Friday, June 10, 2011

CÒN SỢ DÂN CHỦ LÀ . . . HỎNG (Phạm Hồng Sơn)



Phạm Hồng Sơn

Thứ Sáu, 10/06/2011

Những diễn biến bên trong các cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 5 tháng Sáu vừa qua tại Hà Nội và Sài Gòn lại một lần nữa cho thấy không phải chính quyền Việt Nam (do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát toàn diện) không uất ức trước sự khinh thường, ngỗ ngược của “người bạn bốn tốt”. Vấn đề là chính quyền Việt Nam còn rất sợ những hoạt động tập hợp dân chúng trên đường phố, dù chỉ là kết quả của một kế hoạch kín đáo với sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, có thể sẽ chuyển thành hoặc mở ra những cơ hội mới cho công cuộc dân chủ hóa - cuộc đấu tranh nhằm bãi bỏ chính thể phi dân chủ hiện hành.

Theo lẽ tự nhiên, những người đang cầm quyền độc đoán sợ “dân chủ hóa” hay “diễn biến hòa bình” là đúng. Bởi những người cầm quyền độc đoán không thể không hoảng sợ khi nghĩ đến lúc phải đối diện với công lý vì những hành động nhẫn tâm, ngược đãi con người một cách tùy tiện. Đó cũng là một đặc điểm chung của tâm lý học tội phạm. Đấy là chưa kể tới lòng tham những đặc quyền vô bờ mà người cầm quyền và gia đình họ đang thoải mái tận hưởng sẽ phải chấm dứt ngay lập tức một khi các thiết chế dân chủ của nhà nước và xã hội được hình thành.

Nhưng trong tình hình hiện nay, việc sợ hãi “dân chủ hóa” hay “diễn biến hòa bình” là nỗi sợ thiếu sáng suốt. Trước ngày 26/5/2011, chắc rằng vẫn có nhiều người tin rằng Trung Quốc có thể nuốt chửng cả Việt Nam nhưng vẫn dành cho Đảng Cộng sản Việt nam một chỗ dung thân. Niềm tin (kỳ cục) đó, đã được truyền tụng trong dân chúng bao năm qua bằng câu Đi với Mỹ, mất Đảng. Đi với Tàu, mất nước.”, chắc chắn nay không thể còn khi Trung Quốc đã cắt thẳng vào cáp thăm dò “tiền bạc” của chiếc tàu Bình Minh 2 của Chính phủ Việt Nam (tức cũng là của Đảng Cộng sản Việt nam). Như vậy, tất cả mọi người Việt Nam hiện nay, từ quốc nội đến hải ngoại, từ trong Đảng đến ngoài Đảng, đều phải nhận thấy rõ tất cả đang có một kẻ thù chung là: mộng bá quyền Trung Quốc.

Mà để chống được kẻ thù chung thì không còn con đường nào khác là phải đoàn kết, đoàn kết thực sự giữa mọi tầng lớp nhân dân với chính quyền-một yêu cầu tiên quyết ở mọi thời đại. Nhưng chừng nào người cầm quyền còn e sợ người dân nổi dậy lật đổ mình, chừng nào người khát khao dân chủ còn chưa thể tin được vào người cầm quyền thì chừng đó sự rạn nứt, chia rẽ dân tộc vẫn chưa thể hàn gắn được. Khi đó mọi “đoàn kết dân tộc” do chính quyền khởi xướng sẽ chỉ là những tập hợp lỏng lẻo, thiếu hụt, nhất thời và đầy âm mưu. Chỉ có dân chủ hóa một cách chủ động và từng bước mới có thể xóa dần mọi nghi kỵ giữa các thành phần dân tộc, để tiến tới một “đoàn kết dân tộc” thực sự đủ để chặn đứng dã tâm xâm lược đang ngày càng táo tợn. Lịch sử cũng cho thấy hiểm họa mất nước luôn tạo cơ hội vàng cho những người cầm quyền lập công hiển hách hay đái tội tày đình. Hơn nữa, những kinh nghiệm và hiểu biết của nhân loại cho tới nay đã đủ để cho nhiều người Việt Nam phải hiểu rằng dân chủ hóa không nhằm để tước bỏ quyền lợi của ai mà để tạo ra sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người, không phải để trả thù cho những đau khổ cũ vì sự trả thù chỉ gây khó khăn cho dân chủ. Các cổ xúy cho dân chủ cũng không phải là luận điệu nhằm để gài bẫy các nhà cầm quyền độc đoán bởi dân chủ có những giá trị nền tảng là đàm phán, thỏa hiệp và khoan dung.

Rạn nứt, chia rẽ có thể che đậy được đối với người cùng một nước nhưng là không thể đối với những kẻ có dã tâm xâm lược. Chỉ bốn ngày sau hai cuộc biểu tình “tự phát” vẫn còn âm vang ở hai đầu đất nước, Trung Quốc không chỉ yêu cầu chính quyền Việt Nam phải “nỗ lực” hơn nữa mà còn tiếp tục “cắt cáp”. Nhưng, sự ngang ngược, thách thức của Trung Quốc cũng có cái lý của họ: Còn gì phải đắn đo trước một dân tộc đang bị chia rẽ? Việc gì phải tôn trọng một chính quyền đang e sợ chính đồng bào của nó?

Phạm Hồng Sơn
10/06/2011
.
.
.

No comments: