Wednesday, June 22, 2011

TRUNG QUỐC PHIÊU LƯU, NGẠO MẠN & VI PHẠM LUẬT QUỐC TẾ (Peter Dutton & Arthur Herman)


TTXVN
Cập nhật lúc :8:42 AM, 22/06/2011
GS Peter Dutton nhấn mạnh rằng đường chữ U là một trong hai nguồn chính gây căng thẳng trên Biển Đông.

Sáng 21/6, cuộc hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tiếp tục diễn ra với các phiên thảo luận đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế an ninh trên biển hiện có tại Biển Đông và đề xuất chính sách nhằm tăng cường an ninh khu vực.

Đánh giá về các cơ chế hiện có để giải quyết tranh chấp, giáo sư Peter Dutton của ĐH Hải quân Mỹ cho rằng hiện có hai cơ chế là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

"UNCLOS nói rõ rằng tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật quốc tế."

Ông Dutton nhấn mạnh rằng đường chữ U là một trong hai nguồn chính gây căng thẳng trên Biển Đông.

Liên quan đến DOC, trong cuộc thảo luận trước đó, Giám đốc Chính trị và An ninh của Ban Thư ký ASEAN, ông Termsak Chalermpalanupap cho biết ASEAN đã 20 lần đưa ra dự thảo về hướng dẫn thực hiện DOC, nhưng đều bị Trung Quốc từ chối và hiện ASEAN đang chuẩn bị dự thảo thứ 21.

Tiến sỹ Dutton cho rằng không bao giờ thiếu những ý tưởng để giải quyết vấn đề, mà chỉ thiếu ý chí chính trị. "Các bên đều phải có nhượng bộ về chính trị, nếu không sẽ dẫn đến việc nước mạnh hơn sẽ làm những gì có thể làm và nước nhỏ làm điều phải làm."

Chung quan điểm này, tiến sỹ Stein Tonnesson thuộc Viện Hòa bình Oslo của Nauy đề xuất một số điểm ông cho rằng các quốc gia có thể nhượng bộ để giải quyết tranh chấp.

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy hợp tác về biển và quân sự dưới hình thức tuần tra chung, diễn tập chung với sự tham gia của Trung Quốc, ASEAN và các nước có liên quan; đồng thời các bên cần công khai, minh bạch, giảm mua sắm vũ trang và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.

Về cơ chế "khai thác chung," hầu hết các học giả đều nhận định rằng cơ chế này đã không phát huy tác dụng, bởi các bên không thống nhất với nhau trong việc xác định đâu là khu vực tranh chấp, đâu là khu vực không có tranh chấp.

Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 20 và 21/6, với sự tham gia của hơn 100 học giả, quan chức ngoại giao và nhà báo quốc tế.

Một số quan chức cấp cao như Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Negroponte đã có bài phát biểu quan trọng, kêu gọi việc giải quyết tranh chấp bằng các cơ chế đa phương và luật pháp quốc tế. (>> chi tiết)
>> TNS John McCain: Mỹ phải giúp các nước ASEAN

Theo TTXVN

---------------------------

Minh Bích (theo New York Post)
Thứ tư, 22/6/2011 6:52 GMT+7
(Tamnhin.net) - Về những động thái gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, trong một bài viết đăng trên tờ New York Post, tác giả Arthur Herman cho rằng những vấn đề nội bộ của Trung Quốc đã khiến nước này hành xử một cách "phiêu lưu và ngạo mạn" với thế giới bên ngoài.

Theo tác giả Arthur Herman - người từng có tác phẩm "Gandhi & Churchill" lọt vào vòng chung khảo của Pulitzer Prize năm 2009, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự và những tham vọng địa chính trị trước các nước láng giềng. Cùng với các cuộc tấn công tin tặc, Trung Quốc xem ra “không giống một cường quốc đang trỗi dậy” mà giống nhiều hơn “một kẻ bắt nạt bất trị”.

Cuộc tranh chấp gần đây nhất của Trung Quốc là với Việt Nam về khai thác dầu ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền độc nhất và là nơi Hải quân Việt Nam tiến hành huấn luyện bắn đạn thật. Trung Quốc đáp trả với các cuộc tập trận kéo dài ba ngày đêm, mặc dù vẫn tuyên bố “không sử dụng vũ lực” trong việc giải quyết tranh chấp. Tác giả Arthur Herman cho rằng thái độ của Việt Nam tạo cho Mỹ một cơ hội để khép lại cuộc chiến gây nhiều chia rẽ nhất và tìm cách tiếp cận mới, thực tế hơn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong nhiều tuần qua, một làn sóng bất ổn đã khuấy động nhiều thành phố ở Trung Quốc, với bạo lực bùng phát và thậm chí có cả các vụ nổ bom chống chính quyền. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc nổi dậy mùa Xuân theo kiểu Arập, nhưng số lượng các vụ lộn xộn mà giới chức Trung Quốc gọi là “sự cố hàng loạt ” đã liên tục gia tăng. Riêng trong năm 2008 đã có tới 127.000 vụ và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn.

Hiện tượng kinh tế Trung Quốc đang bị lu mờ. Giá dầu leo cao và lạm phát ngày càng gia tăng đang xóa đi nhiều thành quả kinh tế mà Trung Quốc đã đạt được. Nếu kinh tế Mỹ - một địa chỉ xuất khẩu quan trọng của hàng hóa Trung Quốc - không phục hồi nhanh chóng, điều này sẽ đe dọa thành quả tăng trưởng của Trung Quốc và dẫn đến một giai đoạn có nhiều lộn xộn hơn ở nước này.

Sự tăng trưởng của Trung Quốc là có thực và bình quân thu nhập quốc dân trên đầu người của nước này trong giai đoạn 1978- 2003 đã tăng khoảng 6,1% - mặc dù sự tăng trưởng này không mấy ấn tượng cho lắm nếu so với Nhật Bản (8,2%), Hàn Quốc (7,6%) và Đài Loan (7,1%) trong các giai đoạn thăng tiến tương tự.

Nhưng sự tăng trưởng này cũng tạo ra những vấn đề khổng lồ cho chính phủ trung ương đang tìm cách kiểm soát dân chúng từng được hưởng tự do kinh tế nhiều hơn và hiện đang muốn tự quyết định vận mệnh của mình, như những cuộc nối dậy gần đây đã cho thấy rõ. Những lo ngại mất quyền kiểm soát ở trong nước đã góp phần nuôi dưỡng chủ nghĩa phiêu lưu và thói ngạo mạn của Trung Quốc ở nước ngoài.

Tác giả Arthur Herman cho rằng: "Suy cho cùng, việc (Mỹ) đương đầu với Trung Quốc có thể là điều tốt nhất cho chính người Trung Quốc. Một nước Mỹ mạnh và tự tin có thể buộc Bắc Kinh thôi thói bắt nạt và tập trung vào cải cách ở trong nước trước khi kinh tế sụt giảm và bất ổn lan rộng. Đó là điều người Trung Quốc không muốn và chúng ta (phần còn lại của thế giới) cũng không cáng đáng nổi."

Minh Bích (theo New York Post)
.
.
.

No comments: