Saturday, June 11, 2011

CHIẾN LƯỢC MỞ RỘNG TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG QUỐC (QĐND)



QĐND
Thứ Bẩy, 11/06/2011, 21:1 (GMT+7)

QĐND – Thế kỷ XXI đánh dấu sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo dự đoán, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước có GDP cao nhất thế giới. Sự lớn mạnh của Trung Quốc làm cộng đồng thế giới có thể hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn nhưng đồng thời cũng phải đối phó với những thách thức không nhỏ của một đất nước đang vươn rộng ra ngoài, đòi hỏi có không gian chiến lược cho sự phát triển của mình.

China Daily, một tờ báo chính thống của Trung Quốc, ngày 8-6-2011 đã nêu rõ: Tranh chấp Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Trung Quốc bởi hai lý do. Thứ nhất, Trung Quốc là nước lớn nhưng chưa phải là một siêu cường biển. Mặc dù có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế rộng, bờ biển đất liền và đảo dài nhưng phần đóng góp của biển với GDP còn nhỏ. Chỉ với một số ít các đảo đang tranh chấp nằm dưới sự kiểm soát của mình, Trung Quốc không có đường để nối biển với đại dương. Thứ hai, không có một lực lượng hải quân mạnh và sự chú trọng các quyền lợi biển, Trung Quốc vẫn ở vị thế không thuận lợi. Muốn trở thành một siêu cường có ảnh hưởng, Trung Quốc buộc phải chuyển từ “cường quốc đất liền” sang “siêu cường biển”.

Và tranh chấp Biển Đông là phép thử thực tế cho việc đạt được mục tiêu đó. Mở rộng tranh chấp, biến vùng biển của nước khác từ xưa đến nay không có tranh chấp thành vùng biển tranh chấp là phương thức tốt nhất để kiểm soát chiến lược toàn Biển Đông, bao gồm tài nguyên sinh vật và không sinh vật cũng như các đảo, đá, bãi cạn. Để đạt được mục đích đó, Trung Quốc đã không ngại tiến hành những chính sách mà người ngoài cho là lạ lùng, trái ngược, khó hiểu. Trong quá trình tiến xuống Biển Đông, Trung Quốc bao giờ cũng sử dụng chiêu thức lớn tiếng đòi hỏi chủ quyền, gây xung đột, củng cố dần trên thực địa nhằm mở rộng vùng biển tranh chấp, ép buộc đối phương chấp nhận những đề nghị có lợi cho mình, tạo thời cơ hoàn thiện việc củng cố chủ quyền và các quyền lợi trên biển, biến vùng biển tranh chấp thành vùng biển của mình.

Cuối thế kỷ XIX, bản đồ, sách sử và dư địa chí Trung Quốc đều ghi “Hải Nam là cực Nam của lãnh thổ Trung Hoa”. Năm 1909, Đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ chớp nhoáng lên quần đảo Hoàng Sa đã có chủ quyền của Việt Nam. Công hàm của Phái đoàn Ngoại giao Trung Quốc tại Pa-ri năm 1932 mới tuyên bố yêu sách “Tây Sa tạo thành cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc”. Tới cuối những năm 1940, Trung Quốc lại sửa cực Nam của đất nước ở “Nam Sa là điểm tận cùng phía Nam của lãnh thổ Trung Quốc”. Cuối những năm 1950, Trung Quốc lẳng lặng in bản đồ đường chữ U liền đoạn, rồi 11 đoạn và sau cùng 9 đoạn yêu sách các đảo đá, quần đảo trong Biển Đông. Chính quyền Đài Loan cũng lẳng lặng lợi dụng sau chiến tranh thế giới thứ hai để chiếm phần phía Đông quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.

Năm 1974, Trung Quốc đã hoàn thành việc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực. Năm 1996, Trung Quốc lại vẽ đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa theo phương pháp đường cơ sở cho quốc gia quần đảo, làm bàn đạp mở rộng tiếp các vùng biển yêu sách từ đường cơ sở đó. Một con đường cơ sở ôm lấy một vùng biển rộng lớn 17.000km2 trong khi diện tích đảo nổi chưa đến 10km2.

Năm 1988, CHND Trung Hoa lần đầu tiên đặt chân lên quần đảo Trường Sa. Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò dầu khí rộng 25.000km2 với Công ty Mỹ Crestone trên thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc tự nhận là vùng biển Trung Quốc trên thềm lục địa của nước khác. Vấp phải sự phản đối của Việt Nam, Bắc Kinh đưa ra công thức “gác tranh chấp cùng khai thác” trên khu vực bãi Tư Chính nhưng đã không được chấp nhận. Tuy nhiên, Trung Quốc không từ bỏ ý định biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp trên Biển Đông.

Tháng 5-2009, Trung Quốc lần đầu tiên đưa yêu sách đường lưỡi bò ra trước công chúng, trước Liên hợp quốc với lý lẽ rằng con đường này là đường lịch sử đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi và toàn bộ các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, thậm chí đến cả các bãi chưa từng nổi lên cũng như các vùng nước liên quan, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển trong phạm vi con đường này thuộc quyền quản hạt của Trung Quốc. Trên thực tế, không có một văn bản nào của các Hội nghị luật biển của Liên hợp quốc có nhắc đến con đường này. Thế giới cũng không chấp nhận một yêu sách vùng nước lịch sử rộng bằng 80% diện tích Biển Đông như vậy. Một con đường đứt đoạn, vẽ tùy ý, không tọa độ sao có thể là một ranh giới biển được cộng đồng quốc tế thừa nhận? Khái niệm “vùng nước liên quan” cũng chỉ là sản phẩm riêng của Trung Quốc, không có trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngay sau khi Trung Quốc lưu chiểu tấm bản đồ này lên Liên hợp quốc, Việt Nam, Ma-lai-xi-a và sau đó là Phi-líp-pin đã lên tiếng phản đối. Các nước không liên quan như In-đô-nê-nê-xi-a, Mỹ cũng đều phê phán tính vô lý của “Đường đứt khúc 9 đoạn”. Để dễ bề mở rộng tranh chấp, Trung Quốc lại đưa ra khái niệm “lợi ích cốt lõi” làm cộng đồng quốc tế và khu vực lo ngại. Trước sự phản ứng của thế giới, họ lại thanh minh không nói điều đó. Ngày 14-4-2011, Trung Quốc lại đưa ra lập luận mới, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra yêu sách theo ngôn ngữ của luật biển quốc tế. Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ đường lưỡi bò. Họ vẫn tiếp tục dùng cả đường lưỡi bò và luật biển khi cần thiết và để bổ trợ cho nhau.

Thực chất, đường lưỡi bò giống như một chủ trương yêu sách lớn của Trung Quốc làm thế mặc cả cho những đàm phán giải quyết sau này. Càng mở rộng vùng tranh chấp vào sâu lãnh thổ hay vùng biển đối phương càng có lợi thế để mặc cả. Các nước có tranh chấp với Trung Quốc chẳng lấy gì làm lạ với chiến thuật “biến không thành có” này của Bắc Kinh. Trung Quốc cố tình đưa ra những tuyên bố mập mờ, lấy sự không rõ ràng làm cơ sở bào chữa cho các hành động vi phạm luật quốc tế của mình.

Bước thứ hai của chiến lược “mở rộng vùng tranh chấp” là tạo cớ, gây sức ép với các nước lân cận để khẳng định trên thực tế đường lưỡi bò của Trung Quốc. Đây là lý do vì sao gần đây Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quấy rối. Từ việc đơn phương thiết lập lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông hằng năm từ 15-5 đến 31-8 tới các hoạt động cản trở tàu thuyền Việt Nam và Phi-líp-pin, hay hoạt động dùng tàu ngầm đặt quốc huy dưới đáy biển Bãi cạn Tăng Mẫu gần Ma-lai-xi-a đầu năm 2011. Các hoạt động này đều có một điểm chung là nằm trên ranh giới của “đường lưỡi bò”.

Trung Quốc mong muốn dưới sức ép của “cây gậy”, các bên hữu quan sẽ phải chấp nhận “củ cà rốt” họ đưa. Đó là chủ trương “chủ quyền tại ngã, gác tranh chấp cùng khai thác”. Chủ trương này theo website chính thức Bộ Ngoại giao Trung Quốc gồm 4 yếu tố: 1) Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc; 2) Khi điều kiện chưa chín muồi để có giải pháp cho tranh chấp chủ quyền, đàm phán về chủ quyền có thể hoãn lại để có thể gác tranh chấp sang một bên. Gác tranh chấp không có nghĩa từ bỏ chủ quyền. Nó chỉ là gác tranh chấp lại chờ thời gian thích hợp; 3) Khai thác chung các vùng lãnh thổ liên quan; 4) Mục đích của khai thác chung là nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện cho giải pháp cuối cùng về chủ quyền lãnh thổ.

Như vậy “gác tranh chấp cùng khai thác” của Trung Quốc thực chất chỉ để phục vụ cho điều kiện thứ nhất “Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc”. Chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác”, tức chấp nhận yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh. Điều kiện chín muồi ở đây là thời điểm Bắc Kinh đủ sức để kiểm soát toàn bộ các vùng biển và lãnh thổ này trong phạm vi đường lưỡi bò. Trong khi chờ đợi điều kiện chín muồi này thì các bên cùng khai thác, tức là Trung Quốc có quyền ngang hàng với nước chủ nhà trong thăm dò, khai thác và quản lý các tài nguyên của họ. Khu vực gác tranh chấp cùng khai thác chỉ được đề xuất trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của nước khác mà Bắc Kinh chưa thể và không thể kiểm soát. Khu vực gác tranh chấp cùng khai thác không được Bắc Kinh chấp nhận ở những nơi họ đã giành được quyền kiểm soát một cách phi pháp như Hoàng Sa và một số khu vực ở Trường Sa. Đường lưỡi bò và gác tranh chấp cùng khai thác là hai yếu tố cấu thành của một chủ trương lớn độc chiếm Biển Đông. Các hành động mạnh bạo vừa qua dường như là thể hiện ý chí của Trung Quốc áp đặt cho các nước xung quanh Biển Đông chấp nhận công thức đó.

Thực hiện chiến thuật “biến không thành có”, biến các vùng biển không tranh chấp của nước khác thành vùng biển tranh chấp, thông qua các hành động khiêu khích, gây hấn nhằm vào các nước láng giềng và đe dọa cả lợi ích hàng hải của các nước khác không mang lại kết quả nào tốt đẹp cho Trung Quốc. Ỷ vào sức mạnh không phải là đạo lý. Đưa ra các yêu sách vô lý, trái với luật pháp quốc tế nhằm chiếm đoạt biển, đảo của các nước láng giềng khác, không phải là chính nghĩa. Đe dọa sử dụng vũ lực ở biển Đông là đi ngược lại xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực và thế giới, làm cho môi trường khu vực và quốc tế mất ổn định. Trung Quốc đang tự đánh mất hình ảnh tốt đẹp “phát triển hòa bình” dày công vun đắp bao năm nay.

Trung Quốc cần kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, nỗ lực đàm phán với các nước liên quan, tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Có như vậy, Giấc mộng Trung Hoa, được khởi xướng từ Tôn Trung Sơn, về Trung Quốc có bốn nhất: Mạnh nhất thế giới, giàu nhất thế giới, nền chính trị tốt nhất thế giới, dân chúng hạnh phúc nhất thế giới, mới có thể trở thành hiện thực.

Việt Long

.
.
.

No comments: