A Message from the Street
Peter Coy (1)
Bloomberg Businessweek - February 2011
Peter Coy (1)
Bloomberg Businessweek - February 2011
Lời người dịch: Trong những cuộc cách mạng đang xẩy ra ở Trung Đông và Bắc Phi, lớp người trẻ đóng một vai trò chủ yếu. Tuổi trẻ có học, có lý tưởng, thất nghiệp và bất mãn là những động cơ thúc đẩy họ hành động. Khát vọng chung của lớp người trẻ là có việc làm và được tự do. Tác giả Peter Coy cho thấy là không phải hiện tượng này chỉ xẩy ra ở Tunisia, Ai Cập, Yemen, Syria, v.v. mà được thấy ở khắp mọi nơi, kể cả ở những nước giầu có. Thí dụ theo số thống kê của OECD, tỉ lệ thất nghiệp của người trẻ ở Mỹ là 17.6% vào năm 2009, ở Pháp là 22.8%, Thụy Điển 25%, và Tây Ban Nha 37.9%.
Những quốc gia dân chủ dễ dàng đáp ứng một cách hợp lý đối với lớp người trẻ hơn là những nước độc tài. Để giảm bớt những rối loạn này, mỗi quốc gia cần phải có chính sách giúp những người trẻ có kinh nghiệm làm việc ngay từ những năm còn ở trung học để giúp họ chuyển tiếp vào thế giới việc làm một cách trơn tru.
Ở Việt Nam, tỉ lệ thất nghiệp tương đối thấp và ở vào mức 2.9% trong năm 2010. Nhưng tỉ lệ thất nghiệp của lớp người trẻ thông thường cao hơn gấp đôi tỉ lệ thất nghiệp cho cả nước, tức là vào khoảng 6%. Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, ba nhóm tuổi 15-19, 20-24, và 25-29 là những nhóm có dân số cao nhất ở Việt Nam với tỉ lệ trên tổng số dân lần lượt là 10.2%, 9.2%, và 8.9%. Việt Nam cũng sẽ phải đối phó với những rối loạn xã hội bắt đầu từ lớp người trẻ, nếu tình trạng kinh tế suy thoái nghiêm trọng và nạn thất nghiệp tăng. Tình hình ở Bắc Phi và Trung Đông hiện nay là những bài học không riêng cho Việt Nam mà cho cả những nước còn kém mở mang khác.
———————————————–
Tại Tunisia, những người trẻ đã giúp lật đổ một lãnh tụ độc tài được gọi là “hittistes” – theo tiếng lóng Pháp lai Ả Rập có nghĩa là những người dựa vào tường. Ở Ai Cập cũng có những người trẻ như vậy và được gọi là “shabab atileen”, có nghĩa là những người trẻ thất nghiệp. Họ đã buộc Tổng Thống Hosni Mubarak không tái tranh cử. Những hittistes và shabab có anh chị em ở khắp mọi nơi trên trái đất. Ở Anh, đám người này gọi là NEETS – “not in education, employment, or training” (thất học, thất nghiệp). Nhật Bản có “freeters”: một chữ phát suất từ tiếng Anh freelance, có nghĩa là một người hành nghề tự do, không có việc làm nhất định. Ở Đức những người trẻ này được gọi là Arbeiter có nghĩa là người thợ. Ở Tây Ban Nha họ được gọi là “mileuristas”, có nghĩa là những người không kiếm được trên 1,000 Euro một tháng. Còn ở tại Hoa Kỳ người ta gọi đám trẻ này là “boomerang kids”, có nghĩa là những người trẻ quay trở về gia đình sau khi tốt nghiệp đại học vì không tìm được việc làm. Ngay tại Trung Quốc, nơi thường thiếu nhân công hơn là dư thừa, cũng có lớp người này. Họ được gọi là “ant tribe” – những sinh viên tốt nghiệp đại học sống chen chúc trong những căn phòng rẻ tiền ven biên các thành phố vì không có việc làm tốt.
Tại mỗi quốc gia này, nền kinh tế không sản xuất đủ việc làm cho những người trẻ và do đó đã tạo ra một thế hệ bất mãn, thất nghiệp hay khiếm dụng – kể cả những sinh viên mới ra trường mà kinh tế sau cuộc khủng hoảng vừa qua cũng không giúp họ được gì nhiều. Cuộc Cách Mạng Hoa Nhài tại Tunisia không phải là lần đầu tiên mà những người trẻ nam cũng như nữ này đã nói lên tiếng nói của họ. Năm ngoái, sinh viên Anh bị xúc phạm vì đề nghị tăng học phí – vào thời điểm mà giáo dục đại học không bảo đảm một cuộc sống phồn thịnh – đã tấn công trụ sở tại London của Đảng Bảo Thủ và đập liên hồi vào xe đang chở Hoàng Tử Charles và vợ là Camilla Bowles. Xô xát với cảnh sát đã liên tục xẩy ra tại những cuộc biểu tình của sinh viên khắp lục địa Âu châu. Vào tháng Ba vừa rồi tại Oakland, California, sinh viên phản đối việc tăng học phí bằng cách đi bộ vào xa lộ xuyên bang 880, làm tắc lưu thông cả hai chiều trong một giờ.
Tình cảnh thông thường hơn là một thế hệ đang trưởng thành sống trong tình trạng đợi chờ và khiếm dụng và ôm một mối tuyệt vọng trong yên lặng. Sandy Brown, 26 tuổi, ở Brooklyn, New York, tốt nghiệp đại học và mẹ của hai đứa nhỏ, không có việc làm trong bẩy tháng. “Tôi đã từng là người quản lý tiệm thuốc Duane Reade tại Manhattan, nhưng bị sa thải. Tôi tìm việc khắp nơi, nhưng không được gì cả. Bằng cấp của tôi vô dụng.
Trong khi những chi tiết ở mỗi nước một khác nhau, nhưng đều có chung một yếu tố là sự thất bại – không phải chỉ là sự thất bại của lớp người trẻ không tìm được một chỗ đứng trong xã hội, mà cũng là sự thất bại của chính xã hội đã không khai thác được năng lực, trí thông minh, và sự nhiệt tình của thế hệ tiếp theo. Đáng e ngại hơn nữa là thế giới già nua. Tại nhiều quốc gia, lớp trẻ bị nghiền nát bởi một chính quyền gồm những người lớn tuổi hơn, cương quyết giữ lấy việc làm tốt càng lâu càng hay và khi phải về hưu lại đòi hỏi hưu bổng tư và công cao. Những quyền lợi này lại do những người trẻ bị bắt buộc phải gánh chịu.
Tóm lại, rạn nứt giữa hai lớp già và trẻ ngày càng sâu hơn. Cựu Thủ Tướng Ý Giuliano Amato nói với tờ báo Corriere della Sera rằng “Những thế hệ già hơn đã làm hư hỏng tương lai của những người trẻ.” Tại Anh, Bộ Trưởng Việc Làm Chris Grayling gọi tình trạng thất nghiệp kinh niên là “trái bom nổ chậm.” Ô. Jeffrey A. Joerres, Giám Đốc Điều Hành của Manpower (Nhân Lực), một công ty cung cấp dịch vụ tạm thời với văn phòng tại 82 quốc gia và lãnh thổ, nói thêm rằng: “Nạn thất nghiệp của lớp trẻ rõ ràng sẽ là bệnh dịch của mười năm sắp tới trừ khi chúng ta giải quyết ngay. Quý vị không thể bỏ cuộc.”
Theo tổ chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization – ILO), nạn thất nghiệp ở Trung Đông và Bắc Phi cao nhất với mức 24% ở mỗi vùng. Tỉ lệ thất nghiệp của hầu hết những nơi còn lại của thế giới ở trong khoảng 15%-19%, ngoại trừ Nam và Đông Á châu với tỉ lệ dưới 10%. Những người trẻ có tỉ lệ thất nghiệp lớn gấp ba lần những người đã trưởng thành.
Năm vừa qua, ILO có được một tia hi vọng. Chăm chú nghiền ngẫm những số liệu của 56 quốc gia, những nhà nghiên cứu ước tính rằng số người thất nghiệp trong lớp tuổi 15-24 tại những nước này giảm 2 triệu xuống còn 78 triệu vào năm 2010. Ông Steven Kapsos, một kinh tế gia của ILO, nói rằng “Trước tiên chúng tôi nghĩ rằng đây là điều tốt. Có vẻ là những người trẻ làm ăn khá hơn trong thị trường lao động. Nhưng sau đó, chúng tôi bắt đầu nhận thức ra rằng tỉ lệ tham gia vào lực lượng lao động thuyên giảm. Đơn giản là những người trẻ bỏ cuộc.”
Tình trạng thất nghiệp của giới trẻ không được để ý tới. Giới trẻ thường có ít nghĩa vụ và nhiều thời gian để dành cho lúc về hưu. Họ có sức khỏe và sức mạnh để hưởng nhàn rỗi. Musa Salhi, 18 tuổi, cư trú tại Madrid, học làm chuyên viên điện, nhưng không có việc làm hơn một năm. Ngay cả khi mà những kẻ chiến đấu phóng ngựa và lạc đà qua quảng trường Giải Phóng ở Cairo vào ngày 2 tháng Hai, và Liên Hiệp Quốc ước tính rằng 300 người đã chết trong một tuần lễ vì xô xát, những nhà đầu tư trên thế giới vẫn cứ tiếp tục hiểu rằng đây chỉ là hậu quả có tính cách địa phương. Chỉ số chứng khoán 500 Standard & Poor tăng 1% trong tuần lễ tiếp theo cuộc biểu tình đông đảo quần chúng vào ngày 25 tháng Một. Giá dầu thô tăng gần 4% trong cùng một thời gian.
Nhưng không hành động sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội – như ông Mubarak của Ai Cập, và Tổng Thống bị lật đổ Zine al-Abidine Ben Ali, đã khám phá ra như vậy. Tổng Thống Ba Tư Mahmoud Ahmadinejad cũng thế, vào năm 2009, ông đã cho cảnh sát sử dụng dùi cui để chống lại những thanh niên phản đối việc ông được tái cử có nhiều tranh chấp. GS Jack A. Goldstone, một nhà xã hội học tại School of Public policy thuộc George Mason University, đã nói rằng “Những người trẻ có học là những người tiên phong của những cuộc nổi dậy chống lại chính quyền kể từ cuộc cách mạng Pháp và còn sớm hơn nữa trong nhiều trường hợp khác. Trong tháng 12, chính phủ Pháp phổ biến một phúc trình về những vùng thành thị nhậy cảm của quốc gia, được biết dưới danh từ là “banlieues.” Phúc trình này nói rằng những người trẻ trong vùng lân cận cảm thấy rất khó hội nhập vào dòng kinh tế chánh. Ở những vùng ngoại ô đông những người Hồi giáo đã xẩy ra các cuộc nổi loạn vào năm 2005; vào năm ngoái đã có những cuộc đụng độ hung bạo giữa cảnh sát với đám trẻ trang bị súng AK-47.
Một cục bướu về nhân chủng đã một phần tạo ra sự căng thẳng tại Bắc Phi và Trung Đông, nơi mà những người trong lớp tuổi 15-29 chiếm một tỉ lệ lớn nhất của dân số. Một thứ kim tự tháp quan hệ hiện nay tại Ai Cập là kim tự tháp dân số – lớn ở phần dưới gồm những người trẻ và hẹp lại ở trên ngọn. Lớp tuổi 15-29 chiếm 34% dân số của Iran, 30% tại Jordan, và 29% tại Ai Cập và Morocco. Con số của Hoa Kỳ là 21%. Tỉ lệ này sẽ giảm xuống bởi vì thời kỳ mức sinh sản nhẩy vọt của 20 năm về trước đã chấm dứt và được tiếp nối bởi giai đoạn mức sanh sản giảm.
Trong một quốc gia có nền kinh tế lành mạnh, tài năng mới sẽ khuyến khích tăng trưởng. Những quốc gia sơ cứng và độc đoán ở Trung Đông không chuẩn bị để có thể lợi dụng được lợi thế về dân số. Ngồi ở vòng ngoài của cuộc biểu tình vào ngày 29 tháng Một tại quảng trường Giải Phóng của Cairo và quấn một chiếc khăn vàng trên đầu, Soad Mohammed Ali nói rằng cô không kiếm được việc làm kể từ khi tốt nghiệp Cairo University với một văn bằng luật – gần 10 trước. Cô chỉ nhận được việc làm của chính phủ là việc lau chùi với $40/tháng. Ở tuổi 30, cô nói “Bây giờ tôi già rồi”
Đối với người trẻ thất nghiệp, nhàn rỗi bắt buộc là một cực hình. Musa Salhi, một cầu thủ Tây Ban Nha, nói rằng “Tôi luôn luôn cảm thấy buồn tẻ, đặc biệt là vào các buổi sáng. Cha mẹ tôi thật sự cần và muốn tôi bắt đầu đi làm.” Tại Belfast, Bắc Ái Nhĩ Lan, Declan Maguire, 19 tuổi, nói rằng anh đã làm đơn xin 15 việc trong ba tuần vừa qua nhưng không được trả lời. “Tôi muốn suy nghĩ về việc di dân, nhưng tôi không có tiền để làm chuyện này. Thật là nản lòng.”
Trong nhiều thập niên, ông Mubarak đối phó với vấn đề thất nghiệp của lớp trẻ tại Ai Cập bằng cách gia tăng việc tuyển sinh viên vào đại học. Chiến lược này không có thể tồn tại mãi mãi. Vào tháng Ba vừa qua, hai học giả Ragui Assaad và Samantha Constant của tổ chức Middle East Initiative (Sáng Kiến Trung Đông), một hợp tác có tính cách mạo hiểm giữa Brookings Institution và Dubai School of Government đã nhận định một cách thẳng thừng như sau: “Tại Ai Cập, những người trẻ có học đã từng tìm việc làm chính thức, phần lớn trong khu vực công, trong nhiều năm, nay phải bỏ hi vọng này vì việc làm với nhà nước đã khô cạn. Việc làm chính thức trong khu vực tư – rất giới hạn ngay từ đầu – không bành trướng nhanh chóng đủ … Vì thế mà những người trẻ bị đẩy vào thị trường việc làm không chính thức bấp bênh và tạm bợ hoặc là tự tạo việc làm cho chính mình trong một nền kinh tế không chính thức rộng lớn.”
Không có một dấu hiệu gì cho thấy ông Mubarak hiểu biết về tình trạng sôi sục như vậy, tuy nhiên các bộ trưởng của ông đã lập lại nhiều lần rằng Ai Cập cần phát triển nhanh để thu hút những người mới đi kiếm việc làm. Quốc gia này bắt đầu làm những điều đúng đắn vào năm 2004, khi ông Mubarak bổ nhiệm một chính phủ có đầu óc thương mại đặt dưới quyền của Thủ Tướng Ahmed Nazif. Một số biện pháp được thi hành: giảm thuế đánh vào các công ty và thuế nhập cảng, tư nhân hóa kỹ nghệ viễn thông, và phát triển xuất cảng. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, kinh tế Ai Cập tăng 7% mỗi năm trong thời gian 2006-2008, giảm xuống dưới 5% vào 2009, và tăng trưởng trên 5% vào năm 2010.
Điều này tốt và xấu. Trong khi phát triển rất cần thiết để giảm sự căng thẳng xã hội trong dài hạn, nhưng có thể làm tình trạng căng thẳng thêm trong ngắn hạn tại một quốc gia như Ai Cập. Cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Youssef Boutros-Ghali giải thích với BusinessWeek vài năm trước rằng những người đã giầu có lại được hưởng những kết quả đầu tiên.
Thiếu dân chủ tại Ai Cập và những quốc gia khác trong vùng Trung Đông – Do Thái là một ngoại lệ – làm cho vấn đề tồi tệ hơn. GS Goldstone của George Mason University nói rằng ông Mubarak chống lại “nghịch lý của chế độ độc tài” (paradox of autocracy), một danh từ sáng chế bởi cố GS Timothy L. McDaniel, một nhà xã hội học của University of California tại San Diego. GS Goldstone nói rằng “Bất cứ một lãnh tụ độc tài nào muốn hiện đại hóa nước của ông ta cũng phải giáo dục nhân lực. Nhưng khi giáo dục lực lượng công nhân, quý vị sũng sẽ tạo ra những người không muốn vâng lệnh chính quyền. Như vậy quý vị tạo ra mối đe dọa về nổi loạn và xáo trộn. Những chế độ dân chủ ở vị thế tốt hơn nhiều để quản trị nhiều người có trình độ học vấn cao. Nạn thất nghiệp của giới trẻ ở Tây Ban Nha còn cao hơn Ai Cập, nhưng họ không muốn lật đổ chính quyền.
Mặc dù như thế, những quốc gia dân chủ giầu có không để ý đến tình trạng thất nghiệp của giới trẻ một cách liều lĩnh. Tại 34 nước kỹ nghệ hóa trong Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OECD) ít nhất 16.7 triệu người trẻ không có việc làm, không đi học hay được huấn luyện và trong số đó có vào khoảng 10 triệu người không tìm việc làm. Sự kiện này do OECD công bố vào tháng 12, 2010. Tại những quốc gia phát triển nhất, thị trường việc làm tách làm hai giữa việc trả lương cao mà nhiều công nhân không đủ điều kiện và những việc với lương thấp không đủ sống. Đó là nhận định của GS Harry J. Holzer thuộc Georgetown University đồng thời là đồng tác giả của cuốn sách mới “Where Are All the Good Jobs Going?” (Tất cả những việc làm tốt ở đâu?). Nhiều việc làm từng được trả lương khá cho học sinh tốt nghiệp trung học nay đã được tự động hóa hoặc chuyển ra ngoài.
Sự gia tăng thất nghiệp trong lớp trẻ sẽ bớt đi tại các nước Tây phương sau khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh 2008 giảm xuống. Sau cùng, Hoa Kỳ, Âu châu, Nhật, và các nước khác sẽ phát triển trở lại. Khi lớp người sanh ra trong thời kỳ sanh sản đột nhiên tăng sau Thế Chiến II sẽ về hưu, nhu cầu về những người trẻ sẽ tăng. Ông Philip J. Jennings, Tổng Thư Ký của UNI Global Union, một liên đoàn của nghiệp đoàn lao động với 20 triệu thành viên, nói rằng “Tôi tin rằng tình trạng sẽ thay đổi. Những chủ nhân sẽ lại sẵn sàng mướn những người trẻ.
Đó là một lời an ủi nhạt nhẽo đối với những người trẻ đang thất nghiệp hiện nay. Giai đoạn ngắn hạn trở thành quá dài một cách đau khổ. Mặc dù tình trạng khủng hoảng kinh tế đã chấm dứt vào mùa hè 2009, tỉ lệ thất nghiệp của lớp trẻ vẫn ở gần mức cao nhất theo chu kỳ. Theo Bộ Lao Động 18% của lớp trẻ trong lớp tuổi 16-24 không có việc làm tại Hoa Kỳ vào tháng 12, 2010, một năm rưỡi sau khi cuộc suy trầm kinh tế chính thức chấm dứt. Đối với những người da đen cùng tuổi, tỉ lệ thất nghiệp là 27%. Nhiều người trẻ trong tuổi thanh xuân 13-19 bỏ cuộc [không kiếm việc làm nữa] đã làm cho tỉ lệ thất nghiệp không lên cao hơn nữa. Một số nằm bệt ở nhà. Một số khác ở trường học, cũng không có lối thoát. Tỉ lệ của những người trẻ Mỹ trong lới tuổi 16-19 có việc làm giảm xuống dưới 26%, một con số thấp kỷ lục. Khi nền kinh phục hồi và tạo việc làm trở lại vẫn còn có vấn đề. Những chủ nhân có thể chọn những bộ mặt mới ra trường và bỏ qua những người hiện đang thất nghiệp và trở thành những hàng hóa bị hư hại. Bắt đầu một sự nghiệp trong thời kỳ suy trầm kinh tế có thể có những ảnh hưởng xấu. Lisa B. Kahn, một kinh tế gia tại Yale School of Management, ước tính rằng, đối với nam sinh viên da trắng tại Hoa Kỳ, gia tăng tỉ lệ thất nghiệp 1% vào lúc tốt nghiệp có thể làm giảm lương bổng ban đầu khoảng 6%-7% – và ngay cả 15 năm sau, những người tốt nghiệp vào thời suy trầm sẽ kiếm tiền 2% ít hơn là trong trường hợp ra trường không vào lúc khủng hoảng. Ngoài ra còn có ảnh hưởng về tâm lý. Theo một công trình nghiên cứu vào năm 2009 của GS Paola Giuliano của Anderson School of Management thuộc University of California ở Los Angeles và Antonio Spilimbergo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, “Những cá nhân lớn lên trong thời kỳ suy thoái có khuynh hướng tin rằng thành công ở đời dựa vào may mắn nhiều hơn là sự cố gắng. Họ ủng hộ nhiều hơn việc tái phân chia [lợi tức] của chính phủ nhưng kém tin tưởng vào những định chế công.” Suy trầm kinh tế phát sinh ra những người phóng khoáng tự ngờ vực.
Những cuộc biểu tình ở Ai Cập và tỉ lệ thất nghiệp cao của lớp trẻ ở những nơi khác ngẫu nhiên xẩy ra một lúc đã gây được chú ý của những nhà tư bản và ngoại giao mạnh nhất thế giới. Tại World Economic Forum (Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới) tổ chức ở Davos, Thụy Sĩ, vào năm nay, trong khi Cairo, thủ đô Ai Cập, đang rối loạn, người ta bàn tán rất nhiều về việc cải thiện cơ hội việc làm cho những người trẻ. Ngay cả trước khi có khi có những rỗi loạn này, Liên Hiệp Quốc tuyên bố năm bắt đầu từ tháng 8, 2010 là năm của lớp người trẻ. Vào tháng 12, 2010, Blackstone Group và CNBC tổ chức một hội nghị tại London với những chuyên gia thượng thặng để thảo luận về giải pháp cho tình trạng thất nghiệp của lớp người trẻ. Những công ty từ AT&T, Accenture đến Siemens đang làm việc để chuẩn bị cho học sinh trung học và sinh viên đại học gia nhập vào thế giới việc làm.
Một cách chữa trị duy nhất chắc chắn thành công là phát triển kinh tế mạnh và bền vững. Trong trường hợp này cần nhiều nhân công cho nên các chủ nhân không có lựa chọn nào khác là phải mướn những người trẻ. Những kinh tế gia cố gắng đạt được mục tiêu đó trong nhiều thập niên. Wendy Cunningham, một chuyên viên về phát triển thanh thiếu niên tại Ngân Hàng Thế Giới nói rằng “Nếu chúng tôi biết cách phát triển đúng, chúng tôi sẽ đoạt được giải thưởng Nobel.”
Vì không có một thứ thuốc chữa bách bệnh, những kinh tế gia đang tìm những giải pháp vi mô, như huấn luyện để làm cho việc chuyển tiếp từ trường học đến nơi làm việc được trơn tru. Chưa có một cách chữa trị nào hoàn hảo. Bà Sara Elder, một kinh tế gia của ILO tại Geneva nói rằng “Chúng tôi xem ra thiếu óc sáng tạo về cách đối phó với vấn đề này. Tôi không có thể trách cứ ai bởi vì tôi chắc chắn không có câu trả lời.”
Một lý do khó kiếm ra câu trả lời là cách đo lường chính xác về những chương trình xóa đói giảm nghèo chỉ được phổ biến rộng rãi trong 10 năm qua, môt phần nhờ ảnh hưởng của những kinh tế gia như Esther Duflo, Abhijit Baberjee thuộc Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab, đặt tại Massachusetts Institute of Technology (Viện Kỹ Thuật Massachusetts). Những cuộc phân tách nghiêm chỉnh đòi hỏi những dụng cụ như thử nghiệm ngẫu nhiên và những nhóm làm mẫu mực mà phần lớn những viên chức quan lại và những kẻ ngây thơ hoặc thiếu thực tế không biết. Ngoài ra cách do lường ảnh hưởng dài hạn cần cả chục năm hay hơn.
Một khám phá mới là học nhiều không phải luôn luôn là tốt hơn. Điều quan hệ hơn cả là kỹ năng của nhân công phù hợp với nhu cầu của chủ nhân. GS Djavad Salehi-Isfahani, một kinh tế gia tại Virginia Tech nói rằng tại Iran, tỉ lệ số người từ 15 tuổi trở lên, có bằng đại học tăng từ 2.5% lên đến 10.5% trong 20 năm vừa qua, hệ thống giáo dục trở thành một “nhà máy sản xuất bằng cấp”. Ai Cập và Tunisia cũng đi về hướng đó; theo Trung Tâm Phát Triển Quốc Tế của Harvard University, vào năm 1990, chỉ có vào khoảng 2% những người ở trong lớp tuổi 15 hay lớn hơn có bằng đại học, nhưng đến năm 2010 tỉ lệ này tăng lến đến 6.7% ở Tunisia và 6% tại Ai Cập.
Học thêm đã không giúp được gì. Sự thật là phần lớn sự tức giận bùng nổ tại hai quốc gia này phát xuất từ những người tốt nghiệp đại học nhưng không dùng được bằng cấp để kiếm việc làm. Tiêu biểu là Saad Mohammed, 25 tuổi, tốt nghiệp từ một trường được kính trọng Al-Azhar University ở Cairo. Qua cuộc phỏng vấn ở quảng trường Giải Phóng, ông ta nói rằng ông cảm thấy bị phản bội vì không kiếm được việc làm trong lãnh vực đã lựa chọn, “nguồn gốc của tôn giáo.” Mohammed hi vọng rằng “chính phủ mới sẽ cho tôi một việc làm tại một cơ quan từ thiện tôn giáo.” Đối với phụ nữ trẻ ở Trung Đông, họ có cùng một trình độ giáo dục như đàn ông, nhưng có rất ít việc làm hơn cho họ. Do đó, tình trạng việc làm bất xứng với việc học đối với phụ nữ trẻ tồi tệ hơn.
Trung Quốc cũng sản xuất nhiều bằng đại học để có thể sử dụng được. Số sinh viên tốt nghiệp tăng gấp năm lần trong mười năm qua. Anke Schrader, một nhà khảo cứu thuộc Center for Economics and Business tại Bắc Kinh, Trung Quốc nói rằng “kinh tế của Trung Quốc không có thể tạo đủ việc làm cho những người có kỹ năng cao. Theo một cuộc phân tách về thị trường lao động tại Trung Quốc, những sinh viên mới ra trường kỹ thuật kiếm được nhiều tiền bằng hoặc hơn những sinh viên tốt nghiệp đại học, với số lương hàng tháng là 2,000 đến 4,000 renminbi và trong một số trường hợp 6,000 renminbi so với người tốt nghiệp đại học là 2,000 đến 2,500 (lương hàng tháng 2,000 renminbi tính ra thành US$3,500 mỗi năm theo hối suất thị trường.)
Tại Hoa Kỳ và hầu hết Âu châu, tình trạng ngược lại đối với thế giới Ả Rập: không phải quá nhiều giáo dục đại học mà là quá ít. Theo một nghiên cứu của OECD, người trẻ học ít bị thất nghiệp nhiều hơn 4.6 lần so với người trẻ học nhiều tại Hoa Kỳ – một cách đo lường hiệu lực của kiến thức trong một nền kinh tế kiến thức. Như thế có nghĩa là Hoa Kỳ không còn đứng đầu trong bảng xếp hạng về tỉ lệ những người tốt nghiệp đại học tại thời điểm xấu nhất. Theo National Center for Education Statistics, tính đến 2008, chỉ có 60% sinh viên tại những trường đại học bốn năm đã xoay sở để tốt nghiệp trong vòng sáu năm.
Ngay cả tại những quốc gia phức tạp về phương diện kỹ thuật như Hoa Kỳ, đại học không phải cho mọi người. Theo một nghiên cứu về hiệu lực của Ngân Hàng Thế Giới, những chương trình huấn nghệ mặc dầu phổ thông, nhưng không phải là giải pháp tốt nhất cho nạn thất nghiệp của lớp trẻ. Cunningham, có bằng tiến sĩ về ngành kinh tế lao động và đã làm việc trong chương trình phát triển lớp trẻ tại ngân hàng từ 2000 nói rằng chương trình huấn nghệ “thường được soạn thảo mà không có sự hiểu biết về nhu cầu trong thị trường lao động và trở thành lỗi thời rất nhanh chóng. Nhân viên làm việc lâu năm, nhưng không có tiền để cập nhật hóa kỹ thuật.”
Những chương trình liên hệ chặt chẽ với chủ nhân thành công hơn. Những chương trình dành cho người trẻ tại một vài nước châu Mỹ Latin đòi hỏi rằng những chủ nhân phải ký một tài liệu hứa sẽ mang những sinh viên tốt nghiệp vào làm thực tập, dây học kỹ năng sống cùng với kỹ năng kỹ thuật. Những chủ nhân gồm những xưởng làm bánh, may quần áo, cùng với những cửa tiệm sửa chữa máy vi tính. Theo ông Cunningham, vấn đề là chương trình cho giới trẻ có thể mở rộng cho từ vài trăm người tham dự đến hàng trăm ngàn người.
Ngày nay, người ta biết giá trị của chương trình học nghề đã có từ lâu. Chương trình này giúp cho việc chuyển tiếp từ học sang hành một cách trơn tru. Ông Stefano Scarpetta, phụ tá giám đốc văn phòng việc làm, lao động và xã hội thuộc OECD tại Paris nói rằng tại Đức và Áo, tình trạng lớp trẻ thất nghiệp nhẹ hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, một phần nhờ những chương trình học nghề. Theo OECD, mức thất nghiệp của lớp trẻ tại Đức là 13.9%, so với tỉ lệ trung bình của Âu châu là 21.2 và Hoa Kỳ là 21%.
Trong một cập nhật hóa về ý kiến học nghề, những nước như Hòa Lan khuyến khích sinh viên đại học thu thập kinh nghiệm trong khi đi học. Ông Scarpetta nói rằng 70% người trẻ Hòa Lan trong lớp tuổi 20-24 có một số kinh nghiệm làm việc. Trái ngược lại, tại Ý và Bồ Đào Nha chỉ có 10% làm việc trong khi đi học. Tỉ lệ thất nghiệp của lớp trẻ ở Hòa Lan chỉ có 11.2%.
Công ty AT&T ở Mỹ với gần 270,000 nhân viên và một ngân sách huấn luyện gần $250 triệu đang cố gắng giúp học sinh trung học chuyển tiếp qua việc làm một cách trôi chẩy bằng cách thiết lập một chương trình gọi là “Job Shadow” để làm cho học sinh quen với thực tế của việc làm. Hiểu thấu đầu óc của những thiếu niên Mỹ trong lớp tuổi 13-19 đã giúp cho những viên chức cao cấp của AT&T nhận thức được tầm quan trọng của thử thách. Bà Charlene F. Lake, viên chức đứng đầu AT&T về bển vững nói rằng “Cách đây không lâu, có ba học sinh trung học cấp 3 (junior) đi theo tôi. Khi tôi hỏi các học sinh đó sẽ làm gì sau khi học xong trung học, hai trong ba em chưa bao giờ nghĩ đến việc này. Một nữ học sinh nói rằng em muốn dậy học và tỏ ra ngạc nhiên khi biết rằng em cần học thêm nữa để dậy học. Em này đã không nhận thức được rằng mình phải đi học đại học.”
Đối với những người trẻ thiếu kinh nghiệm làm việc, cơ chế là chìa khóa giải quyết. Giám Đốc Điều Hành Mary B. Mulvihill của Grace Institue tại New York, một tổ chức giúp huấn luyện kỹ năng cá nhân và văn phòng miễn phí cho phụ nữ thiếu thốn, nói rằng “Quý vị cần luật lệ và nguyên tắc. Quý vị cần phái nói rằng ‘Nếu làm điều này, quý vị sẽ thấy đời sống của quý vị sẽ thay đổi ra sao.’ Nếu tà tà, tôi không nghĩ việc sẽ chạy.”
Nếu mục tiêu là tạo việc làm, thay vì lấp vào chỗ trống, lối tà tà có thể đúng là cái cần thiết. Vấn đề kinh doanh – với tất cả những sự phỏng đoán và những sự ứng biến – có thể là một phương tiện chưa được khai thác triệt để nhất để làm giảm nạn thất nghiệp trong lớp trẻ. Vào năm 2008, University of Miami bắt đầu một chương trình kinh doanh gọi là Launch Pad (dàn phóng) trong trung tâm tìm việc để đưa ra một thông điệp rằng tự thiết lập một công ty là một cách lựa chọn nghề nghiệp hợp lệ, không phải chỉ lấy lớp học.
Kể từ đó, sinh viên của University of Miami và những người vừa mới ra trường đã thành lập 45 công ty. Coral Morphologic sưu tầm và nuôi san hô để bán cho những người có bể nuôi cá. Sinha Astronautics đang hình thành máy bay không gian để phóng những vệ tinh vào những quỹ đạo thấp. Audimated, một mạng âm nhạc, cho phép những người hâm mộ kiếm tiền bằng cách đề bạt những nghệ sĩ độc lập mà họ ưa chuộng. Người sáng lập Launch Pad là ông William S. Green, Phó Viện Trưởng kiêm Khoa Trưởng của chương trình cử nhân. Ông nói rằng “Những người trẻ rất chú ý đến việc tự quản lý lấy đời sống của họ và hơi thận trọng về những công ty lớn. Điều này trở thành một sinh hoạt của sinh viên lớn nhất trong khuôn viên đại học.”
Sau khi nhà tỉ phú Stephen A. Schwarzman, Chủ Tịch công ty cổ phần Blackstone Group, để ý đến sáng kiến kinh doanh của University of Miami, Blackstone Charitable Foundation đã phát động một chương trình tương tự tại vùng đông nam Michigan với Wayne State University và Walsh College. Vào ngày 31 tháng Một, khi Tổng Thống Barack Obama loan báo sáng kiến Start-up America tại Tòa Nhà Trắng, Blackstone Foundation nói sẽ bành trướng LaunchPad đến thêm năm thành phố, nhưng chưa công bố tên, dành $50 triệu cho năm năm. Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum) ở Davos, ông Schwarzman nói rằng “Blackstone bắt đầu chú trọng về lãnh vực này khi [những cố gắng của chính phủ] sẽ không làm giảm được mức thất nghiệp một cách đáng kể theo sự suy xét của chúng tôi.”
Đối với những kinh tế gia của thị trường tự do, một giải pháp đơn giản cho vấn đề thất nghiệp của lớp trẻ là dẹp bỏ tất cả những chướng ngại vật cản trở việc mướn người trẻ. Những kinh tế gia này cho rằng mức lương tối thiểu cao ngăn cản các công ty mướn những người trẻ chưa có cơ hội để thâu thập kiến thức hoặc kinh nghiệm đủ để trả ngay cả mức lương tối thiểu. Theo lời khuyên này, hầu hết những quốc gia Âu châu, nơi có mức lương tối thiểu tương đối cao so với mức lương trung bình, đã hạ mức lương tối thiểu dành cho những người trẻ. (Bằng chứng là mức lương tối thiểu cao đã loại ra ngoài một số người trẻ, trong khi đó làm lợi cho những người khác bằng cách tăng lương bổng.) Một cách tương tự, ILO trong phúc trình 2009 đã cảnh báo rằng lực lượng lao động thường trực được bảo vệ quá mạnh sẽ gây thiệt hại cho lớp trẻ bởi vì những người trẻ không được bảo vệ một cách tương tự và sẽ phải chịu gánh nặng chính khi xẩy ra việc giảm nhân viên khi có tình trạng khó khăn.
Đúng hay sai, lập luận thị trường tự do đã không thắng thế: Anh quốc và Tân Tây Lan thật sự đã tăng mức lương tối thiểu trong giai đoạn suy trầm. Lập luận về ảnh hưởng tiêu cực của việc bảo vệ công nhân chưa thuyết phục Áo và Đức. Hai quốc gia này có những luật lệ mạnh mẽ về việc làm. Tuy vậy thị trường việc làm của Đức và Áo trong hai năm vừa qua lành mạnh hơn những quốc gia như Hoa Kỳ nơi công nhân ít được bảo vệ hơn. Bà Thea Lee, phó tham mưu trưởng tại American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations viết tắt là AFL-CIO (Liên Đoàn Lao Động Hoa Kỳ và Nghị Hội Những Tổ Chức Công Nghiệp) lập luận rằng không thể quy trách nhiệm cho nghiệp đoàn về việc mức thất nghiệp của những người trẻ cao: “Những cơ sở kinh doanh muốn công nhân không có sức mạnh, không có quyền lợi, không có bảo vệ.”
Thật là cay nghiệt. Sau cùng, những viên chức điều hành công ty cũng bị áp lực, và mướn những người mới bước vào nghề tốn kém. Ông Joerres chủ tịch công ty Manpower quy trách nhiệm vào tốc độ nhanh. Ông nói “Những cơ sở kinh doanh có nhiều chương trình huấn luyện hơn khi chu kỳ đời sống của sản phẩm và nhân viên dài hơn. Bây giờ nếu chu kỳ của một sản phẩm là 18 tháng và phải mất 12 tháng để huấn luyện đến nơi đến chốn, quý vị sẽ thất bại.”
Nạn thất nghiệp kinh niên của lớp trẻ có thể không cứu chữa được. Nhưng chứng cớ cho thấy rằng nạn thất nghiệp này có thể được làm giảm xuống qua những cố gắng phối hợp giữa chính phủ, lao động, kinh doanh, giáo dục và chính những người trẻ. Rất may là đất phì nhiêu: Trên khắp thế giới, những người trẻ được gọi là hittistes, shabab atileen, NEETs, freeters, và boomerang kids thèm khát một cơ hội để thăng tiến. Ông John Studzinski, giám đốc quản lý cao cấp của Blackstone Group nói rằng “Trong một phạm vi nào đó, tất cả những gì quý vị có thể làm cho nạn thất nghiệp của giới trẻ là reo hạt.”
————————————
Chú thích:
Với sự đóng góp của Stanley Reed, Carol Matlack, Dexter Roberts, Diane Brady, và Caroline Winter.
© Nguyễn Quốc Khải (Bản tiếng Việt)
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment