Tuesday, June 21, 2011

BẮC KINH THAM CHIẾN (Arthur Herman, New York Post)


Arthur Herman
New York Post  -    Ngày 20-6-2011

Người dịch: Đỗ Quyên
Đăng bởi anhbasam on 21.06.2011

Tại sao Việt Nam muốn chúng ta quay lại?
36 năm sau khi đuổi người Mỹ khỏi Việt Nam, những nhà lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội bây giờ lại muốn chúng ta (Mỹ) quay lại. Sự thay đổi kỳ cục này có nhiều khía cạnh đáng châm biếm, nhưng nguyên nhân của nó thì đơn giản: Trung Quốc.

Bắc Kinh đã và đang gồng cơ bắp quân sự mới nhú cùng những tham vọng địa chính trị của họ, bất chấp sự hiện diện của các nước láng giềng. Cùng với các chiến dịch tấn công trên mạng toàn cầu, Trung Quốc bớt giống một siêu cường đang nổi lên mà lại có vẻ giống một kẻ hay bắt nạt và đang mất kiểm soát hơn.

Cuộc cãi cọ gần đây nhất với Việt Nam – một thời là đồng minh, bây giờ là kẻ thù không thay đổi của Trung Quốc – xoay quanh việc thăm dò dầu khí ở biển Nam Trung Hoa, nơi Trung Quốc yêu sách về chủ quyền duy nhất của họ, và là nơi Việt Nam vừa tiến hành tập trận hải quân bắn đạn thật để bảo vệ quyền của mình. Trung Quốc đã phản ứng bằng những cuộc tập trận riêng kéo dài suốt ba ngày đêm, mặc dù họ nói họ sẽ không “dùng đến vũ lực” để giải quyết tranh chấp. Tuy vậy, Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ hoan nghênh sự trợ giúp của nước ngoài – một lời mời kín đáo nhưng rất rõ ràng đối với Mỹ và hải quân Mỹ.

Ở đây có một cơ hội cho chính sách của nước Mỹ, không chỉ để khép lại mọi tranh cãi xung quanh cuộc chiến tranh gây chia rẽ nhất trong lịch sử Mỹ, mà còn để tìm ra một cách mới, có tính thực tiễn hơn, trong việc đương đầu với những nhà cầm quyền ở Bắc Kinh. Đó là bởi vì đang có những vấn đề đang sắp xảy ra cho Trung Quốc – và không chỉ trong quan hệ với láng giềng.

Trong vài tuần qua, một đợt sóng bất ổn nghiêm trọng đã tràn qua các thành phố ở Trung Quốc. Bạo lực bùng nổ – thậm chí có cả những vụ nổ bom – chống lại chính quyền Bắc Kinh.

Không có dấu hiệu nào của một cuộc nổi dậy có tổ chức theo kiểu Mùa xuân Ả-rập. Nhưng số vụ việc mà chính quyền gọi là “sự cố đám đông” (mass incidents, có người dịch là “sự cố lớn”) đang gia tăng đều đều. Năm 2008 có tới 127.000 vụ. Những vụ như thế sẽ tồi tệ đi trước khi chúng tốt lên – và không chỉ là do chính quyền Bắc Kinh vẫn không làm sao mà dập tắt được những ý kiến bất đồng trên Internet.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế như một hiện tượng của Trung Quốc đang chựng lại. Giá dầu tăng cao cùng lạm phát dâng lên đang xóa sạch nhiều thành tựu kinh tế. Nếu nền kinh tế Mỹ – nguồn đầu ra chủ lực cho hàng xuất khẩu Trung Quốc – không sớm phục hồi, thì điều ấy có thể đe dọa kỷ lục tăng trưởng dài lâu, chưa từng bị gián đoạn của Trung Quốc, và từ đây sẽ tạo đà cho nhiều rắc rối hơn.

Vâng, chuyện này thách thức hình ảnh trên truyền thông của Trung Quốc, vốn được khắc họa như một thế lực hùng mạnh biết tuốt, làm được tuốt. Thậm chí nhiều người trong chính quyền Obama có vẻ nghĩ rằng Trung Quốc lớn và hùng mạnh quá đến nỗi chúng ta không dám cản trở hoặc xúc phạm họ – nhất là khi họ nắm giữ tất cả các khoản nợ của Mỹ. Nhưng người Mỹ có thói quen đánh giá quá cao các đối thủ. Trong Thế chiến II, truyền thông và thậm chí cả CIA cũng tin vào những lời tuyên truyền rằng kinh tế Xô Viết đang cạnh tranh với chúng ta – mãi cho đến những năm 1980 khi Liên Xô lộ ra là cũng chỉ là một nước chậm phát triển. (Nguyên văn: Third World basket, nghĩa là tập hợp các nước chậm phát triển, hoặc khối các nước không liên kết ở châu Phi và châu Á – ND).

Sau đó lại có nỗi lo sợ rằng công ty Nhật Bản sẽ mua Mỹ cùng với Trung tâm Rockefeller, cho tới tận những năm 90 khi những chiếc bánh xe văng khỏi cỗ máy tăng trưởng của Nhật Bản. Suốt hơn một thập niên, gói kích thích kinh tế kiểu Obama đã giữ cho Nhật Bản trụ được ở vị trí thứ hai.

Tăng trưởng của Trung Quốc thì là tăng trưởng thật sự, khoảng 6,1% GNP đầu người một năm trong thời gian 1978-2003 – mặc dù không ấn tượng lắm so với Nhật Bản (8,2%), Hàn Quốc (7,6%), và Đài Loan (7,1%) trong những giai đoạn cất cánh tương tự.

Nhưng điều ấy cũng tạo ra những vấn đề to lớn cho một chính quyền trung ương đang cố gắng kiểm soát nhân dân – những người dân mà, sau khi được hưởng quyền tự do kinh tế lớn hơn, đã bắt đầu muốn được tự quản đời sống của mình. Làn sóng bất ổn mới đây nhất đã cho thấy điều đó.

Nỗi sợ mất kiểm soát ở trong nước góp một phần vào việc nuôi sự phiêu lưu và hung hãn của Trung Quốc ở nước ngoài. Việt Nam chỉ là trường hợp mới đây nhất, và là lời đề nghị mở đối với Mỹ, xin sự giúp đỡ của Mỹ. Đề nghị này không nên bị bỏ qua.

Nhà Trắng dưới thời Obama đã mụ mị đi khi phải đối phó với Trung Quốc, chỉ trừ những lúc tung ra các bữa tiệc chiêu đãi khúm núm để tôn vinh các vị lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, một lập trường mạnh mẽ, không vô nghĩa, sẽ được hoan nghênh bởi gần như mọi quốc gia khác, kể cả Ấn Độ, Nhật Bản, và toàn Tây Âu. Tin tặc Trung Quốc không chỉ theo sát Mỹ. Bọn họ đã làm đảo lộn các ngân hàng và doanh nghiệp ở Anh, và có tin rằng bọn họ còn thâm nhập cả vào máy tính của cả thủ tướng Đức lẫn thủ tướng Australia.

Cuối cùng thì, quả thật đứng dậy trước Trung Quốc có thể lại là điều tốt đẹp nhất cho chính người Trung Quốc.
Một nước Mỹ mạnh mẽ, quyết đoán, có thể khiến Bắc Kinh phải ngừng hành động bắt nạt nước khác và tập trung vào cải cách ở trong nước, trước khi nền kinh tế của chính họ trượt dốc và bất ổn bắt đầu lan tràn. Đó là điều Trung Quốc không muốn, và chúng ta không thể để như thế được.

Arthur Herman là tác giả cuốn sách “Gandhi và Churchill”, giải Pulitzer năm 2009.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

.
.
.

No comments: