Trần Tiến Dũng/Người Việt
Tuesday, June 21, 2011 2:53:44 PM
CẦN THƠ -Ðứng trước ngôi nhà nhỏ, ở hẻm chợ Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, nhà thơ Phù Sa Lộc nhìn chúng tôi nói: “Bộ nản hả, chờ chút thì biết.”
Ngôi nhà của anh Tạ Mân như một viện bảo tàng. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Khi nhà sưu tập Tạ Mân mở toang cánh cửa sắt của ngôi nhà của ông thì chúng tôi kinh ngạc vì qui mô của số tượng cổ, kiếm cổ, ấn cổ... đang bày la liệt trên nền nhà.
Nhớ lại lúc phóng xe máy đến Thốt Nốt, ám ảnh về tai nạn giao thông khiến chúng tôi luôn tự hỏi, liệu có đáng bỏ công đến nhà tay chơi cổ vật miền quê này không. Bây giờ chạm tay vào từng món cổ vật biểu tượng của một nền văn hóa có cả ngàn năm tuổi, chỉ riêng chuyện được chủ nhân đồng ý cho sờ mó cổ vật thôi cũng hạnh phúc hơn đi thăm các viện bảo tàng.
Các tượng cổ được đặt trên những bệ gỗ, để bẹp dưới đất và trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của các bức tượng, chúng tôi cũng không dám ngồi ghế. Chỉ sau vài câu chuyện xã giao với chủ nhân, không chờ thêm được, nhạc sĩ Tuấn Khanh xin phép được chụp hình và anh nằm ngang nằm dọc chụp miệt mài.
Trước khi được anh Tạ Mân giới thiệu, nhóm chúng tôi đều bị hút hồn bởi một đầu tượng của một người phụ nữ. Nhìn gương mặt quí phái, đầu tóc cao sang, không ai có thể ngờ đây là gương mặt của người xưa, rất xưa. Chạm vào da mặt đá thấy bàn tay mát lạnh như sức sống của da thịt, nhìn kỹ hơn một chút thấy từng bím tóc với từng sợi tóc vẫn mềm mại quyến rũ.
Anh Tạ Mân giới thiệu. Ðầu tượng nặng hơn 40kg, anh cho đó là tượng đầu bà Liễu Hạnh, một nữ vương trị vì vương quốc Phù Nam thời cổ đại.
Ðầu tượng được cho là Nữ vương Phù Nam thời cổ đại. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Tất nhiên điều anh Tạ Mân nói cũng cần giới chuyên môn xác định nhưng với chúng tôi, nhà sưu tập bình dân này đã tặng chúng tôi một diễm phúc lớn là được chiêm ngưỡng theo kiểu mắt thấy, tay sờ một tác phẩm tuyệt thế.
Trong số tượng bày trước vách ngăn nhà của anh Tạ Mân, nổi bật nhất là bức tượng thần Harihara bằng đá, cao 1.55m nặng 90 kg, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 7. Cặp tượng Gamesa đang quỳ trên bộ sử thi, tượng Linga đá hoa cương có mắt thần... Và để có thể chiêm ngưỡng hết những cổ vật Óc Eo ở ngôi nhà nhỏ có khi người ta phải mất cả ngày và nhiều tháng, nhiều năm ngẩn ngơ với những tác phẩm sống lại từ lòng đất sau hàng thế kỷ bị lãng quên.
Anh Tạ Mân lấy hai thanh kiếm đá có chạm khắc chữ cổ và hoa văn trên lưỡi và cán. Anh đánh hai cây kiếm vào nhau âm thanh vang như tiếng khánh. Anh nói: “Nếu đá thường chắc là gãy, tôi cũng không biết kiếm của người xưa làm bằng đá gì.”
Nhà sưu tập cổ vật nào ở Việt Nam cũng thường có “tật” ca ngợi bản thân và cổ vật của mình, nhưng khi tiếp xúc với anh Tạ Mân thì chúng tôi thấy anh giống một tay nông dân ham chơi nhiều hơn ham khoe của.
Chỉ riêng cái việc anh xác nhận mình còn ít hiểu biết về chuyên đề văn hóa Óc Eo cũng đủ thấy anh thiệt thà. Anh khoe để phân biệt cổ vật thiệt và giả anh có cách mà không một nhà chuyên môn nào dám làm là lấy đục, đục một lỗ thăm dò trên những bức tượng “vô giá,” nếu thấy đá làm tượng có hai lớp da và nạc như thịt heo là đúng đồ thiệt. Vì lớp da là lớp đá lâu năm bị oxy hóa, lớp nạc là lõi đá nguyên chất.
Anh Tạ Mân bắt đầu sưu tập cổ vật thời kỳ Óc Eo hàng chục năm trước, vào cái thời mà những người đi đào bới phế liệu bán ve chai đào được tượng cổ không dám mang vô nhà vì sợ bị quở.
Giờ đây anh có cả một viện bảo tàng chuyên đề về nền văn hóa từng một thời rực rỡ trên vùng đất phương Nam này.
Kiếm bằng đá có từ thời kỳ văn hóa Óc Eo. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Tạ Mân cho biết, anh chưa từng bán đi một món cổ vật nào của nền văn hóa Óc Eo, dù không thiếu những tay săn lùng cổ vật trong và ngoài nước ra giá rất cao. Ngay cả với những cổ vật quí không thuộc về thời kỳ Óc Eo anh cũng không bán.
Anh kể về bức tượng Phật Bà cổ bằng đồng 10 đầu, 20 tay cao 1.1m, nặng 25 kg (cũng có thể là tượng Chuẩn Ðề Bồ Tát). “Có người Ðài Loan đến coi, trả giá năm mươi ngàn đô la, tui từ chối thẳng, sau đó cũng có vài người Ðài Loan, Singapore trả giá cao hơn tui cũng từ chối không bán.”
Khi được gặng hỏi vì sao. Anh lại nói: “Gia đình tôi hiện tại đủ ăn đủ mặc, vậy nên tôi chỉ có mỗi một tâm niệm là giữ gìn những cổ vật này cho đến hết đời mình. Trong chuyện này dân tỉnh lẻ như tôi chỉ biết đến hết đời mình thôi, đâu dám tính giùm cho đời sau.”
Bây giờ hàng ngày, anh ngồi như ông từ giữ chùa, anh sống với những cổ vật mà có thể anh không hiểu hết được giá trị văn hóa của từng món, nhưng anh tự tin khi quyết định không bán. Trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi anh cũng không một lần bắt chước giọng trưởng giả văn hóa của mấy tay chơi đồ cổ, kiểu như: sưu tập cổ vật quí hiếm để lại cho con cháu đời sau, hiến tặng cho bảo tàng để làm di sản văn hóa...
Tạm biệt ngôi nhà cổ vật Óc Eo của anh Tạ Mân ở Thốt Nốt, Cần Thơ, chúng tôi nghiệm ra rằng. Mình đúng là được các cổ vật linh thiêng tạo duyên nên mới có cơ may gặp được tay chơi cổ vật đúng kiểu dân miền Nam thứ thiệt.
.
.
.
No comments:
Post a Comment