Wednesday, June 8, 2011

NGHỊCH LÝ CHÍNH TRỊ TẠI VIỆT NAM (Hà Long, VRNs)


Hà Long
08/06/2011

VRNs (08.06.2011) – Sài Gòn – Tình hình thế giới luôn biến hóa phức tạp và thay đổi hằng ngày theo chuyển biến chính trị. Các nhà cầm quyền đều lo lắng cho mức đo thuận và nghịch về đường hướng giải quyết chính trị của họ.
Vài ví dụ điển hình cụ thể gần đây nhất:
- Tại Nhật Bản thủ tướng Naoto Kan vừa thoát qua được cuộc “bỏ phiếu bất tín nhiệm” tại quốc hội hạ viện ngày 02/6/2011. Hạ viện bỏ phiếu chống lại cuộc bỏ phiếu này với tỷ lệ 293-152. Cuộc bỏ phiếu đòi Thủ tướng Naoto Kan từ chức đã thất bại cho phe đối lập. Hiện tại khoảng 2/3 người Nhật không hài lòng về thủ tướng Naoto Kan về giải quyết khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau cơn sóng thần Tsunami.
- Tiếp theo đó chính phủ Đức đang gặp rất nhiều khó khăn về chính sánh dùng điện hạt nhân. Hậu họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima làm cho dân chúng Đức lo sợ và phò theo phong trào Đảng Xanh (Grün) làm cho các cuộc bầu cử tại nhiều Tiểu Bang vừa qua có chiều hướng chống lại hai đảng CDU và FDP đang cầm quyền. Trong thời gian qua hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình trên toàn nước Đức đòi đóng cửa những  nhà máy nguyên tử. Đảng Xanh đại thắng.
- Tại Tây Ban Nha, Đảng xã hội do Thủ tướng Rodriguez Zapatero cầm quyền đã thất bại trong cuộc bầu cử tại các địa phương vào ngày 22/5. Đảng Xã Hội cầm quyền thảm bại khi chỉ giành được 27,81% số phiếu bầu, trong khi đảng đối lập Nhân Dân Bảo Thủ gia tăng 37,58% số phiếu. Thủ tướng Zapatero đã thừa nhận thất bại của đảng Xã Hội, vì đảng này đang đưa đất nước Tây Ban Nha vào cảnh phá sản và nợ công ngất trời. Ngay cả thành trì của Đảng Xã Hội ở các thành phố lớn như Barcelona và Valencia đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát tuyệt đối.
- Tại Singapore thì thủ tướng Lý Quang Diệu nhìn thấy cảnh xuống dốc của đảng cầm quyền do ông xây dựng qua bao thập niên đành phải cứu nguy qua sự thối chức về vườn nghỉ hưu cùng với một cựu thủ tướng nữa là ông Goh Chok Tong, lời thông cáo báo chí vào ngày 14/5/2011. Ông Diệu, 87 tuổi là thủ tướng từ năm 1959 đến 1990, và sau đó ông Goh Chok lên kế vị cho tới năm 2004. Lý do từ chức của hai vị “lão thành” của Singapore vì Đảng Hành động Nhân dân (PAP) do ông Diệu đã thành lập và lãnh đạo từ năm 1954 đã phải chấp nhận kết quả bầu cử tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập năm 1965. Đảng PAP chỉ đạt được 60% số phiếu, khi so với mức 67% vào năm 2006 và 75% vào năm 2001. Đất nước Singapore dưới sự cầm quyền của đảng PAP qua thủ tướng Lý Quang Diệu đã phát triển từ một nước thuộc địa lạc hậu không có tài nguyên thiên nhiên để trở thành một còn Rồng Á Châu toả sáng trên chính trường thế giới. Một quốc gia nhỏ bé nhất Châu Á với dân số chưa đầy 5 triệu người sống trong một diện tích chât hẹp 692 km², nhưng Cộng hòa Singapore đã trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới với tổng sản lượng quốc gia lên đến 250 tỷ US Đôla hiện tại. Singapore so với thành phố Sài Gòn nhỏ hơn về diện tích lẫn số dân cư với 7.162.864 người Sài Gòn trong một diện tích 2.095 km².

Nhìn về Việt Nam tìm ra những nghịch lý chính trị

Việt Nam đang sống dưới sự cầm quyền của đảng csVN và đương kim đoạt hai giải quán quân đứng đầu nhất nhì thế giới: Bầu cử 2011 vượt chỉ tiêu có một không hai trên hoàn cầu với đa số tuyệt đối 99,51% theo báo cáo của Hội đồng bầu cử 2011 và mức lạm phát tại Việt Nam đang đứng thứ nhì trên thế giới để chạm đến ngưỡng cửa 20%.

Tây Ban Nha chỉ vì lạm phát và công nợ cao ngất làm cho đảng Xã Hội cầm quyền bị “trừng phạt” qua lá phiếu của người dân thì ngược lại Việt Nam lại được “thưởng phiếu” cho đảng cầm quyền tạo ra lạm phát, nợ công, nợ Vinashin, lương thấp theo bão giá, v.v…

Chính phủ Đức hiện tại đang phải nhượng bộ sức ép chính trị từ người dân Đức để lên chương trình đóng cửa vĩnh viễn 8 nhà máy nguyên tử cho đến năm 2022, thì Việt Nam đang tự hào xây dựng nhà máy nguyên tử đầu tiên do Nga giúp đỡ kỹ thuật. Một nhà chính trị VN đã tuyên bố như người mất trí “nhà máy nguyên tử VN an toàn nhất thế giới“ khi ông ta chưa thấy một nhà máy nguyên tử nào ở VN.

Tại Singapore hai vị “lão thành” của đảng PAP phải từ chức vì dân chúng tấy chay qua những lá phiếu bầu cử – cho dù đảng PAP cũng đạt được đa số 60% cầm quyền, nhưng hai ông Lý Quang Diệu và Goh Chok phải cáo lui về vườn thì tại Việt Nam tất cả 12 bộ trưởng đương nhiệm đều trúng cử cao ngất như trong mơ, gồm các ông: Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an; Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp; Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương; Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Tài chính; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giàng Seo Phử, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội.

Nơi đây được phép nêu thêm thành tích trúng cử tuyệt vời của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất là 95,51%, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được sự tín nhiệm của cử tri đến 95,38%, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt 85,63%.

Một điều ngạc nhiên lý thú lạ kỳ khi đọc được những thành quả của Hội đồng bầu cử loan báo. Suy diễn ra từ các vùng biên giới có nhiều dân tộc thiểu số, mù chữ và đông đảo người nghèo thì các cử tri lại hân hoan phấn khởi đến phòng bầu cử để bầu phiếu đông nhất nước, như tại tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn đạt đích điểm 99,9%.

Thành quả bầu cử 2011 đã đạt đến đa số tuyệt đối 99,51% cho dù:
-      Lạm phát phi mã đáng sợ với 20% mà thủ tướng vẫn đắc cử cao ngất trời cộng thêm 12 vị bộ trưởng liên quan trách nhiệm.
-      Giới công nhân bị bóc lột từ những chủ nhân nước ngoài, mức lương không đủ sống trong thời bão giá, trong nửa năm 2011 đã có hàng trăm vụ đình công đòi tăng lương.
-      Tàu Vinashin phá sản nhưng các quan lớn trong bộ chính trị vẫn bình chân như vại. Phi lý đến nỗi mỗi đầu người VN phải trả 1.000.000 DVN cho nợ của Vinashin.
-      Bất lực trước sự xâm lấn của giặc Tàu nhưng dân vẫn hân hoan bầu cho những người bù nhìn bám vào “16 chữ vàng” bán nước hoặc trở thành Việt gian.
-      Nạn đói tại Thanh Hóa với gần 300.000 người dân không đủ cơm ăn hằng ngày thế mà tổng số cử tri đi bầu đã đạt đến 99,37%. Hình như nghèo đói cũng vui sướng đi bỏ phiếu cho các quan lại vô tài và có thể lại bầu cử cho những kẻ ăn cắp ngay lương thực cứu trợ cho chính mình nữa. Những địa phương có số hộ thiếu đói lương thực nhiều nhất tại Thanh Hóa là các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân. Tại những vùng đói này người dân biểu lộ quyền lợi và nghĩa vụ của lá phiếu lên 98,71% nơi đặt tên đơn vị bầu cử Số 5. Còn nơi nghèo nhất như huyện Mường Lát và Quan Sơn thuộc đơn vị bầu cử Số 6 đạt được đích điểm tuyệt đối cao nhất nước Việt Nam với 99,92% cử tri đi bầu.

Nghịch lý to lớn nhất trong cuộc bầu cử 2011 cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhận được sự tín nhiệm của cử tri đến 95,38%. Nhìn qua nhiệm kỳ thứ nhất của ông Dũng thì thấy ông đang dẫn đầu quán quân về lạm phát lên đến 20%; dâng hiến các phần đất đai vùng biên giới cho Anh bạn to lớn “16 chữ vàng” và “4 tốt” một phần của Thác Bản Giốc; cho thuê đất rừng kéo dài 50 năm vào tay ngoại bang; vụ PMU 18 liên quan đến tham nhũng to lớn trong Bộ Giao thông Vận tải với tội phạm Bùi Tiến Dũng và riêng thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã được hạ cánh an toàn “trắng án” vào năm 2008; công nghệ mũi nhọn đóng tàu Vinashin phá sản toàn diện; Công ty Cho thuê tài chính ALC II vỡ nợ; Nhà điện EVN điêu đứng vì nợ to; cắt xén cột xương sống của tòa nhà Việt Nam cho cộng sản Tàu tại Bô-xit Tây Nguyên; Biển Đông bị teo tóp theo đường lưỡi bò của Tàu; chủ tịch ủy ban nhân dân Hà Giang Nguyễn Trường Tô nổi tiếng khắp nơi về mua dâm học sinh cùng với 16 vị quan lớn Hà Giang thoát án tù; trả thù luật sư Cù Huy Hà Vũ bằng 7 năm tù đày; nạn xài bằng giả để “chạy chức, chạy quyền” lan tràn khắp nơi trong các cơ quan nhà nước từ cấp trên xuống dưới, thí dụ chỉ tại một tỉnh Sóc Trăng đã có trên 280 cán bộ dùng bằng giả; tiếp đến tệ nạn “trên bảo dưới không nghe” dưới thời thủ tướng Dũng là chuyện xảy ra thường ngày ở huyện; ra luật báo chí mới nhằm kiểm soát thông tin và bóp nghẹt Internet cũng như giới Blogger tự do.

Thế mà ngài thủ tướng cầm quyền đã gióng lên sự trong sáng chính trị của ông rằng “chưa từng xử lý kỷ luật ai”. Nhìn vào căn nhà đổ nát về kinh tế của Việt Nam, nếu được nhắc đến cuộc sống của người dân với nỗi lo hằng ngày như cơm áo gạo tiền và mức lương tụt xuống theo bão giá từ khi ông Dũng làm thủ tướng thì chúng ta đánh giá được ngay mức sống của dân VN ấm no hạnh phúc hay nghèo khổ. Không ai khẳng định được điều này hay hơn chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mới đây ông đã thú nhận chắc nịch vào ngày 05/5/2011 tại phiên khai mạc chính thức Hội nghị Thường niên lần thứ 44 Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ở Hà Nội: “Việt Nam vẫn là nước nghèo”. Sự thú nhận này chẳng khác gì lời tuyên bố phá sản chính trị cho một người mang danh thủ tướng.

Một điều phi lý khác nữa là người dân bầu ra đại biểu quốc hội, sau đó quốc hội hội bầu ra Chính phủ và thủ tướng nhưng thủ tướng lại không được xử lý kỷ luật thành viên Chính phủ mà lại là trách nhiệm của 14 “tên Đầy Tớ” trong Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam. Những người này đã phán quyết về phá sản khổng lồ 5 tỷ Đôla của Vinashin như là chỉ mất đi vài tỷ đồng VN mà thôi: Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 9 ngày 21/3/2011, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho hay, “Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật với các tập thể, cá nhân  trong Chính phủ liên quan đến tình hình sai phạm ở Vinashin. Bởi thế ông Dương Trung Quốc là đại biểu Quốc hội đã một lần nhận định đánh giá sự phá sản của quốc hội VN: “Thực tế bây giờ cử tri họ không quan tâm nhiều đến hoạt động của Quốc hội nữa!” Lý do quốc hội VN sinh hoạt chẳng khác chi của một nhà trẻ “Vì họ cảm thấy Quốc hội bàn chuyện đâu đâu ấy!”.

Nghịch lý phản bội lại lời hứa trước quốc hội ngày 24/11/2010 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó. Tôi cũng nói rõ hơn, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận kiểm điểm như thế nào, trách nhiệm cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ công khai“.
Lời hứa này chẳng khác nào cảnh đánh bùn sang ao và tư cách của một thủ tướng đã “bội tín chính trị”.

Nghịch lý về lòng Yêu Nước bảo vệ Chủ Quyền Quốc Gia

Yêu nước tại Việt Nam đang trở thành một món hàng xa xỉ dành cho người dân. Hoặc nói cách khác khi muốn bày tỏ sự đối kháng chống ngoại xâm thì có thể đi liền với cảnh bắt bớ tù tội. Sự đối kháng để gìn giữ giang sơn của dân tộc Việt đang bị nhà nước csVN làm cho liệt kháng. Đọc tường trình báo chí của Thông Tấn Xã VN (cha đẻ của hệ thống báo chí lề phải) về cuộc Tuần Hành Ôn Hòa trước ĐSQ Tàu ở Hà Nội và ở Sài gòn thì thấy rõ ràng sự khiếp nhược hèn nhát của nhà nước csVN. TTXVN đưa tựa đề ngày 05/6: “Về vụ việc một số người tụ tập gần ĐSQ Trung Quốc” và cho rằng “một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra “các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc” trước cửa đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM”.

Thông Tấn Xã VN viết theo kiểu dâng sớ của một nước chư hầu để khẳng định “Đó là thông tin sai sự thật.” Và các bồi bút TTXVN nương theo bóng của anh bạn “16 chữ vàng” tỏ ra như muốn lập công lớn: “Những người này tụ tập một cách trật tự, bày tỏ thái độ một cách ôn hòa, và sau khi được các đoàn thể, các cơ quan chức năng của Việt Nam giải thích, họ đã tự giải tán, ra về”.

Với những dòng chữ đó các tay bồi bút theo lề phải đã phản bội lại chủ tịch Nguyễn Minh Triết lúc ông ra thăm đảo Bạch Long Vĩ thuộc Hải Phòng ngày 30/03/2010 và tại đó ông phấn chấn lòng tự hào yêu nước bảo vệ giang sơn nên đã phát biểu rõ ràng: “Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”. Trong thời điểm này giới truyền thông lề phải chỉ dám nhắc đến các “tàu lạ” lấn chiếm vào vùng biển VN, thì với câu nói này là mạnh mẽ nhất.

“Chúng ta cũng không nhân nhượng” trước cộng sản Tàu, đó là cách nói suông, những nghịch lý đi kèm theo là sự cô lập và bắt bớ đã xảy ra cho Blogger Người Buôn Gió, Blogger Mẹ Nấm cũng như những thủ đoạn đê tiện cầm chân nhạc sĩ Tuấn Khanh và bà Tạ Phong Tần (Blog Công lý-Sự thật) trong những ngày qua.

Một bình luận trên mạng bức xúc ghi trong Blog MTH: “Mai Thanh Hải ơi, yêu tổ quốc. Yêu đồng bào như lời Bác dạy thì có tội gì không nhỉ? Em trai tôi sáng nay chỉ hô “Hoàng sa – Trường sa là của Việt Nam, đả đảo quân xâm lược” thế mà bị công an vụt cho một cái vào đầu. Cũng may đội mũ bảo hiểm chẳng hề hấn gì”.

Đó là những nghịch lý về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam trong hiện tại! Quay sang Hongkong thấy sự nghịch lý chống cộng sản Tàu của nhà nước VN càng khó hiểu hơn. Tại Hongkong, ngày 04/6/2011 khoảng 150.000 người đã xuống đường biểu tình tưởng niệm các nạn nhân của Thiên An Môn vào năm 1989. Nằm ngay trong vùng kiểm soát của cộng sản Tàu thế mà hàng trăm ngàn người Hongkong vẫn can đảm giương cao cờ và biểu ngữ để chống lại sự tàn sát giết người dã man của cộng sản Tàu.
56 người biểu tình bị công an giam giữ. Người dân Hongkong hiên ngang không sợ nhà cầm quyền cộng sản Tàu, chẳng lẽ 86 triệu dân Việt Nam cứ cúi đầu chịu nhục mãi sao?

Kết luận

Qua những điều nghịch lý trên cho thấy nhà nước csVN đã có thể toàn quyền “thu gió gọi mưa” lúc nào mà họ muốn. Người dân được nhìn qua lăng kính chính trị thì thấy rõ chính họ đang mất dần sự phản kháng chính trị, ít nhất qua những lá phiếu bầu cử trên tay của chính mình vừa qua.
Sự bất lực chính trị của người dân Việt Nam đang làm cho nhà nước csVN trong tranh chấp Biến Đông chẳng khác chi một đứa trẻ nít vừa ốm yếu còn bị trói thêm chân tay đối diện trước một ông khổng lồ Đại Hán phương Bắc.
Một người gốc Việt đang giữ chức vụ Phó thủ tướng Đức, ông Philipp Rösler, 38 tuổi đã kể một câu chuyện về con ếch tại Đại hội Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ở thành phố Rostock vào tháng 5/2011, sau khi ông được bầu vào chức vụ chủ tịch đảng FDP, ông kết thúc bài tham luận như sau: “Con ếch, nếu ném nó vào một chậu nước sôi thì nó sẽ nhảy thoát ra ngay lập tức. Nhưng thả nó vào một chậu nước lạnh rồi sau đó cứ đổ thêm nước nóng vào đó, nhiệt độ tăng dần lên cao và con ếch biết thì đã muộn màng. Nó chết vì nước nóng tăng lên”. Cách diễn tả câu chuyện của ông Rösler nói về nền tảng dân chủ tự do mà đảng FDP luôn đặt lên hàng đầu. Nếu người dân bị ngăn cấm tự do bằng những điều luật lệ nho nhỏ thì lâu dần như con ếch nằm trong chậu nước được tưới nước nóng vào rồi từ từ mất dần sức phản kháng lúc nào không hay biết.
Một nhà chính trị gốc Việt Nam đang hăng say tranh đấu tự do dân chủ cho người Đức, thì tại nơi quê hương được sinh ra của ông Philipp Rösler người dân Việt Nam phải nằm im tê liệt vì bị hạn chế tự do dân chủ, tự do ứng cử và bầu phiếu, tỏ hiện lòng yêu nước được đi kèm theo với tù đày.
Tất cả những điều đó giống như những con ếch mất dần sự phản kháng trong một chậu nước được nhà nước csVN hâm nóng dần lên.
Blogger Mẹ Nấm đã chứng minh được cảnh con ếch bị dí bẹp vào nước sôi qua đôi dòng tạp ghi trên giấy nơi điều tra của đồn công an phường Tân Thới Nhất – quận 12 vừa qua:
“Ôi cái đất nước mà tôi đang sống, không có đèn xanh hay đèn đỏ, chỉ có nhiều loại đèn mờ được giăng ra để tung hỏa mù làm cho nhận thức và suy nghĩ của người dân trở nên rối rắm”.
“Ôi cái đất nước mà tôi đang sống, người chồng có thể sẽ bị trục xuất nếu không bảo được vợ mình ở nhà không tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược”.

Hà Long
.
.
.

No comments: