Sunday, June 12, 2011

TRUNG QUỐC LEO THANG, VIỆT NAM BỐI RỐI (Song Chi)



Song Chi/Người Việt
Saturday, June 11, 2011 3:32:27 PM

Khi dư âm vụ tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 02 của tập đoàn dầu khí Việt Nam vào ngày 26 tháng 5 chưa kịp nguội trong dư luận trong và ngoài nước.

Công an ngăn cản những người biểu tình chống Trung Quốc, không cho họ tới gần Tòa Lãnh Sự Trung Quốc tại Sài Gòn hôm 5 tháng 6. (Hình: Facebook)

Khi những lời cam kết “phát triển hòa bình, ổn định” của ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại hội nghị an ninh Châu Á lần thứ 10 tại Singapore chưa ai kịp quên.
Thì Trung Quốc lại giáng tiếp cho Việt Nam một đòn nữa.
Sáng ngày 9 tháng 6, được sự yểm trợ của các tàu ngư chính, tàu đánh cá Trung Quốc đã lao vào phá cáp của tàu Viking II đang thăm dò địa chấn trong phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa của Việt Nam.
Trái tim của mọi người Việt Nam lại sôi sục lên, phẫn nộ khi thấy chủ quyền và danh dự quốc gia bị xâm phạm một cách trắng trợn đến thế.
Chưa kể, tàu Viking 2 đã từng bị quấy rối nhiều lần.

Trong mọi cái rủi đều có cái may. Trước những hành động ngang ngược, gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc, có ít nhất hai cái lợi cho Việt Nam.

Thứ nhất, nhà cầm quyền Trung Quốc cho thấy bộ mặt thật của họ trước các nước láng giềng và thế giới. Ðó là tham vọng bành trướng, là âm mưu muốn chiếm hữu cả vùng biển Ðông, tiến tới bá chủ toàn cầu. Thật ra, tham vọng và âm mưu ấy đã có từ lâu, dân ta cũng chẳng lạ gì. Chỉ có “đảng ta” là mê muội bao nhiêu năm qua mà thôi.

Thứ hai, khi chân tướng của nhà cầm quyền Trung Quốc đã lộ rõ, may ra những ai còn tin vào mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước đồng chí anh em mới thôi bào chữa và tỉnh ngộ chăng?

Rất nhiều nhà bình luận chính trị, nhiều học giả đã phân tích lý do vì sao Trung Quốc lại hành xử như vậy trong thời gian gần đây. Lại ngay trước hội nghị an ninh Châu Á Shangri-La và hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN diễn ra tại Surabaya, Indonesia từ ngày 7 đến 10 tháng 6.
Ðiều đó cho thấy Trung Quốc một phần đang nôn nóng vì nhu cầu khát năng lượng phải giải quyết gấp. Một phần họ tỏ ra hết sức tự tin, bất chấp luật lệ, dư luận quốc tế vì đã thăm dò thấy Mỹ dịu giọng so với năm ngoái, ASEAN thì không đoàn kết, Việt Nam thì yếu thế.

Có vẻ như “đảng ta” đang thật sự bối rối trước những chiêu ra đòn liên tiếp, vỗ vào mặt đồng thời thói “vừa ăn cướp vừa la làng” của ông bạn láng giềng. Ðối lại, “các trí tuệ đỉnh cao” còn chiêu nào nữa ngoài trò đấu võ mồm đây?

Những ngày qua báo chí trong nước liên tục phỏng vấn từ ông đại tướng, nguyên chủ tịch nước Lê Ðức Anh cho đến ông trung tướng, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh. Người dân bình thường đọc qua tấm tắc khen các ông nói mạnh, cứng rắn.

Không may cho các ông, còn có báo chí “lề trái”. Trang Tiền Vệ đăng luôn hai bài “Lê Đức Anh nói chuyện Biển Đông” và “Nguyễn Chí Vịnh là người Trung Quốc?” của tác giả Nguyễn Văn Chiến. Báo Người Việt đăng bài “Nguyễn Chí Vịnh nói ngược Nguyễn Phương Nga” của tác giả Ngô Nhân Dụng.

Những bài viết này đã vạch ra lập luận nước đôi nước ba của các ông, câu trước mâu thuẫn với câu sau. Cho thấy lập trường của đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Trung Quốc vẫn không có gì rõ ràng, dứt khoát. Họ vẫn chủ trương kêu gọi các biện pháp hòa bình, không dám đưa quân đội ra bảo vệ ngư dân, lãnh thổ lãnh hải. Còn trong phương pháp ngoại giao thì họ chủ trương đàm phán với Trung Quốc, nói như ông Vịnh: “Chúng ta giải quyết trực tiếp với nước có tranh chấp, không lôi ai vào đây để cùng giải quyết, không nhờ vả ai để tạo lợi thế trong giải quyết vấn đề.” (báo Tuổi Trẻ ngày 7 tháng 6)

Ông thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng thì “Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”. (báo SGTT ngày 11 tháng 6).

Việt Nam lúc nào cũng ngon lành đủ sức bảo vệ chủ quyền, không cần tới ai. Trong khi đó thì người ta đang tự hỏi không biết Việt Nam sẽ làm gì nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn? Thậm chí hạ thủy tàu thăm dò dầu khí khổng lồ của họ, đặt Việt Nam và các nước khác vào sự đã rồi? Lại kịch liệt lên án và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ lãnh hải bằng mồm chăng? Chả trách gì Trung Quốc tỏ vẻ coi thường những người lãnh đạo Việt Nam ra mặt.

Một học giả Trung Quốc, Shih Chi-ping khi trả lời phỏng vấn truyền hình đã nói: “Khi tình thế bắt buộc sẽ phải tát cho anh chàng Việt Nam vỡ mặt.”
Kể cũng chua chát thay. Trong quan hệ của các nước trên thế giới, chưa thấy từ người đại diện chính quyền, giới học giả cho tới giới truyền thông nước nào lại nói về nước khác như thế. Nào quở mắng, tát vỡ mặt, đánh cho no đòn, cũng như trước kia “dạy cho một bài học”... Chính đường lối ngoại giao sai lầm bao nhiêu năm cộng với mối quan hệ bất cân xứng khiến cho kẻ khác có thể xử sự như thế.

Rõ ràng, phải đối phó với đảng và nhà nước Cộng Sản Trung Quốc là sự khó khăn lớn nhất hiện nay của đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Hơn khi phải đối đầu với bất cứ cường quốc nào trong quá khứ như Pháp hay Hoa Kỳ.
Bởi, Trung Quốc luôn luôn có tham vọng bành trướng về lãnh thổ, lãnh hải. Không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả Nga, Ấn Ðộ còn không yên.
Thứ hai, người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán. Họ đã chuẩn bị cho giấc mơ một ngày trở thành bá chủ hoàn cầu từ lâu lắm. Trong khi cố công tạo dựng một hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” với các nước láng giềng và thế giới, họ đồng thời tích cực chuẩn bị con đường của mình. Phát triển về kinh tế, quân sự, quốc phòng, đánh chiếm dần quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa khi có cơ hội.

Với Việt Nam, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã kềm chế và đánh phá Việt Nam nhiều mặt từ kinh tế, xã hội cho đến chính trị, khiến Việt Nam ngày càng phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.

Còn những người lãnh đạo Việt Nam với tầm nhìn quá ngắn, đã chuẩn bị được gì từ sau những cuộc chiến tranh với Trung Quốc? Năm 1979 họ còn cầm cự được với Trung Quốc nhưng còn hiện nay? Ðường lối kinh tế, chính trị lẫn đối ngoại sai lầm đã dẫn đến hậu quả gì, câu trả lời đã quá rõ.

Và cuối cùng, mặc dù ÐCS Việt Nam không lạ gì trò ăn ngang nói ngược, nói một đàng làm một nẻo, nhưng ÐCS Trung Quốc còn là bậc thầy nữa kia. Chỉ qua mấy vụ va chạm cắt cáp tàu vừa rồi thì thấy, Trung Quốc “vừa ăn cướp vừa la làng” như thế nào. Vừa có chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân khiến người dân Trung Quốc hiểu lầm Việt Nam và hết lòng ủng hộ nhà nước Trung Quốc, vừa định hướng dư luận quốc tế khiến quốc tế cũng bị nhũng nhiễu thông tin.

Nhiều người cho rằng, lối thoát trước mắt cho những người lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam là dựa vào dân và dư luận quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, cương quyết đến cùng để bảo vệ lãnh hải. Bởi chắc chắn Trung Quốc sẽ chưa đánh Việt Nam ngay. Còn về lâu dài, chắc chắn Việt Nam phải cải tổ triệt để về kinh tế và chính trị thì mới mong đưa đất nước tiến lên giàu mạnh, thoát ra khỏi tình thế khó khăn hiện nay.

Liệu nhà nước Việt Nam có đủ ý chí để làm điều đó hay chỉ cần Trung Quốc leo thang thêm một bước nữa là họ đầu hàng? Chấp nhận đàm phán song phương, mất đảo mất biển?

Chính cái tâm lý tự hù dọa mình cùng với những ràng buộc về lợi ích cá nhân, nỗi sợ mất chế độ khiến cho họ cứ loay hoay như gà mắc tóc.
Người dân quan sát thấy một mặt thì những người lãnh đạo vẫn ra vẻ nói cứng để yên lòng dân, một mặt lại có những biểu hiện khác khiến người dân vô cùng lo ngại.

Cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước bên lề đối thoại Shangri-La 10 chả ai biết thế nào nhưng phía Trung Quốc thì đã nói toẹt ra là Việt Nam chấp nhận “đàm phán song phương”.

Bên cạnh đó, vẫn còn những hành động khiến người dân lại thêm sôi tiết.
Hết ông Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo khẩn cấp triển khai xây dựng Cung Hữu Nghị Việt-Trung. Lại đến thông tin “Trung Quốc và Việt Nam đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới” (CRI - Trung Quốc), “ÐCS Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục triển khai hoạt động giao lưu với ÐCS Việt Nam” (CRI). Rồi “Ðoàn mặt trận Tổ quốc VN thăm TQ” (TTXVN) ngay sau ngày người dân Hà Nội, Sài Gòn biểu tình chống TQ 5 tháng 6! Tại triển lãm ảnh “90 năm phấn đấu gian khổ” nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ÐCSTQ, Ðại Sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường và Thứ Trưởng Bộ VHTT và DL Lê Khánh Hải lại tiếp tục lải nhải về tình hữu nghị Việt-Trung! (báo điện tử ÐCSVN)...
Rõ là không biết đằng nào mà lần!

Ðang ở vào thế yếu về mọi mặt mà đường lối ngoại giao, chiến lược còn mù mờ, nước đôi từ lập luận cho đến hành động, lại còn tỏ ra không cần ai thì thật đáng lo ngại!
.
.
.

No comments: