David Pilling
Financial Times ngày 1 tháng 6, 2011
(Lược dịch bài viết của David Pilling, đăng trên báo Financial Times ngày 1 tháng 6, 2011)
02:48:am 03/06/11
Tháng trước, 1 người đàn ông lái xe máy đến trước đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, giăng ra một tấm biểu ngữ lớn có ghi dòng chữ “Trung Quốc không có quyền cấm đánh cá và cướp Hoàng Sa của Việt Nam”, và ngay sau đó ông đốt xe của mình. Trong lúc lửa cháy rực, người biểu tình bị công an dẫn đi. Sự kiện này được một du khách thu hình video, http://soclosetohome.tumblr.com, nhưng không có tờ báo Việt nào nhắc đến.
Nhưng tháng này, trong buổi họp báo khẩn, bộ ngoại giao Việt Nam đã phản đối Trung Quốc và tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam tại biển Đông. Sự việc xảy ra tuần qua khi cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, một tàu tuần dương Trung Quốc đã cắt dây cáp của một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.
Các tàu tuần dương phía Trung Quốc vẫn thường bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt trong vùng biển đang tranh chấp, và đòi tiền chuộc để thả người. Xung đột với tàu thăm dò dầu khí hiếm khi xảy ra, song phía Việt Nam cho biết đây không phải lần đầu tàu Trung Quốc cắt dây cáp. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn vùng biển “Nam Trung”, một vùng biển giáp giới Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Nam Dương và Việt Nam. Các quốc gia này đều tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển gần bờ của mỗi bên, theo nguyên tắc “ở đâu có đất liền, ở đó có chủ quyền biển”. Người Việt ví đường vẽ chiếm lãnh hải trên bản đồ của Trung Quốc như một lưỡi bò đang thè ra. Ngoài ra, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đang trong vòng tranh chấp.
Theo Brantly Womack, giáo sư khoa chính trị tại đại học Virginia, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh là một “quan hệ phi đối xứng”. Việt Nam nhập siêu 12 tỉ USD từ thị trường Trung Quốc, trong đó gồm các sản phẩm như máy móc, vi tính, hóa chất và vải dệt. Hàng xuất khẩu của Việt Nam đa phần là nguyên liệu. Nhiều người Việt tin rằng Trung Quốc đã bóp nghẹt từ trứng nước công nghiệp địa phương. Mối giận anh láng giềng khổng lồ xấu bụng thỉnh thoảng lại bùng lên, và đáng chú ý nhất là đối với dự án Việt Trung trị giá hàng tỉ đô la nhằm khai thác nguồn bauxite tại Tây Nguyên vào năm 2009. Dự án này bị chỉ trích vì khả năng gây nguy hại đến môi trường, xã hội và quốc phòng. Quan hệ phi đối xứng này buộc Việt Nam phải nhún nhường, theo lời ông Womack. Tuy nhiên điều này chỉ khả thi nếu Trung Quốc cũng tôn trọng lợi tức và quyền tự trị của Việt Nam. Mối quan hệ này khá giống hệ thống chư hầu thời cổ, theo kiểu các xứ thần phục đế quốc Trung Hoa. Bằng cách tỏ ra cung kính và chấp nhận một Trung Quốc ưu việt, các nước trong vùng sẽ được yên ổn.
Với cú hích vừa qua, xem ra Trung Quốc muốn tái lập một hệ thống tương tự trong thời đại này. Ngoại trừ Ấn độ và Nhật Bản, tất cả các nước Á Châu khác đều mang quan hệ phi đối xứng như vậy với Trung Quốc. Ví dụ cụ thể là Phi Luật Tân. Nước này cũng đã từng phản đối tàu Trung Quốc sách nhiễu tàu thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Phi. Nhưng khi nói đến vấn đề này, tổng thống Phi, ông Benigno Aquino III đã cho biết nước ông khó lòng làm được gì với lực lượng hải quân hạng nhì và không quân thiếu máy bay chiến đấu. Ông Aquino nói, “nếu chúng tôi đấu quyền Anh với họ, thì sẽ là một chọi 15”.
Thái độ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc khiến các nước trong vùng xích lại gần nhau trong khối ASEAN, và các nước này đang hướng về Mỹ. Mỹ đã lên tiếng muốn duy trì hoạt động lâu dài trong vùng Thái Bình Dương, và đã khiến Trung Quốc bực tức vì tuyên bố rằng vùng biển “Nam Trung” là một vùng mang quyền lợi chiến lược. Chắc hẳn vấn đề tranh chấp vùng biển này sẽ là đề tài nóng bỏng vào cuối tuần này tại diễn đàn Đối Thoại Shangri-La ở Singapore, một hội nghị hàng năm về an ninh Á Châu – Thái Bình Dương. Năm nay, bộ trưởng quốc phòng từ cả hai nước Trung Quốc và Mỹ, Lương Quang Liệt và Robert Gates, cùng tham dự hội nghị này. Diễn đàn kỳ này chắc hẳn sẽ có nhiều bàn thảo về việc cần có sự minh bạch hơn giữa hai cường quốc để bảo đảm các va chạm trên biển không leo thang.
Tuy vậy, ai cũng hiểu rằng sức mạnh hải quân Trung Quốc đang bành trướng, và ảnh hưởng của Mỹ trong vùng biển này chắc chắn sẽ giảm đi. Khi được hỏi về việc quay sang Mỹ để nhờ bảo vệ, ông Aquino nói ngay, “nếu họ chịu có mặt”. Các nước như Việt Nam và Phi Luật Tân sẽ rất mừng nếu được Mỹ giúp đỡ. Nhưng sớm muộn gì họ tự biết phải thích nghi với Trung Quốc.
© Đàn Chim Việt Online
.
.
.
No comments:
Post a Comment