Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông)
Bài đã được xuất bản.: 12/06/2011 06:00 GMT+7
Việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia trên thế giới hiện đứng trước nhiều cách nhìn, cách tư duy, cách hành xử đa dạng và đặc biệt là thường thay đổi.
Trong nỗ lực đi tìm một nền hòa bình dài lâu hoặc hạn chế chiến tranh vốn phát sinh do sự phân biệt của con người, đã xuất hiện nhiều trường phái biện giải về xung đột lợi ích, xung đột chủ quyền.Trong đó chủ quyền bộ lạc, chủ quyền dân tộc, chủ quyền quốc gia là những khái niệm hay được nhắc đến.
Theo Fred Halliday, hệ thống quốc tế vận hành dựa trên hai nguyên tắc- chủ quyền của các nhà nước và sự duy trì hòa bình gữa các nhà nước đó với nhau. Hiển nhiên sự tự quyết của các dân tộc và việc đòi hỏi quyền hợp pháp của các quốc gia cũng tương thích với các nguyên tắc phổ quát này.
Chủ quyền quốc gia là trạng thái trong đó một nhà nước không phải phụ thuộc vào một quyền lực hợp pháp nào cao hơn. Chủ quyền quốc gia gắn với một chính phủ không bị ràng buộc với bất kỳ những sự thúc ép nào bên ngoài.
Có nhiều cách nhìn lên quan đến chủ quyền quốc gia từ phía các nhà nghiên cứu địa chính trị, các sử gia và cả những nhà đấu tranh cho môi trường. Nhìn từ góc độ nào thì chủ quyền quốc gia cũng đáng quý trọng không chỉ bởi những giá trị về kinh tế vật chất mà đó còn là nơi trú ngụ tinh thần, tâm hồn và tâm linh của nhiều dân tộc đứng cùng nhau trong lịch sử thế giới.
Các trào lưu tư tưởng
Một trong những tư tưởng truyền thống châu Âu là tinh thần liên bang thế giới (world federalism) dường như đó là ý tưởng để giải quyết tình trạng vô chính phủ thường là sau một thời kỳ loạn lạc. Nơi đây các nhà nước sẽ tự động giải trừ quân bị và chấp nhận một nhà cầm quyền thế giới ở một mức nào đó. Những người cổ súy cho góc nhìn này hay lấy ví dụ về 13 tiểu quốc[1] của Mỹ phối hợp lại trong thế kỷ 18.
Có người cho rằng lịch sử thế giới là một sự hợp nhất dần từ những đơn vị rất nhỏ. Nhìn từ Tây sang Đông, nước Ý hiện đại đã bao gồm hàng loạt các công quốc thu về một mối, còn nhà Tần của Trung Quốc đã phải thống nhất thất hùng lục quốc. Bán đảo Triều Tiên thống nhất trước 1945 đã bao gồm Cao Ly, Bách Tế và Tân La.
Tuy vậy cách nhìn theo hướng liên bang thế giới cho thấy đã có những khiếm khuyết. Nhân loại đâu chỉ cần hòa bình thôi mà còn cần đến công lý, phúc lợi, thưởng thức văn hóa và sự tự quyết; do vậy họ có quyền hoài nghi liệu một chính quyền thế giới có thể bảo vệ họ hay không. Dẫu sự vô chính phủ xưa nay là mầm phát sinh xung đột, các dân tộc không tin rằng nhà cầm quyền liên bang thế giới có thể bảo vệ được một nền hòa bình chung nhất. Và việc xóa bỏ các hình thức chính phủ độc lập không hẳn sẽ có thể chấm dứt tất cả các mầm chiến tranh.
Thống kê cho thấy hầu hết các cuộc chiến gần đây lạ thay lại bộc phát từ trong lòng các quốc gia độc lập chứ chẳng phải từ bên ngoài vào.
Học thuyết chức năng (functionalism) ra đời như bổ khuyết cho thuyết liên bang thế giới. Vào những năm 1940, những nhà lý thuyết của chính sách này cho rằng các tác hợp kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội sẽ tạo nên những cộng đồng xuyên vượt biên giới quốc gia và do vậy sẽ đặt dấu chấm hết cho những cuộc binh lửa. Chủ quyền quốc gia do vậy sẽ trở nên ít quan trọng và hình thức của quốc gia vẫn cứ tồn tại song lý do tạo xung khắc sẽ hầu như không còn. Các tổ chức chức năng của Liên hiệp quốc như WHO, FAO đã mang nặng lý tưởng của các nhà theo chủ nghĩa chức năng ngày đó. Thật tươi đẹp về viễn cảnh một thế giới được chăm sóc nơi ăn chốn ở, đau bệnh học hành do những tổ chức xuyên biên giới và phi chính phủ ấy! Tuy vậy chính sách chức năng lại không tỏ ra hữu hiệu bởi các quốc gia không hề dám phó thác hết thảy sự sống còn của con dân mình cho những tổ chức có dáng vẻ lương y như từ mẫu đó...
Góc nhìn của chủ nghĩa khu vực lại khác hơn và khởi di từ những năm 1950. Jean Monnet có một giả định rằng sự lân cận nhau về chức năng nhà nước của Pháp và Đức lẽ ra đã có thể kết nối Pháp và Đức với nhau và do đó sẽ chẳng có hai thế chiến ngập lửa khói 1919 và 1939. Kế hoạch Schumann hợp nhất Tây Âu trong một cộng đồng than thép năm 1950 rồi Hiệp Định Rome khai sinh Thị Trường Chung Châu Âu từng bước tiết giảm hàng rào mậu dịch theo lý thuyết thị trường tự do từ Adam Smith, David Ricardo đến Herscher Mohlin - tạo giềng mối lý thuyết cho Liên Minh Châu Âu năm 1992. NAFTA (của Bắc Mỹ) và AFTA (của ASEAN) là những nỗ lực trong dòng trào lưu học thuyết khu vực chủ nghĩa của EU để cân bằng với Tây Bán Cầu.
Dù vậy sự phản biện của De Gaulle và Magarett Thatcher vào những năm 60 và 80 của thế kỷ trước vẫn góp những giá trị đáng kể và tạo thanh thế cho sự tự phát của dân Châu Âu ở Pháp và Hà Lan. Chính hai nước này đã phản bác một hiến pháp chung thông qua các cuộc trưng cầu dân ý. Tuy vậy, hiện nay tại một số quốc gia châu Âu, luật EU cũng dần lấn át luật quốc gia.
Xét trên giác độ bảo vệ môi trường (ecologism), chủ quyền quốc gia cũng được đưa ra soi rọi. Richard Falk nêu hai mệnh đề lớn làm nền tảng cho trật tự thế giới tương lai, một là các nhân tố phi chính phủ, xuyên biên giới và hai là sự tương thuộc ngày càng lớn của các quốc gia trong cùng một điều kiện khan hiếm nhiều thứ. Tinh thần chống bị lệ thuộc,chống phân biệt chủng tộc, vươn đến bình đẳng nhiều hơn và bảo tồn sinh thái khiến cho số đông các quốc gia trong Liên Hiệp Quốc được ăn nói nhiều hơn và tạo ra những thể chế mới để quán xuyến các nguồn lực ngày càng cạn kiệt. Kết quả là các chuẩn mới về hòa bình, công chính, cân bằng sinh thái và một dạng thức trật tự thế giới mới.
Peter Drucker và Alvin cùng Heidi Toffler cho rằng cuộc cách mạng thông tin đang san phẳng những thang bậc trong thế giới và thay thế chúng bằng những tổ chức dạng mạng lưới. Họ cho rằng các tổ chức phi tập trung hóa sẽ thay thế mô hình các nhà nước tập trung quan liêu thư lại trong thế kỷ 21.
Esther Dyson còn đi xa hơn khi cho rằng các tổ chức phi tập trung và các cộng đồng ảo đã phát triển được internet thì họ sẽ có thể xuyên thủng các cương vực lãnh thổ, các loại chủ quyền, và thiết lập cách thức quản trị theo mô thức của chính họ. Các nhà nước - quốc gia vẫn tồn tại ở đó song sẽ giảm quan trọng và bớt tập quyền đối với xã hội con người. Con người sẽ tìm sống bằng những khế ước đa phương tự nguyện và bước ra hay bước vào một cộng đồng nào đó chỉ bằng một cú click của chuột máy tính. Giềng mối mới này sẽ hiện đại và văn minh hơn mô hình thế giới phong kiến vốn tồn tại từ trước khi trật tự của hiệp ước Westphalia hình thành năm 1648. Hình thái này được các lý thuyết gia nêu trên tạm gọi là trật tự phong kiến mạng (cyberfeudalism)
Quan niệm chính trị văn hóa ảnh hưởng chủ quyền quốc gia
Góc nhìn khác của Francis Fukayama 1989 thì cho rằng nhân loại đang tiến về một hình thái dân chủ ổn định trong đó phúc lợi và sự tham gia của xã hội dân sự sẽ nâng lên một mức độ cao hơn. Các quốc gia tiên tiến đã thay đổi sâu sắc và khó có một cuộc chiến nào xảy ra giữa Nhật, Mỹ, Đức hay Pháp với nhau. Sự tương thuộc phức hợp của các nền kinh tế này tạo thành những lãnh địa to lớn, thanh bình và hòa mục theo tinh thần các tiên đoán duy lý của Immanuel Kant.
Francis Fukuyama đã tiên đoán chưa chính xác về "Sự tận cùng của lịch sử"[2] đã không diễn ra vì thời gian hậu chiến tranh lạnh chứng kiến chủ nghĩa tư bản có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn là độc quyền chiếm lĩnh thế giới. Nga và Trung Quốc là hai nước ứng dụng kinh tế thị trường nhưng ở các mức độ khác. Các trào lưu chính thống về tôn giáo khởi phát ở nhiều nơi. Tác nhân cạnh tranh chính của nền kinh tế thị trường tư bản là các trào lưu cộng đồng (communalism) quốc gia, tôn giáo và sắc tộc.
Samuel P Huntington với cuốn "Cuộc va chạm giữa các nền văn minh"[3] đã thành một tác phẩm phản biện lại cách nhìn đơn nguyên của Francis Fukuyama. Ông cho rằng cuộc chiến có thể là thế chiến tương lai sẽ do va chạm giữa các nền văn minh. Khác với các môn đồ của chủ nghĩa hiện thực chính trị (realists) vốn tiên đoán một cuộc tái chiến giữa Đức và các láng giềng, hay những người theo trường phái tự do (liberalist) cho rằng một nền hòa bình dân trị sẽ thống lĩnh thế giới, Huntington cho rằng các mâu thuẫn về văn hóa sẽ dẫn dắt thế giới đến bất đồng và xung đột.
Cách nhìn của Huntington tỏ ra phần nào mang tính khái quát khá lớn. Những xung đột hiện diễn ra ngay trong lòng châu Phi hay thế giới Hồi Giáo cho thấy sự gắn kết lỏng lẻo giữa các nền văn minh được cho rằng sẽ cùng đoàn kết chuẩn bị lâm chiến với một thế lực nào khác, từ đó ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia nằm trong vòng nền văn hóa tương ứng.
Các nhà nghiên cứu trường phái này còn đi một bước xa hơn nữa khi cho rằng trong quá khứ xa xưa không tồn tại chủ quyền quốc gia dựa trên lãnh thổ thì trong tương lai cũng không nhất thiết sẽ có chủ quyền quốc gia! Họ thấy cuộc chiến 1618-1648 vừa là cuộc chiến cuối cùng của các lãnh chúa phong kiến và là cuộc chiến đầu tiên của các quốc gia có chủ quyền.
Cách lý giải của cả Francis Fukuyama và Samuel Hungtington có vẻ như cố lắp thế giới hậu Chiến tranh Lạnh vào một mô hình nào đó song thực tế diễn biến cho thấy sự ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia đến từ các nhân tố đa dạng hơn.
Các nhân tố kinh tế thương mại
Thật sự khó tách bạch tất cả các nhân tố, các giác độ một cách rạch ròi vì lẽ chúng thường đan xen và tác động đến nhau. Tuy vậy, chủ quyền quốc gia có khi lại dễ vỡ do bởi một thế giới phẳng và liên thông kinh tế tài chính.
Khi không cấm được triệt để công dân Mỹ du lịch các quốc gia thù địch, chủ quyền quốc gia của Mỹ đã bị thách thức. Một số các quốc gia bị chế tài thương mại xuất nhập khẩu vẫn có thể đi đường vòng qua nước thứ ba thứ tư (triangulation of trade). Những công ty xuyên quốc gia (TNC) thường có khả năng thực hiện những câu chuyện thế này. Để triệt tiêu cách buôn bán ba bên này, cần có nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, song lúc ấy đây lại là việc thực thi chủ quyền Liên Hiệp Quốc chứ không phải chủ quyền quốc gia.
Các quốc gia chủ đầu tư sẽ khó bảo những TNC thuộc công dân nước mình đầu tư hay không đầu tư vào một quốc gia A với chính sách môi trường, phúc lợi, an toàn, sức khỏe kém hơn quốc gia B trong khi A hơn B về yếu tố cạnh tranh nguồn lực đầu vào. Khi ấy chủ quyền quốc gia đứng trước một sư thỏa hiệp cộng sinh với nhóm lợi ích mà thiếu vắng những rạch ròi pháp lý.
Những ảnh hưởng về mặt tài chính xuyên quốc gia trong các cuộc khủng hoảng 1930, 1990 và gần đây mang lại những ảnh hưởng nặng nề đối với đồng USD, đồng bảng, đồng yen. Và các quốc gia có chủ quyền hẳn hòi vẫn phải bất lực khó mà chống lại các quyết định của giới đầu cơ hay ngân hàng xuyên quốc gia.
Một khái niệm ảnh hưởng chủ quyền quốc gia nữa là sự tác động kinh tế ngoài lãnh thổ (extraterritoriality) trong đó quốc gia A là nơi có Tổng công ty của một TNC đóng, quốc gia B là nơi có công ty con của TNC ấy đóng. Có ba chiều tác động: chiều từ quốc gia A đến Tổng công ty, chiều từ quốc gia B đến công ty con và chiều từ Tổng công ty đến công ty con. Những quyết định có tính ảnh hưởng lớn đến nhân lực, xã hội, tài chính, thị trường liên quan sát nhập, giải thể, mua lại của bản than hai công ty mẹ con sẽ chịu ba loại tác động. Cố nhiên các tác động này hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của A và B!
Việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia trên thế giới do vậy hiện nay đứng trước nhiều cách nhìn, cách tư duy, cách hành xử đa dạng và đặc biệt là thường thay đổi.
Việc bảo toàn chủ quyền đất nước Việt Nam không chỉ được ghi rõ trong Hiến Pháp và các văn bản pháp luật mà còn là quyền lợi và nghĩa vụ của toàn dân Việt Nam. Trong cộng đồng quốc tế hiện nay, việc tuân thủ và ràng buộc các bên tuân thủ các Công ước, các bộ luật của Liên Hiệp Quốc do những tinh hoa của nhiều quốc gia, qua nhiều giai đoạn chiêm nghiệm chấp bút soạn thảo, cũng chính là một hành động tôn trọng cộng đồng nhân loại và là hành động cao đẹp của một đất nước có chủ quyền, biết ứng xử văn minh và có trách nhiệm.
Thiết nghĩ hiểu được các góc nhìn đa dạng và mang tính dự báo của thế giới sẽ giúp người Việt Nam có cách hành động thích hợp trong điều kiện hiện nay khi chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên biển Đông đang đứng trước nhiều thử thách quá lớn như sự kiện tàu Bình Minh 02 ngày 26/5/2011 và sự kiện tàu Viking 02 ngày 9/6/2011 gần đây nhất.
---
Tư liệu tham khảo:
1./ The globalization of world politics by John Baylis & Steve Schmidt, 2006
2./ Understanding international conflicts - An introduction to Theory and History. Joseph S.Nye, Jr.
3./ The Clash of civilizations - Samuel B Huntington
4./ Chính trị quốc tế, Hans Morganthau, Hiện đại thư xã Sài gòn 1960
[1] Tác giả cố ý không gọi là tiểu bang, theo Understanding international conflicts - An introduction to Theory and History. Joseph S.Nye, Jr.
[3] The Clash of civilizations mang nặng ảnh hưởng của Arnold Toynbee chia thế giới thành các nền văn minh như: Phương Tây, Mỹ Latin, Phi Châu, Hồi Giáo, Trung Hoa, Ấn giáo, Chính thống giáo, Phật giáo và Nhật bản.
.
.
.
No comments:
Post a Comment