Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, June 20, 2011 3:17:26 PM
Và lời người bán than...
Chuyến thăm viếng Liên Bang Nga của Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào được đánh dấu bằng nhiều hợp đồng liên doanh và quyết tâm nhân đôi số ngoại thương giữa hai nước - mỗi năm năm, như quyết tâm xuất cảng của Mỹ! Hai bên có cơ hội biểu dương tình hữu nghị Nga-Hoa 65 năm sau Thế Chiến II và 10 năm sau Hiệp định Hợp tác Thân hữu giữa hai nước. Cũng là một nhắc nhở cho đệ tam nhân vắng mặt là Hoa Kỳ.
Sau bốn ngày thăm viếng, từ 16 đến 19 Tháng Sáu, Hồ Cẩm Ðào còn đem về một món bở là hợp đồng mua dầu thô trong 20 năm tới. Hợp đồng về khí đốt thì chưa. Ta sẽ xét chuyện này - và nhớ về Việt Nam.
***
Liên bang Nga là một trong các quốc gia sản xuất nhiều năng lượng nhất thế giới.
Trung Quốc là một xứ tiêu thụ nhiều nhất và phải nhập.
Vậy mà hai xứ láng giềng này vẫn chưa mua bán theo đúng mức độ có lợi cho cả hai, chỉ vì yếu tố địa dư và cái tánh đa nghi thâm căn cố đế của cả hai. Trên đại lục địa Âu-Á, nguồn năng lượng dồi dào nhất của Nga nằm ở hướng Tây, nơi tiêu thụ nhiều nhất của Trung Quốc lại ở hướng Ðông. Ở giữa là vùng bát ngát núi rừng và thảo nguyên từ 5,000 đến 8,000 cây số! Và giữa hai quốc gia, thời gian hữu nghị thật ra lại rất ngắn...
Trong hiện tại, Nga nhìn về hướng Tây và bán năng lượng cho Âu Châu. Trung Quốc ngó xuống hướng Nam, tìm mua năng lượng từ Trung Ðông và Phi Châu.
Khi Âu Châu chuẩn bị đa năng hóa nguồn cung cấp để khỏi bị Nga bắt chẹt thì Moscow càng phải tìm khách tiêu thụ khác. Phần mình, khi e sợ là nguồn cung cấp bị một siêu cường hải dương là Hoa Kỳ gián đoạn trên đường chuyển vận, Bắc Kinh cũng nghĩ đến giải pháp khác. Giải pháp Ðông hải của Việt Nam chưa an toàn vì Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và sự can dự của Nhật Bản, Úc, lẫn phản ứng của các nước Ðông Nam Á.
Vì vậy, cho dù là ở cuối bãi đầu ghềnh chân trời góc biển, việc hợp tác về năng lượng với Nga trở thành một yêu cầu. Từ tám năm nay, hai bên đã vờn quanh và đàm phán về việc mua bán này.
Trước hết là trên đất liền, qua Trung Á: Bắc Kinh đầu tư mạnh về dầu thô, khí đốt và kỹ nghệ hóa dầu tại Kazahkstan, Uzbekistan và Turkmenistan. Ban đầu thì Moscow còn ngại khi thấy các đại xì thẩu lẻn vào vùng phiên trấn cố hữu của mình tại Trung Á. Từ năm ngoái, Nga đổi ý vì làm chủ hạ tầng cung cấp của Kazahkstan, kể cả ống dẫn dầu, nhà máy lọc - và một đoạn ống dẫn của liên doanh giữa Trung Quốc và Kazahkstan.
Ngày nay, hai bên trực tiếp buôn bán với nhau.
***
Trước hết, được Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào ký kết ngày 16 cùng Tổng Thống Dmitri Medvedev tại St Petersburg, hợp đồng về dầu khí hoàn thành một dự án manh nha từ năm 2003.
Cho đến nay, Nga bán dầu cho Trung Quốc qua đường xe hỏa và ống dẫn. Viết tắt là ESPO, ống dẫn này có cái tên nhiêu khê là East Siberia Pacific Ocean (“Ðông Tây Bá Lợi Á Thái Bình Dương Quản Ðạo”!), được hoàn tất năm 2009 để đưa dầu từ trung tâm Taishet đến thị trấn Skovorodino rồi chở bằng xe hỏa qua hơn hai ngàn cây số xuống hải cảng Kozmino nằm giữa bốn nước Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn và Nhật Bản. Từ cảng Kozmino, khoảng 300,000 thùng dầu một ngày được bán bằng tầu thủy rồi xe lửa vào Trung Quốc.
Tháng 11 năm ngoái, Nga hoàn tất một ống nối dài 900 cây số từ Skovorodinoa xuống Ðại Khánh trong tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc để bán thêm 300 ngàn thùng một ngày. Vị chi là 600 ngàn thùng. Hợp đồng mới ký kết tuần qua nâng số bán lên một triệu thùng một ngày. Ðến năm 2014, một ống dẫn ESPO thứ hai sẽ hoàn tất để bán cho Trung Quốc khoảng một triệu sáu thùng dầu một ngày. Giá trị hiệu lực sẽ là trong 20 năm.
Trên đại thể, Nga có nhật lượng là hơn 10 triệu tấn dầu thô, xuất cảng chừng phân nửa, đa số là cho các nước Âu Châu (Tây Âu và Ðông Âu trong khối Xô viết cũ). Với dự án ESPO I và II, Nga sẽ bán cho Trung Quốc 10% số xuất cảng của mình, bằng 10% số tiêu thụ của Hoa lục. Ðôi bên cùng có lợi.
Mà có lợi nhất chính là Trung Quốc, một câu chuyện ly kỳ về kinh tế chính trị.
Trong dự án ESPO, có hai tập đoàn dầu khí của Nga là Transneft và Rosneft cùng tham dự.
Transneft chủ trương dẫn ống từ Taishet qua biển Thái Bình để bán cho bất cứ ai, Nam Hàn, Nhật Bản hay thậm chí cả Hoa Kỳ cũng được. Rosneft chủ trương mở đường vào Ðại Khánh để bán cho Tàu. Lý do thật rất sâu xa: Trong trận chiến giữa các tài phiệt Nga chung quanh lãnh đạo, Rosneft thuộc phe Phó Thủ Tướng Igor Sechin. Năm 2004, Rosneft lại vừa thôn tính tập đoàn Yukos của đại tài phiệt Mikhail Khodorkovsky, đối thủ đòi ra tranh cử tổng thống chống Vladimir Putin nên bị vào tù từ 2003.
Vì vụ thôn tính Yukos, Rosneft mắc nợ và được Bắc Kinh cho vay sáu tỷ đô la! Rosneft có tiền mở đường vào Viễn Ðông, nhân tiện... trả nợ ân tình cho Trung Quốc.
Mà không chỉ có vậy!
Phủ Tổng Thống của Dmitri Medvedev dàn xếp mâu thuẫn giữa Transneft và Rosneft theo hướng của Rosneft và lập kế hoạch phát triển năng lượng tới biển Thái Bình, với chương trình giảm thuế và đi vay. Bắc Kinh bèn ứng ra 25 tỷ đô la, hạ lãi suất từ 7% xuống 6% để cột lấy một hợp đồng mua hơn hai tỷ thùng dầu. Ðó là vào đầu năm 2009.
Người ta chưa thể biết hết được các điều khoản khác, nhưng nếu tính cả lãi đơn lẫn lãi kép, Bắc Kinh vừa bảo đảm một nguồn cung cấp dầu thô của Rosneft trong 20 năm tới, với giá 11.40 đô la một thùng. Khi cột lấy thỏa thuận này với Rosneft, giá dầu trên thị trường quốc tế ở khoảng 60. Giá dầu hiện nay là hơn 90 đô la!
Tức là nội bộ vay tiền người ngoài đánh nhau và nay trả nợ, cứ như chuyện Việt Nam!
Bây giờ, hãy nói về chuyện đôi bên chưa đạt thỏa thuận về khí đốt...
***
Trung Quốc chưa quen xài khí đốt, chỉ khoảng 110 tỷ thước khối, bằng 4% số năng lượng tiêu thụ. Nhưng đã biết sợ bụi than và sự ô nhiễm của than đá nên lập kế hoạch sử dụng khí đốt, chỉ tiêu là 240 tỷ thước khối vào năm 2015. Khốn nỗi, khí đốt Nga nằm quá xa, còn xa hơn dầu thô từ phía Nam Siberia, và lại thiếu hạ tầng cơ sở chuyển vận đến Trung Quốc.
Trung tâm sản xuất khí đốt Nga nằm tại bán đảo Yamal, trên vùng cực Bắc và phía Tây của Siberia, hoặc từ các giếng mới tìm ra ở phía Ðông Siberia. Từ 152 tỷ thước khối hiện nay, Nga nuôi tham vọng xuất cảng thêm khoảng 70 tỷ. Muốn vậy thì có hai dự án lập ống dẫn khí.
Một là dự án Altai để bán chừng 30 tỷ thước khối nhờ ống dẫn khí 2,800 cây số từ Nadum hay Urengo qua biên giới giữa Cộng Hòa Kazahkstan và Cộng Hòa Mông Cổ vào trung tâm khí đốt Trung Quốc tại Tân Cương. Nhưng lại kẹt với dự án của Bắc Kinh với các nước Trung Á. Dự án kia còn tốn kém hơn: Vượt 5,000 cây số chạy dọc theo ống dẫn dầu ESPO để bán 38 tỷ thước khối từ hai giếng Kovykta và Chayandin. Cả hai dự án đòi hỏi hệ thống dẫn khí chạy qua gần 8,000 cây số và một khoản đầu tư vài trăm tỷ đô la, chưa nói đến loại kỹ thuật hiện đại...
Trở ngại thứ hai là giá cả.
Nga muốn lấy giá biểu vẫn bán cho Âu Châu, là từ 300 đến 450 đô la một ngàn thước khối. Bắc Kinh đòi mua với giá tối đa là 250 đô la, còn dưới giá thành nếu ta nhớ ra phí tổn đầu tư rất lớn của Nga. Vì vậy, đôi bên chưa thể ngã giá.
Từ cả năm nay, Bắc Kinh chiêu dụ giải pháp đầu tư vào trung tâm Chayandin và vào hai ống dẫn khí nói trên. Cũng với thuật riêng như trong vụ mua dầu.
Về kinh tế, ai cũng biết hai dự án này - tốn vài trăm tỷ đầu tư để bán khí đốt dưới giá thị trường cho Trung Quốc - là... phản kinh tế. Nhưng kinh tế cũng là chính trị và nhiều thứ ma quái khác nên đôi bên vẫn có thể hợp tác về năng lượng. Ðể nhắm vào mục tiêu gì về chính trị hay chiến lược thì chưa rõ!
Chỉ biết rằng từ nhiều năm nay, hai cường quốc Âu-Á này tránh xích mích và ra sức hợp tác về kinh tế khi quyền lợi tương đồng. Trong khi ấy cả hai cùng sát cánh chặn Mỹ và các đồng minh như Nam Hàn, Nhật Bản, khi họ ra sức bênh vực Bắc Hàn hoặc che chắn cho Iran. Ðấy là trong trung hạn.
Chứ về dài thì hai xứ này có những mâu thuẫn khó hàn gắn.
Bắc Kinh biết Moscow dùng năng lượng làm võ khí gây áp lực với Âu Châu nên phải thủ thế. Moscow cũng biết Trung Quốc đất chật người đông nên lấn dần vào khu vực Viễn Ðông và Trung Á của mình. Và cả hai cùng hiểu là khi Hoa Kỳ giải quyết xong chuyện khủng bố Hồi Giáo thì mình nên nhường cho xứ kia cái vị trí bất tiện là đứng đầu chiến tuyến chống Mỹ.
Chuyện rất nên theo dõi...
***
Nhưng sao lại nói về chuyện Nga-Hoa mịt mù khi mà Ðông hải của Việt Nam đang nổi sóng?
Rõ khỉ! Xá chi cái chuyện Ðông hải hay vụ tầu hải giám của Trung Quốc tung hoành ngoài đó khi Việt Nam ta đã có “quả đấm thép Vinashin”? Ðó là một lẽ.
Lẽ kia là Việt Nam vừa... hết than đá. Cũng lạ! Vì từ năm năm nay, Trung Quốc đã mua lậu khoảng 50 triệu tấn than từ khu vực kinh tế trọng điểm đầy huy hoàng của Việt Nam, là tỉnh Quảng Ninh nằm sát vách Quảng Ðông. Và nay có dư than để bán lại cho Việt Nam! Tất nhiên là với giá biểu khác...
Ðâm ra nói chuyện kinh tế mà lại nhớ đến lời người bán than Trần Khánh Dư!
Sử chép rằng nhân vật đời Trần này là tay kinh doanh rất giỏi mà khá biển lận. Nhưng yêu nước và là viên tướng tài. Kinh doanh chưa giỏi mà vô cùng biển lận thì nước Nam ngày nay đã có thừa để... xuất cảng. Còn người yêu nước và tướng tài thì... bị đảng ta bỏ rọ hết rồi.
.
.
.
No comments:
Post a Comment