Sunday, June 5, 2011

NHỮNG VIỆT KIỀU ĂN XIN TRÊN VÙNG BIỂN HỒ TONLE SAP (Trịnh Thanh Thủy)



(06/04/2011)

Khúc Ruột Ngàn Dặm Bị Bỏ Quên

Khái niệm của một Việt Kiều sống ở nước ngoài không phải là một tổng thể thuần nhất mà nó rất phức tạp và tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Những khác biệt, địa lý, kinh tế, tài chánh, văn hoá, tình trạng hội nhập đã tạo nên nét đặc thù riêng của từng nhóm Việt Kiều của từng quốc gia, từng nơi chốn mà họ chọn định cư. Giai đoạn họ đi ra khỏi nước cũng làm nên sự khác biệt nàỵ. Thí dụ người đi khoảng thời gian trước 1975, khác với người đi sau. Người đi vào năm 1975 khác với thuyền nhân hay đường bộ và không giống những người đi theo diện HO hay đoàn tụ gia đình. Cái khác biệt nhất là tình trạng sống và mức sống kinh tế của họ.

Cũng là người Việt mà Việt Kiều ở Úc, ở Mỹ, Âu châu, Đông Âu hay Đài Loan lại hoàn toàn khác với một người Việt ở Campuchia. Ít nhất là vấn đề mức sống và như vậy khi nhìn về Việt Kiều, chúng ta cần có một cái nhìn đa diện cũng như một phong cách đối xử cho vừa công bằng vừa rõ ràng trên nhiều mặt kinh tế, xã hội, giáo dục.

Hôm nay tôi xin bàn tới những Việt kiều ở Campuchia. Dĩ nhiên những người này rất khác với những người ở phương Tây và thậm chí khác cả những người ở Đông nam Á như Hàn quốc, Đài Loan. Việt kiều ở Campuchia cũng có cái khác biệt rõ rệt giữa những người qua lâu đời từ trước năm 75 và người qua sau thời gian này. Nơi chốn định cư của họ ở đó, cũng khác như nguồn gốc của những người Việt đi từ Quảng Ninh, Mống Cái hay từ Sài Gòn hoặc miền Tây. Những người qua theo từng đợt, từng làng vì điều kiện kinh tế khác với những người phụ nữ tình nguyện hay bị bắt qua đó làm nô lệ tình dục, kể cả các em bé bị đưa sang vì tệ nạn ấu dâm.

Trong chuyến viếng thăm Đế Thiên, Đế Thích ở Campuchia, tôi tình cờ chứng kiến cuộc sống của một làng chài Việt Kiều ở vùng Biển Hồ. Nó đã gây cho tôi một ấn tượng sâu đậm và từ đáy lòng tôi đã dấy lên một câu hỏi khó lòng lý giải. Xin kể lại cho bạn đọc nghe và nếu có thể giải đáp dùm tôi.

Tôi bắt đầu chuyến du hành vào vùng Biển Hồ Tonlé Sap vào một ngày nóng oi nồng khủng khiếp. Tháng tư là tháng nóng nhất của Campuchia và người dân ở đây phần lớn sống nhờ vào những cơn mưa. Chúng tôi bắt đầu chuyến đi trên một con tàu có khoảng độ 30 người chạy chầm chậm giữa dòng sông dẫn vào vùng Biển Hồ rộng lớn. Tôi thấy một con chó mực bơi cùng vài đứa nhỏ hụp lặn tắm gần bờ trong dòng nước đục ngầu màu đất sét. Gió mát thổi mơn man, xem ra cả người và vật rất vui và hạnh phúc. Những người du khách trên các tàu khác dơ tay vẫy chào chúng tôi. Khu vực Biển Hồ là nơi nhiều cá nhất trên thế giới, trên đường đi tôi thấy những con cá lóc thật lớn, quẫy đạp trên sóng nước.

Người hướng dẫn viên đoàn du lịch đang nói thao thao bất tuyệt về lịch sử dòng Cửu Long và vùng Biển Hồ Tonlé Sap, ông ta bỗng dừng lại khi thấy tàu đi ngang những căn nhà sàn lụp xụp trên cao, hai bờ con sông dài dẫn vào vùng nước mênh mang. Anh chỉ và nói nơi đó là nhà cư dân vùng này, trong đó có cả người Campuchia và rất nhiều người Việt đã đến đây sinh sống từ lâu, đời này qua đời khác. Phần lớn người Việt đều là những người nhập cư lậu, không thẻ căn cước, khai sinh hay giấy tờ hợp pháp. Họ sinh sống bằng nghề đánh cá nhưng chính quyền quy định chỉ cho đánh 6 tháng, còn 6 tháng phải nghỉ để cho thủy sản sinh sôi nên đời sống kinh tế rất chật vật. Hơn nữa không giấy tờ tùy thân họ không thể lên bờ tìm việc làm thêm, do đó cuộc sống càng khó khăn thêm. Nhìn những căn nhà vá chùm vá đụp bằng tôn hay ván, không đồ đạc hay tài sản gì giá trị, cả đoàn du lịch ai cũng chợt dấy lên một nỗi bùi ngùi thương cảm.

Khi đóng thêm một khoản tiền ngoài quy định để tham quan vùng Biển Hồ này, tôi không ngờ mình lại được thấy một vùng đất sống đặc biệt trong hành trình di dân ra hải ngoại của dân tộc mình như vậy. Lúc tàu chúng tôi bắt đầu ra đến vùng Biển Hồ sóng nước thênh thang trông không thấy bờ, bác tài công tăng thêm vận tốc, tàu chạy nhanh hơn khiến nước dạt về hai bên mạn tàu. Bỗng tôi phát hiện có một, hai rồi ba, bốn con thuyền nhỏ đang chèo đuổi theo chúng tôi. Họ chạy song song cố ý để du khách thấy. Rồi chung quanh tôi xuất hiện thật nhiều con nít, tôi ngạc nhiên con nít ở đâu ra nhiều đến vậy? Tôi nghe được tiếng xin tiền vang lên từ dưới nước. Bác cho con tiền ăn cơm đi bác ơi. Cô ơi cô, cô cho tiền mua sữa nuôi con đi cô . Cho con một ngàn đi bà, cho con một đô đi anh.

Người đàn bà đen nhẻm trông lam lũ, vừa cho con bú, vừa chèo thuyền, vừa xin tiền. Một đứa nhỏ cỡ hai tuổi đen đúa ở truồng, nằm cong queo phơi bụng ngủ ngon lành trong lòng tàu, một bé gái khoảng ba bốn tuổi xoè bàn tay bé xíu xin tiền du khách. Trên chiếc ghe khác, có một phụ nữ nheo nhóc đội nón lá, tay chèo, tay bồng một bé trai khoảng 1 tuổi đang khóc oa oa. Bà với lấy một con rắn hay con trăn gì đó vòng quanh cổ đứa bé cho nó chơi. Con vật ngọ nguậy dưới bàn tay bóp chặt của thằng bé và thằng bé nín khóc. Cả tàu chúng tôi trố mắt nhìn cảnh tượng thằng bé bóp cổ con rắn còn sống như xem một trò ảo thuật. Bà mẹ bắt đầu cất tiếng xin tiền. Tôi không dám có ý kiến gì nhiều về việc họ trưng bày những em bé thơ ra trong những cảnh đói rách thương tâm để làm động lòng du khách. Nhưng nó thật sự đánh đòn tâm lý vào trái tim mềm yếu, vào sự xót thương đồng hương của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu móc bóp lấy tiền lẻ cho họ.

Tiếng nói người hướng dẫn đoàn vang lên như một lời giải thích đúng lúc. Đời sống văn hoá và dân trí người dân ở đây rất thấp, lại không có gì giải trí nên họ chỉ biết ăn, đánh cá và sinh con thôi. Những gia đình có số con trên 9, 10 đứa là chuyện thường. Chính phủ Campuchia có để tâm tới và cử những phái đoàn tới chiếu phim, giảng dạy và giáo dục họ phương pháp ngừa thai và hạn chế sinh đẻ. Bao cao su hay áo mưa được phát hôm trước, hôm sau họ phát giác ra các em nhỏ lấy làm bong bóng thổi chơi. Hỏi tại sao thì được cho biết người dân ở đây quan niệm giàu con chứ không cần giàu của, con cái là của trời cho, nên ngừa làm gì. Thừa hưởng một quan niệm trời sinh, trời nuôi của người bản xứ, đã đưa họ đến tình cảnh đông con, mà càng đông con thì càng nghèo đến nỗi nhà trơ, cửa trống, không tài sản, không đủ ăn. Các em gái lớn ở nhà nấu cơm và đan lưới, còn các em trai lớn theo cha đi đánh cá. Các em nhỏ hơn theo mẹ ăn xin hay tự bơi thuyền đi xin tiền du khách.

Bỗng người lái tàu giật mình chửi lớn khi thấy một em bé chèo chiếc thau nhôm đòi cặp vào tàu. Trời ơi chiếc thau quay vòng vòng mà em bé chèo thật hay. Động cơ máy tàu tạo thành dòng nước xoáy xô mạnh làm chiếc thau của em bé chao nhanh xém lật. Ai cũng giật mình kinh hãi cho em. Trông thật là tội nghiệp.

Câu chuyện được tiếp tục với câu chuyện ngôi trường nổi giữa bốn bề sóng nước. Anh Tour guide đến gần, nhờ tôi đi quyên tiền những người hảo tâm trên tàu để giúp trường học. Anh nói lát nữa chúng ta sẽ ghé vào một quán nước, gần một trường học nổi dựng nên do một số du khách nước ngoài và những nhà từ thiện đóng góp. Dân ở đây tắm giặt, ăn uống và sinh hoạt bằng nước Biển Hồ nên rất mất vệ sinh. Trẻ nhỏ thường ở trần, đi ăn xin, sống thiếu thốn, không được cha mẹ cho đi học nên mù chữ. Một số nhà hảo tâm đã tài trợ cất lên ngôi trường trên một nhà bè nổi. Các giáo viên làm việc tự nguyện, không lãnh lương, dạy miễn phí cho khoảng 300 em. Các em được phát cơm, và giảng dạy chữ quốc ngữ cùng vệ sinh, đức dục. Khi tàu ghé trường học, tôi thay mặt mọi người trao tất cả số tiền cho anh giáo viên khoảng 30 tuổi đang dạy các em. Anh ngỏ lời cảm ơn, nét mặt rất xúc động. Anh chỉ mấy nồi cơm rất to gần đấy bảo các em sắp đến giờ cơm. Tôi thấy các em có khuôn mặt đẹp, rất sáng, trắng và sạch hơn các em bé đã đi ăn xin khác. Khi tàu chúng tôi đi, các em giơ những bàn tay nhỏ xíu vẫy chào.

Chúng tôi rời tàu ra quán nước nổi để dùng giải khát. Lần này thì các em xin ăn tràn lên quán nước đến gần bàn chúng tôi ngồi để xin tiền. Mọi người lại cho và cho những gì có thể, đến khi không còn gì để cho nữa. Một em bé gái độ 6, 7 tuổi ốm tong teo xách nách một đứa em trai khoảng một tuổi còn xổ sữa mập mạp, trông còn to hơn cô chị, leo lên quán nước, trong khi bà mẹ thì ngồi dưới thuyền. Em lại chỗ tôi xin tiền, cùng một đám trẻ con. Tôi đem cho các em những đồng tiền Campuchia cuối còn lại. Các em tranh giành nhau lấy tiền. Vì mắc bồng em nên em gái bị giật mất tiền. Em gái ẵm em chợt khóc oà. Em tôi ngó thấy vội trao lon sữa đậu nành của cô cho em. Em trở về con thuyền với bà mẹ, đặt đứa em xuống, lấy chai sữa không của thằng bé mở nắp và đổ sữa đậu nành vào, rồi ôm em trai vào lòng và cho em bú. Nghĩa cử của em bé gái làm ai cũng cảm động. Em được lon sữa không tự mình uống dù em ốm tong teo, mà đem cho đứa em còn thơ của mình uống, thể hiện lòng hy sinh của một người mẹ dù em còn tấm bé. Tình mẫu tử ẩn hiện đâu đó trong em như một đoá hoa không màu mè càng không phải là một màn kịch trình diễn che đậy để lấy nước mắt của người xem. Em bé Việt Nam ơi, tôi thấy em đẹp quá.

Quán nước nổi là giao điểm cuối của cuộc du hành. Tàu chúng tôi từ từ rời quán trở về bờ, để lại vùng Biển Hồ mênh mông những mảnh đời lênh đênh có cuộc sống đong đưa theo sóng nước. Trên đường về, đầu óc tôi cứ miên man những cảm nghĩ, những tư duy không dứt. Trong đầu tôi chật ních các câu hỏi, những hình ảnh của họ, những người Việt sống ở nước láng giềng Campuchia. Tôi nhớ lại những người tôi đã thấy ở Nam Vang, ở biên giới giữa hai nước. Phần lớn tình trạng kinh tế của họ rất kém và tệ hơn những người trong nước, kể cả việc họ có thể nói tiếng địa phương, sống nếp sống, học văn hoá của người bản xứ và có khả năng dùng cả hai ba thứ tiếng. Họ vẫn bị kỳ thị và ngày xưa còn bị cáp duồn tức chặt đầu. Họ làm những nghề nghiệp mưu sinh đa phần là hạ đẳng. Tôi gặp họ ở chợ bán xôi, bán bắp, trái cây, chè và quét rác. Tôi không rõ họ có nghèo khó, thiếu thốn, khổ sở vì lo toan hay đủ ăn, sống thoải mái sung sướng hay không? Trên phương diện luật pháp, họ là những người ở lậu không giấy tờ để được sinh hoạt như một người sở tại. Câu hỏi cần lý giải là tại sao họ không về lại Việt Nam? Cái gì để họ đánh đổi mà phải sống một cuộc đời ly hương như vậy? Ví dụ như người ta đánh đổi một cuộc sống từ Việt Nam qua Mỹ thì điều này dễ hiểu. Nhưng từ một nước như VN mà phải tha hương, bỏ quê cha đất tổ để qua campuchia thì người ta tìm cái gì ở đó? mà bao nhiêu năm dù phải nheo nhóc, có nhiều gia đình phải xin ăn mà họ vẫn không về. Ai trả lời được câu hỏi rất ray rứt này? Mà trả lời được rất là hay? Nếu bạn có quan tâm, có băn khoăn đến vấn đề này hãy thay tôi tự đặt mình vào vị trí của họ và lý giải dùm tôi xem vì sao họ phải hành động như vậy?

Trịnh Thanh Thủy
.
.
.

No comments: