quốc ghi nhận được 1303 vụ xâm nhập đường biển và 214 vụ xâm phạm không phận trong năm 2010, trong khi đó, tổng số xâm phạm trong năm 2007 chỉ là 110 trường hợp.
Trong tuần, Đài Loan cũng cho biết có kế hoạch đưa một hạm đội tàu tuần tra đến khu vực quần đảo Trường Sa.
.
.
No comments:
Post a Comment