Sunday, June 19, 2011

HẢI QUÂN TRUNG QUỐC TẬP TRẬN NHƯ LÀ LỜI CẢNH CÁO TỚI VIỆT NAM (Barbara Demick)


Barbara Demick
Los Angeles Times   -   Ngày 18-6-2011

Người dịch: Thủy Trúc
Đăng bởi anhbasam on 19.06.2011


Những cuộc tập trận trên biển Nam Trung Hoa làm căng thẳng leo thang, tại một khu vực có tiềm năng lớn về tài nguyên mà một số nước lân cận đều tuyên bố chủ quyền.
Từ Bắc Kinh — Tuần qua Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận ba ngày – kể cả bắn đạn thật – trong khu vực tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa, làm căng thẳng leo thang tại một khu vực có tiềm năng lớn về tài nguyên mà một số nước lân cận đều tuyên bố chủ quyền.
Hành động phô diễn sức mạnh hải quân ở nơi cách biên giới cực nam Trung Hoa tới hàng trăm hải lý được xem như một lời cảnh cáo gửi tới Việt Nam, nước mà trong tuần qua cũng đã tiến hành tập trận bắn đạn thật gần quần đảo Trường Sa. Một số nước tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi đảo đá núi lửa không người ở này, nơi nằm giữa những vỉa san hô lởm chởm và bám đầy phân chim, nhưng được xem là một khu vực rất hấp dẫn, bởi vùng biển xung quanh vốn là bãi cá dồi dào và có thể chứa những mỏ dầu và khí đốt đáng kể.
Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, cả bốn nước đều tuyên bố quyền tài phán đối với một phần khu vực. Nhưng Trung Quốc cãi rằng chủ quyền của họ đã có từ lâu, vin vào những bản đồ quốc gia cổ cho thấy các đảo đó là một phần không thể tách rời khỏi lãnh thổ của họ.
Hôm thứ sáu, truyền hình quốc doanh (của Trung Quốc) chiếu hình ảnh tàu tuần tra Trung Quốc bắn đạn nhiều lần vào một mục tiêu nằm trên cái gì đó giống như một hòn đảo không người ở, khi hai chiếc phản lực chiến đấu cùng sánh đôi bay vọt lên. Tin tức báo rằng 14 tàu đã tham gia, tập chống tàu ngầm và cập bờ biển, nhằm “bảo vệ những dải san hô và các tuyến đường biển”.
Trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đã tăng cường yêu sách chủ quyền đối với những vỉa đá trên biển Nam Trung Hoa, một cách quyết liệt hơn. Tàu dân sự Trung Quốc ngày càng đối đầu nhiều hơn với tàu thăm dò dầu khí và tàu cá của các nước khác, cũng hoạt động trên vùng biển này.
Vụ căng thẳng gần đây nhất xảy ra hồi cuối tháng trước khi Việt Nam buộc tội một tàu cá Trung Quốc, được hai tàu tuần tra hộ tống, đã cố ý cắt cáp của một tàu khảo sát địa chấn thuộc sở hữu của PetroVietnam, công ty dầu khí quốc gia. Quan hệ giữa hai nước tiềm ẩn đầy căng thẳng: Hai bên đã có chiến tranh biên giới năm 1979, và kể từ đó đã vài lần xung đột trên biển, tại quần đảo Trường Sa cũng như một chuỗi đảo khác nữa tên là Hoàng Sa.
Chính quyền Việt Nam đang chịu áp lực từ chính giới truyền thông và những công dân nặng tinh thần dân tộc để phải đứng lên trước Trung Quốc. Cuộc đụng độ trên biển vào tháng 5 vừa qua đã làm bùng nổ một tinh thần chống Trung Quốc ở Việt Nam, và chính quyền đã cho phép vài cuộc biểu tình hiếm hoi diễn ra, nhằm làm cho đám đông, mà chủ yếu là thanh niên, có thể xả bớt phẫn nộ.
Các mạng xã hội cũng đổ thêm dầu vào lửa chống Trung Quốc, thậm chí có cả kiến nghị trên mạng đòi đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á.
“Việt Nam đã luôn luôn ở một vị thế tồi tệ khi có một láng giềng to lớn và hùng mạnh như Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng rất phẫn nộ khi chính phủ Việt Nam tỏ thái độ quỵ lụy như thế trước Trung Quốc” – Huỳnh Thục Vy, một blogger, nhà hoạt động, 27 tuổi, nói.
Quan chức Trung Quốc thì bảo họ chỉ thuần túy bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia.
“Chúng tôi không thể tránh khỏi việc phải xử lý vấn đề này. Người Việt Nam đang lấy khí đốt và xâm phạm lãnh thổ chúng tôi” – Hứa Quảng Ngọc (Xu Guangyu), một quan chức quân đội Trung Quốc đã về hưu, cũng là nhà phân tích của Hiệp hội Giải trừ quân bị và Kiểm soát vũ khí Trung Quốc, nói.
Trung Quốc cũng đã cử tàu dân sự lớn nhất của họ đi qua khu vực, phái tàu tuần duyên Haixun nặng 3000 tấn, trang bị trực thăng, đến Singapore. Và báo chí quốc doanh Trung Quốc trích lời một quan chức giấu tên ở Cục Hải dương nói rằng lực lượng hải giám dân sự sẽ được gia tăng từ 9000 nhân viên lên 15000 vào năm 2020.
Với việc Việt Nam và Philippines ra những cảnh báo gay gắt khi Trung Quốc xâm phạm sâu hơn đến các dự án thương mại của họ, các nhà quan sát cho rằng nguy cơ bạo lực đã hiện diện.
“Những diễn biến hết sức căng thẳng, khi các tàu biển có năng lực bán quân sự phớt lờ lời cảnh báo của nhau và tham gia vào những hoạt động gây hấn, có thể dễ dàng tiến triển thành xung đột quân sự” – Stephanie Kleine-Ahlbrandt, văn phòng Bắc Kinh của tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nhận định. “Một khi đạn nổ, chúng ta sẽ thấy mọi thứ leo thang thật sự”.
Cuộc tranh chấp cũng có một số ý nghĩa đối với Mỹ, nước hiện giờ có lực lượng hải quân lớn nhất ở Đông Nam Á và đã từng tuyên bố tự do hàng hải là lợi ích quốc gia của mình. Chính quyền Obama đã kêu gọi các bên có yêu sách mâu thuẫn giải quyết xung đột thông qua một tiến trình ngoại giao quốc tế, có sự tham gia của tất cả các bên có quyền lợi trong vấn đề này.
Trung Quốc bác bỏ cách tiếp cận của Mỹ, cãi lý rằng mọi khác biệt cần được giải quyết riêng rẽ với từng nước.
Do Trung Quốc giữ lập trường mạnh mẽ hơn trong quan hệ quốc tế, nên những nước láng giềng của họ đã lo sợ mà tiếp nhận sự tham gia của Mỹ hơn, thúc đẩy những nước như Việt Nam tìm đến Mỹ để có đối trọng trước thế lực của Trung Quốc.
Nhưng chính quyền Việt Nam cũng rất lưu ý đến một rủi ro, là quan hệ kinh tế đang được tăng cường của họ với Trung Quốc có thể bị gián đoạn. Cho đến giờ, họ đã rất thận trọng, tránh khiêu khích Bắc Kinh quá. Cuộc tập trận bắn đạn thật hôm thứ hai vừa rồi có vẻ là một hành động giảm nhẹ. Nó diễn ra gần đất liền và không có màn bắn tên lửa chống tàu biển.
“Vụ cắt cáp giống như một trò lưu manh” – ông Carl Thayer, một nhà Việt Nam học tại Học viện Quốc phòng Australia, nói. “Nhưng không vì thế mà Việt Nam phải phát động chiến tranh”.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

--------------------------------


.
.
.

No comments: