Ngô Duy Quyền
Thứ Ba, 07/06/2011
Kính thưa đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông,
Lẽ ra em tôi phải được thả vào ngày 10-06-2011, nhưng nay em tôi có thể bị tù quá thời hạn tới tận ngày 01-07-2011 chỉ vì sự tắc trách, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam.
Tin liên quan:
Tôi là Ngô Duy Quyền, anh trai của Ngô Quỳnh - người đang chịu án tù tại phân trại K1- Trại giam Nam Hà, Ba Sao - Kim Bảng - Hà Nam, khẩn thiết loan báo về việc em trai tôi có nguy cơ bị cầm tù quá thời hạn.
Tôi đã vô cùng thất vọng về nền tư pháp hiện nay của Việt Nam khi kết án em tôi - Ngô Quỳnh và những người đồng chí hướng, với tấm lòng đơn sơ và đầy trách nhiệm với đất nước, cùng nhau thể hiện lòng yêu nước và khát vọng tự do dân chủ nhân quyền cách ôn hòa, mà lại phải nhận lấy bản án bất công với những tháng ngày dài oan ức trong lao tù. Ngô Quỳnh bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.
Biểu ngữ tại cầu vượt Lạch Tray, Hải Phòng ngày 16/08/2008. Những người viết biểu ngữ này bị truy tố theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam
Trong lần thăm gặp tiếp tế gần nhất vào đầu tháng 5/2011 tại trại giam, tôi được cán bộ trại giam cho biết em tôi được giảm án 3 tháng. Chiểu theo bản án sơ thẩm số 150/2009/HSST ngày 9/10/2009 thì em tôi sẽ được thả vào ngày 10/6/2011 (tức là 33 tháng tính từ ngày bị bắt tạm giam 10/9/2008). Song, cán bộ trại giam lại nói rằng tới ngày 01/7/2011 em tôi mới được thả và giải thích rằng họ tính thời gian căn cứ theo bản án phúc thẩm số 25/2010/HSPT ngày 21/10/2010 của Tòa án nhân dân tối cao.
Ngô Quỳnh đã bị bắt giam từ tối ngày 8/9/2008 bởi lực lượng công an đông đảo với một số ít mặc quân phục và phần lớn còn lại là mật vụ mặc thường phục ngay sau khi họ lấy cớ kiểm tra hộ khẩu để vào nhà chúng tôi đang thuê ở. Công an, mật vụ đã bắt Ngô Quỳnh đi mà không hề có bất kỳ một thủ tục giấy tờ (lệnh hoặc biên bản) nào. Chính quyền và công an đã vi phạm pháp luật trắng trợn đối với bản thân Ngô Quỳnh và gia đình tôi. Điều này là không thể chấp nhận được ở một đất nước có luật pháp và ở ngay tại thế kỷ 21 này. Đến ngày 25/9/2008, Ngô Quỳnh được tạm thả ra và sau đó đến ngày 01/10/2008 lại bị bắt giam trở lại và đi tù cho đến tận bây giờ.
Xin nhắc lại cho rõ, trong suốt thời gian 17 ngày Ngô Quỳnh bị công an và mật vụ bắt giam lần đầu thì em tôi đã bị giam giữ bí mật, không ai được biết em tôi bị giam ở đâu và đến bao giờ. Đây là cách hành xử rất đáng sợ, mờ ám và phi pháp của nhà cầm quyền Việt Nam.
Tại bản án sơ thẩm số 150/2009/HSST, trang 15 phần Quyết định, ghi “xử phạt Ngô Quỳnh 03 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt, tạm giam 10-09-2008; phạt quản chế Ngô Quỳnh 03 năm tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù”, đây là mốc thời gian gần sát nhất với sự thật về thời gian bắt Ngô Quỳnh.
Tôi đã có mặt tại phiên tòa được gọi là công khai, xét xử phúc thẩm em tôi và những người bạn. Tòa án tối cao đã tuyên “Y án sơ thẩm”. Điều này có nghĩa là giữ nguyên toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm bao gồm mức hình phạt và các mốc tính thời gian.
Vì Tòa án tối cao đã không cấp bản án phúc thẩm số 25/2010/HSPT cho Ngô Quỳnh nên ngày 24/5/2011 tôi đã có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cung cấp thông tin về ngày hết hạn án phạt tù đối với em tôi là Ngô Quỳnh. Tôi đã gửi văn bản này theo đường chuyển phát nhanh tới địa chỉ: Tòa án nhân dân tối cao, số 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, đồng thời ngày hôm sau 25/5/2011 tôi đã đến phòng tiếp dân của Tòa án tối cao tại số 262 Đội Cấn để trực tiếp nộp đơn. Tại đây, nữ cán bộ (tôi nhìn thấy ký tên Nguyễn Thị Hải Châu trong một tờ biên bản tiếp nhận đơn của một người dân khác) đã không nhận Đơn đề nghị của tôi và giải thích rằng cần phải có các bản sao của cả bản án sơ thẩm lẫn bản án phúc thẩm gửi kèm đơn thì mới nhận.
Ngay chiều ngày 25/5/2011 tôi đã đến Phòng trích lục Tóa án tối cao đề nghị cấp bản sao bản án phúc thẩm số 25/2010/HSPT. Tại trang 2 bản án phúc thẩm, mục 5 phần nói về Ngô Quỳnh có ghi “ tạm giữ, tạm giam ngày 01-10-2008”. Tôi cho rằng, đây chính là cơ sở để trại giam lấy mốc tính thời gian giam tù em tôi, nên tôi đã làm “Đơn yêu cầu làm rõ thời gian của án phạt tù” và lại đến Phòng tiếp dân của Tòa án tối cao để nộp đơn này vào sáng ngày 31/5/2011.
Khoảng 9:30 sáng 31/5/2011 tôi có mặt ở phòng tiếp dân Tòa án tối cao, sau khi chờ khoảng 30 phút thì nữ cán bộ hôm trước xuất hiện. Tôi đưa tờ đơn kèm các bản sao của bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì nữ cán bộ đã tiếp nhận các tài liệu đó. Song, thay vì viết giấy biên nhận tài liệu đơn thì chị ta lại cầm tất cả tài liệu đó nhanh chân đi qua cửa sau ra ngoài sau khi xem qua nội dung đơn và nói rằng chị ta cần kiểm tra.
Sau khoảng 45 phút đợi chờ, nữ cán bộ nhận đơn quay trở lại và trả lại hồ sơ đơn cho tôi với lời giải thích rằng, đây chỉ là sai sót nhỏ và bảo tôi ra gặp bảo vệ rồi trình bày với họ thì sẽ được hướng dẫn vào bên trong Tòa để yêu cầu đính chính (một thái độ vô cùng quan liêu của một nữ công chức), như vậy sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn. Khi tôi nói rằng tôi sẽ nộp đơn ở tại đây vì đây là Phòng tiếp dân cho dù phải đợi chờ kết quả lâu hơn thì chị ta lại từ chối nhận đơn và giải thích rằng Phòng tiếp dân chỉ nhận những đơn có tiêu đề là “Đơn khiếu nại” và nói rằng tôi phải sửa tờ đơn thì Phòng tiếp dân mới nhận đơn.
Tôi rất bức xúc trước sự quan liêu của nhân viên Tòa án này. Sau khi gọi điện cho Luật sư Trần Vũ Hải tham khảo ý kiến, tôi bắt tay viết “Đơn khiếu nại Giám đốc thẩm” theo lời tư vấn của Luật sư Hải. Đọc kỹ lại bản án phúc thẩm số 25/2010/HSPT tôi phát hiện thiếu mất trang số 13 (bản án có 14 trang) là trang liên quan đến phần Quyết định mà không hiểu lý do gì Phòng trích lục đã cấp thiếu, và do sơ xuất của bản thân tôi đã không phát hiện ra sớm.
Ngày 01/6/2011, tôi lại đến Phòng trích lục Tòa tối cao để khiếu nại việc cấp thiếu một trang của bản án phúc thẩm. Khi chị cán bộ kiểm tra hồ sơ ngay trước mặt tôi thì chị này phát hiện chính bản lưu bản án phúc thẩm tại Tòa cũng thiếu mất trang số 13. Chị cán bộ này đã phải sang phòng chuyên môn để xin cấp lại toàn bộ bản án và đã cấp lại cho tôi bản đầy đủ này kèm một lời xin lỗi.
Tại phần Quyết định của bản án phúc thẩm mà tôi vừa được cấp lại, cuối trang 13, phần tuyên về Ngô Quỳnh ghi rất rõ “…xử phạt bị cáo Ngô Quỳnh 3 năm tù và phạt quản chế 3 năm tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 10-9-2008”. Chị cán bộ Phòng trích lục có giải thích cho tôi rằng phần Quyết định của bản án phúc thẩm là căn cứ để xác định mức hình phạt cũng như mốc thời gian và bắt buộc Cơ quan thi hành án (Trại giam, chẳng hạn) phải tuân theo. Do vậy, tôi đã không gửi Đơn khiếu nại Giám đốc thẩm nữa.
Ngày 4/6/2011 tôi đến Trại giam Nam Hà thăm gặp Ngô Quỳnh và mang theo bản sao bản án phúc thẩm (có dấu đóng dấu đỏ của Tòa án Tối cao) để khiếu nại với Trại giam. Tôi vô cùng sửng sốt khi cán bộ trại giam đeo biển tên Bùi Đức Giao, người dẫn giải Ngô Quỳnh đến cuộc gặp hôm đó, nói với tôi rằng bản án phúc thẩm số 25/2010/HSPT mà Ban giám thị trại giam nhận được từ Toàn án tối cao lại có phán quyết về việc xác định mốc thời gian phạt tù đối với Ngô Quỳnh khác với bản án phúc thẩm mà tôi có trong tay. Nghĩa là, thời hạn tù được tính từ ngày bắt tạm giam 01/10/2008. Cán bộ Giao cũng nói rằng Ngô Quỳnh đã viết đơn khiếu nại trong tù và Trại giam đã gửi Công văn tới Tòa án tối cao yêu cầu xác định lại thời hạn phạt tù đối với em trai tôi và đang đợi kết quả trả lời.
Lúc đầu, trong khi ngồi đợi được gặp Ngô Quỳnh, tôi đã trình bày vụ việc với một cán bộ công an ở phòng bảo vệ trại giam, người công an này hẹn khi tôi gặp Ngô Quỳnh xong thì sẽ có cán bộ có trách nhiệm tiếp chuyện. Sau khi gặp em tôi và khiếu nại vụ việc với cán bộ Giao, tôi trở ra phòng bảo vệ. Tại đây, tôi được một người mặc thường phục không đeo biển tên tiếp chuyện, công an bảo vệ giới thiệu anh này là Tuyên - người có trách nhiệm xử lý vụ việc. Cán bộ tên Tuyên cũng đưa ra lời giải thích tương tự như cán bộ Giao. Cả hai cán bộ này đều nhấn mạnh rằng, nếu đến ngày 10/6/2011 không nhận được hồi đáp từ phía Tòa án thì họ sẽ giam Ngô Quỳnh tới ngày 01/7/2011, căn cứ theo hồ sơ họ có trong tay. Họ nói chúng tôi hãy đến Tòa tôi cao mà khiếu nại thì hy vọng sẽ có kết quả sớm hơn. Tôi đã gửi lại đơn khiếu nại và 01 bản sao bản án phúc thẩm số 25/2010/HSPT cho cán bộ Tuyên.
Gia đình chúng tôi đang vô cùng bức xúc trước kiểu làm việc phi pháp, tắc trách, tùy tiện và đùn đẩy trách nhiệm của cả hệ thống tư pháp Việt Nam.
21 ngày không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng đầy bất trắc, đặc biệt là trong chốn lao tù. Sau 3 năm sống trong lao tù khắc nghiệt, sức khỏe em tôi đã giảm sút nhiều, một số bệnh mắc trước khi đi tù nay đã thành mãn tính và còn bị thêm một số căn bệnh khác. Tôi và gia đình mong muốn mãnh liệt được sớm đón em tôi trở về từng ngày từng giờ.
Chúng tôi khẩn thiết thỉnh cầu những người có trách nhiệm, những người có lương tri, đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông… hãy góp tiếng nói bênh vực cho Ngô Quỳnh-một người đấu tranh dân chủ trẻ tuổi để em sớm được ra khỏi nhà tù nhỏ.
Đến hôm nay 06-06-2011 tôi và gia đình vẫn chưa nhận được bất kỳ hồi đáp nào từ Tòa án tối cao và Trại giam.
Hà Nội 06-06-2011
Ngô Duy Quyền
Ngô Duy Quyền
.
.
.
No comments:
Post a Comment