Saturday, June 4, 2011

NGƯ DÂN & TÀU BÌNH MINH 02 (Phương Thảo)


Phương Thảo
Saturday, June 4, 2011

Từ ngày 26-5-2011 khi xảy ra sự kiện tàu Hải Giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí tàu Bình Minh 02 thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam (viết tắt là PVN), thì trên tất cả các phương tiện truyền thông báo chí tràn ngập những thông tin nói về sự kiện này. Đây là một điều không bình thường, vì rõ ràng nó được sự chấp thuận từ phía Bộ Truyền Thông Thông Tin mà cao hơn nữa là Bộ Chính Trị của ĐCSVN. Vấn đề biển Đông, Hoàng Sa-Trường Sa hay cũng như vấn đề biên giới lãnh thổ lâu nay vẫn là nhạy cảm hay không muốn nói khác hơn là cấm kỵ đối với truyền thông nhà nước. Đã có những thỏa hiệp ngầm giữa chính quyền Trung Quốc và Việt Nam mà chính quyền của cả hai nước không muốn bạch hóa ra cho toàn thể dân chúng được biết.

Cách đây vài năm, khi Trung Quốc tuyên bố thành lập đơn vị hành chính với tên gọi Tam Sa bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã dấy lên phong trào phản đối. Những cuộc biểu tình, tuần hành từ Hà Nội và Sài Gòn đã nổ ra nhằm chống lại sự bành trướng vô lối, ngang ngược bất chấp cả công pháp quốc tế về biển của Trung Quốc. Kết quả là rất nhiều trong số những người đã tham gia biểu tình bị an ninh, mật vụ, công an làm khó dễ mà một trong số họ đã phải ở tù cho đến nay vẫn chưa biết được còn sống hay đã chết, đó là ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên tàu quân sự của Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập, sử dụng vũ lực ngay trong vùng lãnh hải Việt Nam và có lẽ là sẽ rất khó để có thể thống kê được bao nhiêu người đã bị giết, bị bắt cóc đòi tiền chuộc, số tài sản của ngư dân bị Trung Quốc phá hại. Cũng như sẽ rất khó để mong chờ chính quyền sẽ công bố những con số thiệt hại về người và tài sản mà Trung Quốc đã gây ra với ngư dân, vì đó có thể sẽ tạo ra sự cuồng nộ trong lòng dân Việt Nam xưa nay vốn đã có hiềm thù với quốc gia lân bang.
Rất nhiều trong những vụ giết hại, bắt bớ, phá hoại tài sản mà do chính quân đội Trung Quốc gây ra ít được báo chí đưa tin một cách đầy đủ, cũng như rất khó để có thể tìm ra được thủ phạm nào đã gây ra, ngay cả khi chỉ cần hỏi ngay ngư dân là có thể biết được hung thủ, nó được ngụy trang bằng một tên gọi mà chỉ mới xuất hiện trong một vài năm trở lại đây: “Tàu lạ”.

Vậy, đâu là sự khác nhau giữa hàng loạt vụ gây án của quân đội Trung Quốc trước đây với ngư dân và sự kiện tàu Hải Giám Trung Quốc tấn công tàu Bình Minh 02? Vì nếu xét về phương diện lãnh hải, cũng như thông qua báo chí truyền thông thì hầu như quân đội Trung Quốc đều tác oai tác quái ngay trong lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Chẳng thể nói rằng, do những lần trước đó tàu bè của ngư dân đánh bắt cá xa bờ và trong vùng tranh chấp khá xa so với vùng lãnh hải thuộc quyền sở đắc của Việt Nam, nên chính quyền không lên tiếng hoặc có lên tiếng thì cũng chỉ với giọng điệu mềm mỏng, nói cho có lệ. Vì rõ ràng lần này, phía Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam đã làm căng thẳng vấn đề biển Đông khi cho tàu bè đi thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc về Trung Quốc đó thôi. Và hành động cắt cáp thăm dò dầu khí tuy có thiệt hại về tài sản nhưng liệu nó có thể so sánh được với những mất mát về người và của mà ngư dân đã gặp phải trước đó?

Ở đây là việc chính quyền Việt Nam quá coi thường mạng sống của ngư dân, một đằng cứ tuyên truyền cố gắng bám biển, ra khơi đánh cá trong vùng lãnh hải mà được cho là của Việt Nam mà chẳng hề có một biện pháp hữu hiệu nào nhằm bảo vệ, ngăn chặn sự quấy rối, ức hiếp, bắt bớ từ chính quyền Trung Quốc. Ngay cả khi ngư dân gặp nạn do Trung Quốc bức hại, sự kháng cự hoặc trợ giúp từ chính quyền hầu như không có. Lên tiếng yếu ớt, không đủ mạnh trên phương diện ngoại giao đã làm cho chính quyền Trung Quốc lấn tới và có những hành động dã man hơn. Người dân ở trong đất liền cũng không được thông tin đầy đủ về đồng bào của họ ở ngoài khơi đang gặp nạn để có thể có thể sẻ chia hay hiệp thông với những khó khăn. Ngư dân không chỉ không được sự bảo vệ về mặt quân sự mà còn không được bảo vệ về mặt truyền thông. Đây là hành động đem con bỏ chợ, lấy ngư dân như những tấm bia đỡ những làn đạn từ phía Trung Quốc nhằm hòng bảo vệ những mỏ dầu béo bở ở ngoài khơi, mà hằng năm thu về cho chính quyền một số tiền khổng lồ để từ đó nuôi dưỡng bộ máy công quyền đang rã nát. Và nó được lấp liếm, ngụy trang bằng mỹ từ “bảo vệ lãnh hải”. Một khi những mỏ dầu ở ngoài khơi đượt hút lên thì chẳng ngư dân nào được hưởng cho hành động “bảo vệ lãnh hải” cả.

Lần này, thông qua con tàu Bình Minh 02 bị tấn công báo chí truyền thông nhà nước được phép đưa tin một cách ồ ạt, thông tin tràn khắp mặt báo nó cho thấy rằng, một khi quyền lợi của chính quyền (chính quyền ở đây không đại diện cho nhân dân) bị hăm he trong việc khai thác dầu khí ở biển Đông, thì họ lại sử dụng chiêu bài kích động tinh thần ái quốc của nhân dân để có thể sẽ hậu thuẫn cho họ bảo vệ quyền lợi. Và dường như nó đã thành công đến nỗi ngay cả những người từng tham gia biểu tình cuối năm 2007 dù đã và đang gặp rất nhiều rắc rối với an ninh, công an nhưng họ vẫn bỏ mặc sự an nguy của mình để tiếp tục hô hào có một cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 5-6-2011 tại hai đầu cầu Hà Nội và Sài Gòn.

Chính quyền có thể bỏ mặc sự khốn nạn của ngư dân ngoài biển khơi, có thể thẳng tay đàn áp những người ái quốc trong việc bỏ tù nhiều tiếng nói khảng khái trước sự bành trướng hòng để làm vừa lòng Trung Quốc. Có thể bỏ qua hàng loạt góp ý của những bậc thức giả, những người có công với chính quyền trước âm mưu thôn tính. Họ có thể bỏ mặc tất cả, nhưng quyền lợi thì họ chẳng thể nào bỏ, một khi quyền lợi của họ bị lung lay, để giữ vững nó họ sẵn sàng có những hành động chống trả lại, có thể sẽ bằng vũ lực cho dù kẻ đó có là ai. Và, để chuẩn bị cho việc đó, họ lợi dụng tinh thần ái quốc của nhân dân. Nhân dân trở thành một quân cờ cho một chế độ độc tài.

.
.
.

No comments: