Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Wednesday, June 22, 2011 7:20:18 PM
Wednesday, June 22, 2011 7:20:18 PM
SAN FRANCISCO (NV) - Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc do sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ tổ chức, diễn ra trước cửa tòa Lãnh Sự Trung Quốc tại San Francisco hôm Thứ Ba.
Sinh viên du học treo biểu ngữ bằng tiếng Anh trên đường trước mặt tòa Lãnh Sự Trung Quốc tại San Francisco. (Hình: Nguyễn Tuấn Anh)
Số người đi dự không đông như dự tính ban đầu, vì “ngại” một số lý do.
Cuộc biểu tình diễn ra suôn sẻ. Có một người Việt Nam đi ngang, tỏ thái độ chống lại nhóm sinh viên biểu tình này.
Cuộc biểu tình kéo dài hơn 1 tiếng rưỡi, được chọn làm vào trưa Thứ Ba, được xin giấy phép trước, và được thực hiện với mục đích “làm ngày thường” thì “lãnh sự quán [Trung Quốc] mở cửa mới thấy mình biểu tình.” Hồ Quang Phương, một sinh viên du học, nói với Người Việt.
Tuy nhiên, khi tới nơi, trước cửa tòa lãnh sự có dán tờ giấy đóng cửa trong ngày.
Mặc dù “đối tượng” đã biến mất, nhóm sinh viên này vẫn ở lại biểu tình. Họ trưng biểu ngữ bằng tiếng Anh, hô khẩu hiệu bằng tiếng Anh, dùng cả loa phóng thanh:
“Paracel Islands belong to Vietnam” (Hoàng Sa là của Việt Nam).
“Spratly Islands belong to Vietnam” (Trường Sa là của Việt Nam).
“China government stop harassing Vietnamese fishermen” (Chính quyền Trung Quốc ngưng sách nhiễu ngư dân Việt Nam).
“We Vietnamese will stop China's invasion of Vietnam's islands” (Người Việt Nam sẽ chặn Trung Quốc xâm lược đảo của Việt Nam).
Rồi họ hát, những ca khúc “Tổ Quốc Nhìn Từ Biển,” “Khúc Hát Trường Sa...”
Họ phất cờ đỏ sao vàng, cờ của chính quyền CSVN hiện nay. Một người Việt Nam đi ngang qua, chĩa ngón tay giữa vào nhóm này.
Cuộc biểu tình có 11 du học sinh tham dự, chỉ qua sự rủ rê lẫn nhau trong số các du học sinh quen nhau, không có những phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhóm du học sinh này bắt đầu rủ nhau biểu tình ngay từ sau tuần biểu tình đầu tiên của thanh niên trong nước. Lúc đó, có tới 30 người nói sẽ đi.
Nhưng, sau tuần biểu tình thứ nhì trong nước, khi “có tin sinh viên trong nước đi biểu tình bị kỷ luật, bị đuổi học, thì nhiều người rút ra,” Phương kể lại.
Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Anh, đang học cao học Quản Lý Hành Chánh Công, nói với Người Việt rằng lý do rút ra không liên quan tới những gì xảy ra trong nước.
“Do biểu tình vào ngày Thứ Ba, nên đa số các bạn kẹt giờ học, hơn nữa đây là mùa Hè nên nhiều bạn cũng đã về Việt Nam. Chỉ có số ít ngại vì những lý do cá nhân như nhà xa, không có phương tiện di chuyển.”
Một sinh viên du học khác, cũng tham gia biểu tình, yêu cầu không nêu tên, đưa ra lý do khác. Sinh viên này cho rằng nhiều người rút ra vì sợ những gì sẽ xảy ra tại Việt Nam. “Em là du học sinh nên rất là sợ có chuyện gì đó đụng tới ba cái chính trị này.”
“Ba mẹ em có biết và cũng có dặn em nên cẩn thận rồi coi chừng bị tấn công rồi bị Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh đuổi về nước.”
“Nhìn các tấm gương anh dũng lần lượt phải đi ngồi bóc lịch và mất tích không chứng cứ đã làm cho người Việt Nam mình trở nên sợ hãi rồi,” sinh viên này nói tiếp. “Cho nên nếu nói các bạn khác không đi biểu tình không hẳn vì các bạn hèn nhát, mà vì cái tâm lý 'thôi sống yên ổn cho rồi.'”
Không đông người tham dự, các sinh viên vẫn tỏ ra “phấn chấn” với kết quả biểu tình. Tuấn Anh miêu tả: “Những người đi đường, đa số là người Mỹ, chạy ngang bóp kèn ủng hộ. Một số người giơ ngón cái lên và nói, 'Việt Nam number 1.'”
“Nói chung là rất vui và phấn chấn. Tụi em thấy xúc động.”
.
.
.
No comments:
Post a Comment