Thứ bảy 18 Tháng Sáu 2011
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi hai nước kết thúc cuộc Đối thoại về chính trị, an ninh và quốc phòng lần thứ tư tại Washington hôm qua, 17/6/2011. Bản thông cáo chung ghi rõ : "Các bất đồng trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua một tiến trình ngoại giao, không sử dụng vũ lực và bao gồm toàn bộ các bên có liên hệ".
Trong bản thông cáo chung, phái đoàn hai nước Mỹ và Việt Nam còn nhấn mạnh : « Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông là nằm trong lợi ích của cộng đồng quốc tế». Theo đó, những sự cố xảy ra trong vùng đang gây quan ngại về an ninh hàng hải, đặc biệt là quyền tự do lưu thông, phát triển kinh tế và thương mại mà không gặp cản trở và việc tôn trọng công pháp quốc tế ».
Phái đoàn hai nước Mỹ-Việt Nam cũng tuyên bố ủng hộ các cuộc thương lượng giữa ASEAN với Trung Quốc để thông qua một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, thay thế cho Bản tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, ký vào năm 2002.
Theo nhận định của AFP, mặc dù quá khứ chiến tranh, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nhanh chóng phát triển quan hệ, một phần là do căng thẳng gia tăng giữa Hà Nội với Bắc Kinh. Trong một cuộc họp báo ngày thứ hai vừa qua, thượng nghị sĩ Jim Webb đã cho rằng tình hình Biển Đông đã giúp thúc đẩy quan hệ Mỹ Việt . Theo ông Jim Webb, Hoa Kỳ cần tỏ thái độ cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông. Cho tới nay, về mặt chính thức, Washington không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền.
Hãng tin AFP nhắc lại, tuy hầu hết ủng hộ mối quan hệ nồng ấm hơn với Hà Nội, nhiều nghị sĩ Mỹ vẫn chỉ trích mạnh mẽ Việt Nam về những vi phạm nhân quyền và đòi hỏi Việt Nam phải có những tiến bộ trong lĩnh vực này, đổi lại mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ.
Cũng về Biển Đông, Philippines đã phản đối Trung Quốc tại một cuộc họp ở Liên hiệp quốc về việc Bắc Kinh giành chủ quyền khu vực Reed Bank của Philippines.
Cuộc họp giữa các bên ký kết Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển ( UNCLOS ) đã diễn ra từ ngày 13 đến 17/6 tại Liên hiệp quốc. Tại cuộc họp này, phái đoàn của Manila đã phản đối mưu đồ Trung Quốc mở rộng các vùng biển tranh chấp ra vùng biển và thềm lục địa hoàn toàn thuộc chủ quyền và/hoặc quyền tài phán của Philippines trên Biển Đông ( mà nay Manila đặt tên lại là Biển Tây Philippines ).
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, đại diện các nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào và Singapore cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết duy trì hòa bình và an ninh trên Biển Đông và đến tính thượng tôn của UNCLOS, được coi như là bản « Hiến pháp » của thế giới về các đại dương.
--------------------------
BBC
Cập nhật: 05:11 GMT - thứ bảy, 18 tháng 6, 2011
Hoa Kỳ và Việt Nam vừa ra thông cáo chung kêu gọi tự do lưu thông hàng hải và phản đối việc dùng vũ lực tại Biển Đông.
Thông cáo chung này được đưa ra sau vòng Đối thoại về chính trị-an ninh-quốc phòng Việt- Mỹ lần thứ tư diễn ra hôm thứ Sáu 17/06 tại Washington D.C., trong đó các diễn biến mới nhất tại Biển Đông đã được hai bên thảo luận.
Sau cuộc họp, hai bên thống nhất rằng “việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”.
Thông cáo chung cũng viết: “Tất cả các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua tiến trình hợp tác ngoại giao, không sử dụng vũ lực”.
Văn bản thông cáo đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay: “Hai bên ghi nhận rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải cần phải tuân thủ các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982″.
“Hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố chung về cách hành xử của các bên ở Biển Đông ký kết giữa Asean và Trung Quốc năm 2002 và khuyến khích các bên đạt thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử.”
Căng thẳng gia tăng
Thông cáo được đưa ra vài ngày sau khi Trung Quốc điều tàu Hải Tuần 31 qua Biển Đông, và Philippines cũng quyết định điều tàu chiến lớn nhất tới khu vực này.
Trung Quốc chuẩn bị tập trận ba ngày, trong khi Việt Nam đã bắn đạn thật hôm thứ Hai 13/06.
Bản thông cáo ra hôm 17/06 tại Washington D.C. có đoạn: “Mỹ nhấn mạnh rằng các vụ việc gây quan ngại trong những tháng gần đây không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Cuộc đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng Việt Mỹ lần thứ tư do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các Vấn đề Chính trị và Quân sự Andrew Shapiro chủ trì.
Trung Quốc đã nhiều lần tỏ tức giận về việc “một bên thứ ba” tham gia vào tranh chấp Biển Đông, nhất là sau khi giới chức Hoa Kỳ, kể cả Ngoại trưởng Hillary Clinton, tuyên bố rằng tự do lưu thông ở Biển Đông là “quyền lợi quốc gia” của Mỹ.
Thời gian gần đây, Việt Nam tỏ ra nỗ lực trong việc kêu gọi và tranh thủ dư luận nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ, trong vấn đề Biển Đông.
Thượng Nghị sỹ Jim Webb, trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai tuần rồi, nói: “Tình hình chủ quyền tại Biển Đông thực ra lại giúp quan hệ giữa hai bên (Việt Nam và Hoa Kỳ) bằng cách nó khiến cả hai hiểu rõ điểm chung trong quyền lợi của mình”.
Ông Webb, người từng tham chiến ở Việt Nam, cũng kêu gọi chính phủ Mỹ cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông.
Một điểm đáng chú ý là trong thông cáo chung sau cuộc đối thoại, không có điểm nào đề cập tới vấn đề nhân quyền, vẫn được cho là chủ đề mà Việt Nam và Hoa Kỳ còn nhiều khác biệt.
.
.
.
No comments:
Post a Comment