Người dịch: Nguyễn Thu Hà
Hiệu đính: Quang Thạch
Đăng bởi anhbasam on 05/06/2011
Hàng trăm công dân Bắc Triều Tiên trốn sang Trung Quốc hàng năm đang phải đối mặt với việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Những người bị bắt phải chịu tù tội và tra tấn.
Jeong Yu-mi rời quê hương bằng cách đi trên con sông Đồ Môn đóng băng để đến miền Đông Bắc Trung Quốc khi cô mới 11 tuổi. Đó là vào tháng 12 năm 1998, khi đỉnh điểm của nạn đói đang tàn phá trên diện tích rộng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. “Tôi đi bộ ra khỏi Bắc Triều Tiên vào mùa đông,” cô hồi tưởng lại hành trình của mình. “Tuyết ngập đến tận đầu gối.”
Yu-mi (biệt hiệu), sinh ra ở Musan, một thành phố mỏ giáp đường biên giới với Trung Quốc. Ngày trước, nghề đốn gỗ của cha cô bảo vệ cả gia đình khỏi nạn đói, nhưng sau khi ông mất trong một tai nạn nghề nghiệp kì lạ vào năm 1997, mẹ của Yu-mi sang Trung Quốc để kiếm tiền nuôi gia đình. Yu-mi vài tháng sau đó cũng rời đất cùng chị gái cô và ba người lớn khác sang Trung Quốc.
Vào năm 2007, sau 9 năm sống chui nhủi ở Trung Quốc, Yu-mi và mẹ cuối cùng cũng bí mật sang được Hàn Quốc, chị gái cô cũng sang một năm sau. Một nhóm truyền giáo hộ tống hai người đi từ Bắc Kinh đến thủ đô Phnom Penh của Campuchia – cách xa nhau khoảng 3340 cây số – nơi họ được những quan chức Hàn Quốc cấp hộ chiếu. Hành trình đầy nguy hiểm từ Diên Cát đến Phnom Penh mất khoảng 10 ngày đã diễn ra mà không có bất kì giấy tờ pháp lý gì.
Miêu tả ấn tượng đầu tiên khi cô đặt chân xuống sân bay Incheon của Seoul vào tháng 2 năm 2008, gần 10 năm sau khi rời khỏi quê hương, Yu-mi nói cô “vui sướng không tả xiết”.
“Giờ tôi có thể được đối xử như một con người, không phải một con ma” cô nói.
Hiện đang theo học tại Đại học Ngoại Ngữ Hàn Quốc Hankuk ở Seoul, Yu-mi chỉ là một trong số hàng vạn công dân Bắc Triều Tiên đã thoát khỏi đất nước này kể từ nạn đói giữa những thập kỷ 90, tăng cộng đồng người tỵ nạn chính trị ở miền Nam lên hơn 21,000 người. Theo các nhà hoạt động ước tính rằng một số lượng lớn hơn với khoảng 30,000 đến 40,000 người – tiếp tục sống tị nạn tại Trung Quốc, tìm kiếm sinh kế cho người thân và đợi chờ cơ hội để trốn sang miền Nam.
Tuy nhiên, các nhóm về nhân quyền cho rằng sự siết chặt kiểm soát biên giới khiến những cuộc vượt biên trái phép trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tim Peters, người sáng lập nhóm trợ giúp người tị nạn Helping Hands Korea, nói rằng chính phủ Trung Quốc ngăn cản việc vượt biên trái phép trong thời gian tổ chức Thế Vận hội Bắc Kinh 2008 sợ rằng sẽ có bất ổn trong khu vực này.
Chính quyền Bắc Kinh nói chung có một sự lo sợ cố hữu đối với bất kỳ hình thức bất ổn nào, Peters, một người gốc Michigan đã chuyển sang sống ở Hàn Quốc để làm việc truyền giáo và giữa những thập niên 1970 nói. Khả năng là hàng trăm nghìn, nếu không nói hàng triệu người ti nạn Bắc Triều Tiên vượt biên vào Trung Quốc tạo nên một mối đe dọa tới sự ổn định của Đông Nam Trung Quốc.” Ông nói tình thế chỉ xấu đi sau hàng hoạt cuộc nổi dậy ở Trung Đông, khiến những nhà lãnh đạo Trung Quốc và Bắc Triều Tiến cảm thấy họ có thể có ảnh hưởng lao tỏa đối với xã hội của họ.
Con sông Đồ Môn nông, tạo thành một khu vực dễ bị xâm nhập phía Bắc biên giới vơi Trung Quốc, đã từng là một nơi những người vượt biên và thương nhân dễ dáng vượt qua; ngày nay, ông Peters nói, nơi này giờ được trang bị các máy quay phim và các bộ cảm ứng nhiệt và chuyển động để phát hiện và ngăn chặn bất kỳ sự di chuyển với số lượng đông nào. Cùng lúc đó, thiếu hụt lương thực và quản lý kinh tế yếu kém tiếp diễn đã khiến ngày càng nhiều người muốn trốn sang Trung Quốc. Cái được gọi là “yếu tố thúc đẩy” họ mạo hiểm mọi thứ để rời khỏi Bắc Triều Tiên đang ngày càng lớn, cũng như những rào cản ngăn họ thoát khỏi đất nước đang được tăng cường. Điều này gây căng thẳng cực độ” ông nói.
Đối với hàng vạn người tị nạn ở Đông Bắc Trung Quốc – những người bị chính quyền Trung Quốc coi là “những người di cư kinh tế phi pháp” – cuộc sống của họ luôn trong tình trạng tạm bợ. Nhiều người sống lén lút ở Diên Cát, thủ phủ nhộn nhịp của Châu tự trị dân tộc Triều Tiên Diên Biên, nơi người dân tộc Triều Tiên phát triển mạnh mẽ, là vỏ bọc lý tưởng cho những người tị nạn.
Tuy nhiên, những người vượt biên nói rằng cuộc sống lén lút ở Diên Biên là một vật lộn hàng ngày. Những người tị nạn thường xuyên bị chính quyền Trung Quốc bắt và gửi trả về Bắc Triều Tiên nơi họ phải đối mặt với tù tội và tra tấn. “Chính quyền đang săn lùng chúng tôi” Hyeon Bu-heong, một người vượt biên 26 tuổi, người đã sống 5 năm ở Diên Cát và Thẩm Dương trước khi đặt chân tới Hàn Quốc nói. Anh nói anh không thể kiếm một công việc hay đi nhà thờ vì sợ anh có thể bị phát hiện. “Tôi không thể đến nhà thờ vì trong những nhà thờ của Trung Quốc có gián điệp của Bắc Triều Tiên” anh nói.
Jeong Yu-mi nói cô ruột của mình bị chính quyền Trung Quốc bắt 4 lần và hiện có lẽ đang bị giam ở miền Bắc. “Cô ấy đã từng ở Trung Quốc và lúc đó chúng tôi có thể liên lạc được với cô” nhưng giờ thì cô ấy đã được trả về nước.”
Mục sư Chun Ki-won, đứng đầu Durihana, một tổ chức truyền giáo có trụ sở ở Seoul hỗ trợ những người tị nạn, nói rằng, phụ nữ cũng dễ trở thành nạn nhân của buôn lậu tình dục. “Người Trung Quốc có thể trả tiền cho lính Bắc Triều Tiên để đưa phụ nữ ra khỏi Bắc Triều” ông nói. Rất nhiều phụ nữ bị khóa trong các căn phòng và bị ép phải “chat bằng webcam” cho đến khi họ trả hết nợ. “Họ không thể phàn nàn hay chống lại bất kì điều gì xảy ra cho mình tại Trung Quốc” ông Chun nói ”Về cơ bản, họ sống như dã thú.”
Con đường từ Hồn Xuân đến Diên Cát đi qua mũi phía Bắc của Bắc Triều Tiên, kéo dài vài cây số dọc theo sông Đồ Môn, phình ra thành một dòng suối lấp lánh vì băng tan chảy mùa xuân. Những ngọn đồi màu kaki bên kia sông vắng bóng người, dành chỗ cho vài nông trại hay nhà kho nép vào các nhánh sông trần trụi. Vì con đường chạy qua Đồ Môn, một thành phố nhỏ sát biên giới của Trung Quốc, một dãy các khu nhà chung cư màu xám mọc lên bên phía Bắc Triều Tiên giống như một hàng răng xấu xí.
Chính tại đây Chun Ki-won lần đầu tiên biết đến hoàn cảnh tuyệt vọng của những người tị nạn khi ông đang đi công tác đến khu vực này vào cuối năm 1995. Ông nhớ lại, khi đó đang lúc giá rét nhất của mùa đông, ông nhìn chằm chằm về phía Bắc Triều Tiên bên kia con sông bị đóng băng, nơi một ngọn lửa giả bừng sáng từ một ngọn tháp Juche cách mạng ở đằng xa “Tôi nhìn thấy cái gì đó trông giống như hai đôi giày vô chủ chủ nằm trên băng”, Chun nói. “Sau khi quan sát kĩ đó tôi nhận ra đó là đôi chân của một người đã bị chết đuối và đông cứng dưới lớp băng.”
Xác chết vô danh tính đó, người hướng dẫn viên nói với ông, chỉ là một trong số rất nhiều người Triều Tiên bỏ mạng khi đang thực hiện chuyến vượt sông đầy nguy hiểm. Vào mùa hè năm 1999, khi đang làm việc cho một nhóm truyền giáo, Chun quay trở lại vùng biên giới và một lần nữa nhìn thấy những thi thể trương phồng đang được chở đi khỏi dòng nước chảy xiết. “Tôi đi quanh Trung Quốc trong một tuần và tôi không thể chịu đựng được nữa” Chun nói. “Thế nên tôi mua một quyển sách và học cách sử dụng Internet, và đó là sự khởi đầu của Durihana.”
Ngày nay Durihana là một trong số vài nhóm hỗ trợ giáo dục, nơi trú chân và đào tạo nghề cho những người tị nạn Bắc Triều TIên. Tuy nhiên, có thể công việc quan trọng nhất của Durihana, vẫn là giúp đỡ người tị nạn tìm đường đi từ Trung Quốc đến những nơi cư trú an toàn trên khắp châu Á.
Vào năm 2000, Chun đảm nhiệm sứ mệnh cứu giúp đầu tiên của mình, giúp hai người vượt biên đi từ miền Nam Trung Quốc, qua Việt Nam, vào Campuchia. Mặc dù ông đã giúp đỡ khoảng 900 người thoát khỏi Hàn Quốc, công việc tiếp tục mang đến rất nhiều nguy hiểm. Tháng 12 năm 2001, Chun bị bắt khi đang giúp một nhóm những người vượt biên từ Trung Quốc vào Mông Cổ và phải ở tù 8 tháng.
Ngày nay, ông nói, con đường an toàn và phổ biến nhất chạy qua Trung Quốc vào Lào và Thái Lan, nơi chính quyền Hàn Quốc sẵn sàng giúp đỡ. Kể cả khi đó, người tị nạn phải hy vọng vào lòng tốt của cảnh sát và quan chức nước ngoài. Hyeon Bu-heong, người đến được Seoul với sự giúp đỡ của Durihana vào năm 2005 nói rằng nhóm người vượt biên của anh bị nhà chức trách ở Lào và Miến Điện cầm tù, trước khi đại sứ quán Hàn Quốc ở Rangoon thay mặt họ can thiệp. “Chúng tôi chỉ lấy một tấm bản đồ nhỏ rồi vượt qua biên giới” ông nói
Mặc dù những người vượt biên phải đổi mặt với ngày càng nhiều khó khăn, Peters nói chính sách của Bắc Triều Tiên trong việc đưa yêu sách đối với người tị nạn trở về từ Trung Quốc có thể hoạt động gây hủy hoại chế độ. “Đó là một thất sách, bởi mỗi một người trở về mang theo thông tin và các quan điểm mới, sau khi họ được xem các kênh truyền hình Hàn Quốc ở Trung Quốc” ông nói. “Mỗi người trong số họ sẽ tạo một dạng hiệu ứng lan tỏa…Họ sẽ chia sẻ thông tin và quan điểm này với gia đình và bạn bè xung quanh mình.”
Jeong Yu-mi, giống như nhiều người vượt biên khác, nói cô hy vọng cuối cùng bán đảo Triều Tiên cũng thống nhất và rằng những người còn lại sẽ được hưởng sự tự do, không có sự sợ hãi và đàn áp như cô. Cho đến lúc đó, cô muốn được tham gia vào quá trình dân chủ hóa tại quê hương trong khả năng của mình. “Tôi không hứng thú với chính trị, nhưng tôi muốn bằng cách nào đó thay đổi Bắc Triều Tiên” cô nói. “Tôi không phải nhà tiên tri, nhưng tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra.”
Sebastian Strangio là một nhà báo thường trú tại Phnom Penh. Bài viết của ông được đăng trên Economist, Asia Times và The Phnom Penh Post bên cạnh các ấn phẩm khác. Có thể liên hệ với ông tại địa chỉ email: Sebastian.strangio@gmail.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment