Monday, June 20, 2011

CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG : CÁI CỚ ĐỂ DOANH NGHIỆP "ÉP" NGƯỜI LAO ĐỘNG (Hoàng Quân)




Hoàng Quân
Thứ hai, ngày 20 tháng sáu năm 2011

VH- Chính sách quy định hiện hành vàcả trong Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về tiền lương không những chưa đảm bảo được cuộc sống của người lao động, mà còn là cái cớ để doanh nghiệp vin vào đó “ép” người lao động tăng ca với mục đích nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhưng thực chất, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người lao động.

Lợi cho người sử dụng lao động
Chính thức có hiệu lực thi hành từ năm 1995, Bộ luật Lao động hiện hành đã qua ba lần sửa đổi và bổ sung vào các năm 2002, 2006 và năm 2007. Tuy nhiên, tại hội nghị về Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) do Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam vừa tổ chức tại TP.HCM, các đại biểu cho rằng cả Luật Lao động hiện hành và Dự thảo tồn tại rất nhiều bất cập, trong đó có chính sách về tiền lương, giờ làm thêm…

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai lý giải, chính sách tiền lương trong dự thảo Luật sửa đổi không khác gì so với quy định của luật hiện hành. Theo ông Tịnh, quy định như vậy quá lợi cho doanh nghiệp, vì tiền lương tối thiểu quy định theo vùng luôn ở mức thấp và không đảm bảo được cuộc sống của người lao động.

Doanh nghiệp không trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu, nhưng cũng sẽ không trả lương cao cho người lao động, mà để người lao động nếu muốn nâng cao thu nhập thì không còn cách nào khác là phải tăng ca. Đây chính là cái cớ để doanh nghiệp ép người lao động làm thêm giờ, vì thật ra không một người lao động nào muốn tăng ca, ngược lại họ muốn được nghỉ ngơi, giải trí để tái tạo sức lao động.

Ông Nguyễn Duy Vy, Tổng LĐLĐ VN cho biết: Luật Lao động hiện hành quy định doanh nghiệp không được tăng ca quá 200 giờ/năm đối với người lao động, nhưng tất cả các cuộc thanh tra của đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy không doanh nghiệp nào thực hiện đúng quy định này, hầu hết các doanh nghiệp đều tăng giờ làm thêm vượt xa con số 200 giờ.

Trong khi đó, các chế tài xử phạt hiện nay không có tác dụng răn đe đối với những doanh nghiệp vi phạm.

Các đại biểu cho rằng, Dự thảo luật tăng quy định giờ làm thêm lên không quá 36 giờ/tháng là quá cao, như thế là “mảnh đất màu mỡ” để doanh nghiệp bóc lột sức lao động của người lao động. Bởi suy cho cùng, việc tăng ca chủ yếu mang lại lợi ích cho người sử dụng lao động; thiệt hại vẫn thuộc về người lao động, nhất là lao động nữ, vì họ không có điều kiện để tái tạo sức lao động…

Vì thế, vấn đề tiền lương phải được quy định hợp lý hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, không tạo kẽ hở để doanh nghiệp chèn ép người lao động tăng ca.

Nhiều vấn đề chưa được đề cập
Dự thảo Luật Lao động sửa đổi có 275 điều, tăng 54 điều so với luật hiện hành, trong đó có 90 điều mới, 103 điều được sửa đổi và 82 điều giữ nguyên. Ông Lê Đình Quảng – TLĐLĐ Việt Nam cho biết, Dự thảo luật có nhiều cái mới như: tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, không cho phép đình công về quyền mà chỉ có đình công về lợi ích… Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được quy định cụ thể như vấn đề cho thuê lại lao động.

Theo ông Quảng, đây là vấn đề mới phát sinh từ sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Dù luật hiện hành chưa có quy định nào cho phép dịch vụ này hoạt động, nhưng trên thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã hoạt động ở loại hình cho thuê lại lao động. Thế nhưng Dự thảo luật cũng chưa có những quy định, điều chỉnh vấn đề nói trên.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa băn khoăn, việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, nhưng Dự thảo vẫn còn nằm trong vòng luẩn quẩn giữa các quy định, chẳng hạn như quy định về đình công.

Ông Hải phân tích, giữa quyền và lợi ích không thể phân biệt rạch ròi được, hai vấn đề này luôn đan xen hài hòa, không thể tách rời nhau. Vì vậy, Dự thảo luật không nên cóquy định rõ ràng đình công về quyền và đình công về lợi ích, để tránh những nhầm lẫn trong xác định đâu là cuộc đình công của người lao động hợp pháp và bất hợp pháp.
Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến vào tháng 10.2011.

Hoàng Quân

.
.
.

No comments: