Ngày 5 tháng 6 năm 2011. Ngày với một dấu ấn khó quên.
Cuộc tuần hành xuống đường thể hiện lòng yêu nước tạm kết thúc với kết quả vượt qua sự mong đợi của nhiều người. Tại Hà Nội, tại Sài Gòn có cụ già 86 tuổi và em bé 12 tuổi theo cha xuống phố, có những sinh viên bất chấp lệnh cấm và lời hăm dọa đuổi học của nhà nước và những cựu đảng viên, có những người đã từng biểu tình trong cuộc chiến trước 1975 và những cựu chiến binh, có những blogger tự do và nhà báo lề đảng... tất cả đã cùng hòa mình với hàng ngàn người để cất cao tiếng nói: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Họ đã vẽ lên hình ảnh trung thực nhất của lòng yêu nước.
Họ đã chứng minh bằng hành động cụ thể của mình: sự sợ hãi phải chấm dứt trước hiểm họa ngoại xâm.
Bằng bước chân đi, bằng cái đầu nguội và trái tim nóng, bằng tinh thần ôn hòa, khao khát hòa bình nhưng dứt khoát về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, họ đã xác định ai mới thực sự là những người làm chủ đất nước này.
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Peace & Respect for Vietnam
Phản đối đường lưỡi bò TQ
Phản đối Trung Quốc gây hấn...
Peace & Respect for Vietnam
Phản đối đường lưỡi bò TQ
Phản đối Trung Quốc gây hấn...
Những thông điệp được cất lên hùng hồn và mạnh mẽ thay thế cho đường lối ngoại giao chư hầu của đảng và nhà nước. Họ đã đại diện cho gần 90 triệu công dân Việt Nam, chứ không phải một tập đoàn cai trị nào, dõng dạt tuyên bố chủ quyền biển đảo của Việt Nam với thế giới.
Ngày 5 tháng 6, 2011 phải mang tên là Ngày Yêu Nước. Ngày này thuộc về dân tộc Việt Nam và sẽ mở ra một vận hội mới - vận hội của những con người Việt Nam bình thường bắt đầu làm những chuyện phi thường, không phải cho riêng họ mà cho cả giống nòi.
Trong giây phút chuyển mình này, xin hãy cùng nhau nhớ đến các anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, chị Phạm Thanh Nghiên, Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Xuân Nghĩa và nhiều công dân Việt Nam khác đang bị lao tù vì đã công khai bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ từng tất đất tất biển của cha ông.
----------------------------
Lan Phương
Lúc 7g30, vài người đứng lẻ tẻ xung quanh khu vực công viên 30-4, nhà thờ Đức Bà. Công an chìm nổi chạy qua chạy về, chỉ đạo tác chiến. Từ nhà thờ Đức Bà, một nhóm người lớn tuổi, hình như là Nguyễn Đình Đầu, Hồ Cương Quyết và vài người nữa xuất hiện. Một chị trung niên, tay cầm cuốn sách Quang Trung Nguyễn Huệ cũng tiến đến.
Khoảng vài chục người đi lại sát lãnh sự quán Trung Quốc, công an bắt đầu chặn lại. Hai người lớn tuổi và ông Hồ Cương Quyết (ông này người Pháp hay sao á) bắt đầu tranh luận với công an. “Chúng tôi tỏ thái độ phản đối với chính phủ Trung Quốc, chúng tôi phản đối hành vi xâm lược của họ”. Có một anh công an chìm, mặc thường phục ra điều đình. “Đây là khu vực an ninh, anh chị không được đến”. Họ bắt đầu chặn hàng rào. Một chị chắc là của hội phụ nữ: “Chuyện này để Đảng và nhà nước giải quyết”. Những người biểu tình phản bác: “Chị cứ về với Đảng và nhà nước. Còn chúng tôi phải biểu tình”. Một anh nữa lại ra nằn nỉ: “Các anh chị thông cảm…” “Ô, thông cảm gì hả anh? Thông cảm cho hành vi xâm lược của Trung Quốc à!”
Lúc đó, nhiều người từ phía công viên 30-4 tràn qua. Từ trên lầu của lãnh sự quán Trung Quốc, vài ba người ghé xuống nhìn, chụp hình. Đoàn người biểu tình ngước lên hô to: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đoàn người biểu tình đi qua bên kia đường, ngay nhà văn hóa thanh niên và bắt đầu hô to nhiều khẩu hiệu: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” “Không dùng hàng Trung Quốc”… Số người biểu tình tăng lên nhanh chóng. Một anh chừng 50 tuổi sau khi điều đình không được đã nổi cáu, dằn cuốn sách Quang Trung Nguyễn Huệ của chị kia. Cả đám nhào vô, la to: “Sao anh đánh nhân dân? Anh có ăn cơm uống nước của nhân dân không mà anh đánh người ta?” Anh ta lủi đi, sau đó quay lại và xuống giọng: “Mấy anh chị cố gắng trật tự giùm”.
Đoàn người di chuyển qua bên phía Nguyễn Thị Minh Khai, đối diện lãnh sự quán Trung Quốc và tiếp tục biểu tình. Nhiều người nhập cuộc hơn và họ bắt đầu chặn đường. Số lượng người biểu tình tiếp tục tăng lên. Mọi người hát hò xong thì lại quay đầu, đi vòng qua bên Phạm Ngọc Thạch, xuống Lê Duẩn, qua Pasteur, vòng về lại Nguyễn Thị Minh Khai. Sau khi thỏa chí la hét, họ bắt đầu đi từ Phạm Ngọc Thạch, qua nhà thờ Đức Bà, theo đường Đồng Khởi đi về nhà hát thành phố. Không biết có bao nhiêu người nhưng khi tốp đầu quẹo đến Lê Lợi, trước UBND thành phố thì cái đuôi của đoàn biểu tình vẫn còn ở nhà thờ Đức Bà.
Đoàn biểu tình đi theo đường Lê Lợi, xuống chợ Bến Thành, qua Trương Định, lại Nguyễn Thị Minh Khai, quẹo Nam Kỳ Khởi Nghĩa vì bị chặn, qua Lê Duẩn, dừng ở lãnh sự quán Mỹ 10p, qua trường Nhân văn, Đinh Tiên Hoàng, quẹo xuống Nguyễn Thị Minh Khai. Hàng rào, công an chìm, thành đoàn, cảnh sát cơ động đứng chặn hết, không cho vào khu vực đối diện lãnh sự quán, cả bên Nguyễn Thị Minh Khai lẫn bên Phạm Ngọc Thạch. Và thế zồi, một bác già già hình như là tướng gì đó bên Hải Quân ra thuyết trình. Dài dòng lắm, các bác muốn biết thì cứ lên youtube, coi chị Phương Nga nói sao là bác í nói vậy đó. Khi hỏi: “Bác có ăn cá hông? Bác có nợ ngư dân Lý Sơn hông?” thì bác hông giả nhời. Nhiều lời la hét vang lên: “Im đi, im đi”, “Kiên nhẫn mấy mươi năm rồi!” Bác bảo chúng ta hy vọng vào tình hữu nghị giữa hai bên, mọi người la lên: "không hy vọng, hãy hành động đi!". Bác í bảo là bộ trưởng quốc phòng ba tàu nói vụ cắt cáp tàu bình minh 2 không phải do Trung Quốc. Mọi người hỏi to: “Tàu lạ là tàu nào? Sao bắn chết ngư dân Quảng Ngãi?”. Mọi người không nghe bác ấy nói nữa. Họ đòi phá hàng rào, kêu đại diện phía Trung Quốc ra điều đình. Hiển nhiên là không ra rồi! Bác í lại nói tiếp, bên thành đoàn rất chi là chăm sóc bác ấy, tranh thủ trà trộn, khuyên nhủ anh em ra về.
Vui nhất vẫn là mấy chị bên hội phụ nữ, ra hỏi chứ em sinh viên trường nào. “Dạ em sinh viên trường ĐH Công nghiệp”. “Ai tổ chức cho tụi em đi biểu tình?” “Dạ thầy hiệu trưởng đó chị!” Chị ấy hiểu hàng, lặng lẽ ra đi.
Bà con phản đối quá, bác Hải quân hai quần kia ra đi, một bác khác xuất hiện. Mọi người hỏi to: “Bác là Trung Quốc hay Việt Nam?” “Tôi là giảng viên trường nhân văn”. Sau đó thì thầy giáo tháo giày vẫn nói như chị Phương Nga, mọi người lại phản đối. Khi hỏi thầy: “Chuyện ngoại giao là của nhà nước, vậy tuổi trẻ phải làm gì? Đứng yên nhìn Trung Quốc xâm lược à?” Thầy bí, hí hí. Thầy vẫn diễn thuyết, rằng chuyện phản đối Trung Quốc của Việt Nam, nhiều nước ủng hộ. “Ai ủng hộ? Cuba hay Triều Tiên hay Miến Điện?” Bác xe ôm cười toe toe: “Cuba ngủ thì Việt Nam thức, chia nhau canh giữ hòa bình”. Mọi người cười ồ lên. Sau đó có một bạn nhào vô, vật ông thầy. Bởi chưng ông thầy nói chúng ta phải bình tĩnh, hành động đúng pháp luật. Bạn kia nói: “Theo điều 69 của hiến pháp năm 1992, chúng em được phép biểu tình!” Mọi người vỗ tay rần rần, phía dưới kêu lên: “Thầy ơi, về học lại môn luật đi thầy!” Ông thầy lại bô bô tiếp, phía dưới có người hát: “Hey, teacher, leave them kids alone!” Mọi người lại cười ồ.
Sau đó thì tùm lum các loại nhóm chia ra. Bạn Alec người Mẽo đang đứng cười phè phè thì bị hai chú công an vô kêu ra: “Sir, please go out!” Và sau đó thì hông thấy bạn í đâu nữa. Từ lúc đứng lại chỗ lãnh sự quán, theo thông tin hành lang thì bên ngoài còn nhiều nhóm khác bị cắt đuôi, không cho vô. Nhóm từ Đà Lạt xuống, Vũng Tàu, Bình Dương lên đều bị cô lập ngoài nhà thờ.
Còn sau đó, qua dân làm báo, người việt đọc giùm đi, mình ko có hình ảnh và ko nắm rõ tình hình sau đó. Nói chung là quành tráng, thắng lợi, ôn hòa, vui vẻ.
P/s: Note này dành tặng anh em nào bị cắt đuôi, ko tham gia biểu tình, bị giam lỏng ở nhà. Hẹn gặp lại tuần sau.
--------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment