Tác giả: EDWARD WONG
Bài đã được xuất bản.: 17/06/2011 05:00 GMT+7
Những hình ảnh về các tàu chiến Trung Quốc tăng tốc giữa các đảo Nhật Bản tại Thái Bình Dương cho cuộc diễn tập nhanh chóng được lưu hành vào tuần trước, và nhấn mạnh những gì mà Bộ trưởng Quốc phòng Nhật gọi là "lo ngại nghiêm trọng".
Việt Nam và Philippines liên tiếp đưa ra cáo buộc với các tàu thuyền Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Những vụ việc riêng biệt phản ánh một thực trạng mới và có khả năng bất ổn. Khi chính phủ và lực lượng hải quân đang hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc mở rộng "tầm với" trên biển, các nước láng giềng bất an đã phải dõi theo hoạt động của các tàu Trung Quốc gồm tàu quân sự và tàu giám sát, tàu của lực lượng ngư chính và thậm chí là cả tàu cá, đồng thời phản ứng với bất kể hành động nào gây hấn.
Trong vài tuần nay, Việt Nam, Philippines và Nhật Bản đều thể hiện sự quan ngại hay chính thức phản đối các động thái hàng hải của Trung Quốc. Một số bên đã triển khai tau và máy bay tới vùng biển tranh chấp. Mỹ, lực lượng quân sự chiếm ưu thế ở Thái Bình Dương cũng đang chăm chú theo dõi tình hình và tìm cách củng cổ liên minh của mình trong khu vực.
Sự tự tin ngày càng lớn của Hải quân Trung Quốc được thể hiện một cách công khai. Tại cảng Thanh Đảo, nơi diễn ra cuộc thao diễn hải quân đầy ấn tượng năm 2009, các tàu khu trục và một tàu ngầm đã neo đậu lại để người dân được chứng kiến tận mắt sức mạnh của hải quân. Và tại thành phố ven biển xa hơn ở phía bắc, Đại Liên, hải quân đang gấp rút nâng cấp và hoàn thành tàu sân bay thời Liên Xô mang tên Varyag, với hy vọng hạ thủy trong năm nay.
Các quan chức Mỹ nói rằng, một trong những mục tiêu chính của Hải quân Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa là hoạt động ở khu vực mà Mỹ chiếm ưu thế về hải quân: vùng biển phía tây Thái Bình Dương thường gọi là "chuỗi đảo thứ nhất".
"Ở một mức độ nào đó, đây là động thái mới một cách 'bình thường", Lyle Goldstein, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Trường Hải quân Mỹ viết trong thư điện tử. "Nó đặc biệt đúng đối với nhóm tàu hải quân của quân đội Trung Quốc khi đi qua 'chuỗi đảo đầu tiên' để tiến hành cuộc tập trận quy mô trung bình". Những cuộc diễn tập như thế sẽ trở nên thông thường hơn, và thậm chí là lớn hơn, ông nhất mạnh, "đặc biệt là khi Trung Quốc đưa thêm tàu sân bay vào đội tàu này".
Tuần trước, bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, các tàu nước này xuất hiện ở khu vực giữa các đảo Okinawa và Miyako của Nhật là phù hợp với luật pháp quốc tế. Mục tiêu là tiến hành "cuộc tập trận thông thường" và "theo kế hoạch hàng năm" của quân đội Trung Quốc.
Theo Kyodo, thứ Sáu trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa, cho hay, hành động của các tàu Trung Quốc ngày càng gia tăng ở vùng biển gần Okinawa kể từ năm 2008. "Chúng ta nên quan tâm tới việc liệu họ có đi xa hơn nữa hay không", ông nói. Tháng 4/2010, một đội tàu của Trung Quốc đã đi qua vùng biển Okinawa, và một trực thăng nước này đã lượn sát một trong hai tàu khu trục Nhật.
Tháng 9 năm ngoái, cuộc khủng hoảng ngoại giao đã xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản khi phía Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Vị này bị cáo buộc đã cố tình đâm vào hai tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật khi tàu tuần tra các đảo tranh chấp dưới sự quản lý của Nhật. Không có bằng chứng nào xác thực việc có liên quan giữa vị thuyền trưởng tàu cá và Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các tàu dân sự Trung Quốc ngày càng hành động như được sự "ủy nhiệm" của hải quân để cố gắng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.
Bernard D. Cole, cựu quan chức Hải quân Mỹ giảng dạy tại trường hải quân nói rằng, ông đã nghe về việc Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng sự kiểm soát thông qua Ngư chính và các tổ chức khác kiểu như phòng vệ bờ biển.
Các kiểu tàu nói trên cũng là trung tâm tranh cãi trong những năm gần đây ở Biển Đông - vùng biển giàu tài nguyên mà Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á đều tuyên bố chủ quyền với một phần hay toàn thể. Các quan chức ngoại giao và giới phân tích cho rằng, những vụ đụng chạm năm nay rất có khả năng trở thành một xung đột quân sự. "Tình hình dường như đang leo thang theo những cách nguy hiểm", ông Goldstein nói.
Ngày 26/5 và 9/6, các tàu Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Việt Nam đã chính thức phản đối việc này, với tuyên bố các tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Trung Quốc thì nói tàu ở bên ngoài phạm vi ấy.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 7/6 đã quả quyết rằng: "Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi với các đảo và vùng biển lân cận tại Biển Đông". Mặc dù Trung Quốc không khoanh định rõ ràng về tuyên bố chủ quyền của họ, nhưng các nhà chỉ trích trong khu vực nói rằng, họ trông cậy vào một bản đồ, vẽ ra từ thời chính phủ cũ Quốc dân đảng và được chính phủ Trung Quốc hiện tại ủng hộ. Bản đồ này thể hiện hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi phát ngôn, ông Hồng nói, quan điểm Trung Quốc về vùng biển này "vẫn không thay đổi trong nhiều thế kỷ" và cảnh báo Việt Nam, Philippines ngừng thăm dò dầu khí tại đây.
Quan chức Philippines cho hay, Trung Quốc đã tạo ra năm đến bảy sự cố với nước họ trong năm nay, ông Carlyle A. Thayer - giáo sư tại Học viện Quốc phòng Australia nói. Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất là vào ngày 2/3, khi hai tàu hải giám Trung Quốc "lệnh" cho một tàu thăm dò Philippines rời khỏi khu vực gần Reed Bank và đe dọa con tàu. Philippines sau đó đã điều động máy bay quân sự tới khu vực. Và người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố, Philippines nên "ngừng các hoạt động đơn phương ảnh hưởng tới chủ quyền và các quyền hàng hải của Trung Quốc".
Nhưng theo ông Thayer, trách nhiệm thuộc về Trung Quốc. Ông nói: "hàng loạt hành động đơn phương của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng và có thể đặt Trung Quốc vào một quá trình dẫn tới va chạm với Việt Nam và Philippines".
Giới phân tích bình luận, căng thẳng sẽ là một phép thử với Mỹ. Năm ngoái, Mỹ đã đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á trong một hội nghị khu vực khi Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton khẳng định về một "lợi ích quốc gia" ở Biển Đông và thúc giục giải pháp cho các tranh chấp.
Nguyễn Huy (Theo nytimes)
.
.
.
No comments:
Post a Comment