Friday, June 17, 2011

Báo TỔ QUỐC - SỐ 113 - NGÀY 15-6-2011



Thư Tòa Soạn
Báo TỔ QUỐC, Số 113, Ngày 15-6-2011

Có thể tóm tắt những cuộc biểu tình đầu tháng này của thanh niên như sau: chính quyền cộng sản cũng thấy là đúng và những người công an thi hành lệnh giải tán cũng muốn tham gia.

Những khiêu khích liên tục trong nhiều năm qua ít nhất cũng đã chứng tỏ dứt khoát một điều: Trung Quốc có tham vọng và quyết tâm chiếm đoạt Biển Đông, nếu cần bằng vũ lực. Tuy vậy vụ tầu địa chấn Bình Minh -xẩy ra trong cùng thời điểm với nhiều vụ uy hiếp tầu đánh cá Việt Nam khác- đã là một bước leo thang mới trong sự thách thức. Hải chiến chỉ đã tránh được vì các tầu bảo vệ tầu Bình Minh đã không phản ứng, dù đó là vai trò và trách nhiệm của chúng, khi tầu Bình Minh bị tấn công ngay trong lãnh hải Việt Nam. Rõ ràng là Trung Quốc muốn gây hấn.

Trước sự kiện cực nghiêm trọng này phản ứng của chính quyền CSVN đã yếu một cách hổ nhục. Theo thông báo của bộ ngoại giao Việt Nam thì chỉ có "đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc". Đây là phản ứng ở mức độ thấp nhất, chỉ dùng trong những trường hợp thực sự không quan trọng. Phản ứng đúng đắn trong trường hợp này ít nhất cũng phải là triệu tập đại sứ Trung Quốc, và nếu ông này không chịu đến hoặc đến nhưng sử dụng ngôn ngữ khiếm nhã thì bước bắt buộc sau đó là triệu hồi đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh về nước, buộc Trung Quốc cũng phải rút đại sứ của họ về theo thông tục ngoại giao. Cách hành xử đó lôi kéo được sự chú ý của thế giới, điều mà Trung Quốc không muốn nhưng chúng ta lại cần. Phản ứng như thế không có gì là cứng rắn mà chỉ là bình thường. Thái độ cố tình gây hấn của Trung Quốc đã quá rõ ràng, sự nhẫn nhục quá đáng không những vô ích mà còn nguy hiểm vì chỉ khuyến khích họ leo thang trong sự hung bạo.

Dĩ nhiên mọi người Việt Nam sáng suốt đều mong muốn một quan hệ hữu nghị giữa hai nước nhưng cây muốn đứng lặng thì gió cũng phải ngừng. Vả lạị, chúng ta sẽ mất gì nếu Trung Quốc đoạn giao, ngoài khối thâm thủng mậu dịch trên mười tỷ USD mỗi năm và số hàng lậu không lồ đang gây khốn đốn cho sản xuất nội địa? Việt Nam phải tự vệ như thế nào trước sự uy hiếp của Trung Quốc?

Dĩ nhiên không thể là giải pháp quân sự. Hải quân và không quân Việt Nam còn quá yếu so với Trung Quốc để có thể bảo vệ Biển Đông. Giải pháp hiển nhiên là phải dựa vào luật pháp quốc tế. Và quả thực chúng ta có thể dựa vào luập pháp quốc tế bởi vì Trung Quốc chưa thể và cũng chưa dám thách thức thế giới. Nhưng muốn như thế thì điều kiện tiên quyết là nhà nước Việt Nam phải là một nhà nước dân chủ tôn trọng nhân quyền.

Điều đáng giận nhất là thái độ khiếp nhược hổ nhục trước Trung Quốc lại đi đôi với một chính sách đàn áp thô bạo những người dân chủ ôn hòa như Vi Đức Hồi, Phạm Thanh Nghiên, Cù Huy Hà Vũ. Chính quyền CSVN chống dân chủ nên bị cô lập với nhân dân Việt Nam và thế giới. Vì cô lập họ phải khúm núm với Trung Quốc. Đến lượt nó sự khúm núm này khuyến khích Trung Quốc lấn chiếm. Chưa bao giờ mâu thuẫn giữa quyền lợi dân tộc và quyền lợi của những người cầm quyền rõ rệt bằng lúc này.

Vậy thì chế độ này còn lý do gì để tiếp tục kéo dài? Câu hỏi này phải chất vấn lương tâm và phẩm giá mọi người Việt Nam. Đặc biệt là trí thức Việt Nam, và trước hết là những đảng viên cộng sản lương thiện.

Ban biên tập Tổ Quốc

--------------

Báo TỔ QUỐC
Nhóm trí thức yêu nước Việt Nam trong và ngoài nước phối hợp thực hiện


Số 113 . Ngày 15 – 06 – 2011

Mục Lục

Thư Tòa Soạn : Vần Nạn Trung Quốc

Nguyễn Gia Kiểng : Mùa xuân Ả Rập ?

Trần Nhơn : Thơ. Văn Hóa Lâm Nguy

Đinh Tấn Lực : Đi thì cũng dở, ở không xong

Hà Văn Thịnh : Khi mâu thuẫn lên đến cấp độ nhà nước ...

Phạm Đình Trọng : Thói ngạo mạn AQ

Thăng Long : Thơ. Ngày Lịch Sử

Nguyễn Thượng Long : Nhật ký biểu tình

Tiêu Dao Bảo Cự : " Cơ hội vàng - lần thứ hai " cho dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam

Phạm Trần : Bao giờ mới biết nhục ?

Nguyễn Thanh Giang : Nắm tay Trung Quốc cảnh giác Đại Hán

Đinh Kim Phúc : Trung Quốc với Biển Đông: "Láng giềng hữu nghị " hay " Chủ quyền thuộc ngã "

Phạm Hồng Sơn : Còn sợ dân chủ là ... hỏng

Phạm Hoài Nam : Tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật Bản ?

Vi Đức Hồi : Đối mặt

------------------------


.
.
.

No comments: