Đức Tâm - RFI
Thứ sáu 01 Tháng Tư 2011
Nguồn tin chính phủ Mỹ ngày hôm qua, 31/03/2011, cho hãng Reuters biết cách nay khoảng 2 – 3 tuần, tổng thống Barack Obama đã ký lệnh cho phép cơ quan tình báo Mỹ, CIA được quyền đưa ra và áp dụng các biện pháp để giúp đỡ lực lượng nổi dậy chống chế độ Kadhafi.
Tuy nhiên, luật pháp Hoa Kỳ trao cho tổng thống một số đặc quyền, trong đó có quyền cho phép CIA tiến hành các hoạt động bí mật mà không cần phải ký sắc lệnh. Do vậy, theo các nguồn tin chính thức của chính phủ Mỹ, trước khi tổng thống Obama ký sắc lệnh, các nhân viên CIA đã được phái sang Libya để tiếp xúc với phe nổi dậy và đánh giá khả năng của lực lượng này.
Ông Bob Baer, trước đây làm việc cho CIA tiết lộ là nhóm nhân viên tình báo Mỹ nói trên mang theo ít thiết bị, đã từ Ai Cập, theo đường bộ, thâm nhập vào Libya. Nhiệm vụ của nhóm này là xác định xem ai trong số lực lượng nổi dậy có thể đứng ra thành lập đơn vị quân đội. Tiểu ban phụ trách tình báo của nghị viện Hoa Kỳ dường như chỉ được thông báo về lệnh của tổng thống Obama sau khi các nhân viên CIA đã có mặt tại Libya.
Theo một nguồn thạo tin thì chính quyền Washington dự tính phái các thành viên thuộc lực lượng đặc nhiệm đã từng tham gia huấn luyện quân đội Afghanistan, nay có thể sang Libya hỗ trợ cho CIA tổ chức và huấn luyện lực lượng nổi dậy. Dự án này đang được tích cực chuẩn bị nhưng chưa được đệ trình lên tổng thống để phê duyệt. Trong khi đó, đài truyền hình Mỹ ABC đưa tin là hàng chục nhân viên lực lượng đặc nhiệm Anh và nhân viên tình báo Anh MI 6 cũng đang có mặt tại Libya.
Về mặt chính trị, vụ Ngoại trưởng Libya Moussa Koussa từ chức và xin tỵ nạn tại Anh Quốc là một vố đau cho chính quyền Kadhafi. Theo nhật báo The Guardian, thì ông Mohammed Ismail, một nhân vật thân cận với Saif al-Islam, con trai ông Kadhafi, đã có những cuộc tiếp xúc và thương lượng bí mật với các quan chức Anh Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh từ chối bình luận về thông tin này.
Còn tại Libya, theo nhiều nhân chứng cho AFP biết, chiến sự đã diễn ra vào sáng nay gần cảng dầu Brega, cách Tripoli 800 km về phía đông. Hôm thứ tư, quân đội trung thành với Kadhafi đã chiếm lại được cảng dầu Ras Lanouf, cách thành phố Benghazi 370 cây số về phía đông, sau đó, tiến về Brega.
Theo đô đốc Mike Mullen, chỉ huy Bộ Tham mưu liên quân Mỹ thì quân đội Libya chưa đến mức tan rã, cho dù các vụ oanh kích của liên quân quốc tế đã loại khỏi vòng chiến đấu gần một phần tư quân số các lực lượng trung thành với Kadhafi.
Kể từ ngày hôm qua, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã nắm quyền chỉ huy chiến dịch quân sự tại Libya. Theo tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, thì « nhiệm vụ của Liên minh chỉ hoàn thành khi không còn mối đe dọa đối với thường dân » thế nhưng, ông không thể nói trước được thời điểm. Đồng thời, lãnh đạo khối NATO cũng chống lại việc trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Libya, với lập luận, NATO can thiệp quân sự là để bảo vệ thường dân chứ không phải để vũ trang cho người dân.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet khẳng định việc chuyển giao vũ khí cho lực lượng nổi dậy không phù hợp với nội dung nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Còn thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo là vũ trang cho lực lượng nổi dậy Libya có nguy cơ hỗ trợ cho khủng bố.
.
.
.
02:18:pm 31/03/11
WASHINGTON (Reuters) – Theo bản tin của hãng thông tấn quốc tế Reuters ngày 30-3-2011 lúc 6 giờ chiều (tức 8 giờ sáng ngày 31-3 giờ VN), các viên chức chính quyền Hoa Kỳ đã cho hãng thông tấn Reuters ngày Thứ Tư, 30-3, hay rằng Tổng thống Hoa Kỳ, Obama, đã ký một lệnh bí mật cho phép chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp bí mật cho quân nổi dậy đang tìm cách lật đổ ông Gadhafi.
Theo một nguồn tin từ nhân viên chính phủ thân cận vấn đề thì ông Obama đã ký lệnh này trong vòng hai hay ba tuần qua.
Văn bản như thế là một hình thức chính thức lệnh của tổng thống dùng để cho phép các hoạt động mật của cơ quan tình báo trung ương CIA. Đây là một bước pháp lý cần thiết trước khi một hành động như thế có thể xảy ra, nhưng không có nghĩa là nó sẽ xảy ra.
Phát ngôn viên Jay Carney của Tòa Bạch Ốc nói trong một bản tuyên bố rằng, “Như thông lệ của chính quyền này và của mọi chính quyền, tôi sẽ không bình luận về các vấn đề tình báo.” Ông nói tiếp, “Tôi sẽ lập lại những gì tổng thống nói ngày hôm qua, là chưa có quyết định nào về việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập hay cho bất cứ nhóm nào tại Libya.”
CIA từ chối bình luận.
Tin tức nói rằng ông Obama đã cho lệnh vừa rồi nổi lên khi Tổng thống Obama và các viên chức Hoa Kỳ cũng như đồng minh tuyên bố công khai về khả năng gửi trợ giúp vũ khí cho nhóm chống đối ông Gadhafi, là những người đang chống nhau với quân chính phủ được trang bị tốt hơn.
Trong cuộc phỏng vấn với hệ thống truyền thông Hoa Kỳ vào ngày hôm qua, tổng thống Obama nói rằng mục tiêu là muốn ông Gadhafi cuối cùng phải rời bỏ quyền lực. Tổng thống nói về việc áp dụng “liên tục áp lực, không chỉ về quân sự, mà còn qua những phương cách khác” để buộc ông Gadhafi ra đi.
Ông Obama nói rằng Hoa Kỳ không loại trừ việc cung cấp quân trang quân dụng cho lực lượng nổi dậy. Ông nói với phóng viên Diane Sawyer của truyền hình ABC rằng, “Thành thực mà nói, nếu chúng tôi muốn đưa vũ khí vào Libya thì chúng tôi đã có thể làm rồi. Hiện nay chúng tôi đang xem xét tất cả mọi giải pháp.
Tại thủ đô Washington, ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Hillary Clinton nhất mực nói với các phóng viên rằng chưa có quyết định nào được đưa ra.
Các viên chức Hoa Kỳ theo dõi biến cố tại Libya cho hay chưa có bên nào đạt được thắng lợi quyết định. Các viên chức này nói, trong khi các cuộc không kích của Hoa Kỳ và đồng minh đã gây thiệt hại trầm trọng cho lực lượng của ông Gadhafi và làm gián đoạn hệ thống chỉ huy, thì lực lượng nổi dậy vẫn còn vô tổ chức và không thể lợi dụng hoàn toàn sự trợ giúp quân sự của phương tây.
Các viên chức này nói, bởi vì các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và đồng minh vẫn còn nhiều nghi vấn về nhân thân và giới lãnh đạo của lực lượng chống đối ông Gadhafi, cho nên bất cứ hoạt động bí mật nào cũng có thể được tiến hành một cách cẩn trọng cho tới khi các tin tức về quân nổi dậy có thể được thu thập và phân tích đầy đủ.
Ông Bruce Riedel, một cựu chuyên gia tình báo cao cấp của CIA về Trung đông, người đã cố vấn cho ông Obama, nói rằng, “Toàn bộ vấn đề (cung cấp cho quân nổi dậy) trang thiết bị và huấn luyện đòi hỏi phải biết quân nổi dậy là ai.” Ông Riedel nói tiếp, giúp đỡ quân nổi dậy tự tổ chức và huấn luyện cho họ cách sử dụng vũ khí một cách hữu hiệu sẽ khẩn cấp hơn việc chở vũ khí tới cho họ.
Vấn đề cấm vận vũ khí.
Việc gửi vũ khí cho quân nổi dậy sẽ vi phạm một lệnh cấm vận do Hội đồng Bảo An LHQ áp đặt lên Libya từ ngày 26-2, mặc dù các viên chức Anh quốc, Hoa Kỳ và Pháp cho hay có thể có một lỗ hổng (để thực hiện điều đó).
Việc xin một lệnh miễn áp dụng lệnh cấm vận sẽ đòi hỏi có sự đồng thuận của tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo An, đó là điều không thể được vào giai đoạn này. Các nhà ngoại giao cho hay bất cứ quốc gia nào quyết định vũ trang cho quân nổi dậy sẽ không thể tìm được sự chấp thuận chính thức của Hội đồng bảo an LHQ.
Các viên chức Hoa kỳ cũng cho hay Saudi Arabia và Qatar, mà các nhà lãnh đạo của họ rất coi thường ông Gadhafi đã cho thấy sẵn lòng cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Libya.
Các thành viên quốc hội Hoa Kỳ bày tỏ sự âu lo về các hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ tại Libya. Một số vị đã nhắc lại vụ Hoa Kỳ và Saudi cung cấp vũ khí cho lực lượng mujahedeen chiến đấu chống lực lượng Liên sô chiếm đóng Afghanistan hồi thập niên 1980 để rồi sau đó rơi vào tay quân cực đoan vũ trang chống Hoa Kỳ.
Đang có nỗi lo sợ sự việc tương tự có thể xảy ra tại Libya trừ khi Hoa Kỳ biết chắc rằng đang phối hợp với ai. Chủ tịch ủy ban tình báo Hạ Viện Hoa Kỳ, dân biểu liên bang Mike Rogers, vào ngày thứ Tư đã nói rằng ông chống đối việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy tại Libya chống nhau với nhà lãnh đạo Gadhafi “vào thời điểm này”.
Dân biểu Rogers trong một bản tuyên bố đã cho hay, “Chúng ta cần hiểu rõ hơn về nhóm chống chính quyền (tại Libya) trước khi tôi ủng hộ việc giao súng ống và các vũ khí tối tân cho họ.”
Nguyễn Tường Tâm dịch
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment