Thursday, June 23, 2011

RẮC RỐI NHIỀU HƠN Ở BIỂN HOA NAM (Ted Galen Carpenter)


Ted Galen Carpenter, National Interest, 14/6/ 2011

Ngày đăng: 21.6.2011

Căng thẳng trên các vùng biển quan trọng về kinh tế và chiến lược của Biển Nam Trung Hoa[1][1] lại một lần nữa tăng vọt lên trong tuần qua. Bộ Ngoại giao Trung Hoa lên án Việt Nam về “xâm phạm nghiêm trọng” chủ quyền và quyền biển của Trung Hoa khi một tàu đánh cá Trung Hoa vướng vào cáp của một tàu Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu địa chấn. Phản đối của Bắc Kinh đến sau sự lên án của Hà Nội rằng các tàu đánh cá đã cố ý quấy nhiễu tàu thăm dò địa chấn và can thiệp vào công việc của nó bằng cách cố sử dụng một dụng cụ để cắt cáp.

Sự cố mới nhất này nhắc ta nhớ lại rằng Biển Nam Trung Hoa là một trong những nơi tiềm tàng bùng nổ xung đột của thế giới. Trung Hoa, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan tất cả đều có yêu sách về những quyền khác nhau trong phần lớn vùng biển này. Yêu sách của Trung Hoa là đặc biệt kỳ quái, nó đòi một vùng đặc quyền kinh tế choán hết hơn một nửa khu vực này. Lập trường này tạo ra những cuộc tranh cãi hung hăng không chỉ với những nước láng giềng nào có những yêu sách đối lập, mà còn với cả Hoa Kỳ. Các quan chức Hoa Kỳ bực bội cho rằng việc đòi một vùng đặc quyền kinh tế khổng lồ như thế được trù tính như một trạm dừng chân[2][2] trong tiến trình biến Biển Nam Trung Hoa từ một vùng biển quốc tế thành lãnh hải của Trung Hoa.

Động thái này còn có những hàm ý lớn về kinh tế. Các chuyên gia cho rằng bên dưới vùng biển này có những trữ lượng dầu mỏ khí đốt cực lớn (và có thể có cả những trầm tích khoáng chất có giá trị). Lập trường của Bắc Kinh còn có những hàm ý chiến lược quan trọng. Phần lớn những con đường giao thường huyết mạch dẫn đến Nhật Bản, Nam Triều Tiên, và các nước Đông Á khác đều chạy qua Biển Nam Trung Hoa. Việc Trung Hoa kiểm soát phần lớn vùng biển này sẽ cho Trung Hoa kẹp chặt những yết hầu kinh tế của tất cả các nước đó.

Là một cường quốc hàng hải hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ đang ngày càng quan tâm đến cuộc tranh chấp trong vùng biển Nam Trung Hoa. Mùa hè vừa qua, chính quyền Obama đã trực tiếp xen vào cuộc tranh cãi khi Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu tại một cuộc họp của ASEAN. Trong bài diễn văn đó, bà Clinton nhấn mạnh rằng Washington có quyền lợi trong các vấn đề đang đe dọa và đề nghị một giải pháp tập thể khu vực trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò trung gian.

Các quan chức Trung Hoa hiểu những bình luận của bà như nghiêng về các thành viên ASEAN khác và là một lập trường thù địch với Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Hoa tuyên bố cộc lốc rằng bất kỳ sự dính líu nào của Hoa Kỳ vào cuộc tranh chấp này, trong vai trò trung gian hay vai trò nào khác, đều không được chờ đón.

Washington đối mặt với một thế lưỡng nan trong cuộc tranh cãi Biển Nam Trung Hoa. Hoa Kỳ là nước buôn bán quan trọng trên biển, hơn nữa, là cường quốc hải quân hàng đầu thế giới. Các lãnh đạo Hoa Kỳ đã luôn thận trọng thách thức bất kỳ sự phá vỡ thật sự hay tiềm tàng các quyền hàng hải và trong các vùng biển quốc tế. Lập trường này có ngay từ những thập niên đầu tiên của nước Cộng hòa, mà ngành hàng hải và thám hiểm biển của Hoa Kỳ là mẫu mực chống cái gọi là bọn cướp biển Barbary dưới thời chính phủ Thomas Jefferson.

Mặt khác Wasshington đặt ưu tiên cao trong việc duy trì những quan hệ tốt với Trung Hoa, những mối quan hệ đã có phần căng thẳng vì những vấn đề khác. Các quan chức Hoa Kỳ đứng trước một lựa chọn khó khăn. Để tránh làm hỏng thêm mối quan hệ song phương, họ cần im lặng không phản đối trò chơi sức mạnh rõ ràng ở Biển Nam Trung Hoa – cho dù lập trường đó có làm yếu đi việc trước nay Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh các quyền tự do hàng hải. Hoặc họ có thể giữ một lập trường mạnh chống lại những yêu sách lãnh thổ của Trung Hoa, cho dù lập trường đó có thể làm cho quan hệ song phương xung khắc hơn nữa. Nhưng phải chọn lấy một lập trường, vì vấn đề Biển Nam Trung Hoa không sớm biến mất.

----------------------------------------

[3][1] Cách gọi của báo chí quốc tế đối với Biển Đông .
[4][2] Nguyên văn half-way house: nơi cư trú tạm cho những người ra khỏi bệnh viện, nhà tù.. trước khi tái hòa nhập cộng đồng.

.
.
.





No comments: