Đức Tâm - RFI
Chủ nhật 19 Tháng Sáu 2011
Không rơi vào bẫy của Trung Quốc, muốn biến các vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác thành nơi có tranh chấp. Tại Hội nghị Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển từ 13 đến 17/6, Manila đã nhấn mạnh phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Không rơi vào bẫy của Trung Quốc, muốn biến các vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác thành nơi có tranh chấp, để rồi giơ chiêu bài đàm phán hòa bình song phương, cậy thế mạnh, nước lớn, gây sức ép, xâm chiếm lãnh thổ của các nước nhỏ.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển lần thứ 21, được tổ chức tại New York, từ ngày 13 đến 17/6, đại diện chính quyền Manila nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan đến tình hình tại vùng biển Tây Philippines, theo cách gọi của Philippines đối với Biển Đông.
Trong Hội nghị này, Bộ Ngoại giao Philippines kiên quyết bác bỏ mọi ý đồ mở rộng khu vực tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Ông Henry Bensurto, Tổng thư ký Trung tâm Hàng hải và Đại dương, thuộc Bộ Ngoại giao Philippines ra thông cáo, nhấn mạnh, « Quy định luật pháp là cơ sở cho hòa bình, trật tự và bình đẳng giữa các xã hội hiện đại… Việc tôn trọng và ủng hộ luật pháp quốc tế giúp bảo vệ hòa bình và giải quyết các xung đột ».
Vẫn theo đại diện chính quyền Manila, luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia có tiếng nói bình đẳng về vị thế chính trị, kinh tế hoặc quân sự, ngăn cấm việc sử dụng bạo lực một cách phi pháp.
Bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines đã đề cập đến những động thái gần đây tại vùng biển Tây Philippines : Vừa qua, Trung Quốc đã cho lập chòi canh gác và đưa vật liệu xây dựng lên bãi đá Amy Douglas, phía tây nam bãi đá Recto, với ý đồ mở rộng khái niệm các khu vực tranh chấp, bao gồm cả lãnh hải và thềm lục địa của Philippines. Đó là những vùng rõ ràng thuộc chủ quyền hoặc dưới quyền tài phán của Philippines.
Trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông, Tổng thư ký Trung tâm Hàng hải và Đại dương Philippines cũng kêu gọi Trung Quốc và ASEAN hãy tôn trọng bản Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC, được ký kết năm 2002, đặc biệt là điều khoản nói về việc các bên phải tự hạn chế các hoạt động làm phức tạp tình hình, gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Bên cạnh đó, Philippines cũng vận động các thành viên ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) ủng hộ việc dùng luật pháp giải quyết tranh chấp về chủ quyền tại vùng quần đảo Trường Sa. Trong cuộc gặp cấp đại sứ ASEAN, ngày 17/06, tại New York, đại diện chính quyền Manila đã trình bầy tình hình và quan điểm của Philippines trong hồ sơ này.
Thực ra, Việt Nam cũng đã nhiều lần tố cáo thủ đoạn này của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, đã khẳng định, nơi xẩy ra những vụ tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc cắt cáp của các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hồi cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu, không nằm trong khu vực tranh chấp chủ quyền. Hà Nội tố cáo « Các hành động có tính hệ thống này của Trung Quốc đang biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp, nhằm biến đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thành hiện thực. Việt Nam không thể chấp nhận điều này”.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới chính phủ nhấn mạnh, Trung Quốc đã hành động thô bạo và trắng trợn nhằm thực hiện đường biên giới 9 đoạn, hay còn gọi là đường « lưỡi bò ». Trước mắt, Bắc Kinh tìm cách gây hấn, với ý đồ tạo ra những nơi tranh chấp, để cuối cùng biến Biển Đông thành « ao nhà » của Trung Quốc.
-----------------------------
Đức Tâm - RFI
Chủ nhật 19 Tháng Sáu 2011
Hôm nay, 19/06/2011, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, tướng Eduardo Oban nói với các nhà báo tại Manila rằng tàu chiến của Philippines sẽ không đi ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tình hình tại Biển Đông trở nên căng thẳng do các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu, 17/06, Hải quân Philippines cho biết sẽ điều động một chiến hạm tới biển Tây Phililppines, tức Biển Đông. Đó là tàu Rajah Humabon, một chiến hạm rất cũ, đã từng tham gia Đại chiến thế giới lần thứ hai và Philippines đã mua lại của Hoa Kỳ vào những năm 1980.
Philippines đã thông báo đưa tàu chiến tới khu vực này chỉ một ngày sau khi Trung Quốc cho biết tàu Tuần hải 31, một trong những tàu hải giám lớn nhất, sẽ tới cảng Singapore và đi cận kề qua các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Khi được hỏi về nguy cơ xẩy ra va chạm đối đầu trong khu vực, giữa chiến hạm của Philippines và tàu Trung Quốc, tướng Oban nói rằng ông hy vọng sự việc không xẩy ra và tỏ thái độ lạc quan là mọi tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Trong tuần, Ngoại trưởng Philippines đã gặp các đồng nhiệm ASEAN tại New York và kêu gọi Hiệp hội Đông Nam Á có lập trường chung trước những quyết đoán của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.
-------------------------
Tổng thống Philippines: “Đừng xâm phạm chủ quyền của chúng tôi” (Tầm nhìn)
.
.
.
No comments:
Post a Comment