12:00:am 13/06/11
Di sản Thuyền nhân
Trong cuộc đời người thanh niên Việt Nam thời hậu bán thế kỷ thứ 20 đã có bao nhiêu lần bạn lên đường. Những lần ra đi thay đổi cuộc đời và những lần lên đường rất đơn giản của một ngày như mọi ngày.
Cách đây 32 năm vào ngày 19 tháng 6 năm 1979 vợ chồng anh phi công Tôn Thất Vinh rời bãi Minh Hải lên đường vượt biên. Đây là chuyến đi lần thứ ba sau 2 lần thất bại, bị bắt và đã ở tù. Chiếc ghe định mệnh sau 3 lần bị hải tặc, bị Mã lai kéo thuyền ra biển, trải muôn trùng sóng gió đã giạt vào hoang đảo ngoài khơi Nam Dương. Trại tỵ nạn tên là Kuku thiết lập trên đảo vốn không người ở, từ trước khi thuyền nhân tỵ nạn đến. Sau khi người tỵ nạn Việt Nam cuối cùng ra đi thì đảo hoang lại trở thành hoang đảo.
Tháng 6 năm nay, gia đình ông bà Tôn Thất Vinh từ Pháp qua San Jose đem theo một va ly chất đầy kỷ niệm của cuộc đời tỵ nạn. Tất cả mớ hành trang đem theo chuyến vượt biên 32 năm trước vẫn còn đủ cả. Thêm vào đó là những quần áo mũ nón may bằng chăn mền cắt ra từ quà tặng của trại tỵ nạn.
Đôi dép cao su của phi công Vinh đi từ Saigon, qua trại tỵ nạn và đặt chân xuống phi trường quốc tế tại Paris. Những chai dầu xanh, miếng giấy đi cầu chuẩn bị từ Sai Gon vẫn dành dụm suốt thời gian trên đảo. Rồi lưu lạc qua đất Pháp. Quần áo của những đứa bé dưới 10 tuổi đen đủi, ốm yếu trên hoang đảo nay các cháu đã trưởng thành tại kinh đô hoa lệ Âu Châu. Các di sản theo chân người tỵ nạn đã lên đường, trải qua bao nhiêu dâu bể, đóng gói cẩn thận, mỗi năm được đem ra kiểm tra giặt giũ rồi cất lại, bây giờ nơi đến cuối cùng là Viện Bảo tàng Việt Nam tại San Jose.
Chuyến bay từ Pháp qua Mỹ với hành lý đầy kỷ niệm của vợ chồng ông tỵ nạn Việt Nam đã tìm ra địa chỉ là chỗ ở sau cùng. Chuyến về chắc tấm lòng ông bà sẽ nhẹ nhàng hơn. Người vợ sinh trưởng Hải Phòng, Bắc kỳ di cư gặp người chồng, phi công của hàng không Việt Nam sinh trưởng tại Thừa Thiên.
Chuyến ra đi của cô gái từ Bắc vào Nam và chuyến đi của thanh niên từ Huế vào Saigon đã tạo thành thiên tình sử Việt Nam. Những chuyến lên đường vượt biển ngày 19 tháng 6-1979 vẫn còn mãi là kỷ niệm ghi dấu của 32 năm xưa vào ngày quân lực 19 tháng 6-2011 tại San Jose.
Sau cùng, viện Bảo tàng Thuyền nhân có thêm được một số di sản hết sức quý giá.
Lính đặc biệt lên đường
Cuộc đổi đời của một thanh niên khác có nhiều lần lên đường.
Thanh niên Đỗ Hữu Nhơn từ Bắc đã có chuyến lên đường đặc biệt vào lúc 1 giờ đêm năm 1961 khi chỉ huy 14 người nhảy dù xuống đặc khu Hải Yến. Đây là giáo khu của cha Hóa, nằm trong lòng địch.
Sau 21 năm chinh chiến, với cấp bậc trung tá lực lượng đặc biệt ông Đỗ Hữu Nhơn đã có chuyến lên đường buồn bã khi trình diện đi tù tập trung năm 1975. Bây giờ ngồi nhớ lại, bác Nhơn vẫn còn ghi dấu thêm một lần lên đường từ trại tù Yên Bái vào lại miền Nam. Đó là năm 1979. Năm Tàu đánh Việt Nam. Lúc đó tù hình sự từ trại Phong Quang tan hàng. Chiến tranh biên giới bùng nỗ. Núi vẫn liền núi, sông vẫn liền sông nhưng tình anh em Việt Tàu môi hở răng lạnh không còn nữa. Tù Yên Bái được quản giáo tập trung học tập. Việt cộng nói rằng bây giờ Tàu đánh Việt Nam, anh em Sai Gon nghĩ sao. Trung tá Nhơn nhớ lại lúc đó anh em Việt Nam Cộng Hòa trong tù đều đồng ý ủng hộ Hà nội chống bá quyền Bắc Kinh. Đành rằng nằm trong tay địch, đâu có thể nói gì khác được. Nhưng từ bên trong thực sự anh em nghĩ rằng: Nợ nước trước thù nhà. Căm thù Việt cộng là mối thù nhà, chống ngoại xâm Bắc phương mới là nợ nước. Nếu có cơ hội hợp tác với Việt cộng mà chống Trung cộng thì anh em ta cũng quyết một lòng.
Trong chuyến lên đường vào miền Nam, anh em tù Cộng Hòa vẫn còn quay lại theo dõi tin chiến sự biên giới. Tâm sự ngổn ngang. Muốn Tàu đánh chiếm luôn Hà Nội hay muốn Việt Nam còn giữ được biên cương do tiền nhân để lại.
Trong khi đó thì từ Cà Mau, thuyền tỵ nạn Minh Hải của phi công Tôn Thất Vinh tiếp tục ra khơi. Đã có biết bao nhiêu chuyến lên đường.
Chiến tranh biên giới tại San Jose
San Jose năm 1979 nhận được tin tức về chiến tranh biên giới. Ngay từ đầu năm Đặng Tiểu Bình qua Mỹ đã nói với Tổng thống Hoa Kỳ rằng bọn Việt Nam vong ân bội nghĩa. Chúng tôi đã giúp Hà Nội đánh thắng các ông. Nay nó quay ra chống Tàu, đem quân chiếm Cambốt là nước chư hầu được Bắc kinh bảo trợ.
Chủ tịch Tiểu Bình nói:”Chuyến này tôi sẽ cho Hà Nội một bài học.” Rồi chiến tranh xảy ra, người Việt hải ngoại tại San Jose tổ chức hội thảo. Bàn cãi hết sức sôi nổi. Phe chống cộng sản Việt Nam quyết tâm chờ đợi để Tàu cộng giết Việt cộng. Rồi ta sẽ về lấy lại quê hương. Phe khác nói là phải giúp Hà nội chống Bắc kinh. Giữ được nước rồi sẽ giải quyết Việt cộng sau.
Tuy nhiên, tất cả đều là tranh luận trên lý thuyết. Chẳng những người Việt hải ngoại không có được những hành động cụ thể mà cả thế giới cũng không hề lên tiếng. Ngay cả Nga Sô lúc đó đang có chiến tranh lạnh với Trung cộng và đóng vai đồng minh của Hà Nội nhưng cũng án binh bất động.
Sau cùng chiến tranh biên giới tạm yên. Dạy xong cho Hà Nội một bài học nhưng chính ĐặngTiểu Bình và Bắc kinh lại học được bài học hết sức chua cay. Và Hà Nội cũng thấm đòn. Cả hai phía đều tuyên bố là chiến thắng. Tàu rút quân về nhưng không lùi hẳn về biên giới cũ. Tất cả các cao điểm và các trục lộ hiểm yếu đều trấn giữ dù thuộc phần đất Việt Nam. Cột mốc biên giới được phá bỏ. Phía Việt Nam quá mệt mõi sau trận chiến khốc liệt nên tạm thời làm thinh.
Dân chúng miền biên giới là dân tộc thiểu số. Thiểu số muôn đời vẫn là thiểu số. Gọi là Thái hay Mường gốc Việt hay gốc Tàu thì họ vẫn là người Thái người Mường. Và họ sống theo chiều gió. Sống theo thị trường kinh tế. Chậm chạp và từ tốn, người Trung Hoa lấn đất , giành dân. Tàu cộng hay Tàu quốc thì vẫn có một chủ trương không thay đổi. Mộng thôn tín và bá quyền là một giấc mơ muôn đời của Trung Hoa.
Cuộc chiến cân não, thương thảo, vẽ bản đồ, đặt cột mốc tại biên giới kéo dài suốt 20 năm qua giữa Việt và Hoa. Sau cùng một thỏa ước ký kết rất kín đáo giữa 2 đảng cộng sản được mang danh nghĩa 2 chính phủ.
Việt Nam nhịn nhục chịu mất ngọn thác Bản Giốc yêu kiều, mất ngọn núi Lão Sơn hùng vĩ. Bài ca đất nước từ Nam Quan cho đến Cà Mâu nay cất tiếng sao thấy nghẹn ngào. Tầu Cộng cầm tay Việt Cộng ký vào hiệp ước với lời chỉ dẫn ngọt ngào. Cột mốc biên giới cũ chẳng còn dấu vết. Dân Bắc kỳ mới đưa nhau vào Nam sinh sống. Dân Việt Bắc bỏ núi rừng xuống đồng bằng làm người Kinh. Hàng tỷ người Tàu sẵn sang tràn qua biên giới làm ăn. Không ký sớm thì biên giới sau này sẽ về sát đến Lạng Sơn. Núi vẫn liền núi, sông vẫn liền sông. Môi không hở mà sao răng thấy lạnh.
Sau khi lấn xong đất, Trung cộng đánh ra biển. Nơi Việt Nam gọi là Nam Hải với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa bây giờ nằm trong khu lưỡi bò của Trung cộng.
Người Trung quốc thời xưa và Trung cộng thời nay vẫn coi mình là cái rốn của vũ trụ. Khối dân số vĩ đại với một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Là chủ nợ của Hoa Kỳ với ngàn tỷ mỹ kim. Đem dân qua chinh phục kinh tế cả Úc Châu, Nam Mỹ, Âu Châu và bây giờ là Phi Châu.
Có phi đạn nguyên tử, có vệ tinh trên trời và đang đóng mẫu hạm trên biển. Trong lúc Mỹ bối rối với Trung Đông thì người Tàu dương oai diệu võ trên Thái bình Dương. Tổ chức thế vận hội, tổ chức hội chợ quốc tế. Kỷ niệm 60 năm thành lập chính quyền.
Tưởng như con rồng Trung Hoa thực sự thức giấc.
Thế kỷ 21 lên đường. Với hoàn cảnh của một thế giới thay đổi, cuộc chiến hiện nay vẫn còn là ở giai đoạn chiến tranh cân não và vận động chính trị.
Từ trong trước, chính quyền Hà Nội vẫn còn đang phân vân và chia rẽ. Từ bên trong phe chống Tàu quyết liệt và phe hòa hoãn thân Tàu chưa phân thắng bại. Chuyện thời sự biển Đông vẫn còn là thử thách. Thử thách cho Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á. Từ trong nước, thế hệ thanh niên với tuổi trẻ và nhiệt huyết đã xuống đường tại Hà Nội và Sai Gon.
Dù chính quyền bưng bít nhưng thời đại Internet đã mở tung cửa phơi bầy tất cả mọi che giấu. Tại hải ngoại người Việt từ khắp nơi đều xuống đường. Có nơi chủ trương chống cả Tàu cộng và Việt cộng. Có nơi thì ưu tiên chống Trung cộng. Có nơi cho là Việt cộng thủ phạm chính.
Tất cả mọi ý kiến mọi hành động đều nói lên sự quan tâm. Dù khả năng hạn hẹp. Dù hoàn cảnh khó khăn. Dù danh nghĩa chưa chính xác. Dù là người Mỹ, người Pháp, người Úc, người Canada nhưng tất cả đều là gốc Việt. Mới lìa xa cố hương trên 30 năm hay mới đến miền tự do được một vài năm.
Sự quan tâm đến quê hương đất nước là điều cần thiết. Còn khắc khoải vì cộng sản Việt Nam bưng bít đọa đày dân tộc, bạn vẫn còn là gốc Việt, dù là Việt tha hương.
Nhận được tin tức từ quê nhà bị ngưới Tàu uy hiếp, bạn vẫn còn tức giận vì bạn là người Việt có dòng máu Lạc Hồng. Hãy xem đoạn hải quân Trung cộng bắn những người lính hải quân Việt Nam đang đứng như những tấm bia trên bãi biển đá ngầm Trường Sa bạn sẽ biết thế nào là xúc động và căm hờn.
Vì những lý do như vậy, 18 hội đoàn quân lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ lên đường vào ngày thứ sáu 10 tháng 6-2011. Chuyến lên đường này sẽ hết sức đơn giản. Những người lính già của nhiều quân binh chủng. Nơi 1 hay 2 người. Nơi quy tụ được 10 anh. Anh trẻ nhất gần 60 tuổi. Người già nhất trên 8 chục.
Bà Trương Gia Vy, chủ nhiệm Viettribune đọc kháng thư trước tòa lãnh sự Trung Cộng, 10/6/2011
Họ sẽ chỉ đi xe một đoạn đường ngắn từ San Jose lên đến San Francisco. Sẽ đi bộ từ tòa lãnh sự Trung quốc đến tòa lãnh sự Việt Nam. Có thể cùng với anh chị em tại San Francisco làm thành tổng số vài trăm người. Để bày tỏ sự phản đối chính quyền Hà Nội không quyết tâm giữ nước. Để phản đối chính quyền Bắc kinh dã tâm cướp nước. Những người cựu chiến binh VNCH của miền Bắc California chỉ bày tỏ sự quan tâm đến việc bảo toàn quê hương.
Sẽ không phải là cuộc biểu dương vĩ đại thay đổi vận mệnh đất nước. Nhưng đây là chuyến lên đường cần thiết để bày tỏ một thái độ, một sự quan tâm. Đó là ý nghĩa để ghi dấu lần kỷ niệm ngày quân lực 19 tháng 6 lần thứ 45 tại San Jose. Hà Nội đã biểu tình chống Trung Cộng. Sài Gòn đã biều tình. Âu Châu, Úc châu đã biểu tình Bắc Mỹ có Canada. California có Quận Cam. Nếu Bắc Cali mà án binh bất động ở San Fran thì còn ăn nói làm sao với thiên hạ.
Tiền nhân đã mở nước và giữ nước 4 ngàn năm, con cháu sẽ bảo toàn quê hương đến muôn đời. Những bước chân lên đường nhỏ bé sẽ làm thành lịch sử.
© Giao Chỉ, San Jose.
© Đàn Chim Việt
--------------------------
Đọc bài liên quan:
Đáp Lời Sông Núi: 2 ngày chủ nhật 5 và 12 tháng 6 năm 2011 - Thành phố SanJose đã có 2 cuộc biểu tình tự phát - Sunday, 12 June 2011 19:35
Cộng Đồng Người Việt Seattle biểu tình phản đối Trung Cộng xâm lăng Việt Nam và Đảng Cộng Sản VN bán nước Linh Vũ - Cali Today News - Sunday, 12 June 2011 11:33
.
.
.
No comments:
Post a Comment