Phương Tôn
Jun 8th, 2011
Lời người viết: Bài viết bằng Đức ngữ của tác giả Sascha Zastiral nói về cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung quốc qua cuộc đụng chạm mới nhất giữa tàu Bình Minh 02 và tàu hải giám Trung quốc thật sự không đưa thêm chi tiết quan trọng và mới mẻ nào. Những gì Sascha Zastiral công bố có thể là tin mới đối với người dân Áo nhưng đối với người Việt quan tâm về đất nước thì chỉ là những tin … đã biết. Mặc dù vậy người biên dịch bài này cũng tìm thấy một vài điểm đáng quan tâm để phổ biến cùng bạn đọc.
Điểm đáng quan tâm đầu tiên mà người viết cố tình vẫn giữ nguyên nghĩa nhóm chữ trong bài biên dịch là khi đề cập đến vùng biển đang tranh chấp, như một thói quen Sascha Zastiral dùng chữ „biển Nam Trung quốc“ một cách „vô tư“. Nếu theo cảm tính, người Việt khi đọc có thể nhanh chóng lên án Sascha Zastiral cố tình nhục mạ Việt Nam vì đây là vùng Biển Đông của người Việt. Thật sự vùng biển quanh quần đảo Trường Sa nằm cách lãnh thổ Trung quốc trên 1000 km thì không lý do gì để có thể gọi đây là vùng biển Nam Trung quốc được. Tuy nhiên nếu bình tâm mà nhận xét, cuộc tranh chấp trên biển Đông giữa Trung quốc và Việt nam đã xảy ra từng hàng năm qua. Cuộc tranh chấp những hòn đảo trên biển kéo theo cuộc tranh chấp chữ nghĩa. „Biển Đông“ hay „biển Nam Trung quốc“ là cuộc tranh chấp không nhân nhượng, ít nhất là đối với người dân Việt Nam và nhà nước Bắc Kinh. Mặc dù vậy, mãi đến ngày nay những người viết báo chuyên nghiệp như Sascha Zastiral vẫn còn thói quen dùng chữ „biển Nam Trung quốc“ thì đây chính là lỗi lầm của nhà nước Việt Nam. Bộ ngoại giao và các Đại sứ quán tại nước ngoài không làm đúng trách nhiệm của họ. Thay vì để dành thời gian cho việc đi buôn lậu ngà voi, buôn lậu xe „khủng“ thì các quan trong các Đại sứ quán nên dành thì giờ thường xuyên „nhắc nhở“ các chính phủ sở tại, các thông tấn xã, cơ sở báo chí phải chú ý đến chữ nghĩa dùng cho phù hợp khi đề cập đến khu vực biển đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung quốc.
Vụ khủng hoảng tạm gọi là vụ „Bình Minh 02“ hiện đang dấy lên phong trào hướng về Tổ quốc thân yêu, tất cả cho Tổ quốc Việt Nam. Một số người hiện đang sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đất nước bằng mọi giá nhưng một số người khác lại đang đặt vấn đề, họ khẳng định, yêu nước nhưng không đồng nghĩa với yêu Xã Hội Chủ Nghĩa. Với quan điểm như vậy, một khi đứng lên bảo vệ đất nước họ sẽ phải cùng chung số mạng như với một Phạm Thanh Nghiên hay với một Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, những người cũng chỉ vì hai chữ Trường Sa và Hoàng Sa mà nay lại lâm vào vòng lao lý như Trần Mạnh Hảo đã từng ngậm ngùi cay đắng:
Đường ra biển dân tộc ta đang bị tắc
Phải giành lại Hoàng Sa từ anh bạn Thiên triều
Tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt!
Tổ Quốc yêu Người phải lấy máu mà yêu!
Một số người khác lại tự hỏi, hy sinh bảo vệ lãnh thổ có đồng nghĩa với việc bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho một nhóm nhỏ đang ăn trên ngồi trốc, tham nhũng hút máu đất nước không? Chết cho ai? Cho đám người đang ăn xài xa xỉ trong khi dân đói Nghệ An đang khản cổ kêu gào xin cứu đói? Và để tự trả lời, nhóm người này đề nghị những người từ lâu nay hưởng đặc quyền đặc lợi hãy xông pha đi trước, họ sẽ sẵng sàng nối gót theo sau.
Điểm đáng quan tâm kế tiếp, trong bài viết của Sascha Zastiral cho thấy, báo Thanh Niên tiết lộ là tàu đánh cá Trung quốc thường xuyên vào lãnh hải (territorial waters, Territorialgewässer) của Việt Nam để đánh bắt cá. Đây là một tiết lộ „động trời“ vì theo Công Ước Quốc tế Biển vùng lãnh hải là khu vực 12 hải lý tính từ đường cơ sở là khu vực riêng của nước chủ nhà. Đây là khu vực biển chủ quyền chính thức về quân sự và kinh tế của mỗi quốc gia ven biển hoặc quốc gia quần đảo. Tàu bè mang tính cách quân sự các nước không được xâm nhập vào khu vực lãnh hải khi chưa được phép của nước chủ nhà. Ngay cả Vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone) khu vực 200 hải lý tính từ đường cơ sở là vùng độc quyền đánh bắt cá, khai thác tài nguyên thiên nhiên của nước chủ nhà. Dù cho báo Thanh Niên hoặc Sascha Zastiral có nhầm lẫn giữa „lãnh hải“ và „vùng đặc quyền kinh tế“ đi chăng nữa thì cũng phải đặt câu hỏi: Hải quân Việt Nam không biết đang bận hoạt động mãi tận đâu mà lại để tàu cá Trung quốc ngang nhiên đánh bắt cá và uy hiếp ngư dân Việt Nam trong vùng lãnh hải (hoặc ngay cả ở vùng đặc quyền kinh tế)? Phải chăng họ đang dùng chiến lược „Tam không“: Không Nghe, Không Thấy, Không Nói để chấp hành đúng theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, khi đến giờ này ông ta vẫn cương quyết khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là anh em tốt, đối tác tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt tại buổi gặp đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt bên lề hội nghị Đối thoại Shangri-La ở Singapore, vào ngày 3.6.2011 theo như Xinhua đưa tin?
Bản đồ đường ranh giới lưỡi bò vẫn ghi Südchinesisches Meer (Biển Nam Trung quốc)
* * *
Những yêu sách của Bắc Kinh tại khu vực biển Nam Trung quốc gây quan ngại cho những nước láng giềng. Mối giao hảo giữa Trung quốc và Việt Nam đang ở trong thời kỳ „đóng băng“ kể từ khi xảy ra tranh chấp vùng biển. Việc đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển là những việc phức tạp.
Thông tin từ thủ đô Bangkok cho biết, cuộc khẩu chiến giữa Trung quốc và Việt Nam ngày càng mãnh liệt hơn. Thậm chí bộ ngoại giao Việt Nam lớn tiếng cáo buộc nhà nước Bắc Kinh hiện đang gây trầm trọng thêm tình trạng vốn đang căng thẳng trong khu vực. Theo lời ông Đỗ Văn Hậu, phó chủ tịch công ty nhà nước Dầu Khí PetroVietnam cho biết, trong tuần vừa qua, tại vùng biển Nam Trung quốc đã xảy ra một vụ đối đầu giữa tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam và những con tàu Hải giám của Trung quốc. Vụ việc xảy ra khi một trong ba con tàu của Trung quốc cố tình cắt dây cáp của tàu thăm dò Việt Nam có tên là Bình Minh 02 đang thả dây cáp xuống biển.
Nguyễn Phương Nga, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng: „Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc Hòa Bình, Độc Lập Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.“
Ngược lại về phía Trung quốc lại khẳng định, Hà Nội phải chịu trách nhiệm cho vụ đối đầu nêu trên. Trong một bản thông báo, bộ ngoại giao Trung quốc cho rằng:. “Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc”Việc thăm dò dầu khí của Việt Nam gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.
Báo nhà nước „Thanh Niên“ cho hay, Việt Nam dự tính trong thời gian sắp tới sẽ đưa tàu tuần tiểu đi kèm bảo vệ ngư dân ra biển đánh cá[2]. Lý do tàu đánh cá Trung quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng lãnh hải của Việt Nam. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra tuy nhiên trong quá khứ tranh chấp lãnh thổ đã từng gây nên nhiều cuộc chiến tranh giữa hai nước.
Vào năm 1974 Trung quốc đã xua quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Hiện nay Hà Nội cũng tuyên bố đòi dành chủ quyền quần đảo này. Năm năm sau đó xảy ra cuộc chiến biên giới giữa Trung quốc và Việt Nam, cuộc chiến dù ngắn nhưng đẩm máu. Cuộc chiến nổ ra là do Bắc Kinh muốn tỏ thái độ về việc Việt Nam cho quân sang Cam Bốt đánh chiếm lật đổ chế độ Khờ Me đỏ đang được Bắc Kinh ủng hộ. Sau đó một cuộc chiến tranh khác xảy ra giữa hai nước là việc dành chủ quyền quần đảo Trường Sa nằm về phía Nam biển Nam Trung quốc.
Khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển là điều phức tạp. Trung quốc lẫn Việt Nam đều dành chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Cả hai đều muốn dành một phần hay toàn bộ chủ quyền quần đảo Trường Sa nằm tận phía nam. Trong khi đó, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân và Brunei cũng đòi một phần của quần đảo này thuộc lãnh thổ của mình. Cả hai quần đảo đều không có dân cư sinh sống nhưng lại được cho rằng là nơi dự trữ phong phú Dầu và Khí đốt.
Khi đưa ra yêu sách chủ quyền lãnh thổ, hầu hết các nước trong khu vực dựa trên công ước „khu đặc quyền kinh tế“ theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc khu vực chủ quyền 200 hải lý (370 km). Trong khu vực này nước chủ quyền có quyền đánh cá, thăm dò nghiên cứu và khai thác tài nguyên. Khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình tiến sâu 1000 km trong biển Nam Trung quốc.
Manila cảnh báo về cuộc chạy đua vũ trang
Kế hoạnh hiện nay của thế lực Trung quốc không những đụng chạm đến những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ngay trong tuần vừa qua, Benigno Aquino III Tổng thống của Phi Luật Tân đưa ra lời cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang gây thêm căng thẳng trong vấn đề tranh chấp ở biển Nam Trung Quốc. Ngay trong tháng ba vừa qua, hai tàu hải giám Trung quốc hăm dọa đâm chìm một tàu thăm dò địa chấn của Phi Luật Tân tại quần đảo Palawan.
Phương Tôn biên dịch
Tháng 6.2011
Theo „China lässt seine Muskeln spielen“ – tác giả Sascha Zastiral viết và đăng tải trên tờ „Die Presse“ số ra ngày 30.05.2011 tại Áo quốc.
[1] Tựa bài được đổi theo ý người biên dịch.
[2] Bộ NN&PTNT cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển đang gia tăng. Đặc biệt tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm thủy sản diễn ra thường xuyên với hàng trăm lượt tàu thuyền mỗi ngày. Tình trạng ngư dân Việt Nam bị các nước khác bắt giữ cũng thường xuyên và gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Đây là những lý do để cần sớm thành lập lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
.
.
.
No comments:
Post a Comment