Wednesday, June 1, 2011

CHIẾN LƯỢC CHUỖI HẠT TRAI & NHỮNG Ý ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC (Christina Lin)

Tác giả: Christina Lin*
Bài đã được xuất bản.: 01/06/2011 05:00 GMT+7

Khi Trung Quốc gia tăng sự hiện diện kinh tế, thì các nhà hoạch định quân sự của họ cũng không ngừng gia tăng các tham vọng.

Cuộc tập trận Đại bàng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh nỗ lực tìm kiếm các đối tác chiến lược tiềm năng của Trung Quốc khi nước này ngày càng phát triển tầm vóc và mong muốn trở thành một người “tạo quy tắc” trong các công việc chính trị toàn cầu, chứ không đơn thuần là người “đi theo quy tắc”. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại chứng tỏ khả năng mang những quan điểm khác nhau lên bàn nghị sự về các vấn đề tồn tại trong khu vực liên quan tới Iran, Iraq và cả Palestine. Khi những tham vọng của Trung Quốc về ảnh hưởng địa chính trị, địa kinh tế ở Trung Á, Balkan và Trung Đông gia tăng, Bắc Kinh đã xem Thổ Nhĩ Kỳ là một cửa ngõ tiềm năng dẫn tới những khu vực này.
Trung Quốc cũng đang tiến hành chính sách ngoại giao đồng đô la ở láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 6/2010, tập đoàn đóng tàu quốc doanh Trung Quốc COSCO đã nắm quyền quản lý và kiểm soát hoạt động của một cầu tàu chính ở cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp với hợp đồng trị giá 2,8 tỉ bảng để thuê cầu tàu và quản lý hai cảng container trong 35 năm tới. COSCO còn đang xây dựng một cầu tàu mới để phục vụ các tàu lớn hơn và tăng gấp ba lượng hàng hóa mà cảng có thể đáp ứng. Để Hy Lạp kiểm soát 1/5 đội thương thuyền thế giới và là khách hàng lớn nhất với các xưởng đóng tàu Trung Quốc, nỗ lực này là nhằm thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc với các thị trường mới nổi quanh vành đai Biển Đen và Địa Trung Hải. Những thỏa thuận khác bao gồm việc trao đổi giữa Công ty Công nghệ Huawei Trung Quốc với hãng viễn thông OTE của Hy Lạp cũng như kế hoạch mua cổ phần trong mạng lưới đường sắt đang chịu áp lực nợ nần OSE, xây dựng một sân bay trên đảo Crete, và một trung tâm hậu cần ở phía bắc Athens.

Bằng cách này, Trung Quốc đã tạo ra một mạng lưới cầu cảng, trung tâm hậu cần, đường sắt để phân phối hàng hóa của họ tới và đi qua châu Âu – một kiểu của Con đường Tơ lụa hiện đại. Khi Trung Quốc gia tăng sự hiện diện kinh tế, thì các nhà hoạch định quân sự của họ cũng không ngừng gia tăng các tham vọng. Ngoài việc đầu tư vào hệ thống ống dẫn, đường bộ, đường sắt trên đất liền thông qua khu vực Caspia, Trung Quốc còn hỗ trợ kinh tế cho Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan và Hy Lạp, hình thành nên cái gọi là một phần trong chiến lược Chuỗi hạt trai của quân sự, nhằm đảm bảo dòng chảy tự do cho năng lượng và thương mại trong khả năng xảy ra một cuộc xung đột Đài Loan và sự phong tỏa của hải quân Mỹ.

Quân sự hiện diện mạnh mẽ

Chiến lược Chuỗi hạt trai: Trung tâm của cách tiếp cận này là thiết lập chỗ đứng Trung Quốc với ảnh hưởng quân sự hoặc địa chính trị dọc theo vùng duyên hải Ấn Độ Dương và tới vịnh Ba Tư cũng như Địa Trung Hải. Những yếu tố cần thiết để thực hiện một chiến lược như vậy gồm:
- Giành quyền tiếp cầu cảng và sân bay: Điều này có thể được thực hiện bằng cách xây dựng những cơ sở mới hoặc thiết lập quan hệ gần gũi với các quốc gia đã sở hữu những cơ sở chủ chốt. Trong một số trường hợp, để đảm bảo quyền tiếp cận này sẽ cần phải hỗ trợ mạnh mẽ việc xây dựng các cơ sở mới ở những quốc gia khác với sự ngầm hiểu rằng, chúng sẽ sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.
- Tăng cường quan hệ ngoại giao: Điều này để đảm bảo rằng các lộ trình đường không và đường biển luôn rõ ràng và thường đi kèm bởi những thỏa thuận thương mại và xuất khẩu cùng có lợi. Việc đảm bảo một chuỗi hạt trai phụ thuộc vào sự liên kết hàng loạt địa điểm khác nhau thì điểu quan trọng là cần chắc chắn rằng, từng hạt trai được an toàn khỏi bất cứ mối đe dọa tiềm năng nào từ các nước láng giềng.
- Hiện đại hóa lực lượng quân sự: Một đội quân hiện đại có thể hoạt động hiệu quả hơn để nắm giữ từng hạt trai khi cần thiết.

Chuỗi hạt trai mà Bắc Kinh thiết lập trong những năm gần đây nằm dọc theo các tuyến đường biển từng được sử dụng nhiều thế kỷ trước để kết nối Trung Quốc với Lòng chảo Địa Trung Hải, cụ thể là chúng đang mở rộng từ bờ biển Trung Quốc đại lục xuyên qua Biển Đông, Eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương và tới Biển Ảrập cũng như Vịnh Ba Tư. Chế độ này đang xây dựng những mối quan hệ và phát triển sự hiện diện hải quan dọc theo các tuyến đường biển kết nối Trung Quốc với Trung Đông. Các hạt trai trong chuỗi ấy cụ thể gồm:
- Nâng cấp các cơ sở quân sự ở đảo Hải Nam
- Xây dựng các giàn khoan dầu và tàu thăm dò đại dương ở Biển Đông
- Kênh đào Kra ở nam Thái Lan, kết nối Biển Đông với Ấn Độ Dương
-Các cơ sở thu thập thông tin trên đảo Great Coco gần Eo biển Malacca
- Một cảng nước sâu đang xây dựng tại Sittwe, Myanmar
- Một cơ sở vận chuyển container ở Chittagong, Bangladesh
- Đề xuất xây dựng hành lang vận chuyển Irrawaddy, sẽ kết nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Vịnh Bengal thông qua Myanmar
- Cảng Hambantota ở Sri Lanka
- Khả năng mở rộng hệ thống đường ống IPI thông qua Islamabad và qua quốc lộ Karakoram tới Kashgar ở tỉnh Tân Cương, nhằm vận chuyển dầu vào Trung Quốc.
- Một căn cứ hải quân đang xây dựng ở Gwadar, Pakistan
- Nâng cấp các cơ sở ở Cảng Sudan, đảm bảo sự tiếp cận sống còn tới Kênh đào Suez và Vùng Sừng châu Phi.

Trung Quốc còn coi cảng Piraeus của Hy Lạp là một hạt trai mới ở Địa Trung Hải, và đang cân nhắc động thái tương tự ở Yemen – một hạt trai tiềm năng tại Vịnh Aden. Vào ngày 9/8/2010, tàu khu trục Quảng Châu và tàu khu trục nhỏ Sào Hồ của Trung Quốc đã dừng chân ở Piraeus sau các sứ mệnh hộ tống tại Vịnh Aden. Sau đó, một cuộc gặp hôm 24/8 tại Bắc Kinh giữa chỉ huy lực lượng không quân Hy Lạp Vasileios Klokozas và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, nhằm mục tiêu tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự.
Trước đó, tháng 12/2009, Chuẩn Đô đốc Chu Ân đã bày tỏ mong muốn của Bắc Kinh trong việc thiết lập một căn cứ không quân lâu dài ở Vịnh Aden/Biển Ảrập, nơi Trung Quốc đang tham gia các nỗ lực chống cướp biển để bảo vệ các tàu vận chuyển dầu của họ từ châu Phi. Các tàu chiến Trung Quốc cũng sử dụng nhiều cảng ở Oman, Yemen và Djibouti để tiếp tế, nhưng Djibouti là thành lũy chính của NATO và Oman được coi nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ. Vì thế, Trung Quốc đang “nhắm” cảng Aden của Yemen. Những cuộc cập cảng và cách tiếp cận chuỗi hạt trai của Trung Quốc khiến nhiều nhà phân tích đưa ra sự so sánh với hành trình đội tàu của Đô đốc Trịnh Hòa tới Bán đảo Ảrập. Nó báo hiệu sự gia tăng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc một lần nữa.

Chiến lược cơ sở hạ tầng trên đất liền

Khi Trung Quốc gia tăng hiện diện hải quân dọc theo vùng duyên hải Ấn Độ Dương, thì họ cũng tăng cường những dấu chân quana sự trên đất liền bằng cách triển khai quân đội (PLA) và cảnh sát (PAPF) chịu trách nhiệm giám sát và bảo vệ các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng. PAPF là một thành phần của lực lượng vũ trang Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của cả Hội đồng Nhà nước và Quân ủy Trung ương. Cả PLA và PAPF đều tích cực tham gia vào các dự án xây dựng trong lĩnh vực năng lượng (gồm cả thủy điện), vận tải, và thông tin liên lạc, xây dựng trường học, bệnh viện, sân bay, nhà máy điện, đường cao tốc, các cơ sở thủy lợi và truyền dẫn truyền hình. Ví dụ, ở châu Phi, Trung Quốc đã sử dụng các dự án ấy như một nền tảng để thiết lập quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khác, bao gồm cả tăng cường quan hệ quân sự xuyên lục địa. Cách tiếp cận này – sự mở rộng chiến lược Những Sứ mệnh lịch sử mới năm 2004 của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào – cũng đang được “nhân bản” ở Trung Á-Âu và Trung Đông. Ví dụ tại Afghanistan và Iraq, Trung Quốc đã triển khai quân đội để đảm bảo các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng của họ. Hơn thế nữa, PLA và PAPF còn đang đào tạo binh lính Afghanistan và Iraq tại các căn cứ PLA ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô.

Bắc Kinh cũng được cho là đã triển khai vài nghìn quân tới Kashmir, nơi Ấn Độ quan ngại rằng, PLA đang xây dựng các dự án đường bộ, đường sắt ở vùng núi Karakoram để kết nối với cảng Gwadar của Pakistan. Ngày 2/12/2010, các đại diện từ Bộ Thương mại, bộ ngoại giao Trung Quốc, khu tự trị Tân Cwong và Tập đoàn Xây dựng và Chế tạo Tân Cương (PCC) đã tham dự cuộc họp lần thứ 14 của Uỷ ban Hợp tác Trung Quốc – Pakistan về Kinh tế, Thương mại và Công nghệ tại Islamabad. Tại đây, họ đã thảo luận về các dự án lớn như đường cao tốc Karakoram, cảng Gwadar và khai thác mỏ Duddar. PCC là tổ chức bán quân sự đảm nhận nhiệm vụ khai hoang, sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế đặc biệt là với các dự án vận tải lớn (cao tốc, đường sắt, sân bay), các dự án cơ sở hạ tầng nước và dầu khí.

Tóm lại, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược sắp xếp lại các lộ trình cung cấp năng lượng trên đất liền nhằm tránh rủi ro hàng hải bằng cách đầu tư vào cầu cảng như Gwadar ở Pakistan, cùng với sự phát triển nhanh chóng những dự án đường bộ, đường sắt, hệ thống ống dẫn. Bắc Kinh cũng hy vọng xây dựng hệ thống ống dẫn để đưa khí đốt Iran tới các tỉnh phía tây Trung Quốc. Và khi một mạng lưới đường sắt cao tốc hoàn thành, Trung Quốc có thể vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía đông của họ tới Gwadar ở ngay cửa Vịnh Ba Tư trong khoảng 48 tiếng.

* Christina Lin, chuyên gia về các vấn đề an ninh năng lượng, học thuyết quân sự Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc và Trung Đông cũng như các vấn đề khác đã viết bài viết này cho Học viện Washington.

Nguyễn Huy (Theo thecuttingedgenews)
.
.
.

No comments: