Saturday, June 11, 2011

PHILIPPINES & VIỆT NAM ĐANG Ở NGÃ BA ĐƯỜNG (Dương Danh Huy)


Huy Duong *
The Manila Times   -   Ngày 9 tháng 6 năm 2011

Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 11.06.2011

Hôm 26 tháng 5 năm 2011, căng thẳng ở Biển Hoa Nam [Biển Đông] đã bị đẩy lên một nấc khi ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã đe dọa tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam và phá hỏng một số thiết bị của con tàu này. Sự cố này xảy ra cách bờ biển của Việt Nam 120 hải lý, cách Đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý. Địa điểm xảy ra sự cố nằm gần bờ biển của Việt Nam hơn là với Quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa đang có tranh chấp.

Theo luật quốc tế và thông lệ chính thức thì các hòn đảo và khối đá nhô lên khỏi mặt biển thuộc Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa chỉ có chủ quyền đối với hoặc một lãnh hải nằm trong phạm vi cách 12 hải lý hoặc tối đa là một lãnh hải cộng với một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) không vượt quá 12 hải lý.

Theo luật án lệ [case law] được áp dụng tại các phiên tòa và hội đồng trọng tài quốc tế thì nguyên tắc tỉ lệ cân xứng [proportionality principle] được dùng để đánh giá sự công bằng trong phân định đường ranh giới trên biển, nguyên tắc này nói rõ rằng tỉ lệ không gian biển [maritime space] được quyết định trao cho hai đặc tính địa chất [geological fesatures] đang có tranh chấp phải lớn xấp xỉ tỉ lệ chiều dài bờ biển của hai đặc tính đó. Hoàng Sa và Trường Sa là tập hợp những đặc tính rất nhỏ [tức những hòn đảo và bãi đá ngầm nhỏ], cho nên toàn bộ bờ biển của những đặc tính đó cộng lại là ngắn hơn rất nhiều so với bờ biển bao quanh Biển Hoa Nam. Hiểu theo cách thông thường thì ngay cả nếu như những EEZ được coi là nằm trong phạm vi của những bờ biển của các hòn đảo thuộc hai quần đảo này [Hoàng Sa và Trường Sa] thì những EEZ đó cũng không thể vượt nhiều quá 12 hải lý. Dù có suy diễn thế nào đi nữa thì các EEZ của Hoàng Sa và Trường Sa, tức là khu vực có tranh chấp, cũng không thể mở rộng tới tận đường nằm ở giữa chúng với các lãnh thổ khác.

Khẩu chiến

Thật thú vị khi theo dõi cuộc khẩu chiến diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc [sau sự cố hôm 26 tháng 5 năm 2011].
Ngày 27 tháng 5 năm 2011, Việt Nam gửi công hàm tới sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để buộc tội Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các quyền lợi liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Ngày hôm sau, Trung Quốc đã bắt bẻ lại, “Những gì mà các bộ phận của Trung Quốc đã làm chỉ hoàn toàn là những hoạt động thi hành và giám sát luật hàng hải tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.”

Bởi vì thuật ngữ “vùng biển thuộc quyền tài phán” không phải là một trong những thuật ngữ về “vùng hàng hải” được định nghĩa trong UNCLOS cho nên vấn đề vẫn tiếp tục không rõ ràng ở chỗ Trung Quốc định nói gì khi dùng thuật ngữ “vùng biển thuộc quyền tài phán” và cơ sở pháp lý của thuật ngữ đó là gì.

Hai bên vẫn tiếp tục đối đáp những lời chua cay trong ngày 29 tháng 5 năm 2011 khi Việt Nam đáp lại rằng “khu vực mà Việt Nam tiến hành các hoạt động thăm dò là nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Khu vực này không phải là một khu vực có tranh chấp và cũng không phải là một khu vực ‘do Trung Quốc quản lý’. Trung Quốc đã chủ tâm làm cho dư luận hiểu sai rằng đây là một khu vực đang có tranh chấp.”

Trên thực tế người nghe đã hiểu là Việt Nam đang nói rằng khu vực nói trên không nằm trong các khu vực tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Không chịu để cho Việt Nam qua mặt, Trung Quốc hôm 31 tháng 5 năm 2011 đã phản đòn bằng câu “Các hoạt động của tàu hải giám của Trung Quốc chống lại những chiếc tàu của Việt Nam đang hoạt động bất hợp pháp là hoàn toàn được biện minh. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam ngừng ngay lập tức các hoạt động xâm phạm và tự kiềm chế để không gây thêm những rắc rối mới.”

Một lần nữa Trung Quốc lại không tuyên bố là họ có chủ quyền ở khu vực đó [khu vực tàu của Trung Quốc cắt đứt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam] căn cứ theo thuật ngữ “vùng biển” của UNCLOS. Trung Quốc cũng không chỉ ra cụ thể bất kỳ một ranh giới nào hoặc bất kỳ một điều luật quốc tế nào để chứng minh cho tuyên bố của họ.

Sự cố này [tàu của Trung Quốc cắt đứt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam] rất giống với sự cố xảy ra ở Bãi đá Rong [Reed Bank] hồi tháng Ba năm 2011 khi hai tàu tuần tra của Trung Quốc đe dọa một chiếc tàu khảo sát địa chấn đang hoạt động nhân danh Philippines. Sự cố đó cũng xảy ra tại khu vực gần đảo Palawan hơn là gần Quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Vào thời điểm đó thì Trung Quốc đang khẳng định chủ quyền của họ đối với vùng biển nói trên mà không hề nói rằng vùng biển mà họ khẳng định chủ quyền đó là theo định nghĩa nào của UNCLOS về “vùng hàng hải” và không chỉ ra rõ ràng bất kỳ một ranh giới nào và không hề viện dẫn luật quốc tế để chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của họ. Philippine cũng đối đáp lại rằng Bãi Đá Rong không nằm trong Quần đảo Trường Sa và do đó nó không phụ thuộc vào tranh chấp liên quan đến Quần đảo Trường Sa.

Trong quá khứ Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố chủ quyền tranh chấp với Malaysia đối với Đảo James’ Shoal, tranh chấp với Indonesia về vùng biển nằm gần cụm đảo Natuna và tranh chấp với Việt Nam về vùng biển thuộc Bãi đá Tiền Phong [Vangard Bank] và Rồng Xanh [Blue Dragon]. Các tuyên bố chủ quyền nói trên và sự cố Bãi đá Rong cùng sự cố tàu Bình Minh 02 có lẽ sẽ khiến cho các nước giờ đây không còn là nghi ngờ nữa mà là tin chắc rằng Trung Quốc đang có ý đồ mở rộng các vùng biển tranh chấp vượt ra ngoài phạm vi của Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa và Bãi Đá ngầm Scarborough, và vượt ra ngoài phạm vi của cả những vùng biển thuộc về những quần đảo này.

Mặc dù cả Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei đều bị tác động trực tiếp bởi sự bành trướng nói trên [của Trung Quốc] song bởi vì Philippines và Việt Nam là nằm gần Trung Quốc nhất cho nên hai nước này sẽ gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước tiên là không gian biển của hai quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Thứ hai là nếu Trung Quốc không cố mà khẳng định chủ quyền đối với các không gian biển thuộc về Philippines và Việt Nam thế thì những tuyên bố chủ quyền của họ đối với các không gian biển của Malaysia và Indonesia và Brunei sẽ tan tành mây khói. Điều này có nghĩa là mặc dù Trung Quốc có thể chấp nhận thỏa hiệp đối với vùng biển ở cực nam của cái hình chữ U thể hiện sự bẩn tính của họ cốt để giữ cho Malaysia, Indonesia và Brunei không lên tiếng phản đối mạnh mẽ trong lúc Trung Quốc giải quyết Philippine và Việt Nam trước cái đã, thế thì chưa chắc Trung Quốc rồi đây sẽ tự nguyện hạ giọng trong các tuyên bố chủ quyền đối với những không gian biển của Philippine và Vietnam.

Ở đây cần nói ngoài lề một chút rằng nếu như Trung Quốc đạt được ý đồ của họ đối với Philippine và Việt Nam thì chắc chắn sau đó sẽ là đến lượt Malaysia, Indonesia và Brunei bị Trung Quốc đè ra ăn hiếp.

Vì thế cả Philippine và Việt Nam hiện đang ở trong một tình thế mà họ cần phải bảo vệ không gian biển có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế, sự an ninh và độc lập quốc gia của mỗi nước.

Mặc dù vẫn còn những sự bất đồng giữa Philippine và Việt Nam liên quan đến Quần đảo Trường Sa nhưng hai quốc gia này còn có cơ hội lớn hơn rất nhiều để hợp tác với nhau nhằm bảo vệ không gian biển của mỗi nước ở Quần đảo Trường Sa. Vả lại do Trung Quốc mở rộng tuyên bố chủ quyền của họ cho nên các vùng biển hoàn toàn không nằm trong Quần đảo Trường Sa song lại bị ảnh hưởng bởi những tuyên bố chủ quyền đó của họ rất có thể sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với chính Quần đảo Trường Sa.

Thư ngoại giao của Philippine [note verbale]

Việc Philippine gửi thư ngoại giao cho Tiểu ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc sau vụ Bãi Đá rong cho thấy rằng nước này đang áp dụng UNCLOS để bảo vệ các quyền của họ ở Biển Hoa Nam. Nếu Việt Nam cũng sử dụng cơ quan pháp lý này, hai nước sẽ có một khung thông tin, hiểu biết và hợp tác chung.

Đơn cử một ví dụ, nếu Việt Nam và Philippine có thể bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau qua con đường ngoại giao trong những sự cố như sự cố Bãi Đá rong và tàu Bình Minh 02 thì việc làm đó sẽ có lợi cho cả hai nước.

Biện pháp căn bản hơn ấy là chuyên gia và nhà ngoại giao của hai nước nên tiếp xúc với những đối tác và người đồng nhiệm ở Malaysia, Brunei và Indonesia để xác định chính xác Quần đảo Trường Sa gồm những gì và không gian biển của Quần đảo Trường Sa thực sự là bao nhiêu. Bằng cách này năm nước nói trên sẽ thống nhất và vạch rõ được đường ranh giới của những khu vực có tranh chấp và những khu vực không có tranh chấp ở Biển Hoa Nam. Điều này sẽ giúp cho cả năm nước với tư cách cá nhân và tư cách tập thể chống lại những ý đồ của Trung Quốc nhằm mở rộng sự tranh chấp ở Biển Hoa Nam tới những khu vực không có tranh chấp. Ngoài ra điều này còn góp phần thuyết phục cả thế giới rằng công cuộc đi đòi công lý của cả năm quốc gia này xứng đáng được cả thế giới ủng hộ.

Philippine và Việt Nam có thể tiến hành một biện pháp nữa đó là nghiên cứu khả năng liệu hai nước, có thể là bổ sung Malaysia và Brunei, có thể đệ trình tuyên bố chung về thềm lục địa của hai nước lên Tiểu ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc.

Cả hai việc làm trên đều không hề gây tổn hại tới vấn đề chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa và sẽ đem lại lợi ích vô cùng lớn cho Philippine và Việt Nam trong công cuộc chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Hoa Nam.

[Huy Dương là một nhà báo tự do, ông thường viết cho BBC và báo điện tử VietNamNet về những vấn đề tranh chấp ở Biển Hoa Nam.]

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

* Dương Danh Huy là thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, một tổ chức gồm các trí thức người Việt trong, ngoài nước, từng có nhiều bài viết về chủ đề này.
.
.
.

No comments: