Huy Phương/Người Việt
Monday, May 23, 2011 5:36:24 PM
Người lính Ðịa Phương Quân Lê Phước Tứ phục vụ tại Tiểu Ðoàn 441, tiểu khu Sadec và trận đụng độ lớn nhất của anh xảy ra lúc anh mới vào lính, chỉ mới 18 tuổi.
Thương binh VNCH Lê Phước Tứ và người cháu đẩy xe. (Ảnh của anh Lê Phước Tứ cung cấp)
Năm đó, tiểu đoàn của anh được tăng phái cho Ðịnh Tường, tại Cai Lậy, khi tiến chiếm mục tiêu, một quả mìn nổ tung, hất văng xác hai người bạn và làm Lê Phước Tứ bị thương trầm trọng. Người ta đưa lên trực thăng một thân thể tan nát, máu me và trong đại đội không ai nghĩ anh có thể sống sót, kể cả các y sĩ khi anh về đến Tổng Y Viện Cộng Hòa. Lê Phước Tứ sống, nhưng mù hai mắt, mất hai tay lẫn hai chân. Anh là người thương binh nặng nhất của y viện trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Cha mẹ của Tứ phải bỏ ruộng đồng, cơm đùm gạo bới lên Saigon chăm sóc con. Bà già khóc ngất, nhưng ông già an ủi: “Miễn nó còn sống!” Nhà đã nghèo, cơ cực, lại gặp con trong tình cảnh này, cha mẹ Tứ cũng phải thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh để lo cho con, từ chuyện vệ sinh cho đến việc đút từng miếng ăn cho con, dầu sao thì tình máu mủ vẫn an ủi được cho sự bất hạnh lớn lao này.
Mười tháng nằm trên giường bệnh, người thương binh xót xa cho số phận mình thì ít mà thương xót cho cha mẹ già phải vất vả thì nhiều. Vì vậy ngày nay khi cha mẹ qua đời đã lâu, những lúc bán vé số kiếm được chút lời, hay những lúc có được món tiền ở ngoại quốc gởi về, ăn được miếng thịt hay có được hớp rượu, Tứ vẫn thường nghĩ đến cha mẹ, tiếc không còn cha mẹ để phụng dưỡng, dù là từ tấm thân tàn phế, lê lết giữa chợ đời.
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 ập đến là một nỗi kinh hoàng đối với người thương binh, mù mắt, cụt cả tứ chi, càng thấy cuộc đời tăm tối hơn cả cảnh vật lâu nay anh vẫn thấy lờ nhờ. Những người thương binh khác còn có thể đi bộ, chống nạng tìm đường trở lại nhà, còn phần Lê Phước Tứ, bà mẹ phải năn nỉ, vay nợ tìm xe lam, nằm trên võng, rồi chuyển qua xe đò về quê. Tại bến xe Long Xuyên, lại một lần nữa, anh được chuyển qua xe lam, về đến xã Tân Hòa, huyện Phú Tân gần 200 km đường, khi những vết thương trên tay chân vì vật vã đang còn rỉ máu. Hơn một năm sau, nhờ sự chạy chữa của gia đình, vừa thuốc Tây, vừa thuốc Nam, vết thương mới lành. Nhưng nuôi con thương binh như Tứ cũng như nuôi con trẻ sơ sinh, cha mẹ cực nhọc biết chừng nào. Nhiều lúc thấy cha mẹ quá vất vả, Tứ muốn chết, nhưng chết bằng cách nào?
Bây giờ đã 36 năm qua, cha mẹ anh Lê Phước Tứ đã lần lượt qua đời và từ nhiều năm nay, người thương binh mù mắt, mất cả tay lẫn chân này kiếm sống bằng nghề bán vé số. Một phần vì mặc cảm vì thân phận, một phần nơi phố chợ anh ở là chốn quê mùa, Lê Phước Tứ phải đi xe đò sang thị trấn Rạch Giá, mất gần ba giờ xe, sống lây lất ở nhà trọ, một hai tháng mới trở lại nhà. Những lúc có tiền do các hội từ thiện gởi về, thì người chị của Tứ điện thoại cho người quen nhắn em về. Sáng nay khi chúng tôi muốn gặp anh Tứ qua số điện thoại anh đã gửi cho, đầu dây có người chị của anh trả lời: “Nếu cần chị sẽ nhắn, và khoảng ba giờ sau thì anh có ở nhà.”
Những năm về trước anh nhờ một người lối xóm lành mạnh giúp đẩy xe cho anh đi bán vé số và trả công cho họ, nhưng ba năm trở lại đây, đứa cháu gọi bằng cậu ruột, mười hai tuổi, cha mẹ nghèo, không đủ tiền cho con đi học, thôi thì theo đẩy xe cho cậu, đỡ đần giúp cậu, vừa khỏi lo cái ăn cái mặc. Từ đó cậu cháu theo nhau, đói no có nhau. Nhưng rồi tương lai đứa trẻ sẽ ra sao? Không lẽ chịu thất học, theo đẩy xe cho cậu suốt đời, cậu thì mù mắt đã đành, cháu cũng đành chịu suốt đời mù chữ.
Người bóc lột người
Trong một bức thư viết cho chúng tôi, gần như một lời kêu cứu, anh Lê Phước Tứ cho biết gần đây anh có được các hội thiện nguyện có lòng giúp đỡ cho thương binh, thỉnh thoảng có gửi cho anh những món tiền lớn, từ 100 đến 200 đô la, nhưng chưa bao giờ anh nhận đủ, nguyên vẹn số tiền này. Nguyên nhân chính cũng có lẽ vì địa chỉ của anh ở thôn quê, quá cách xa thành phố (cách Long Xuyên 200km), nếu người nhận tiền ở gần thành phố thì chắc chuyện này ít xảy ra. Những nhân viên của các dịch vụ gửi tiền đã lấy lý do công cán di chuyển, đường sá xa xôi, tiền xăng nhớt và chỉ giao cho anh số tiền khoảng 40% của số tiền gửi, cụ thể là $100 thì anh Tứ chỉ nhận được $40.00 nhưng vẫn phải ký nhận đủ số tiền gởi. Anh có thắc mắc, khiếu nại hay than phiền thì nhân viên này đe dọa là “sẽ gửi trả lại số tiền này lại cho bên Mỹ, hay sẽ nói bên Mỹ không gửi tiền cho anh nữa!” Mặc dầu ấm ức, tiếc rẻ, nhưng người thương binh này đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chảy nước mắt, cầm bút ký để nhận số tiền “ít còn hơn không, có còn hơn không.”
Theo chỗ chúng tôi được biết, thì hiện nay các hội thiện nguyện không thể về Việt Nam để giao tiền tận tay cho thương binh, nên không thể làm gì hơn là gởi tiền qua các dịch vụ chuyển tiền. Các dịch vụ này lại có nhân viên trực tiếp do công ty thuê mướn, hoặc có công ty lại ký kết với một dịch vụ ở Việt Nam. Khi người giao tiền trực tiếp do công ty thuê mướn thì công ty có thể điều động, khiển trách hay thải hồi nhân viên, trái lại nếu công ty chuyển tiền ở Mỹ lệ thuộc vào một tổ chức dịch vụ ở Việt Nam thì những phản hồi, khiếu nại của người nhận tiền bị sách nhiễu không đi đến đâu.
Chúng ta phải lấy làm buồn vì con người trong xã hội Cộng Sản hiện nay đã bị tha hóa trầm trọng, vô cảm, chẳng có lòng xót thương giữa con người và con người với nhau, hơn nữa là với một người tàn tật. Một con người tử tế không thể nào ăn chặn miếng cơm của một thương binh, mà lại một thương binh mù hai mắt, không có tay chân, đáng thương như anh Lê Phước Tứ.
Chúng tôi kêu gọi các dịch vụ gửi tiền nên xem lại cách hành xử của nhân viên trong trường hợp trên, để tránh cảnh người bóc lột người, táng tận lương tâm của những kẻ vô lại như người đi giao tiền cho anh Lê Phước Tứ. Ðối với các hội thiện nguyện, chúng tôi xin đề nghị chấm dứt sự hợp tác với các dịch vụ trên nếu có những sự việc không hay xảy ra như trường hợp trên, dù chỉ một lần.
Chúng tôi xin ghi lại đây địa chỉ và số điện thoại để quý vị có lòng thương xót giúp cho anh Lê Phước Tứ, và người thương binh này đề nghị chúng ta nhờ một người thân ở Việt Nam gởi tiền qua bưu điện, anh sẽ nhận đủ số tiền gửi.
Ðịa chỉ: Lê Phước Tứ (SQ:56/852-203) Tổ 3- ấp Mỹ Hóa, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ðiện thoại: 84-76-370-4810.
.
.
.
No comments:
Post a Comment