Thursday, June 9, 2011

LẬT "CON bÀI" CỦA MỸ TẠI SHANGRI-LA 10 Quốc Việt, Đất Việt)

Cập nhật lúc :3:57 PM, 09/06/2011

Mỹ đã có những động thái điều chỉnh tại châu Á, cụ thể là ở Đông Nam Á, vậy điều gì đã xảy ra sau cuộc đại mặc cả Mỹ-Trung?

Đầu năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M Gates đã có chuyến thăm quan trọng đến Trung Quốc, làm ấm lại mối quan hệ quân sự bị đóng băng suốt năm 2010 giữa đôi bên.
Rõ ràng, sự căng thẳng trong quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đều bất lợi cho cả hai. Cả hai nước hiểu rõ điều này nên cùng tích cực hành động để làm ấm mối quan hệ này.
Rất nhiều vấn đề quan trọng đã được đặt lên bàn thương lượng giữa đôi bên, mong muốn của Trung Quốc là quá rõ, chiếm lại Đài Loan và độc chiếm biển Đông. Còn với Mỹ họ không dễ gì từ bỏ những lợi ích của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Diễn biến quan điểm Trung – Mỹ
Tháng 7/2010, tại Diễn đàn ARF ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nêu bật mối quan tâm chiến lược của Mỹ ở Biển Đông và ngỏ ý Mỹ sẽ đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên liên quan. Lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ còn bày tỏ mối quan tâm của Mỹ đến Biển Đông khi nêu “lợi ích quốc gia” để đối chọi “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc nêu lên trước đó.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2011, cả hai bên đều thể hiện cách tiếp cận mới trong quan hệ song phương. Bắt đầu từ cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Trung-Mỹ ở Washington tháng 1/2011, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến Bắc Kinh.
Tại Đối thoại Shangri-la 2011, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nêu 4 nguyên tắc hợp tác an ninh quốc tế mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Trong đó có nguyên tắc “chú ý lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm quan trọng của nhau” và ”hợp tác cùng có lợi, không kết liên minh mang tính đối kháng nhằm vào bên thứ ba”. (>> xem thêm)

Cũng ở Shangri-la 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã có bài phát biểu trình bày quan điểm của chính quyền Obama về lập trường an ninh quân sự của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy Mỹ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng vẫn ưu tiên duy trì sự hiện diện quân sự tại các khu vực liên quan ở Đông Á và Ấn Độ Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định “lợi ích quốc gia” đối với tự do hàng hải, bày tỏ mong muốn các bên giải quyết các tranh chấp phù hợp với Công ước luật biển Liên Hợp Quốc và không sử dụng vũ lực.
Trước đó, trong năm 2010, Bắc Kinh luôn phản đối sự hiển diện quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á. Nhưng hiện tại, Trung Quốc không tìm cách cản trở sự hiện diện của Mỹ tại đây. Bà Susan Shirk, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc ĐH Tổng hợp California cho rằng, Bắc Kinh đang điều chính các chính sách của mình đối với Washington nhằm tìm cách quay lại thời kỳ quan hệ “trăng mật” giữa đôi bên vào những năm 1990.

Ván bài của Mỹ tại Đông Nam Á?
Nhiều quốc gia coi sự hiện diện của Mỹ tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á như là một cán cân đối với sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ sẽ thể hiện vai trò gì tại khu vực đang tồn tại nhiều tranh chấp chủ quyền biển đảo này lại là chuyện khác. Sự có mặt của Mỹ tại Đông Nam Á có thực sự là để tạo cán cân và làm trung gian cho các tranh chấp, hay đơn giản là để bảo vệ lợi ích của chính họ.

Phát biểu với báo chí ngày 1/6 tại Kuala Lumpur, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đã bày tỏ mối quan ngại về những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, nhưng ông nhắc lại Mỹ không đứng về phe nào và rất muốn thấy các bên tranh chấp giải quyết một cách hoà bình thông qua đối thoại, không để xảy ra xung đột trên không hoặc trên biển.
ASEAN muốn quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên biển Đông và muốn Mỹ đứng ra làm trung gian cho vấn đề này. Bắc Kinh lại có suy nghĩ khác, họ luôn tìm cách để phản đối sự đa phương hóa vấn đề tranh chấp biển Đông.
Trung Quốc coi ASEAN là một “bó đũa” tách rời và “bẽ gảy” từng chiếc một là mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh, và họ sẳn sàng thỏa hiệp với Washington để làm điều này.

Với những tuyên bố của đôi bên cho thấy, Mỹ đang chơi trò “hai mặt” tại Đông Nam Á. Một mặt vẫn tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc, mặt khác cũng mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực. Nhưng Mỹ sẽ đứng ngoài các tranh chấp giữa các quốc gia, bởi “lợi ích quốc gia” vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Sẽ là sai lầm nếu kỳ vọng quá nhiều vào sự có mặt của Mỹ tại Đông Nam Á.

Mở rộng sự hiện diện quân sự nhưng đứng ngoài các tranh chấp, Mỹ đẩy các quốc gia Đông Nam Á vào thế khó. Nhất là những nước xung đột quyền lợi với Bắc Kinh. Tiến gần tới Washington đồng nghĩa với việc chọc giận Bắc Kinh mà lại không có sự đảm bảo từ phía Mỹ.
Một số nhà phân tích chính trị nhận định, mối quan hệ quân sự Trung-Mỹ đang trải qua một kỳ “giải lao” sau một năm căng thẳng. Tất nhiên đây chính là cơ hội để Bắc Kinh thể hiện yêu sách của mình. Không ai có thể đoán trước được Bắc Kinh sẽ hành động như thế nào trên biển Đông. Một khi “ván đã đóng thuyền” rất khó để lật ngược tình thế dù Washington có can thiệp hay không.

Hiện tại, ASEAN chỉ có thể dựa vào sự đoàn kết vì lợi ích chung mới có thể đối trọng lại với những yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông. Bất kỳ hành động đơn phương thiếu trách nhiệm nào đều có thể làm sụp đổ mọi nỗ lực của các quốc gia.

Quốc Việt

.
.
.

No comments: