Friday, June 17, 2011

BIỂN ĐÔNG : THẾ & LỰC CỦA VIỆT NAM THẾ NÀO ? (Nam Nguyên, RFA)



Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-06-17

Nhiều ý kiến cho rằng Việt nam phản ứng thiếu tích cực do thế khó lực yếu trong đối phó Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của mình.

Quá nhún nhường

Không đủ khả năng đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông là chuyện hiển nhiên, nhưng các chuyên gia cho rằng cả ba mặt công khai, công luận và công pháp, ứng phó của Việt Nam đều ở mức độ yếu.

GSTS Nguyễn Minh Thuyết đại biểu Quốc hội khóa 12 sắp mãn nhiệm từ Hà Nội nhận định:
“Có thể nói là những hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam cũng như một số nước ở trong khu vực Đông Nam Á là rất thiếu trách nhiệm, rất hổ thẹn không xứng đáng cương vị của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Chúng tôi là những người dân hết sức phẫn nộ trước những hành động như vậy và chúng tôi cũng mong muốn chính phủ sẽ có những hành động đáp trả một cách xứng đáng. Nhưng dĩ nhiên người dân cũng như chính phủ theo truyền thống ngoại giao của Việt Nam luôn đưa tư tưởng hòa bình hòa hiếu lên trước mà cố gắng làm sao để giữ gìn cuộc sống lao động an bình cho nhân dân.”

Trong các đối thoại và tuyên bố chính thức tại Diễn Đàn Shangri-La vừa qua, sự kiện Bình Minh 02 không được nhắc tới. Các nước ASEAN có vẻ xem đây là chuyện hục hặc giữa Trung Quốc và Việt Nam, hoặc Trung Quốc với Philippines mà chưa nhìn nhận là một vấn đề của khu vực.

Sau các rắc rối mới nhất, khi tàu Trung Quốc vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam để gây ra các sự kiện Bình Minh 02 và Viking II, báo chí Việt Nam đưa nhiều ý kiến luật gia về việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hoặc khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc.

Đáp câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên tổng thư ký báo Doanh Nghiệp, người có mặt trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hôm 5/6 ở TP.HCM nhận định:
“Tôi thấy việc khiếu nại lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông Tổng Thư Ký LHQ…là điều rất cần trong lúc này bởi vì chỉ có con đường đó Việt Nam mới có thể có sự giúp đỡ can thiệp từ phía quốc tế mà thôi.”

Trong thập niên vừa qua Việt Nam luôn nhún nhường trước các tham vọng lãnh thổ của người anh em Trung Quốc. Từ khi Trung Quốc lấn áp trên biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển đảo của mình dư luận nhân dân phẫn nộ, nhưng chính phủ chỉ phản đối bằng lời, qua công hàm, vi phạm vẫn tái diễn.

GSTS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội khóa 12 từ Hà Nội đưa ra nhận định:
“Tôi cũng như nhiều người dân khác rất mong muốn những tư liệu chứng minh về chủ quyền của Việt Nam được công khai cho cả nhân dân trong nước cũng như nước ngoài được biết. Việt Nam cần phải sớm đưa vấn đề này ra công luận quốc tế, đưa lên các tổ chức quốc tế để các tổ chức quốc tế cũng hiểu rõ những hành động vi phạm của Trung Quốc và người ta sẽ có những biện pháp ít nhất về mặt pháp lý để buộc chính phủ Trung Quốc phải chùn bước.”

Vừa song phương vừa đa phương?

Philippines cũng bị Trung Quốc khiêu khích ở vùng biển Trường Sa, nhưng Manila phản ứng tích cực hơn Việt Nam, sau thư ngoại giao phản đối đường lưỡi bò 9 điểm gởi LHQ hồi đầu tháng 4, hiện nay Bộ ngoại giao Philippines chuẩn bị đệ trình Liên Hiệp Quốc một bản báo cáo về các hành động của Trung Quốc trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines cũng như Việt Nam và vài nước khác có công bố chủ quyền.

Ngoài ra Philippines còn đưa tàu chiến tới vùng biển Đông mà nay họ gọi là biển Tây Nam Philippine, sẵn sàng đối phó với các tàu ngư chính, hải giám và tàu hải quân Trung Quốc. Trong một hành động tích cực mới đây Philippines còn nhổ cọc lạ trên ba bãi đá ở vùng biển Tranh chấp quần đảo Trường Sa.

Ngày 10/6 trong cuộc họp báo ở Hà Nội, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao giải thích rõ lập trường giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc theo hai cách “vừa song phương vừa đa phương". Theo đó Hà Nội chủ trương đàm phán trực tiếp song phương với Bắc Kinh trong những vấn đề như Vịnh Bắc Bộ, chủ quyền Hoàng Sa, xin nhắc lại quần đảo Hoàng Sa Trung Quốc lấn chiếm của VNCH vào năm 1974.

Còn tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa liên quan đến nhiều nước, thì các bên liên quan đàm phán với nhau. Đối với sự kiện Hoa Kỳ đưa chiến hạm tới biển Đông và vùng tây nam Philippines để theo dõi vấn đề tự do lưu thông và an toàn hàng hải trên Biển Đông, bà Nguyễn Phương Nga xác định quan điểm rằng “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Do đó, mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực Biển Đông đều được hoan nghênh.”

Những trích dẫn vừa nêu cho thấy Việt Nam nay rất mong muốn quốc tế can dự vào hồ sơ tranh chấp Biển Đông tức là đi ngược lại với quan điểm của Bắc Kinh. Theo nhận định của Luật sư lão thành Trần Lâm ở Hà Nội, tình hình hết sức khó khăn cho Việt Nam:
“Sau hội nghị, Trung Quốc thấy chẳng làm gì được họ nên họ hung lên, nó cứ phá như thế cuối cùng mình phải hợp tác mà hợp tác thì nó ăn hết. Nói chung bây giờ yếu quá không đủ sức để làm gì cả.”

Dư luận Việt Nam từng khá phấn chấn sau tuyên bố hồi năm ngoái của ngoại trưởng Hillary Clinton là, nước Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Tuy nhiên, Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La 10 vừa qua không thể hiện một tiếng nói đủ mạnh nào đối với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Như đã biết, sự kiện Bình Minh 02 không được nhắc đến trong những đối thoại và phát biểu chính thức tại Diễn đàn Shangri-La

Các giới chức cao cấp của Việt Nam vẫn tiếp diễn những lời lẽ mang đầy tính trấn an. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc phòng tuyên bố sau khi trở về từ hội nghị chính sách diễn đàn an ninh khu vực tổ chức ngày 8/6 ở Jakarta Indonesia, Tướng Vịnh tự tin Việt Nam có đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền mà không dựa vào sức mạnh của một bên thứ ba. Theo lời ông Việt nam không để các nước lớn thỏa hiệp trên lưng mình.

Nhưng thế và lực đều yếu kém, Việt Nam sẽ chống đỡ thế nào?

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments: