Thursday, June 2, 2011

CHUYÊN GIA LUẬT BIỂN CỦA VIỆT NAM nói về BIẾN CỐ TÀU BÌNH MINH 02 (GDVN)



PGS.TS.Nguyễn Bá Diến
Thứ năm, 02 Tháng 6 2011 06:46

(GDVN) - Liên quan đến việc tàu hải giám Trung Quốc vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi phỏng vấn PGS. TS. Luật sư Nguyễn Bá Diến – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Có nhiều căn cứ pháp lý để khởi kiện

PV: Thưa PGS, hiện nay có nhiều ý kiến rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế vì những hành vi vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc, mà cụ thể gần đây nhất là hành vi phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN . Xin ông cho biết về thủ tục mà Việt Nam cần thực hiện để tiến hành vụ kiện này?
PGS.TS.Nguyễn Bá Diến: Việc khởi kiện không đơn giản, tuy nhiên chúng ta có thể làm được.
Hiện nay, ở cấp độ toàn cầu có 2 thiết chế tòa án lớn đó là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc và Tòa án Quốc tế về Luật biển theo Công ước Luật biển năm 1982; ngoài ra còn có các thiết chế trọng tài như: Trọng tài Quốc tế và Trọng tài đặc biệt. Nếu Việt Nam khởi kiện thì phải nghiên cứu thẩm quyền, chức năng của các Tòa án này.
Điều quan trọng là cả Việt Nam và Trung Quốc đều phải thừa nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế. Chúng ta phải nghiên cứu trình tự thủ tục tố tụng cũng như thực tiễn xét xử chung và đặc thù của các Tòa án này để vận dụng trong tương lai.
Việc nghiên cứu cần phải được tổ chức bài bản, có đầu tư về nhân lực cũng như về tiền của, có sự đào tạo và tập hợp các chuyên gia về luật biển và pháp luật quốc tế…

PV: Có những căn cứ pháp lý nào nếu chúng ta tiến hành khởi kiện?
PGS.TS. Nguyễn Bá Diến: Chúng ta có nhiều căn cứ pháp lý, trong đó quan trọng nhất là căn cứ vào Hiến chương Liên Hợp Quốc với các nguyên tắc cơ bản như: Nguyên tắc Tôn trọng chủ quyền quốc gia; Nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực; Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình…
Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc này. Biểu hiện cụ thể là: xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, tàu của Trung Quốc đã phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, ngoài ra còn vi phạm các nguyên tắc của Luật Quốc tế năm 1970 của Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN với Trung Quốc năm 2002...
Trung Quốc còn vi phạm thô bạo Công ước Luật biển năm 1982: Trung Quốc là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là quốc gia phê chuẩn Công ước Luật biển, đáng nhẽ Trung Quốc phải là nước gương mẫu tuân thủ Công ước này. Đằng này, Trung Quốc lại vi phạm một cách trắng trợn quyền về chủ quyền của Việt Nam đã được Công ước Luật Biển ghi nhận tại Điều 56 và Điều 77.
Theo Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, Trung Quốc lại vi phạm Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp.
Đồng thời, Trung Quốc cũng đã vi phạm Thỏa thuận chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc mà lãnh đạo hai nước hàng năm có các cuộc tiếp xúc vẫn thỏa thuận với nhau đó là trong mọi tranh chấp: Không làm phức tạp vấn đề mà giải quyết qua đàm phán. Tuy nhiên trên thực tế, Trung Quốc đã “nói một đằng làm một nẻo”.

Đã đến lúc phải hành động quyết liệt

PV: Nếu tham gia vụ kiện này, thì phía Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì thưa PGS ?
PGS.TS. Nguyễn Bá Diến: Như tôi nói là chúng ta phải nghiên cứu các thủ tục, các Luật quốc tế về biển. Việc này không đơn giản, không phải là một số người ngồi đọc văn bản trong 5-7 ngày rồi có thể tiến hành được vụ kiện. Việc nghiên cứu này Trung Quốc làm từ lâu rồi và họ đã có chiến lược hẳn hoi. Họ có đến gần 30 viện nghiên cứu về biển, đầu tư tiền của cho các công trình nghiên cứu khoa học, đầu tư cho các luận văn, luận án về luật biển, kể cả việc đầu tư đưa người ra học tập và công bố luận văn, luận án ở nước ngoài tại các trường đại học danh tiếng…
Chúng ta cũng đã và đang làm nhưng chỉ là mới bắt đầu, mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát của một số các luật gia, luật sư thôi. Chúng ta “đi sau” và gặp nhiều bất lợi nhưng không phải vì thế mà chúng ta “buông tay”.

PV: Theo PGS, Việt Nam nên có cách hành xử như thế nào trước tình hình hiện nay?
Có thể nói rằng, trên thế giới đã xảy ra rất nhiều các cuộc tranh chấp về biển như cuộc tranh chấp giữa các nước ở Biển Bắc, giữa Anh và Argentina, giữa Malaysia và Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc…Tranh chấp Biển Đông là một trong những tranh chấp được coi là phức tạp và dai dẳng nhất trong lịch sử tranh chấp biển đảo của nhân loại, chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Chúng ta phải có giải pháp tổng hợp và đồng bộ, bao gồm tăng cường tiềm lực quân sự, khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học pháp lý, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, đào tạo nguồn nhân lực đủ sức phục vụ chiến lược làm chủ biển đảo của đất nước. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền.
Đã đến lúc chúng ta phải thể hiện một cách bản lĩnh và cương quyết đấu tranh yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt, không tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho phía Việt Nam.

PV: Vừa qua Malaysia phản ứng quyết liệt khi tàu ngư chính của Trung Quốc xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này (họ đã huy động hải quân và máy bay chiến đấu quần đi đảo lại xung quanh tàu Trung Quốc, dùng loa phát thanh tiếng Trung Quốc yêu cầu tàu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền của Malaysia, khiến tàu Trung Quốc phải rút đi. Chúng ta cần làm những gì nữa?
PGS.TS. Nguyễn Bá Diến: Trước mắt, chúng ta có thể sử dụng thiết chế của Liên hợp quốc (Hội đồng Bảo an, Đại Hội đồng) để các tổ chức này có ý kiến phản đối về hành động vi phạm luật quốc tế của phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải đầu tư nhất định và thỏa đáng cho lực lượng hải quân, không quân và các lực lượng hoạt động trên biển để đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, kể cả các hoạt động của ngư dân, doanh nghiệp trên các vùng biển Việt Nam.
Không nhằm chạy đua vũ trang nhưng chúng ta cần phải chú trọng tăng cường sức mạnh chiến đấu, ngăn chặn sự xâm phạm trái phép từ phía nước ngoài trong phạm vi thực hiện quyền tự vệ chính đáng mà pháp luật quốc tế cho phép.
Hữu hiệu và khả thi nhất là sử dụng giải pháp đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao thông qua việc gửi văn bản cho Hội đồng Bảo an (Liên hợp quốc) yêu cầu Hội đồng Bảo an ra nghị quyết về vấn đề này.
Sử dụng giải pháp này, có thể chúng ta sẽ gặp phải lực cản từ phía Trung Quốc với tư cách là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an nhưng việc này sẽ gây ra tiếng vang lớn chứng tỏ Việt Nam dám hành động để bảo vệ chủ quyền quốc gia; đồng thời công khai hóa vụ việc trước dư luận và cộng đồng quốc tế. Đây là điều mà Trung Quốc chưa bao giờ muốn.

PV: Cám ơn PGS.TS về cuộc trao đổi này!

Tuệ Minh



.
.
.

No comments: