Saturday, June 11, 2011

PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC, CHÚNG TA LÀM THẾ NÀO BÂY GIỜ? (Me. Nâ'm 's Blog)



Me. Nâ'm 's Blog
Jun 10, '11 4:38 AM

Dẫu có nói đi, nói lại bao nhiêu lần, giải thích cặn kẽ dựa trên các cơ sở thực tiễn và lý luận như thế nào đi chăng nữa ta cũng chỉ thấy rằng: Trung Quốc không muốn có sự ổn định ở Việt Nam. Điều này xin nhắc lại…

Âm mưu bành trướng và đồng hóa các dân tộc láng giềng của họ đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử. Phải tính đến con số ngàn năm…
Thế giới đã thay đổi và còn thay đổi theo một quy luật tất yếu của xã hội…
Thời gian gần đây, có thể tính bằng chục năm, vài ba năm hay “một nhiệm kỳ ”. Mối quan hệ bang giao giữa hai nước có những thay đổi khác trước. Người dân Việt Nam đã có lúc (được tin) hồ hởi đón nhận “tình hữu nghị” của một “bậc huynh trưởng”. Sẵn sàng bỏ qua quá khứ, hướng tới những gì tốt đẹp trong tương lai. Nhưng rồi hiện tượng và kết cục như thế nào?
Vấn đề là đứng trước những hiện tượng xảy ra như thế. Lần nữa, lòng yêu nước của người dân Việt Nam lại phải đưa ra để đối phó với âm mưu của láng giềng như đã nói trên.
Chúng ta không chấp nhận hành vi của họ, không đồng nghĩa với việc chúng ta bài xích tất tần tật những gì gọi là “của họ”. Chúng ta tiếp nhận có chọn lọc, chúng ta đào thải những độc hại gây ảnh hưởng đến vấn đề bản sắc và giống nòi…

Ai gieo vào đầu người Việt Nam suy nghĩ: Trung Quốc thật đáng sợ, bởi nó là một nước mạnh?
Một phần nhờ vào chính sự lặp đi lặp lại liên tục gây nhiễm vào đầu người xem ti vi một cảm giác Trung Quốc hùng mạnh, sánh vai với các siêu cường, và nó cũng gây ra một cảm giác sợ hãi mơ hồ của người Việt Nam khi nhìn về Trung Quốc và đó là chủ đích của truyền hình Trung Quốc với sự tiếp tay của truyền hình Việt Nam thực hiện công tác tuyên truyền. ( http://tranng.multiply.com/journal/item/28/28 ).
Số đông người Việt không thể không xem phim Tàu, bởi trong tác phẩm điện ảnh của họ có những điều rất điện ảnh. Vấn đề, nhà quản lý phải làm gì , đã làm gì để thoát ra khỏi cái “không điện ảnh”.

Bạn có thể yêu cầu các đài truyền hình thôi chiếu phim Trung Quốc trên sóng, như một cách tự bảo vệ mình khỏi nạn xâm thực văn hóa, bảo vệ mình khỏi sự sợ hãi mơ hồ không?
Chắc chắn là không, bởi cả bạn và tôi không có quyền quyết định chuyện đó.

Chúng ta ăn táo họ sản xuất, vấn đề hàng nhập khẩu phải có bảo đảm rằng sự an toàn của người tiêu dùng nằm trong tay nhà quản lý. Không thể lúc nào cũng hô :”Hãy là người tiêu dùng thông thái…” mãi được. Chúng ta có thể tẩy chay hàng hóa, sản phẩm của nền sản xuất tiêu dùng của họ, trước hết chúng ta chấp nhận hy sinh một số nhu cầu, điều này quá rõ. Có thể nói là có thiệt hại…

Bạn có thể yêu cầu có biện pháp cắt giảm và ngăn chặn tuyệt đối các loại thực phẩm, đồ dùng kém chất lượng, độc hại đối với sức khỏe mình trên thị trường không?
Chắc chắn là không, bởi cả bạn và tôi không có quyền quyết định chuyện đó. (Chưa kể sẽ được nghe rằng cứng rắn quá sẽ ảnh hưởng đến mậu dịch ngoại giao....)

Bạn có thể yêu cầu nhà nước và các tổ chức xã hội ngừng ngay việc đưa cán bộ đi học tập, tham quan tại Trung Quốc để bày tỏ thái độ phản kháng hành vi xâm lược không?
Chắc chắn là không, nhưng bạn đừng quên, chúng ta đóng thuế dù ít hay nhiều cũng đã được chi trả cho các chuyến đi đó đấy.

Bạn có thể yêu cầu ngừng việc tổ chức các sự kiện đánh dấu mối quan hệ ngoại giao hai nước Việt - Trung ở từng thời điểm nhạy cảm không?
Chắc chắn là không, bởi cả bạn và tôi không có quyền đó.

Tóm lại, “bài Tàu” có thể được coi là cực đoan nếu không có sự suy xét thấu đáo.
Vấn đề tôi đang muốn nói nằm ở khía cạnh khác.
Chúng ta biểu tình tuần hành để phản ứng lại và phản đối với những hành vi – nói thẳng là xâm lược trắng trợn, thô bạo - của Trung Quốc thì bị chính phủ (do chúng ta đóng thuế để “nuôi”) cấm đoán, khép vào tội làm ảnh hưởng đến mối quan hệ, đến chính sách, đường lối ngoại giao…
Qua những lần như thế có thể thấy rằng: Chúng ta không hề sợ hãi trước bất cứ sự đe dọa hay hành vi bất nghĩa của họ. Chưa kể đến trong lịch sử gần cũng như xa…
Cũng qua đây, một lần nữa chứng tỏ, tinh thần đoàn kết của dân tộc là sức mạnh và là cái đáng quý nhất của một dân tộc tự tôn.
Nhưng, những gì chúng ta muốn thể hiện như đã nói có gì đó ngăn cản?
Thái độ của chúng ta bị nghi ngờ?
Hành vi của chúng ta bị ngăn cấm?
Quyền được biết (về nhiều mặt) của chúng ta bị tước đoạt?
Tất cả đều có câu trả lời: Đúng vậy!
Những điều đó xuất phát từ đâu? Nguyên nhân?
Từ chỗ mà chúng ta hay gọi là chính phủ.

Đừng đổ lỗi cho hành vi xâm phạm lãnh hải, cắt cáp lần 2 trên biển Vũng Tàu sáng ngày 9 tháng 6 vừa qua của Trung Quốc là gây hấn, là thử thách sức chịu đựng ngoại giao của chính phủ Việt Nam, sau đợt tuần hành ôn hòa của người dân Việt Nam sáng ngày 5/06/2011. Mà hãy đi tìm câu trả lời cho sự phản ứng có phần thụ động của chính phủ, cũng như tìm hiểu tại sao việc tổ chức các buổi họp báo công bố thông tin trước công luận của nhà nước luôn chậm chân hơn tên xâm lược kia một bước.

Chính phủ ta có gì khó nói với nhân dân sao?
Tuyên bố chủ quyền và thực tế tình hình đất nước để toàn dân biết sự thật mà gánh vác thì có gì là sai trái?

Tại sao lại chú trọng đến việc thăm dò phản ứng của người dân trong nước, và tìm hiểu các hành động bày tỏ thái độ chính trị của người dân trước việc đất nước bị xâm lược hơn là những tuyên bố đanh thép và các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền trước toàn dân và toàn thế giới?
Bạn hãy suy nghĩ kỹ đi.

Sự phản ứng hết sức thụ động được giải thích đó là “đường lối, chính sách ngoại giao” xem ra khó thuyết phục.
Sự việc đang ở khía cạnh này, bắt đầu có chiều hướng xoay sang góc khác. Cho dù ở đâu, thì phải tỉnh táo nhận ra, người Trung Quốc luôn nắm thế chủ động. Việc của chúng ta là làm sao giành lại quyền, và thế đó.
Cụ thể, từ chỗ động thái của chính phủ, thái độ của nhà nước đối với các hiện tượng như thế làm cho người dân từ chỗ sợ, đến mất tin và sự suy yếu là tất yếu.
Như thế, nhà nước và chính phủ lẽ ra là chỗ dựa cho dân về niềm tin nay bị xóa mất niềm tin, há chẳng phải là điều thậm nguy?

Đứng trước tình hình đất nước hiện tại, và những động thái đã diễn ra, hẳn ai cũng thấy việc một bộ phận những người thừa hành của chính phủ quan tâm đến các bài viết chê trách, phê phán nhà nước .. quan tâm đến việc giữ hình ảnh của một thể chế hơn là việc giữ gìn thể diện của một dân tộc.

Đừng để kẻ thù của chúng ta nhận định rằng, động thái của người dân là một trò chơi đối với chúng. Chỉ có nhà nước, chính phủ mới khẳng định được điều này.
Hãy nhớ một điều lịch sử cha ông đã dạy là đừng sợ canh quá nóng đi thổi rau nguội nhưng cũng đừng bỏ qua đốm lửa nhỏ, gây cháy không bao lâu thời gian.

Nếu ai tự xưng là mình yêu nước thì hãy nhìn xa hơn với thảm họa mất nước mà làm cho tốt phần việc của mình, mỗi người có một cách lựa chọn, đừng vì người khác phản ứng không giống mình mà quy chụp kết tội lòng yêu nước của họ.

DÂN TỘC VIỆT NAM YÊU CHUỘNG HÒA BÌNH NHƯNG SẴN SÀNG ĐỨNG LÊN, ĐOÀN KẾT ĐẬP TAN MỌI ÂM MƯU GÂY HẠI ĐẾN TỔ QUỐC, DÂN TỘC!
.
.
.

No comments: