Friday, June 3, 2011

CHỦ ĐỀ BIỂN ĐÔNG TẠI ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA (BBC)

BBC
Cập nhật: 14:51 GMT - thứ sáu, 3 tháng 6, 2011

Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 vừa khai mạc tại Singapore với chủ đề Biển Đông được mang ra thảo luận nhưng chưa rõ ở mức độ nào.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, dẫn đầu, đã tới Singapore để tham gia cuộc họp kéo dài ba ngày (03/06-05/06).
Được biết trong đoàn Việt Nam lần này có Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng; Thiếu tướng Vũ Văn Hiển, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Ngô Quang Liên, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; và một số quan chức quốc phòng cao cấp khác.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh dư luận trong nước vô cùng bức xúc trước các vụ gây hấn mới rồi của Trung Quốc trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Việc Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ phản đối vụ tàu hải giám Trung Quốc gây hấn tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam cũng như uy hiếp tàu cá của Việt Nam cho thấy Hà Nội đã không thể im lặng trước các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Như tại những lần diễn đàn trước, Việt Nam được trông đợi sẽ mang tranh chấp Biển Đông ra bàn thảo với các nước liên quan, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đa phương và quốc tế hóa cho tiến trình phức tạp này.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định so với Đối thoại Shangri-La 9, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong đề cập chủ đề Biển Đông.

Ông Tim Huxley, Giám đốc về Phân tích Quốc phòng và Quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies -IISS), cơ quan chủ trì diễn đàn hàng năm này nói với BBC: "Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức".
Tuy nhiên theo ông, nếu các bộ trưởng mong muốn thì họ có thể bàn chuyện an ninh Biển Đông với nhau. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có một phiên họp đặc biệt về chủ đề Giải quyết Tranh chấp Lãnh thổ vào thứ Bảy 04/06.

Việt Nam chủ động
Ngay ngày đầu tiên tại diễn đàn, đoàn Việt Nam đã có tiếp xúc tay đôi với đoàn Trung Quốc để "thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm", chắn chắn có các diễn biến ở Biển Đông.
Lần đầu tiên, Việt Nam cũng sẽ tổ chức họp báo vào sáng Chủ nhật 05/06 để Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh giải thích thêm với giới quan tâm về các điểm trong bài phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh với chủ đề 'Phản hồi trước các Đe dọa An ninh Hàng hải mới'.
Người ta trông đợi cuộc họp báo sẽ nặng về tình hình an ninh ở Biển Đông.

Ông Andrei Chang, chủ biên tờ tạp chí Quốc phòng Kanwa, nhận xét đây là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để cất tiếng nói của mình.
"Họ (Việt Nam) đã thường xuyên khôn khéo sử dụng các diễn đàn quốc tế để thúc đẩy cho lợi ích của mình tại Biển Đông."
Thế nhưng, ông cảnh báo thực hiện điều này tại Đối thoại Shangri-La 10 không dễ.

Trong bài diễn văn khai mạc diễn đàn tối thứ Sáu, Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Mohd Najib Tun Abdul Razak chỉ đề cập một cách chóng vánh tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, gọi đây là vấn đề "vô cùng phức tạp".
Ông nói các bên liên quan nhìn chung đã "rất kiềm chế", kêu gọi tìm giải pháp hòa bình và không để bất đồng leo thang.
Thủ tướng Malaysia cũng bày tỏ hy vọng như mọi lần rằng Trung Quốc và Asean sẽ tiến tới một cơ chế pháp lý chặt chẽ hơn cho tranh chấp Biển Đông, thế nhưng lại nói ông quyết tâm để quan hệ song phương giữa Malaysia và Trung Quốc không bị ảnh hưởng.
Giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương là điều mà Việt Nam luôn phản đối.

Mỹ không còn ráo riết?
Một điểm bất lợi khác nữa cho Việt Nam trong diễn đàn lần này có thể là thái độ của Hoa Kỳ, mà các nhà bình luận nói không còn mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông như hồi năm ngoái.
Năm 2010, nhiều quan chức cao cấp nhất của Mỹ đồng loạt khẳng định "quyền lợi quốc gia" của nước này trong vấn đề an ninh hàng hải ở khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Đối thoại Shangri-La 9 có bài phát biểu thể hiện quan tâm cao độ của Hoa Kỳ tới khu vực Biển Đông, "nơi quan ngại đang gia tăng", và khẳng định rằng quyền lợi kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ gắn chặt với khu vực.
"Nước Mỹ đang và sẽ luôn luôn là một cường quốc Thái Bình Dương".
Thái độ của Mỹ đã khiến quan chức quốc phòng Trung Quốc đứng lên phản bác ông Gates ngay tại cuộc họp.
Nhưng năm nay, quan hệ quốc phòng Mỹ-Trung đã được cải thiện. Cũng ông Robert Gates trước khi tới Singapore lần này đã bày tỏ mong muốn có đối thoại rộng mở hơn với quân đội Trung Quốc.
Trong khi Hoa Kỳ có thể sẽ không lớn tiếng về Biển Đông như năm ngoái tại Đối thoại Shangri-La, thì Trung Quốc ngược lại đã cử một đoàn cấp cao nhất từ trước tới nay tới dự cuộc họp.
Lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt cùng đoàn đại biểu hùng hậu tham dự diễn đàn Singapore và ông Lương sẽ có bài phát biểu về hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc.
Đoàn Trung Quốc cũng đã có tiếp xúc với đoàn Mỹ ngay chiều thứ Sáu.

Được bắt đầu từ năm 2002 và tổ chức hàng năm, Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies -IISS), trụ sở chính tại London, chủ trì.
Đối thoại Shangri-La tuy là sự kiện không chính thống nhưng có tầm quan trọng lớn vì là cơ hội hiếm có cho các bộ trưởng quốc phòng các quốc gia trong khu vực gặp gỡ và trao đổi ý kiến; và các phát biểu tại diễn đàn luôn được trích dẫn rộng rãi như quan điểm của các nước.

------------------------------

By Patrick Cronin
The Diplomat  -  May 29, 2011
.
.
.


No comments: