Thông Luận
Thứ ba, 07 Tháng 6 2011 19:05
Quan hệ Việt Trung đã đột ngột trở thành căng thẳng ở mức độ báo động.
Ngày 25-05 tầu võ trang Trung Quốc chặn bắt một tầu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trong lãnh hải Việt Nam và tịch thu dụng cụ hành nghề.
Ngày hôm sau, 26-05, nghiêm trọng hơn, ba tầu hải giám Trung Quốc đã chặn tàu địa chấn Bình Minh 02 của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam đang hoạt đông rất sâu trong lãnh hải Việt Nam, uy hiếp, dọa nạt và cắt dây cáp thăm dò. Các tầu bảo vệ tầu Bình Minh đã không dám phản ứng.
Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, ngày 01-06 tầu võ trang Trung Quốc lại uy hiếp và trấn lột một tàu đánh cá khác của ngư dân Phú Yên. Những vụ khiêu khích dồn dập chứng tỏ Trung Quốc đã quyết định leo thang trong chính sách uy hiếp và lấn áp Việt Nam trên Biển Đông.
Trước những hành động khủng bố cực kỳ nghiêm trọng đó, phản ứng của chính quyền cộng sản Việt Nam đã nhu nhược một cách ô nhục. Bộ ngoại giao Hà Nội đã chỉ lặp đi lặp lại một thông báo nhàm chán: "đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc". Đây là phản ứng ở mức độ thấp nhất, phản ứng vì không thể không phản ứng, nhưng phản ứng như không có phản ứng. Và nhắm mắt người ta cũng có thể hình dung ra thái độ hách dịch huênh hoang của "đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội" khi đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tới xin gặp và trao kháng thư.
Chắc chắn là hải quân và không quân Việt Nam không đủ sức đương đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến trên Biển Đông. Nhưng phản ứng của Hà Nội có phải là tất cả những gì Việt Nam có thể làm trong thế yếu không?
Tùy mức độ nghiêm trọng của các sự kiện, có cả một gam những phản ứng. Nhẹ nhất là tiếp xúc giữa một viên chức bộ ngoại giao với một đại diện sứ quán; hình thức này chỉ dùng trong những trường hợp không quan trọng nhưng lại là điều duy nhất Hà Nội đã làm từ trước đến nay, ngay cả khi nhiều ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc sát hại. Kế đó là trao đổi công hàm giữa hai chính phủ ở cấp bộ trưởng hoặc thủ tướng. Biện pháp mạnh hơn là triệu tập đại sứ đến bộ ngoại giao để chất vấn và thông báo thái độ. Mạnh hơn nữa là triệu hồi đại sứ của mình về tham khảo, buộc nước đối tác cũng phải gọi đại sứ của họ về theo qui ước bang giao quốc tế. Nghiêm trọng hơn nữa là biện pháp trục xuất đại sứ. Cuối cùng là trục xuất toàn bộ sứ quán và đoạn giao. Không ai đòi Hà Nội phải phản ứng một cách dữ dội như trục xuất đại sứ hoặc đoạn giao nhưng sự khúm núm của Hà Nội đã vượt quá xa mức độ mà một người Việt Nam có chút tự trọng có thể chịu đựng.
Chính quyền CSVN không dám phản ứng vì sợ nhưng đó chính là chọn lựa khờ khạo nhất. Một cách thô bạo nhưng dứt khoát Trung Quốc đã bộc lộ quyết tâm làm chủ Biển Đông bất chấp quyền lợi và chủ quyền của các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam. Sư sợ hãi chỉ khuyến khích họ leo thang trong thái độ bắt nạt.
Dù muốn hay không Việt Nam cũng phải tự vệ. Và cách tự vệ hiển nhiên là dựa vào công luận và công pháp quốc tế. Phải báo động với dư luận thế giới và các định chế quốc tế, cụ thể là Liên Hiệp Quốc và ASEAN về sự lộng hành của Trung Quốc. Quan trọng hơn phải chứng tỏ cho Trung Quốc biết rằng Việt Nam là một nước dám và biết tự vệ. Phải triệu tập đại sứ Trung Quốc và nếu ông ta không chịu tới thì sự hiện diện của ông ta tại Việt Nam không còn cần thiết nữa.
Đối với Trung Quốc, Việt Nam không có gì để mất ngoại trừ khối thâm thủng mậu dịch trên mười tỷ USD mỗi năm. Không ai hiểu nổi thái độ khiếp nhược của chính quyền CSVN. Càng đáng phẫn nộ hơn nữa vì song song với sự hèn nhát trước ngoại bang lại là một sự hung bạo khó tưởng tượng đối với những công dân Việt Nam chỉ nói lên nguyện vọng dân chủ một cách ôn hòa. Mọi người Việt Nam, trước hết là những người cộng sản lương thiện, phải tự hỏi một cách nghiêm trọng: chính quyền này còn vai trò nào và còn lý do nào để tồn tại?
Thông Luận
.
.
.
No comments:
Post a Comment