Me. Nâ'm 's Blog
Jun 9, '11 11:06 PM
Có nhiều bạn trong các note trước đã bảo rằng, tôi nên khởi kiện hoặc làm rõ lý do bị tạm giữ hơn 30 tiếng tại đồn công an phường Tân Thới Nhất, quận 12, Sài Gòn hôm ngày 4/6/2011.Tôi cũng đã từng nghĩ mình sẽ làm như vậy, cho đến cuối buổi làm việc, được giải thích về phương pháp "mời hợp tác" áp dụng theo tâm lý đám đông, thì tôi biết rằng, không phải cái gì muốn rõ ràng cũng được. Với lý do "vì an ninh quốc gia" làm khiên chắn, thì mọi động tác nghiệp vụ để tạm giữ, bắt giữ người đều trở nên "hợp lệ", bất chấp dư luận.
Tôi nói vậy chắc mọi người đã hiểu.
Làm việc với công an, có lẽ điều các anh muốn "đối tượng được mời đối thoại" phải quán triệt đó là "nghĩa vụ và trách nhiệm" của công dân, tuy nhiên, diễn giải nghĩa vụ và trách nhiệm này theo hướng này, lại là chuyện khác.
Trong đồn công an, hễ mỗi lần tôi nhắc đến chữ "tạm giữ", "bắt giam" là các anh, chị ấy có phản ứng quyết liệt lắm.
- Tại sao chị cứ nói quá lên thế, chúng tôi chỉ mời chị hợp tác làm việc chứ có tạm giam, tạm giữ gì đâu? Nếu giữ người phải có lệnh của Viện kiểm sát, và nếu thực sự tạm giữ chị thì chị không được phép đi ra đi vô, thoải mái trao đổi với bạn chị ở phòng bên như nãy giờ đâu.
Không lẽ tôi phải cãi lại thế nào mới là tạm giữ sao?
Các anh/chị đề nghị tôi không được nghe điện thoại, thậm chí có người đã giật lấy điện thoại của tôi, nếu tôi không phản ứng lại vì xét thấy mình phải "chấp hành nghĩa vụ của một công dân" có lẽ điện thoại cũng bị tắt nguồn và niêm phong như bạn tôi bên phòng kia rồi.
Tối hôm thứ 7 ngày 4 tháng 6 năm 2011, lúc 20h30, tôi đề nghị phải cho tôi gọi về nhà cho bạn Nấm, vì đó là việc tôi phải làm thường ngày với con gái tôi mỗi khi đi xa. Tôi mở loa, có cả hai anh cùng nghe, không biết các anh nghĩ gì, riêng tôi, nghe giọng con gái nói: "Mẹ nói các chú làm việc qua đêm luôn đi cho nhanh rồi mai về sớm", tôi thấy cay đắng lắm.
Lúc hơn 23h, khi các anh "đối thoại" với tôi đã ra về, thì vẫn còn lại 3 chị và hai em trẻ nữa ở lại, (không tính đến ông Nguyễn Văn Khon - trưởng công an phường, hai công an phường khác và một cơ số người thuộc lực lượng dân phòng) chị Vân (chị này không xưng tên, nhưng tôi nghe mọi người gọi như thế) tự nhiên cầm lấy điện thoại của tôi đang để trên bàn khi thấy có cuộc gọi đến, và tôi phản ứng, tôi đề nghị chị ta không đụng đến điện thoại của tôi.
Chị ấy phán: "Đồ vật để ở trong này tôi thích thì tôi cầm, mà tôi cầm xem chứ có nghe hay đụng đến đâu?"
- Đây là tài sản của tôi, chị muốn đụng đến thì cũng phải hỏi ý tôi một tiếng, đó là phép lịch sự tối thiểu, đến đứa trẻ con cũng còn được dạy là muốn lấy cái gì của ai cũng phải xin phép mà.
- Thì chị cứ coi như tôi là người không có lịch sự đi.
He he, tôi bảo:
- Nói thế thì thua rồi.
- Không nên cãi cùn như thế - anh bạn tôi phán.
Hôm sau khi được trả máy, tôi lục lại Inbox và đọc thấy tin nhắn của chị Hồ Lan Hương:
- Mệt không nhỏ? Nếu mệt cứ leo lên bàn ngủ đi, em yên tâm đừng có sợ, chỉ có bọn bán nước hại dân mới sợ hãi lòng yêu nước của đồng bào mình. Thương mày lắm.
Toàn bộ tin nhắn và các cuộc gọi nhỡ dù tôi chưa đụng đến điện thoại, cũng đã có người xem trước, hài hước thật.
Thực sự cả buổi tối hôm đó, tôi thấy khó ngủ, một phần vì nóng nực, một phần vì lạ chỗ, có một anh rất trẻ đã luôn miệng nhắc tôi nghỉ ngơi mai lấy sức làm việc, bạn ấy nói rất chân tình, thậm chí đã dùng cả chữ "năn nỉ", và có lẽ, đó là người duy nhất mà tôi đọc thấy được sự ái ngại trong mắt khi thấy hoàn cảnh của tôi. Chúng ta đều là những con người cả mà phải không?
Ở buổi làm việc hôm sau, tôi được nghe anh Nam "mở mang kiến thức" rất nhiều về các cá nhân và tổ chức đảng phái, nhờ ảnh thì tôi mới biết đảng Thăng Tiến là đảng được thành lập trong nước, lại có cả đảng Vì Dân, rồi đảng Dân chủ Nhân dân... Tôi cũng được biết thêm thế nào là dân chủ đích thực như Nguyễn Khắc Toàn, Đỗ Nam Hải, thế nào là dân chủ xôi thịt qua các hành động đấu đá nhau...
Mà ảnh cũng kết luận rằng, có những người ở nhà không được ai khen, lên mạng viết mấy câu thấy thiên hạ khen khoái chí quá, nên đâm ra ghét bỏ cha, mẹ, anh chị em mình, chỉ muốn sống cuộc đời trên mạng.
Tôi có hỏi: Anh đang nói đến em đấy ạ?
Ảnh bảo: Không, tôi nói những người khác :)
Ảnh cũng nói rằng, không có con người thật nào ủng hộ những việc tôi làm, những điều tôi suy nghĩ hết, tôi đừng có ảo tưởng rằng thái độ của những người trên Facebook, trên blog là thái độ của toàn xã hội, đó chỉ là cảm xúc của những cá nhân bất mãn mà thôi.
Chuyện này, có lẽ phải nhờ bạn bè trong Friend list xác minh lại mới được :P.
Tôi chỉ có một ý kiến duy nhất, nếu chính phủ có hành động đáp trả các hành vi xâm lược ngang ngược của Trung Quốc thì xin hãy thông tin thật cụ thể đến người dân chúng tôi, để chúng tôi thông cảm hơn với chính phủ và có nhận định của mình.
Làm việc với các anh an ninh nói chung, đương nhiên là chẳng có gì vui vẻ, bởi nếu ngay từ đầu một bên luôn nghĩ mình đúng, và bên kia buộc bị nhận là đã sai lầm thì rất khó đối thoại. Không lẽ ép người ta đến ngồi với mình chỉ để tranh cãi hay sao? Cá nhân tôi nghĩ, dù có phải làm việc căng thẳng đến đâu đi nữa, thì chúng ta là những con người, hãy cư xử với nhau như người với người đi đã. Nếu anh mời tôi làm việc, dù có gượng ép đi nữa, thì hãy xem tôi như một người đối thoại, đừng cư xử với tôi như một kẻ phạm tội, chỉ vì bày tỏ tình yêu đối với Tổ quốc mình.
Riêng các anh công an phường Tân Thới Nhất, quận 12, đặc biệt là anh Nguyễn Văn Giàu, các anh nên học cách đối xử bình đẳng với người dân, học cách tôn trọng họ. Ở đây, tôi không buộc các anh phải lễ phép, mặc dù trên bản điều lệ của công an tôi có thấy chữ đó được sơn rất to.
Nếu có ai đó hỏi tôi về cảm nghĩ sau khi bị tạm giữ, có lẽ tôi chỉ trả lời rằng tôi không hài lòng với cách bị đối xử như thế. Ngoài ra, tôi tôn trọng lý tưởng và nghiệp vụ của những người đó. Dù sao thì tôi cũng thấy ái ngại, khi có một mình tôi mà phải mất tới 6,7 chị phải thay ca "ngó chừng" tôi, tôi nghĩ là các chị chẳng có tên trong danh sách công an phường, vì trên bảng trong trụ sở tôi thấy chỉ có tên một người nữ duy nhất làm công tác hành chính.
Cám ơn chị Sen đã nhiệt tình nhắc tôi ăn uống để lấy sức làm việc và về nhà gặp con khi tôi từ chối ăn sáng và ăn trưa do bị dị ứng với món cháo gà đêm trước. Cám ơn chị đã nhớ đến nhu cầu phụ nữ của tôi là cần thay đồ sau khi bị giữ ở đó hơn 24 tiếng.
Cám ơn chị áo hồng đã nhắc tôi nhớ rằng: ở đời này không phải cứ muốn là được, và ở đồn công an thì có những quy định của đồn công an. Mặc dù chị im lặng sau khi nghe tôi bảo rằng: "Giờ thì tôi đã hiểu, vì sao càng ngày càng có nhiều người chết ở đồn công an".
Cám ơn các anh đã liên tục nhắc tôi uống nước.
Cám ơn anh áo sọc đã nhắc tôi ăn hết cái bánh mì và uống nước thì bệnh dị ứng, nổi mẫn trên tay tôi sẽ tự nhiên mà hết. Sau này tôi được biết là chính anh là người đã giữ viên thuốc dị ứng mà chị Hồ Lan Hương mang đến cho tôi, vì sợ không kiểm soát được tình huống.
Cám ơn các anh đã không quát nạt tôi như những gì tôi nghe đồn, mặc dù có hơi lớn tiếng chút :).
Điều cuối cùng mà tôi nhớ trước khi rời đồn công an là câu trả lời của một anh (chú) lớn tuổi, áo màu ruốc, tóc muối tiêu khi tôi nói rằng:
- Không lẽ phương thức bày tỏ lòng yêu nước tùy thuộc vào thể chế hay sao????
- Đúng. Nhà nước nào cũng có một thể chế hết.
Về nhà được xem hình ảnh cuộc tuần hành ôn hòa hôm ngày 5/06/2011, và những bài viết chia sẻ cảm xúc của rất nhiều người, tôi biết rằng, mình không hề cô đơn, và chỉ cần biết bao nhiêu đó là đủ rồi.
.
.
Me. Nâ'm 's Blog
Jun 9, '11 1:37 AM
2. Làm việc với các anh an ninh - những điều ghi trong biên bản:
Tôi không thể nhớ chính xác câu hỏi và câu trả lời, hoặc trình tự các câu hỏi sắp xếp như thế nào, nhưng sẽ cố gắng viết lại những gì tôi nhớ, vì thật ra cũng chẳng có gì phải giấu diếm, nếu sai chỗ nào, mong các anh/chị có biên bản làm việc với tôi nhắc nhớ giùm.
a.Chị cho biết vào chị vào thành phố làm gì, và đã làm gì trong những ngày ở đây?
Tôi vào Sài Gòn tham dự Sự kiện truyền thông Công giáo tại Dòng Chúa Cứu Thế - 38 Kỳ Đồng từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 6 năm 2011, và đã tham dự được 2 buổi tại đó cho đến giờ phút này. Sáng khoảng 8h30 tôi đi loanh quanh, đến nhà sách Nguyễn Huệ, đọc sách, mua sách và một số vật dụng cá nhân, sau đó tôi và bạn tôi đến nhà chị Hồ Lan Hương thăm chị ấy rồi ăn trưa.
b. Chị vào nhà sách mua những gì?
Các vật dụng tôi mua gồm bút lông (màu xanh, đỏ), kéo, băng keo, và giấy cứng - (các loại này bị tịch thu), còn sách thì không.
c.Chị chuẩn bị các vật dụng này làm gì?
Tôi mua các vật dụng này để viết khẩu hiệu, chuẩn bị cho việc tôi sẽ tham gia buổi tuần hành ôn hòa trước Lãnh sự quán Trung Quốc vào sáng ngày 5 tháng 6 năm 2011 (việc này tôi có công khai tuyên bố trên blog tôi).
d. Chị định viết khẩu hiệu gì?
China hands off Vietnam // Phản đối Trung Quốc xâm lược, và cả hai câu trên bằng tiếng Trung. Vì tôi không biết tiếng Trung nên tôi sẽ lên Google dịch ra rồi in vào giấy A4 để dán lên bìa cứng.
e. Chị định sẽ tham gia biểu tình bằng cách nào?
Tôi sẽ cầm biểu ngữ mình viết, đứng trước Lsq Trung Quốc, nếu người ta không cho đứng đó quá lâu thì tôi sẽ đi lên rồi đi xuống.
Chị nghĩ buổi biểu tình này có thành công hay không?
Tôi nghĩ có, vì tôi cho rằng, các bạn trẻ hiện nay đã rất dũng cảm, họ công khai tuyên bố trên Facebook của mình rằng họ sẽ tham gia bằng lòng yêu nước và trách nhiệm của mình. Họ là những con người có thật, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tôi tin là như vậy
g. Trình bày lại mối quan hệ với nhóm Người Việt Yêu Nước.
Đây là chuyện liên quan đến việc tôi in áo phản đối dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Nhóm này gồm anh Hoàng Xuân Tâm, anh Đỗ Bá Thành, anh Nguyễn Xuân Châu là những người tôi có trao đổi qua email năm 2009, anh Tâm mời tôi vào nhóm, và lúc đó do trên blog Y360 tôi có thông báo dự tính sẽ in áo với dòng chữ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, Người Việt Yêu Nước - Stop bauxite - No China. Sau đó tôi không liên lạc với nhóm này nữa.
h. Trình bày chuyện chị đi Thái Lan, gặp ai?
(Đoạn này cũng hơi gay cấn, vì mình bảo chuyện này tôi đã làm việc với Bộ Công an và đã viết ở Note "Trà chiều 13/04/2011 (*) rồi)
Tôi đi Thái Lan với mục đích cá nhân là du lịch, ở Bangkok và ở Phuket, sau đó tại Phuket tôi có gặp một người bạn tên Cường, đây là mối quan hệ cá nhân của tôi, anh này tự xưng là Lê Ánh (người của đảng Việt Tân), anh này có mời tôi tham gia tổ chức, nhưng tôi đã từ chối.
3. Những điều không có trong biên bản:
a. Người Việt Nam mình, ai cũng có tinh thần yêu nước, từ anh xe ôm đến chị bán rau... nhưng đâu có ai chọn cách bày tỏ như chị. Sao không thể hiện bằng cách thiết thực hơn như tham gia chương trình "Góp đá cho Trường Sa" do báo Tuổi Trẻ tổ chức
- Mỗi người có một cách thể hiện, về mặt đóng góp, cá nhân tôi sẽ đóng góp theo sức mình khi có phong trào, còn về mặt thể hiện thái độ và chính kiến, tôi nghĩ, tôi hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm về hành động và suy nghĩ của mình.
b. Tuần hành ôn hòa nói cách khác là biểu tình là vi phạm pháp luật, làm sao chị có thể đảm bảo được không có bạo động xảy ra? Chị có biết cái gọi là hiệu ứng đám đông, hiện tượng cộng hưởng không? Những người như chị thiếu kiến thức, thiếu suy nghĩ sẽ tạo ra hiện tượng bất ổn trong xã hội, gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao.
- Tôi tin rằng những người biết đọc, biết sử dụng Internet bày tỏ quan điểm của mình họ sẽ kiểm soát được chính bản thân mình khi bày tỏ tình yêu với Tổ quốc, nếu có bạo động hay quá khích thì những người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm vì chính bản thân họ.
c. Phản biện đóng góp cho xã hội là tốt, nhưng không thể chỉ lấy cái nhìn của mình với một số ít người trên mạng mà cho rằng đó là góc nhìn của toàn xã hội (Đoạn này có in bài "Không chỉ là ngoại giao khẩu chiến" và bài viết về bầu cử của mình ra làm chứng)
- Hình như đoạn này mình không nói nhiều, vì quan điểm của mình thể hiện hết trong bài viết rồi.
d. Sự kiện truyền thông Công giáo là ý tốt của mấy ông Cha, ổng muốn cho người trong đạo có góc nhìn đúng đắn, nhưng việc đến đó phát biểu này nọ làm sai lệch mục đích là không tốt.
(Lúc đầu ảnh nói vậy, một hồi tự nhiên khi tôi không hợp tác vì không được biết chính xác chừng nào tôi được về thì ảnh phán luôn: mấy Cha trong Dòng Chúa Cứu Thế là những kẻ khoác áo thầy tu, Tạ Phong Tần là thành phần dựa vào tôn giáo để chửi bới, có gì thì vu lên là đàn áp tôn giáo...)
e. Chị có biết về các nhà đấu tranh dân chủ và những chuyện xung quanh đó không? Chị có biết tất cả chỉ vì dành giật quyền lợi không? Dân chủ gì, dân chủ trong ngoặc kép? Đám xôi thịt thì có....
- Tôi không quan tâm lắm đến từng cá nhân, và tôi không tìm đọc những tin tức kiểu như thế. Có những chuyện nhờ anh nói thì tôi mới biết, cá nhân tôi cho rằng, không có ai là nhà đấu tranh dân chủ cả, và cũng không ai tự nhận mình như vậy cả. Tôi nói vì tôi thấy mình cần phải nói, cho cá nhân mình, cho con cái mình, cho sự thay đổi cần thiết, tôi không thích và cũng không có thời gian để tìm hiểu cá nhân như vậy.
g. Các anh, chị lên mạng mở miệng ra là nói đến Công ước, luật nhân quyền, các anh chị có biết cái đó là quy định quốc tế, còn phạm vi áp dụng tùy theo đặc điểm từng quốc gia không? Sao cứ đòi hỏi quyền lợi mà không nghĩ đến nghĩa vụ của mình vậy? (Đoạn này cao trào, ảnh hét lớn)
- Đây là đoạn tôi đòi xem lệnh tạm giữ, vì đã quá thời hạn 24h, nếu không có, tôi sẽ không hợp tác nữa. Thật ra tôi đòi hỏi điều này, vì lúc trưa đã có một anh tre trẻ nạt tôi rằng: "Chị vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tổ chức tụ tập gây mất an ninh trật tự nên chúng tôi có quyền giữ chị 36 tiếng theo luật". Tôi có đòi xem lệnh, và đợi hơn 3 tiếng khi các ảnh đi qua đi lại ngoài sân thì vẫn chưa thấy gì.
h. Có khi nào chị kể với con chị là "Chị bị tụi công an bắt giữ không?"
- Không, chưa bao giờ tôi và gia đình tôi nói với con tôi như thế. Thứ 1: cháu còn nhỏ, không nên để con nít có ác cảm với công an. Thứ 2: Có những chuyện khi có nhận thức thì tự cháu sẽ hiểu ra. Tôi và gia đình tôi chỉ giải thích với cháu là tôi đi công việc.
i. Lần này tôi nói trước: - Thật ra, tôi không đồng ý và hoàn toàn không phục với cách anh giữ tôi ở đây. Lẽ ra các anh có thể đến chỗ tôi ở mời tôi làm việc, hoặc có thể nói thẳng với tôi ngay từ đầu khi tôi đến đây, như thế sẽ khiến tôi nể các anh hơn, còn bắt giữ tôi thế này, tôi thấy làm sao đó, nếu không muốn nói là coi thường.
- Chị thông cảm, vì đây là lần đầu tiên làm việc với chị, nên chúng tôi không biết thái độ chị ra sao, có hợp tác hay không? Có những trường hợp chúng tôi phải đến phường, mời làm việc thông qua phường mà họ không hợp tác nên phải áp dụng biện pháp như vậy. Vì là lần đầu tiên làm việc với chị nên phải áp dụng theo nguyên tắc số đông.
Tôi cười.
Buổi làm việc kết thúc, sau khi tôi để lại số điện thoại vì tôi không có thói quen thay số, và các anh hẹn lần tới nếu có dịp gặp tôi thì sẽ gặp trong một tình huống khác, vui vẻ, thoải mái hơn, chẳng hạn như đi uống sinh tố (ở Sài Gòn), hoặc nước mía (ở Nha Trang).
Khi về nhà tôi mới được xem nhiều hình ảnh đẹp đẽ trong cuộc tuần hành của những người trẻ, tôi phải cám ơn các bạn vì các bạn và những người tham gia đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng, không ai có thể lợi dụng được lòng yêu nước của người khác, có chăng là buộc họ thể hiện tình yêu của mình theo khuôn mẫu, theo lề, và những người yêu chuộng tự do thì không thể chấp nhận điều đó.
Khi được hỏi, nếu có biểu tình chống Trung Quốc thì chị có đi nữa không?
Tôi trả lời: Chắc chắn là có, vì dù gì tôi cũng sẽ giành quyền bày tỏ thái độ của mình.
.
.
.
No comments:
Post a Comment