Thursday, June 23, 2011

CÁT VÀNG, CÁT DÀI (Viên Linh)


Cát Vàng, Cát Dài
Viên Linh
Wednesday, June 22, 2011 7:04:18 PM

(Bài phát biểu của nhà thơ Viên Linh trong Lễ Cầu Nguyện Hòa Bình và Dân Chủ cho Việt Nam do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tổ chức, Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009, tại chùa Huệ Quang, Westminster, California.)

Không phải là chuyên gia về địa dư lãnh hải, hay chuyên gia về luật biển quốc tế, nên tôi xin giới hạn đề tài trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, là Hoàng Sa và Trường Sa trong lòng Biển Ðông của người dân Việt Nam; và như thế, người Việt, dù sinh sống, cư ngụ ở đâu trên thế giới, nên suy nghĩ hành sử như thế nào trước các xâm lấn bờ cõi thô bạo và kiêu mạn của đế quốc Phương Bắc?

Bản đồ VN với Ðảo Cát Vàng (chữ Cát Vàng bằng quốc ngữ), Khởi Hành số 66, tháng 4, 2002, in lại từ cuốn L'Impire d'Annam et le Peuple annamite, Felix Alcan, Paris, 1858, thư viện Khởi Hành.

Quí vị có mặt ở đây hôm nay hẳn cũng không chờ đợi để nghe những biện giải có tính kỹ thuật hay chuyên môn về sự xâm lấn của ngoại bang trên những phần đất của tổ quốc ta mà sử sách thế giới, sổ hành trình của các nhà hàng hải năm châu, hay hồ sơ của ông cha ta đã nói đến, đã viết ra, trong những ký sự hay trong những cuốn Sử Ðịa dư-chí từ thế kỷ XVII. Trong tay tôi có tấm bản đồ in ở Calcuta, Ấn Ðộ, từ năm 1838, trên đó không viết tên vùng quần đảo ở ngang Ðà Nẵng, cách Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) hơn 100 hải lý, là Hoàng Sa, mà viết là Ðảo Cát Vàng. Thời ấy, 1838 là thời vua Minh Mạng đầu triều Nguyễn. Tiếc thay càng về sau này, dân ta, đúng ra là chính quyền ta, càng ngày càng bị Hoa hóa, cung điện cũng bỏ xa các kiến trúc Việt mà bắt chước Bắc Kinh, ngôn ngữ cũng rời xa chữ Nôm, tiếng Nam thời Lý Trần, thời Quang Trung Nguyễn Huệ, rồi sặc mùi Tống Nho, đượm mùi nô lệ Phương Bắc càng ngày càng nhiều, từ Cát Vàng chuyển ngược thành Hoàng Sa.

Câu nói tai hại nô lệ nhất là câu “Nôm na là cha mách qué.” Nôm ở đây là gì? Nôm là Nam, tiếng Nôm là phát âm nói trạnh ra của tiếng Nam mà thôi. Chữ Nôm là chữ Nam. Khi dân Nam chê tiếng Nam, thì có khác gì chọn lấy cái tiếng Bắc phương để mà thờ phụng? Họa mất nước bắt đầu từ tinh thần nô lệ văn hóa trước nhất. Họa mất nước tiếp tục bởi cách thức viết chữ Quốc ngữ ABC bắt chước chữ Tầu, ngay ngày hôm nay còn viết chữ Cung Chúc Tân Xuân chẳng hạn trong bốn cái khung nhìn như bốn chữ Hán, cho thế là sang trọng, mà thực sự chỉ là biểu lộ của sự tự ti.

Biển Ðông là của ông cha ta từ 1000 năm trước Tây lịch. Ca dao có từ bao giờ mà ca dao có biết bao nhiêu lần nhắc đến biển Ðông? Tầu ở phương Bắc, nên họ gọi vùng biển gần lãnh thổ nhất của họ là đảo Hải Nam, là Nam Hải, chứ đâu có gọi đó là Biển Ðông? Tên Biển Ðông là do người trong nước phía Tây của biển là người Việt đặt ra. Trong sách Phủ Biên Tạp Lục quyển II, Lê Quý Ðôn (1726-1784) đã viết ra một chuyện liên hệ giữa hai nước, Tầu và Ðại Việt, đặc biệt là giữa Hải Nam và Ðảo Cát Vàng như sau: “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn... Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn... Các thương thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì thấy đảo ấy” (*, * trang 119). “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc-hải, hoặc người thôn Từ-chính ở Bình-thuận, hoặc người xã Cảnh-dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi...” “Hoàng Sa chính gần phủ Liêm châu đảo Hải-nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi [Lê Quí Ðôn] đã từng thấy một đạo công văn của quan Chính-đường huyện Văn-xương Quỳnh-châu gởi cho Thuận-hóa nói rằng: năm Kiền-long thứ 18 có 10 tên quân nhân xã An-vĩnh đội Cát-liềm huyện Chương-nghĩa tỉnh Quảng Ngãi nước An-nam ngày tháng 7 đến Vạn-lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt day thuyền, dạt vào Thanh-lan cảng, quan ở đấy xét thực, trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận-hóa là Thúc Lượng hầu làm thư trả lời.” (**, ** trang 120)

Ðoạn trích dẫn trên cho thấy hai nước đã có văn thư trao đổi thời Càn Long, mấy trăm năm trước, Hoàng Sa không hề thuộc về Tàu bao giờ, như sự bịa đặt của họ sau này, và như hiện nay.

Biển Ðông là vùng biển không những ở phía Ðông, dài khoảng 4,000 cây số dọc bờ biển nước ta, mà Biển Ðông còn là vùng biển được đắp nên bởi phù sa Sông Hồng, bởi phù sa Sông Mã từ Bắc vào Nam, còn những dòng sông, những cửa biển danh tiếng như sông Ðáy, sông Lam, cửa Hới của Hội, những Quảng Bình Quảng Trị, những cửa Nhật Lệ cửa Việt, Huế có cửa Thuận An, Nha Trang có Cam Ranh, tất cả đổ ra biển Ðông... Bên ngoài Ðà Nẵng là đảo Cát Vàng, bên ngoài Bình Thuận Bà Rịa là quần đảo Cát Dài, có tên khác là Trường Sa. Tài sản của Biển Ðông đã từ lâu nằm trong ca dao của dân Việt:

Thuận vợ thuận chồng
Tát Biển Ðông cũng cạn.

Những câu ca dao, phương ngữ, tục ngữ không phải chỉ một năm một tháng mà thành. Phải cả đời, và khi nó được truyền tụng qua các đời sau, nó đã tồn tại vì đã chỉ minh chứng được bằng thực tế. Vì không có sự viển vông nào tồn tại được lâu. Nhưng thực tế còn ở lại mãi, dù chỉ ở lại trong lòng người.

Ðó là vài nét về đảo Cát Vàng và Cát Dài trong sử sách trong ca dao. Ðảo Cát Vàng đã hoàn toàn năm trong tay Trung Cộng từ 1974; còn quần đảo Trường Sa, nơi phía Nam, hiện có tới năm bảy nước đang tuyên bố chủ quyền, chứ không phải chỉ có Tầu Cộng ở lục địa, và Tầu Tưởng ở Ðài Loan. Tầu nào thì cũng là Tầu, mèo nào thì cũng là mèo, dù mèo mun hay mèo bạch tạng.

Trong sách Chu Tri Lục, nhà cách mạng Lý Ðông A đã thuật lại rằng ông Tôn Dật Tiên, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 coi Việt Nam là một tỉnh của Tàu. ***

Những nước kia là Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương... một vùng tranh chấp quốc tế có hứa hẹn nhiều xung đột về sau, một khi mỏ dầu ở Trường Sa có triển vọng được khai thác. Nhưng dù thế nào, hai quần đảo ấy là hai miếng mồi con mèo tham lam muốn nuốt trọng càng nhanh càng tốt. Mà với nó, không chỉ có hai: từ 1974 đến nay, đã có bao nơi, đất và biển, núi non và đồng bằng, đã hay đang bị nó cắn xé? Sao lại chỉ nhớ tới Hoàng Sa và Trường Sa?

Xin cho tôi được nhớ tới và nhắc nhở thêm: Thế còn Ải Nam Quan? Còn chăng? Thế còn Núi Lão Sơn ở Hà Tuyên, nơi chỉ một ngày TC giết 3,700 bộ đội miền Bắc vào năm 1984? **** Còn chăng? Thế còn Thác Bản Giốc? Còn chăng? Tôi nghe nói trong Tết Kỷ Sửu vừa qua, một phái đoàn của Hội Nhà Văn Việt Nam, tức là Hà Nội, qua thăm viếng, đúng hơn là qua Lễ Tết các đàn anh nhà văn ở Bắc Kinh, đã được Tầu Cộng có nhã ý chở đi thăm một thắng cảnh du lịch của Trung Quốc. Thưa, họ đã chở phái đoàn nhà văn Việt Nam ở Hà Nội đi thăm Thác Bản Giốc. Tôi nghe nói có nhiều nhà văn lớp trẻ hớn hở quay phim, chụp ảnh; nhưng cũng có đôi mái tóc bạc cúi xuống, ngậm ngùi hay nhục nhã khi được đi thăm chính một góc núi non của đất nước mình, trong tay người. Và Vịnh Bắc Việt, nơi vào năm 2000, Hà Nội đã bán cho TC 44% hải phận. Và bây giờ thì đáng kinh hoàng hơn: DakNông, vùng cao nguyên xương sống của đất nước, nơi nghe nói cả vạn quân Tầu sẽ qua khai thác quặng nhôm Bô-xít. Tôi cũng nghe nói Bắc Kinh bảo Hà Nội: họ muốn Cà Mau là vùng đất để người Tầu lui tới không cần giấy thông hành.

Bây giờ đây, chúng ta phần lớn là người tỵ nạn cộng sản, đất nước đang ở trong tay cộng sản, mà lại là cộng sản theo Tầu, dân ta như thế tức là đang ở cái cảnh một cổ hai tròng. Những kẻ cầm quyền trong nước một là không muốn nghe chúng ta nói, hai là không được phép nghe chúng ta nói. Có một số cộng sản theo Nga, và cũng có một số cộng sản muốn theo Âu Mỹ. Những thành phần ngả theo phương Tây bây giờ thường đùa giỡn với nhau bằng cách nhại đi một câu khẩu hiệu cũ: “Thời xưa đúng ra là thời chống Mỹ phá nước, bây giờ là thời phải theo Mỹ cứu nước.” Bởi thế, khi chúng ta nói đến Tầu Cộng, thì ai sẽ chống được Tầu Cộng ở trong nước? Dĩ nhiên không phải là tay sai Tầu; chỉ có dân chúng nghe, và chỉ có những thành phần cán bộ chống Tầu nghe.

Là người tị nạn ở ngoài đất nước, chúng ta không có võ khí không có quân đội nghĩa là không thể lật đổ CSVN bằng quân sự. Vậy chúng ta những người tị nạn chống cộng sản ở ngoài nước, chúng ta có thể làm được gì để đạt được mục đích? Làm sao một người có thể đưa ra được giải pháp. Chỉ xin đề nghị. Chỉ xin đặt câu hỏi. Dù thế nào, mỗi người phải làm phần mình, không nên chờ một anh hùng xuất chúng, một thánh nhân vĩ đại có tài dời non lấp bể. Chắc chắn không có người đó. Chắc chắn chờ đợi vô ích. Chúng ta đã chờ 34 năm rồi, không thấy. Ðồng bào miền Bắc đã chờ 55 năm rồi, không thấy.

Xin làm phần của mình. Xin nghĩ một cách cho riêng mình. Mà dù cách nào, cũng cần khởi đầu và trước hết, đừng nghe những lời rỉ tai yếm thế: cộng sản chiến thắng không phải vì họ có ba đầu 6 tay; cộng sản thắng vì trong chúng ta đã nhiều khi mất cái đầu để suy nghĩ và mất đôi tay để xây dựng, để cái đầu ấy và đôi tay ấy cho kẻ thù sử dụng, hay làm thành vô dụng. Ðừng về Việt Nam giải trí rồi qua lại nước ngoài ca ngợi Việt Nam đã cởi mở hơn xưa. Ca ngợi như thế là đã để mất cái đầu lúc ấy. Ðừng làm việc quần quật ở nước ngoài để rồi mang cả chục ngàn về Việt Nam tiêu pha. Về tiêu phá như thế là đã không dùng bàn tay để xây dựng, mà trái lại. Làm phần của mình là tự giác mà làm, không ai bắt được ta phải làm. Tự giác mà làm thì đừng tâng bốc vợ ông bác sĩ là phu nhân, chồng bà luật sư là phu quân. Cứ giản dị dùng tiếng Việt Nam: bác sĩ X và vợ, luật sư Y và chồng. Nếu viết ra được chữ Nho, dùng 2 tiếng phu nhân, phu quân còn khả dĩ, gia dĩ mặt chữ không biết, mà miệng thì cứ nói, còn đáng hổ thẹn hơn.

 Chống giặc xâm thực mà vẫn mua bán sản vật của giặc, vẫn ham nói ngôn ngữ của giặc, vẫn tự mình làm nô lệ cho giặc, dù nô lệ những cái nhỏ nhặt đến đâu, thì chắc không thể nào hiệu nghiệm.
Nếu không, và cùng với có thể một đại họa nào đó xảy đến, một thời mạt pháp và mạt vận xảy tới, cơn ác mộng của thế kỷ XXI xuất hiện: ấy là giữa thế kỷ XX, năm 1959, Tây Tạng mất về tay Trung Cộng, thì giữa thế kỷ XXI, hay sớm hơn, Việt Nam của chúng ta sẽ là một Tây Tạng khác của Tầu. Cơn ác mộng ấy đang dần dần hiện ra.

Westminster, 4 tháng 4, 2009

.
.
.

No comments: