Văn Lang/Người Việt
Monday, April 04, 2011 3:35:58 PM
SÀI GÒN - Sáng ngày 3 tháng 4 tại Sài Gòn đã diễn ra lễ cầu siêu và tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang tại chùa Phước Hải và hội trường khu du lịch Văn Thánh.
Lễ tưởng niệm và cầu siêu cho nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang diễn ra vào lúc 9 giờ 30 tại chùa Phước Hải (đối diện khu du lịch Kỳ Hòa) do thân nhân của nhạc sĩ và anh em du ca tổ chức. Dẫn chương trình tưởng niệm là anh Trần Trọng Thảo, nguyên là một trưởng hưởng đạo và là cựu thành viên của ban nhạc Trầm Ca.
Ðông đảo thân hữu tới dự lễ cầu siêu cho nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang tại chùa Phước Hải. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Cuối buổi cầu siêu, trước di ảnh của anh Quang, anh Trần Trọng Thảo thay mặt thân hữu và anh em du ca đã nói lời cuối với anh Quang: “Quang ơi! Chừng nào anh em chúng tôi còn sống thì những hoài bão, ước mơ của Quang sẽ vẫn được anh em chúng tôi tiếp tục thực hiện!”
Sau buổi lễ ở chùa Phước Hải, anh em cựu du ca đã cùng nhau qua du khu lịch Văn Thánh để phối hợp với nhóm thụ nhân khóa 1 và 2 khoa chính trị - kinh doanh viện đại học Ðà Lạt tổ chức lễ tưởng niệm.
Lễ tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang được diễn ra trang trọng tại hội trường Văn Thánh với đông đảo người tham dự là các cựu sinh viên Ðà Lạt bạn học cũ của anh Quang. Một màn hình lớn giữa hội trường chiếu lại những video clip với những bài hát do chính cố nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang thực hiện.
Những bạn bè cũ nhắc lại nhiều kỉ niệm với anh Quang thời còn đi học ở Ðà Lạt.
Anh Nguyễn Quang Tuyến (thụ nhân khóa 1) đã thay mặt anh em cựu sinh viên Ðà Lạt đọc một bài dài tưởng niệm anh Quang rất xúc động.
Bài của anh Tuyến có câu, “Du ca không là nhạc ‘phản chiến’ như ý nghĩa phản đối chiến đấu của phe này mà chấp nhận sự chiến đấu của phe khác. Phản chiến của du ca là phản đối chiến tranh, chết chóc bom đạn đến bất cứ từ đâu. Xin hãy trả lại yên lành cho quê hương, cho con người, cho thân phận một con người!”
Di ảnh nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang tại chùa Phước Hải. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Nhà văn Hoàng Khởi Phong về từ Hoa Kỳ, tham gia buổi tưởng niệm với những hồi ức, kể về những năm tháng anh Quang mới đặt chân lên đất Mỹ và những năm tháng “hội nhập” vào cuộc sống mới với niềm lạc quan và cần mẫn khi anh Quang không còn là cánh chim du ca đầu đàn được hát trên quê hương, đất nước của mình.
Buổi tưởng niệm kết thúc trong tiếng ca vang vang của anh Quang:
“Ta như nước dâng, dâng mãi có bao giờ cạn
Ðường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Ðôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loảng xoảng”
* Kỷ niệm riêng
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Ðức Quang lần đầu khi anh trở về Việt Nam trong vai trò của một trưởng đoàn dẫn đoàn sinh viên Mỹ (chủ yếu là gốc Việt) về dự trại hè Summer Camp 2007, tại Nha Trang - Khánh Hòa.
Suốt chuyến đi dài mấy tiếng đồng hồ từ Sài Gòn ra Nha Trang bằng xe, tôi ngồi cùng anh Quang và nghe anh nói, nói một cách say sưa. Nhưng anh không nói về âm nhạc, về du ca hay về hướng đạo mà mấy tiếng đồng hồ anh chỉ nói về nghĩa trang Arlington, về Tướng Lee, về cuộc chiến Nam-Bắc của Mỹ đã kết thúc một cách đẹp đẽ như thế nào. Ðẹp tới nỗi mà nhiều người Việt (trong đó có anh) đã tới viếng nghĩa trang Arlington và hướng những giấc mơ về một quê hương đã từ lâu im tiếng súng, nhưng ngày trở về vẫn nghìn trùng xa cách vì những “hố thẳm” ngăn cách bởi ý thức hệ.
Các thân hữu và Thụ Nhân khóa 1 và cùng các anh em bên Du Ca trong buổi tưởng niệm tại hội trường khu du lịch Văn Thánh. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Lúc đó tôi không biết là anh Quang đã có một sáng tác mang cảm hứng từ nỗi niềm tâm sự trên. Ðó là nhạc phẩm mà anh đã đặt tên là “Trên đồi Arlington”.
Tóm lại, vì “bất đồng chính kiến” hai phe Nam-Bắc Mỹ đã dùng máu của chính mình để phân định. Nhưng sau cuộc chiến danh dự quân nhân và phẩm giá của con người (dù là bại trận) vẫn được tôn trọng. Ðiều này giúp kiến tạo một nền hòa bình, tự do, dân chủ vững chắc cho Hoa Kỳ.
Anh Quang cũng đã từng mơ những giấc mơ như vậy. Trong bài Trên Ðồi Arlington, đoạn cuối, anh viết:
“Triệu linh hồn oan khuất
Chiều nay xa quê buồn
Còn chỗ không người lính gác
chúng tôi về đây nằm
trên đồi Arlington”.
Những điều anh Quang suy nghĩ, những điều anh ước mơ, nói lên bằng lời ca, tiếng hát từ trái tim nhiệt huyết của anh chắc còn vang vọng với cuộc đời và những người cùng chí hướng với anh sẽ tiếp bước những giấc mơ ấy bằng khả năng của mỗi người...
Sài Gòn, ngày 4 tháng 4 năm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment