Tuesday, April 19, 2011

`VĂN HÓA DÂN CHỦ (Nguyễn Hưng Quốc)

Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Ba, 19 tháng 4 2011

Để có một sinh hoạt chính trị lành mạnh, cần có một văn hóa chính trị lành mạnh. Để có một văn hóa chính trị lành mạnh, cần có một văn hóa dân chủ lành mạnh.

Văn hóa chính trị (political culture) thường được hiểu là hệ thống những niềm tin và những giá trị được một cộng đồng tin tưởng và chia sẻ chủ yếu trong các vấn đề liên quan đến quan hệ và cấu trúc quyền lực giữa các thành viên trong một nước cũng như giữa nước này và nước khác. Nói đến niềm tin là nói đến chuyện đúng/sai. Nói đến giá trị là nói đến chuyện tốt/xấu. Niềm tin chính là nền tảng để bảo đảm cho tính phổ quát và sự bền vững của các giá trị. Không có niềm tin vào Thượng đế có lẽ người ta không đi đến kết luận cho “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” như những gì được viết trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ vào năm 1776 và được Hồ Chí Minh dẫn lại trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam vào năm 1945. Từ những niềm tin ấy, tự do, bình đẳng và quyền sống của mỗi người trở thành những giá trị cao quý trong xã hội và trong chính trị, và cũng từ đó, ý niệm dân chủ được ra đời và nảy nở.

Trung tâm của văn hóa chính trị hiện đại là văn hóa dân chủ tức hệ thống những niềm tin, giá trị, quy phạm và cách thế hành xử giữa người cai trị và những người bị trị.

Trong văn hóa toàn trị, dưới mọi hình thức, từ quân chủ đến độc tài, người cai trị tự coi mình nhận sứ mệnh từ một nơi nào khác, ít nhiều có tính chất huyền bí, và quyền cai trị của mình là một cái gì có tính tuyệt đối. Quan hệ giữa họ và những người bị trị là quan hệ một chiều. Họ chỉ biết ra lệnh và đòi hỏi sự vâng phục. Để củng cố sự vâng phục, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn tàn độc.

Văn hóa dân chủ thì khác. Trong chế độ dân chủ, người cai trị không có tư cách nào khác ngoài tư cách đại diện của dân và không có bổn phận nào khác ngoài việc thực hiện những ý nguyện của dân. Họ biết quyền lực của họ bị giới hạn không những bởi luật pháp mà còn bởi các lực lượng độc lập và đối lập, và, quan trọng nhất, tính chất nhiệm kỳ.
Văn hóa dân chủ là hệ thống những niềm tin và giá trị giúp phát huy khả năng tham dự của dân chúng vào những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh.
Văn hóa dân chủ có nhiều nội dung, nhưng theo tôi, quan trọng nhất là sự tin cậy. Tin cậy vào hiến pháp và pháp luật. Tin cậy vào guồng máy chính quyền. Nhưng trước hết phải là sự tin cậy đối với những lý tưởng và những nguyên tắc của dân chủ, cụ thể là tin vào sự tự do và quyền bình đẳng của dân chúng được thể hiện một cách tập trung nhất qua quyền lựa chọn lãnh đạo, và qua đó, lựa chọn chính sách của họ, nghĩa là, nói cách khác, tin vào dân chúng.

Ví dụ: đã chấp nhận luật bầu cử, điều đầu tiên là phải chấp nhận tính nghiêm minh của bầu cử và kết quả của việc bầu cử, bất kể nó có hợp hay không hợp với quyền lợi của mình. Ở không ít nơi, thường xảy ra hai trường hợp: một là gian lận; hai là, nếu kết quả bầu cử không vừa ý thì tìm mọi cách thay đổi hay xóa bỏ. Đó không phải là dân chủ. Đó là phản dân chủ.

Sống ở Tây phương, một trong những điều tôi thích nhất là theo dõi các cuộc bầu cử. Trong các cuộc bầu cử, hai sự kiện tôi thích nhất là: một, các cuộc tranh luận công khai trên truyền hình giữa các đối thủ; và hai, những bài phát biểu trong đêm kiểm phiếu, khi kết quả đã rõ ràng. Tranh luận bao giờ cũng gay gắt nhưng bao giờ cũng lịch sự. Còn đêm kiểm phiếu, khi kết quả đã ngã ngũ, hầu như là một quy luật: bao giờ người thất bại cũng, thứ nhất, nhìn nhận mình thất bại; và thứ hai, chúc mừng người chiến thắng. Phân tích những lý do khiến mình thất bại, người ta có thể nói thế này thế khác, nhưng tuyệt đối người ta không đổ lỗi cho dân chúng, chẳng hạn, cho dân chúng ngu hay nhẹ dạ nên đã bỏ phiếu cho cái kẻ không xứng đáng bằng mình! Trong cuộc chơi dân chủ, hầu như mọi người đều chấp nhận luật chơi: cử tri bao giờ cũng có lý. Ứng cử viên, ngay cả khi có tài năng kiệt xuất thực sự và có chính sách đúng đắn thực sự, nếu thất cử, cũng phải tự xét lại mình ít nhất ở một khía cạnh: khả năng thuyết phục quần chúng chưa đủ giỏi.

Ở các nước độc tài, ngược lại, dù người ta hay nói đến sức mạnh của quần chúng, nhưng trong thâm tâm và cả trong chính sách, bao giờ người ta cũng thiếu sự tin cậy, thậm chí, coi thường quần chúng. Một lập luận thường nghe nhất là: trình độ dân trí thấp, cho họ được tự do lựa chọn, thứ nhất, họ sẽ chọn lầm người; và thứ hai, từ đó, sẽ dẫn đến sự hỗn loạn. Người ta dùng viễn tượng hỗn loạn như một con ngáo ộp để hạn chế tự do và để tránh né nhu cầu dân chủ hóa.

Chính quyền không tin dân chúng, coi dân chúng chỉ là những kẻ khờ khạo dốt nát. Dân chúng, ngược lại, cũng không hề tin cậy chính quyền. Nhìn đâu, người ta cũng thấy giả. Phát biểu: giả. Hành động: giả. Từ đó dẫn đến thái độ hờ hững đối với chính trị cũng như đối với mọi vấn đề sinh tử của quốc gia, một thái độ được người Việt đặt tên rất hay: chủ nghĩa mặc-kệ-nó, mackeno.

Một thái độ như vậy rõ ràng không thuộc văn hóa dân chủ và tuyệt đối không có lợi cho tiến trình tranh đấu cho dân chủ. Chính quyền độc tài nào cũng biết điều đó nên họ tìm mọi cách để duy trì sự thụ động và vô cảm của mọi người. Những người tranh đấu cho dân chủ cũng nên biết điều đó để tìm cách phê phán và giảm thiểu thứ chủ nghĩa mặc-kệ-nó vốn như một thứ độc tố làm chết mòn mọi ước mơ thay đổi, trong đó có sự thay đổi theo chiều hướng dân chủ hóa.

---------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: