Thursday, June 23, 2011

NHÀ VĂN Y BAN : CHÚNG TA ĐANG QUAY CUỒNG TRONG CƠN BỨC XÚC (Hoàng Hường)


Tác giả: Hoàng Hường
Bài đã được xuất bản.: 23/06/2011 05:00 GMT+7

Tôi nhớ mãi khi con trai tôi học lớp 5, một hôm cháu nói với tôi: "Mẹ ơi khi lớn lên con không lấy vợ đâu" "Tại sao?" "Vì lấy vợ xong phải làm những chuyện dâm ô trụy lạc". Tôi chẳng biết cười hay mếu.
"Vụ hôi của vô cảm" - kể về một người đàn ông sau khi quyết liệt bảo vệ túi tiền của mình khỏi hai tên cướp thì ông lại bị chính những người dân, những người đáng lẽ phải giúp ông bắt cướp "hôi" mất những đồng tiền ông vừa nỗ lực bảo vệ được.
Bản tin vài trăm chữ cùng 3 bức ảnh - có lẽ do một người viết báo nghiệp dư vô tình chụp được - mang lại những tiếng thở dài ngao ngán. Tại sao lại thế? Câu hỏi không ngừng ám ảnh dù tôi rất cố gắng lý giải.
Cuối cùng tôi tìm đến tác giả của I Am Đàn Bà, với hy vọng nhà văn - lại là nhà văn nữ - là người cảm nhận, chiêm nghiệm cuộc sống sâu sắc thấu đáo nhất để tìm được sự cắt nghĩa thuyết phục.
Và Y Ban đã tìm được cho tôi hai chữ:

Lệch lạc
Tôi đang cố trả lời câu hỏi Tại sao lại thế? cho vụ "hôi tiền". Chị giúp tôi được không?
Vụ đấy tôi có đọc, và chốt lại, phải dùng đúng từ: "cướp" chứ không phải "hôi"; cướp tiền, cướp nhân cách, cướp đạo lý làm người, cướp trên cướp dưới, ai cũng có thể biến thành cướp, quá sợ.
Cũng giống như nạn nhân tai nạn giao thông bị móc ví, sờ điện thoại vậy.
Rồi 'Gậy ông đập lưng ông', như vụ tôi chứng kiến ở Mỹ Đình: kẻ lừa đảo cho một tờ tiền 20.000 thật buộc bên ngoài tiền âm phủ rồi "làm rơi", người đi đường tưởng thật lao vào nhặt. Ngay lập tức có người ra đòi: Tôi biết người vừa mất tiền, anh ta là đầu gấu. Anh phải chia cho tôi 200.000 không tôi mách chúng đuổi theo. Thế là người kia mất 200.000 lấy 20.000 và xấp tiền âm phủ.
Người nọ cướp của người kia.
Mới hôm trước tôi vừa nghe cô cắt tóc gội đầu tiếc rẻ kháo câu chuyện: hôm qua cô bỏ lỡ con đề 41, vì có thằng bé 14 tuổi vừa ngã sông chết đuối. Câu chuyện thật thương tâm: cậu bé theo bố và cậu đi câu. Bố và cậu không biết bơi chỉ ngồi trên bờ, còn cậu bé nhảy từ trên bờ xuống tắm, chẳng may đầu cậu va vào đá. Cậu choáng váng chìm, cánh tay mải miết giơ lên cầu cứu. Không ai nhảy xuống, cậu bé chết. Bố và cậu bất lực. Người dân quanh đó rộn rạo đánh đề từ cái chết của cậu bé.
Cũng như chuyện cậu bé 11 tuổi bị công an đánh bầm tím người; hay người tham gia giao thông bị đánh gãy cổ, đi cấp cứu sau nửa ngày hôn mê, tay vẫn bị còng... Đau lòng!
Câu chuyện hai người công an cầm dùi cui thay nhau đánh cậu bé 11 tuổi, tôi cũng cố hết sức suy nghĩ, lý giải mà vẫn không thể hiểu nổi. Chị có tìm được lý do nào tạm thuyết phục một chút không?
Tôi nghĩ có lẽ xã hội hiện nay đang nhiều áp lực quá. Ngay những người cảnh sát giao thông, họ cũng bị giao khoán chỉ tiêu phạt. Không phạt đủ thì không hoàn thành nhiệm vụ, phạt thì va chạm với người dân. Mọi thứ đều quy thành tiền. Bản thân họ cũng quá bức xúc căng thẳng.
Tôi nghĩ cũng có thể họ không định đánh người như vậy, nhưng áp lực khiến họ bức bối, quá đà mà xả ra.
Xã hội đang ở một vòng quay cuồng, lệch lạc, quá thừa hoặc quá thiếu. Giáo dục thừa thành tích, thiếu kỹ năng sống. Học sinh được học rất giáo điều, nhưng làm sao cư xử với một cái 'nhìn đểu' thì không biết, rồi dẫn đến án mạng. Các nữ sinh làm thế nào để tự bảo vệ, không ai nói cho các em, rồi nạn hiếp dâm, nạo phá thai, lộ clip sex ngày càng xuất hiện dày đặc.
Tôi chưa thấy ở đâu như ở đất nước mình. Biển dịch vụ nạo phá thai nhan nhản, công khai; ngay những tấm áo khoác lên như đạo đức, phẩm giá, lương tâm cũng đã chẳng cần dùng nữa.
Tất cả những điều ấy, các nhà giáo dục, quản lý... có biết không? Họ biết, biết rõ ràng. Nhưng họ nghĩ gì? Làm gì? Tôi chịu.

Vẫn biết ngành giáo dục vẫn còn quá nhiều điều để bàn. Nhưng khi học sinh bị bủa vây bởi bạo lực, tình dục, những giá trị lệch lạch cả ở thế giới thật và ảo. Gần đây nhất một trang báo khi đưa tin ảnh về em bé 3 tuổi còn giật tít 'lộ quần chíp' thì ngưỡng chịu đựng của dư luận đã vượt quá giới hạn rồi. Lằn ranh về đạo đức, văn hóa tối thiểu đã biến dạng hết. Các nhà giáo dục làm thế nào để bảo vệ các em trong sự bủa vây như thế?
Chưa bao giờ xã hội thích những scandal nhảm nhí như bây giờ. Những chuyện vớ vẩn không thể tầm xàm hơn cũng khiến người ta lao vào nghiêng ngó, bình luận. Thời đại của những chuyện vô thưởng vô phạt, vô duyên, vô lý..
Chúng ta cấm đoán rất nhiều thứ. Ai, làm gì cũng phải vòng vèo, lách được luật nào thì lách, và những thứ nhảm nhí nở rộ. Về một mặt nào đó, tôi nghĩ nó chính là sự phản kháng của xã hội. Vô thưởng vô phạt đấy, nhưng lại có chủ đích hẳn hoi.
Quá tả hoặc quá hữu đều là lệch lạc!

Cũng như chuyện bắt mại dâm, luôn chỉ có mấy cô gái bán thân bị bêu riếu, chưa bao giờ thấy 'đối tác', khách hàng của các cô bị nêu tên, chụp ảnh, làm nhục như vậy. Tất cả những chuyện clip sex, khoe hàng... nhan nhản vừa qua, cuối cùng đối tượng bị nghiền nát cũng là người phụ nữ. Người ta hả hê chuyền tay nhau xem, bình luận, dè bỉu; tàn nhẫn nhìn con mồi của mình bị dày xéo. Cũng là một sự lệch lạc?

Tôi nhớ mãi khi con trai tôi học lớp 5, một hôm cháu nói với tôi: "Mẹ ơi khi lớn lên con không lấy vợ đâu" "Tại sao?" "Vì lấy vợ xong phải làm những chuyện dâm ô trụy lạc". Tôi chẳng biết cười hay mếu.
Sau khi cố tìm lời lẽ hợp lý giải thích cho con nghe, nhưng đêm nghĩ lại tôi lại thấy con đúng. Cùng là một hành vi, nhưng ở đây nó thế này, ở kia thế khác.
Ai có thể thống kê được bao nhiêu phụ nữ bị hiếp dâm bởi chính chồng họ, bạo hành bằng chính hành vi đó. Tôi chắc rằng còn nhiều hơn các vụ mại dâm cộng lại.
Và khi những người phụ nữ bị bạo hành, bị phản bội tìm đến sự hỗ trợ của các nhà tư vấn, các tổ chức xã hội. Họ lại được khuyên phải bao dung, phải vị tha, phải nghĩ đến những đứa trẻ... Khi một cặp đôi ly hôn, dư luận sẽ ráo riết lên án người phụ nữ để con lại; nhưng lại bỏ qua những người đàn ông để vợ tay trắng ra đường, phớt lờ cấp tiền nuôi con.
Tôi đã từng nói ở đâu nhấn mạnh nhiều nhất đến quyền phụ nữ hay bảo vệ phụ nữ, thì ở đó người phụ nữ đang bị chà đạp nhiều nhất.
Chúng ta lắm ban bệ quá. Bộ nào cũng có một ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ nhưng hoạt động thật sự của nó, những tác động đến đời sống người phụ nữ thế nào lại hết sức mơ hồ.
Nó cũng mơ hồ giống như chúng ta không thừa nhận mại dâm, nhưng thực tế là nó vẫn tồn tại. Chúng ta cấm trên luật, nhưng lại không thi hành được triệt để. Hậu quả là bệnh tật tràn lan, tội phạm tình dục nhan nhản.
Giới trẻ chìm đắm vào những góc tối trên Internet, trong nhà nghỉ khám phá những thứ mà bố mẹ chúng và xã hội từ chối 'vẽ đường cho hươu chạy'. Thay vì giúp các em gái biết tự bảo vệ, người ta hăng hái lên án em khi xảy ra chuyện.
Một thực tế đau lòng, ai cũng nhìn thấy, đó là những trung tâm tư vấn, giúp đỡ, bảo vệ các em có quá ít; trong khi các trung tâm nạo hút thai lại nhan nhản như nấm.
Sự lệch lạc có từ cốt lõi xã hội, chứ đừng trách các em, hay đổ thừa cho những thứ nhảm nhí các em đang lao theo. Đó chỉ là hệ quả.


Những nhà văn như tôi đang shock
Đầu những năm 1940, chúng ta có loạt truyện ngắn của Nam Cao. Thời kỳ đổi mới, ta có Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường. Lùi xa hơn nữa là Ba người khác của Tô Hoài. Những nhà văn đã đánh dấu tên tuổi họ bằng những bức tranh xã hội thời kỳ họ từng sống, từng trải nghiệm. Bức tranh năm 2011 của những nhà văn thế hệ chị sẽ như thế nào?

Tôi nhìn thấy tôi đang lội nước bì bõm trên đường phố đang tắc đường. Tôi nói với một người đàn ông đang ngồi trên xe: "Anh làm ơn lùi xuống giúp tôi một chút để tôi rẽ". "Đây chỉ biết tiến chứ không biết lùi". Thế là tôi cùng cả đoàn người cứ đứng chôn chân trong nước nhiều tiếng đồng hồ, không ai rẽ được.
Ai đó có thể nổi giận, nhưng tôi thì không. Tôi ngoái lại đằng sau và tôi nhớ rằng dân tộc tôi là dân tộc không biết lùi. Bao nhiêu năm chúng tôi đắm chìm trong khẩu hiệu "tiến lên", ngay từ trong bụng mẹ.

Ở trường học trẻ con cũng biết từ tiến lên. Nhưng tiến lên đâu? Nên trẻ con nói: Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu; Hàng đầu ta tiến về đâu? Hàng đầu ta tiến về đâu thì về.
Tôi viết trong truyện ngắn Không biết lùi như thế.

Nhà văn luôn luôn cần độ lùi về thời gian để họ chiêm nghiệm về thời đại họ đã trải qua, rồi mới viết. Nam Cao, Nguyễn Khắc Trường hay Tô Hoài cũng thế thôi. Nhưng thật sự những nhà văn 2011 như tôi đang bị shock.
Mở báo ra, tôi nhìn thấy rừng bị tàn phá, tài nguyên cạn kiệt; đạo đức gia đình - xã hội rối tung trên mặt báo. Tai nạn giao thông, tai nạn lao động... đủ thứ nguy cơ bủa vây.
Người ta nhắm mắt trước cái ác, né tránh sự tăm tối. Lòng tốt, sự trắc ẩn đôi khi được đền đáp bằng một nhát dao thấu ngực, hay bị tráo đổi tàn nhẫn.
Đôi khi tôi thấy mình lẩn thẩn. Ai đó dắt dùm tôi chiếc xe, giúp tôi một việc vặt cũng làm tôi rưng rưng nước mắt. Rồi tôi chợt nhận ra, cuộc sống của mình khô cằn mất rồi.
.
.
.

No comments: