Wednesday, April 13, 2011

TỰ DO : BIỆN PHÁP XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO HỮU HIỆU NHẤT (Otto Graf Lambsdorff)

Otto Graf Lambsdorff
Dịch từ bản tiếng Nga: http://liberal.ru/Library_DisplayBook.asp?Rel=21.

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 11 tháng 4 năm 2011

Đói nghèo là một thách thức
Đói nghèo trên diện rộng vẫn là một vấn đề của cộng đồng thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới thì năm 1988 có 1,2 tỷ người sống trong tình trạng nghèo đói tuyệt đối, nghĩa là với ít hơn 1$ một ngày. Một nửa trong số đó nằm trong các khu vực Nam Á. Mặc dù trong những năm vừa qua tỉ lệ nghèo đói có giảm bớt, nhưng đây vẫn lá vấn đề lớn nhất của nhân loại.

Đói nghèo gây ra những hậu quả thật là thảm khốc, xin được liệt kê một lần nữa. Trước hết nó làm cho người ta luôn phải đau khổ vì đói khát và buộc con người phải thường xuyên lo lắng vì những mục tiêu hạ cấp nhất. Đói nghèo làm cho người ta trở thành cục cằn, nó không chỉ đẩy một số người đến những hành động bạo lực mà còn làm băng hoại quan hệ giữa người với người, nhất là trong gia đình. Nghèo đói là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hành động bạo hành đối với phụ nữ. Nhiều người phụ nữ Nam Á nói rằng: khi tình trạng kinh tế của người nghèo được cải thiện thì một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự hoà thuận trong gia đình gia tăng, cũng có nghĩa là bạo hành trong gia đình giảm.

Nghèo đói làm cho người ta không thể thể hiện được hết năng lực cá nhân của mình. Không được học hành, người nghèo không thể phát triển được khả năng và tài năng của mình, không thể nâng cao được năng suất lao động. Trong thời đại của chúng ta, khi người ta nói rất nhiều và rất hay về vai trò của giáo dục và phát triển khả năng của con người thì có hàng tỷ người không có điều kiện học hành và như vậy là đã bỏ phí tiềm năng của mình, không mang lại lợi ích gì cho mình cũng như cho xã hội nói chung. Nhiều người không nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề này, họ cho rằng vấn đề chính là nạn nhân mãn và cho đấy là vấn đề đáng quan tâm nhất. Họ cho rằng nghèo đói trên diện rộng là lỗi của chính người nghèo. Đấy là một thái độ vô liêm sỉ vì nó chẳng những không phù hợp với kinh nghiệm lịch sử lẫn lí thuyết kinh tế. Một nước đang giàu có không thể trở thành nghèo đi vì sinh suất cao, kinh tế luôn luôn phát triển ở những thành phố đông dân chứ không phải ở các làng quê hẻo lánh. Còn trong lí thuyết kinh tế thì việc sản xuất và phân phối thu nhập quốc dân là một tiến trình động, phụ thuộc vào nhiều biến số mà dân số chỉ là một trong những biến số đó mà thôi. Nếu công nhận rằng mỗi người đều có thể đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội thì ta phải công nhận rằng số dân cũng có ảnh hưởng tích cực đối với quá trình phát triển đó. Chỉ có trong các xã hội với hệ thống kinh tế rối loạn, trì trệ, thiếu năng động và không tạo điều kiện cho người dân thể hiện hết năng lực của mình thì việc gia tăng dân số mới thành vấn đề. Trong những điều kiện như thế vấn đề nghèo đói sẽ càng trầm trọng thêm, vì người nghèo cảm thấy có lợi khi sinh thêm con, đấy là sức lao động và thu nhập gia tăng khi tuổi trẻ và bảo đảm kinh tế cho tuổi già.

Hậu quả chính trị cũng không kém phần quan trọng. Nghèo đói đẩy người dân vào những quan hệ bất bình đẳng, tức là những quan hệ làm người ta mất tự do và trở thành đối tượng không được che chở trước những hành động độc ác của kẻ khác. Cuộc mưu sinh vất vả hàng ngày làm cho người không còn thì giờ và sức lực tham gia vào đời sống chính trị của xã hội hay dân tộc. Quyền lợi của họ không được nói tới và vì vậy mà bị bỏ qua. Người nghèo thường bị buộc phải dựa dẫm vào một kẻ bảo trợ nào đó, đấy có thể là một “cụ lớn” trong làng hay chủ khu “xóm liều” hoặc chủ thầu nào đó. Họ buộc phải bán quyền lợi chính trị của mình cho người bảo trợ để mong được an toàn, không còn lựa chọn nào khác. Đấy chính là nguy cơ nghiêm trọng đối với nền dân chủ. Xã hội chỉ thật sự dân chủ khi mức độ nghèo đói giảm, và các quan hệ chủ-tớ không còn giữ vai trò chủ đạo nữa.

Như vậy là, nghèo đói là thách thức vô cùng to lớn đối với những người theo trường phái tự do, cả theo nghĩa quan niệm về nhân loại nói chung, cả theo nghĩa quan niệm về xã hội công bằng và tự do nói riêng. Những người theo trường phái tự do tin vào các nguyên tắc của quyền tự do cá nhân và những quyền bất khả xâm phạm của con người. Những người theo trường phái tự do không thể chấp nhận cảnh nghèo đói vì nó mâu thuẫn với quyền sống của con người. Hơn nữa, một người phải đấu tranh cho sự sống còn thì gần như không có điều kiện thể hiện quyền tự do cá nhân của mình. Quyền tự do cá nhân của mọi thành viên trong xã hội sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không giảm được số người nghèo đông đảo hiện nay.

Đáng tiếc là những người theo trường phái tự do đã không biết cách nhấn mạnh vấn đề này. Họ đã quên mất cội nguồn của phong trào tự do, một phong trào mà khởi kì thuỷ là nhắm chống lại chế độ phong kiến, tức là chế độ cản trở việc thực thi những quyền tự do không chỉ về chính trị, tôn giáo, văn hoá mà cả tự do hoạt động kinh tế nữa, như sau này đã thấy rõ, đấy chính là nguyên nhân của cảnh đói nghèo trên diện rộng. Cơ cấu của chế độ phong kiến trá hình tương tự như thế vẫn còn tồn tại trong nhiều nước đang phát triển, mặc dù các ông chủ phong kiến đã không còn như xưa: đấy không phải là con cái các gia đình quyền quí, mà là giai cấp các chính khách và quan chức xã hội chủ nghĩa ăn bám, bòn rút của cải nhờ có quyền kiểm soát vô giới hạn hoặc tham nhũng hay nhờ nắm quyền điều hành các đại công ty công nghiệp và ngân hàng quốc doanh. Nếu chủ nghĩa tự do thể hiện được hi vọng và khát vọng của quần chúng nghèo khổ thì đấy sẽ là phong trào cách mạng thực sự tại nhiều nước đang phát triển. Chuyện đó chỉ có thể xảy ra nếu những người theo trường phái tự do biết cách nói bằng ngôn ngữ của quần chúng nghèo khổ và định hình các cuộc cải cách trên cơ sở nhu cầu của họ.

Những người theo trướng phái tự do khó thể hiện được thái độ đối với cảnh nghèo đói một phần còn vì thiếu tính trực cảm. Mong muốn giúp đỡ là phản ứng tự nhiên khi người ta thấy cảnh nghèo đói. Nhưng những người theo trường phái tự do lại nói về tự do như là phương tiện và mục đích. Nhiều người coi đấy là những câu chuyện quá trừu tượng và xa vời. Đằng sau nó lại là nan đề của hệ tư tưởng tự do. Vì chắc chắn là những người bị cảnh nghèo đói làm cho không thể cất đầu lên được cần phải được giúp đỡ. Nhưng để họ không trở lệ thuộc thì lại không thể giúp mãi.

Nhưng chúng ta thường quên một khía cạnh quan trọng hơn nhiều: trước đây người ta thường phải giải quyết vấn đề nghèo đói bằng chính nỗ lực của mình – bằng lao động cần cù, tiết kiệm, đầu tư cho con cái học hành, sẵn sàng di chuyển để tìm những cơ hội thuận lợi hơn, sẵn sàng đánh đổi, kể cả đổi chỗ làm việc. Như ngài Bayer đã nói, phải có trợ giúp mới thoát được nghèo thì có lẽ tất cả chúng ta vẫn còn sống trong thời kì đồ đá. Dĩ nhiên là có những người suy sụp đến mức không thể tự lực được, nhưng đấy không phải là đa số. Đa số không cần sự giúp đỡ trực tiếp, họ cần được bình đẳng trong cơ hội và được pháp luật bảo vệ để có thể thoát khỏi sự áp chế của các nhóm quyền lực hoặc những kẻ muốn tước đoạt thành quả lao động của họ.

Không phải vô tình mà chủ nghĩa tự do luôn luôn dành sự chú ý đặc biệt đối với sự ổn định của quyền tư hữu. Vì tư hữu chính là sự bảo đảm cho quyền tự do cá nhân. Có nhiều người khẳng định rằng mối quan tâm của những người theo trường phái tự do về quyền tư hữu thể hiện quyền lợi của các giai cấp hữu sản, nhưng đấy chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật. Người nghèo cần bảo vệ tài sản chẳng khác gì người giầu vì quyền tư hữu của người nghèo thường hoặc không được pháp luật công nhận hoặc không được hệ thống tư pháp bảo vệ.

Phải coi mối quan tâm của những người theo trường phái tự do về sở hữu tư nhân là mục tiêu của chính sách của nhà nước: nhà nước phải tạo điều kiện cho tất cả các công dân, đặc biệt là người nghèo, cơ hội sở hữu tài sản tư nhân. Lời khẳng định này khác xa, thậm chí trái ngược hẳn, với chiến lược của những người xã hội chủ nghĩa, tức là chiến lược nhằm hạn chế hoặc tịch thu tài sản tư nhân và đem cấp phát cho các công dân. Những người theo trường phái tự do không tin vào cách làm như thế vì nó làm cho người ta trở thành lệ thuộc, trong khi sở hữu tư nhân giúp người ta độc lập về tài chính và như vậy là củng cố được tự do cá nhân.

Dĩ nhiên là có những trường hợp cần phải trợ cấp, nhất là để chặn đứng nạn đói sau những vụ thiên tai. Trợ cấp trong những trường hợp như thế sẽ hiệu quả hơn là kiểm soát giá cả, thí dụ như kiểm soát giá lương thực, thực phẩm, mà người ta thường áp dụng nhân danh bảo vệ người nghèo, nhưng những biện pháp như thế thường làm méo mó các động cơ kinh tế và sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Cố tình giữ giá lương thực thực phẩm thấp có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các điền chủ và nền nông nghiệp và sẽ làm cho nhiều nông dân nghèo, tức là đa số người nghèo trên thế giới, mất việc làm.

Phe dân chủ phải tìm những phương tiện giúp người nghèo có thêm tài sản, chứ không phải là trợ cấp cho họ. Nếu hoàn cảnh bắt buộc thì nên buộc người ta phải tiết kiệm bằng cách góp vào quĩ hưu bổng, bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thất nghiệp chứ không nên bắt người ta phải đóng thuế cao rồi lấy tiền phân phối lại cho người nghèo. Tiết kiệm hoặc bảo hiểm bắt buộc giúp cho các công ty tư nhân, có sự kiểm soát của nhà nước, trong đó có yêu cầu tái bảo hiểm, hoạt động hữu hiệu hơn. Còn thu thêm thuế để tái phân phối có thể tạo ra bộ máy quan liêu cồng kềnh, ăn hết phần lớn số tiền thu được. Xin nói rằng trong cả hai trường hợp, chính phủ đều nhận trách nhiệm bảo vệ người dân khỏi những hiểm hoạ kinh tế, nhưng biện pháp thì hoàn toàn khác nhau. Tiết kiệm và bảo hiểm không những rẻ hơn mà còn hiệu quả hơn. Không những thế, nó còn giúp tạo ra những khoản tiết kiệm có thể được đưa vào đầu tư trong thị trường tài chính. Những khoản đầu tư phụ trội này sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển trong khi bộ máy quan liêu trong lĩnh vực bảo trợ xã hội chỉ làm gia tăng những khoản chi tiêu đáng lẽ phải dành cho người nghèo.

Có người sẽ cãi rằng ý tưởng về tiết kiệm và bảo hiểm không phù hợp với đa số người nghèo thuộc “thế giới thứ ba”. Hoàn toàn sai. Nhiều cuộc khảo sát chứng tỏ rằng người nghèo có mức tiết kiệm đến kinh ngạc, nhưng họ khó tiếp cận với các phương tiện tài chính. Tại nhiều nước, hệ thống tài chính bị quốc hữu hoá và rõ ràng là một người nghèo, lại mù chữ sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn mở một tài khoản. Còn khi có những cơ sở tài chính, thí dụ như ngân hàng Grameen Bank ở Bangladesh, chuyên phục vụ người nghèo thì khoản tiết kiệm của họ đã tăng lên nhanh chóng. Một số cơ sở tương tự như thế đã thành công trong việc tạo ra những hình thức bảo hiểm cho người nghèo. Không có gì đặc biệt cả: các tổ chức tín dụng và quĩ tiết kiệm khu vực đã có vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử kinh tế phương Tây. Chúng ta chỉ làm cái việc là tái phát minh những điều mà người ta đã làm từ lâu, sau khi nhiều nước (nếu không nói là đa số) đang phát triển bỏ con đường thẳng đó để quay sang dùng phương pháp quản lí toàn bộ vốn liếng thông qua các định chế tài chính của nhà nước. Các định chế này không hoạt động vì người nghèo mà chủ yếu là bơm tiền tiết kiệm của nông dân vào thành phố và đưa những đồng tiền đó vào các cơ sở công nghiệp ốm yếu của nhà nước hoặc các công ty tư bản có liên hệ với các chính khách. Đáng tiếc là tại nhiều quốc gia, những hiện tượng méo mó như thế vẫn còn tiếp diễn. Yêu cầu của thời đại: không cho các chính phủ quyền lãnh đạo các định chế tài chính, buộc các chính phủ phải tập trung trí tuệ nhằm tạo ra khung pháp lí phù hợp cho các ngân hàng tư nhân và các công ty bảo hiểm, đặc biệt là các tổ chức tín dụng đơn giản, dễ tiếp cận ở khu vực nông thôn, hoạt động. Cũng cần phải thành lập các định chế kiểm soát hoạt động của các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, còn chính các định chế này thì được bảo đảm không có sự can thiệp của quyền lực chính trị.

Đáng tiếc là những người xã hội chủ nghĩa đã thuyết phục được đa số dân chúng rằng thành lập bộ máy quan liêu khổng lồ trong lĩnh vực an sinh xã hội là giải pháp duy nhất có thể chấp nhận về mặt đạo đức trước thách thức về xoá đói giảm nghèo. Việc thường xuyên viện dẫn tình cảm của con người đã cản trở việc thảo luận một cách có căn cứ những phương án thay thế khác. Điều đó có hại cho cả người nghèo, lĩnh vực giáo dục và bảo vệ sức khoẻ là minh chứng không thể chối cãi được.

Giáo dục và sự năng động xã hội

Không nghi ngờ gì rằng giáo dục là vũ khí xoá đói giảm nghèo hữu hiệu nhất. Nó cung cấp cho người ta kiến thức và tay nghề đủ sức cạnh tranh, tức là giúp họ tìm được công việc tốt hơn bố mẹ họ và như vậy là có thể bước lên những nấc thang cao hơn. Giáo dục phổ thông giúp giảm thiểu kì thị phụ nữ. Giáo dục các bé gái giúp giảm thiểu một cách rõ rệt tỉ lệ sinh vì những người phụ nữ có học lấy chồng muộn hơn, biết cách phòng tránh thai và biết cách chăm sóc gia đình, đặc biệt là sức khoẻ trẻ em và như thế là giúp giảm tử suất ở trẻ con. Giáo dục còn giúp người dân tiếp thu thông tin, trong đó có thông tin chính trị, khuyến khích người ta thảo luận và cuối cùng là củng cố nền dân chủ và tự do.

Nếu mục đích của giáo dục là nâng cao tính năng động xã hội thì cần phải đặc biệt chú ý tới chất lượng giáo dục dành cho người nghèo. Chúng tôi nhấn mạnh “cần phải” là vì điều làm người ta ngạc nhiên là nhiều nhà cải cách đòi giành quyền thể hiện quyền lợi của người nghèo đổ nhiều công sức cho số lượng người được đào tạo: họ muốn phát bằng cấp cho thật nhiều người, trong khi hầu như không quan tâm đến chất lượng của những tấm bằng đó. Kết quả là sự phân tầng xã hội sẽ càng vững chắc hơn. Hiện tượng tương tự như thế xảy ra ở cả những nước đã phát triển, thí dụ như nước Đức, và nhiều nước đang phát triển nữa.

Một trong những nguyên nhân của sự lệch lạc này là công tác giáo dục được giao cho bộ máy quan liêu của nhà nước, thường là tập quyền nữa. Người ta không đặt cả vấn đề về khả năng quản lí quá trình dạy và học của nó nữa kia. Có lẽ, đấy là do đa số người, kể cả nhiều người có tư tưởng tự do, cho rằng bảo đảm cho tất cả mọi người đều có trình độ phổ thông là trách nhiệm của nhà nước. Nhưng ngay cả nếu ta đồng ý như thế thì cũng không có nghĩa là bộ máy quan liêu của nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ này. Bản chất nội tại của bộ máy quan liêu là ngày càng phình to mãi ra đã làm cho sự lệch lạc xảy ra gần như ở khắp mọi nơi. Thế mà nghi ngờ bộ máy quan liêu lại bị coi là hành động nhằm phá hoại sự tiếp cận đối với quá trình học tập, một bản án chết người trong bất kì xã hội dân chủ nào.

Kết quả của cách tiếp cận như thế thường là rất nguy hiểm. Thí dụ, tại phần lớn các nước Nam Á chất lượng học tập trong các trường công lập kém đến nỗi người dân phải chịu nhiều hi sinh về mặt tài chính chỉ để đưa con em vào các trường tư thục với chất lượng học tập cao hơn: thường thì các trường đó được dạy bằng tiếng Anh. Nhưng ở nông thôn, các trường như thế là của hiếm, cho nên người nghèo ở đô thị và đa số dân nông thôn đành phải hài lòng với các trường công lập hoặc không đi học nữa. Ở Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan ít nhất là 40% ngân sách dành cho giáo dục được đổ vào các trường đại học mà sinh viên chủ yếu là con em các gia đình trung lưu. Trong khi đó các trường cấp I không đủ phương tiện để đưa tất cả các trẻ em vào học, tức là không phải đứa trẻ nào cũng thoát nạn mù chữ.

Cho dân chúng địa phương nhiều quyền kiểm soát nhà trường hơn nữa phải là bước tiến quan trọng trên con đường hiện đại hoá giáo dục. Điều đó có thể được thực hiện bằng cách chuyển trách nhiệm về giáo dục từ bộ sang cho chính quyền huyện và chính quyền làng xã. Chính quyền trung ương có thể chỉ tập trung sức lực vào việc đặt ra và đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn giáo dục mà thôi. Việc phân chia trách nhiệm như thế sẽ làm gia tăng tính minh bạch các khoản chi tiêu của nhà trường vì phụ huynh học sinh sẽ dễ dàng kiểm soát những việc diễn ra ở huyện hoặc làng xã. Việc tách tổ chức qui định các tiêu chuẩn giáo dục ra khỏi những cơ quan hành pháp chắc chắn cũng sẽ nâng cao thêm chất lượng giáo dục. Có thể đưa thêm thành tố cạnh tranh, như công bố kết quả học tập của các nhà trường, khen thưởng các trường tốt và phạt các trường kém. Những cuộc cải cách khác nhau trong lĩnh vực này đã được đưa ra thử nghiệm.

Triệt để hơn nữa là chấp nhận sự thật sau đây: người nghèo, chí ít là ở các thành phố, gần như không thể tiếp cận với thị trường giáo dục đang ăn nên làm ra hiện nay. Chính phủ có thể giúp người nghèo bằng cách trả tiền học phí cho con em họ và cho phép họ chọn lựa trường, thí dụ, bằng cách cấp cho họ một khoản tín dụng (voucher). Chính phủ thiết lập tiêu chuẩn và mục tiêu giáo dục và tập trung sức lực vào việc áp dụng và kiểm tra. Các trường công lập không còn nhận tài trợ từ ngân sách nữa mà sẽ phải tự hạch toán trên cơ sở thu hút thêm nhiều học sinh bằng cách cung cấp cho người học chất lượng giảng dạy tốt hơn. Hệ thống như thế sẽ giúp thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường với nhau. Phụ huynh học sinh sẽ lựa chọn trường trên cơ sở chất lượng dạy và học, còn khoản tín dụng do nhà nước cấp sẽ không cho phép họ chi tiêu cho việc khác. Đến lượt mình, nhà trường sẽ buộc phải tìm những biện pháp hiệu quả nhất trong việc dạy và học. Những cơ sở kém chất lượng sẽ mất dần người học, còn những trường không kiểm soát được chi tiêu sẽ bị phá sản. Việc tạo ra thị trường giáo dục cạnh tranh như thế cũng sẽ giúp cho phụ huynh có lựa chọn tốt hơn cho việc học hành của con em họ, đặc biệt là nếu còn có các trường do các tổ chức tôn giáo khác nhau tài trợ nữa thì càng tốt. Tất nhiên như thế có thể xảy ra xung đột giữa chương trình do nhà nước qui định và các giá trị do các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, nhưng sự thoả hiệp nhân danh quyền lợi của người nghèo là khả thi. Những ai đã từng chứng kiến chất lượng cao hơn hẳn của các trường tư thục, thường là trường Thiên chúa giáo, trong các khu ổ chuột ở các thành phố của Mĩ, hẳn sẽ đồng ý rằng cần phải có thoả hiệp như thế. Ở Mĩ các thí nghiệm tương tự đã được bắt đầu. Không có gì ngạc nhiên khi bộ máy quan liêu của chính phủ căm thù và quyết liệt chống lại những ý tưởng như thế, cũng như họ đang chống lại việc xác định chất lượng học tập mà họ đang cung cấp hiện nay. Khi chất lượng học tập không phải là mục tiêu của cải cách thì người nghèo sẽ vẫn bị tước mất phương tiện năng động xã hội quan trọng nhất, còn xã hội thì đánh mất tiềm năng không được triển khai trong con em của những người nghèo. Giá mà chúng ta phải trả cho các quan chức quan liêu trong lĩnh vực giáo dục cao đến mức đáng xấu hổ.

Y tế

Tất cả những điều trình bày bên trên đều có thể áp dụng cho lĩnh vực y tế. Người nghèo dễ bị ốm đau. Hệ thống y tế kém chất lượng sẽ dẫn tới những căn bệnh hiểm nghèo và chết sớm. Từng người và toàn xã hội phải trả giá đắt cho hệ thống như thế. Mọi người đều công nhận rằng nhà nước phải cung cấp cho dân chúng dịch vụ y tế cơ bản. Và một lần nữa, các chính trị gia cánh tả và các quan chức tham lam tìm cách tạo ra một bộ máy khổng lồ trong lĩnh vực y tế. Vì vậy mà chính phủ nhiều nước đang phát triển thường cung cấp cho toàn dân dịch vụ y tế miễn phí với chất lượng cực kì thấp. Cũng như trong lĩnh vực giáo dục, sai lầm to lớn và có thể dự đoán được này đã sinh ra một thị trường chăm sóc sức khoẻ tư nhân phát đạt. Tất cả những ai đủ sức trả tiền đều sử dụng dịch vụ này. Người nghèo cũng phải chi nhiều tiền cho dịch vụ tư nhân vì không có dịch vụ y tế miễn phí của nhà nước, hoặc có cũng vô ích, hoặc chỉ được vào bệnh viện công sau khi đã phải trả một khoản tiến lớn. Cũng như trong lĩnh vực giáo dục, nhà nước có thể thử nghiệm nhiều biện pháp khác trong việc chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo. Thí dụ như cung cấp tín dụng, trợ giúp bảo hiểm y tế tư nhân và cuối cùng là phi tập trung hoá – kể cả ngân sách! – và chuyển cho chính quyền địa phương.

Đáng buồn là những cuộc cải cách theo hướng tự do hoá trong lĩnh vực giáo dục và y tế thường hiếm khi được thực thi. Nguyên nhân không phải là chúng không thực tiễn mà là sự tồn tại của những nhóm lợi ích, không lớn, nhưng đầy sức mạnh, chống lại những cuộc cải cách như thế. Đấy là bộ máy quan liêu tập quyền, cải cách sẽ làm cho nó nhỏ đi hoặc là biến mất hoàn toàm; đấy còn là các chính khách đang lợi dụng hệ thống xin-cho. Họ chống lại mọi đề nghị cải cách, doạ rằng thay đổi sẽ làm cho người nghèo càng thiệt thòi thêm. Và hiện nay ánh sáng tự do của chủ nghĩa duy lí vẫn chưa xuyên qua được màn khói của tư duy cảm tính.

Bàn thêm về nhu cầu tăng trưởng kinh tế

Một trong những vấn đề quan trọng nhất: giúp người nghèo tiếp cận với với các cơ hội kinh tế. Trước hết, vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi có một nền kinh tế phát triển năng động. Ở đây những người xã hội chủ nghĩa lại thể hiện một sự thiếu khôn ngoan nữa: trong khi xem xét vấn đề xoá đói giảm nghèo họ đã bỏ qua hoặc ít nhất cũng cố tình hạ thấp ý nghĩa của việc phát triển kinh tế. Đấy là do những người cánh tả quá chú trọng đến vấn đề sử dụng ngân sách và thiết lập bộ máy quan liêu và sự kiện không lấy gì làm thú vị đối với những người cánh tả là chính sách kinh tế tự do, đặc biệt là tự do thương mãi thu được nhiều thành công trong thời gian dài hơn là chính sách can thiệp của nhà nước. Đến mức là những người bảo vệ môi trường tấn công chủ nghĩa tự do và đặc biệt là họ tấn công thương mãi vì nó dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế quá cao!

Chủ nghĩa tự do cổ điển ủng hộ tự do thương mãi – đây là chiến lược kinh tế thành công nhất trong lịch sử thế giới. Trong thế kỉ XIX nó đã giúp chấm dứt nạn đói ở châu Âu, một hiện tượng vốn được coi là bộ phận không thể tách rời của nhân loại. Chúng ta thường quên mất rằng, thí dụ, ở Pháp trong thế kỉ ХVIII đã xảy ra 9 nạn đói, làm chết 5% dân số lúc đó. Hôm nay nạn đói chỉ có thể xảy ra trong các chế độ độc tài, không có tự do và nằm ngoài hệ thống thị trường tự do, thí dụ như Bắc Triều Tiên mà thôi. Thời đại thương mãi tự do thế kỉ XIX, lần đầu tiên trong lịch sử, đã làm cho tất cả mọi người đều có thể trở thành giàu có. Không nghi ngờ gì rằng hôm nay thị trường tự do vẫn là nguồn gốc của giàu có. Điều này còn được các số liệu thực nghiệm chứng minh nữa.

Quĩ Friedrich Naumann là một trong khoảng 52 cơ quan đồng xuất bản kết quả nghiên cứu Tự do kinh tế thế giới do Milton Friedman, Giải Nonel Kinh tế, khởi sự. Mục đích của nghiên cứu này là đo lường và so sánh mức độ tự do kinh tế tại 123 nước. Để xác định vị trí của từng nước trong bảng tổng kết, người ta đã sử dụng các thông số có thể đo lường được như mức thuế, tỉ lệ đóng góp của nhà nước vào GDP và số lượng các qui định nhằm hạn chế thương mãi. Cuộc khảo cứu không hoàn toàn mang tính hàn lâm. Kết quả cho thấy mức độ phụ thuộc giữa tự do kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, nhà nước càng áp bức thì kinh tế càng kém năng động. Điều này không làm cho các nhà kinh tế học theo đường lối tự do ngạc nhiên, họ luôn nói rằng tốc độ phát triển kinh tế phụ thuộc vào sáng kiến cá nhân, phụ thuộc vào sức sáng tạo và khả năng mạo hiểm, mà những phẩm chất như thế lại đòi hỏi môi trường phát triển tự do cho mỗi cá nhân. Đáng tiếc là khi soạn thảo chính sách kinh tế, không phải lúc nào người ta cũng dựa vào ý nghĩ đúng đắn như thế.

So sánh kết quả của nghiên cứu Tự do kinh tế thế giới với các tiêu chí khác của đời sống chứ không chỉ với tốc độ tăng trưởng cũng chứng tỏ rằng trong những nước tự do nhất, tỉ lệ người nghèo và mù chữ thấp hơn, ít tham nhũng hơn và tuổi thọ cao hơn. Một lần nữa ý tưởng đúng đắn này buộc ta phải giả định rằng kinh tế phát triển tạo ra những ngưồn lực cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề nóng bỏng nhất của nhân loại. Nhưng một lần nữa huyền thoại cho rằng người nghèo sẽ chẳng được gì vẫn còn rất mạnh. Còn nhớ thành ngữ: Giàu giàu thêm, nghèo càng khó. Đây là một niềm tin sai lầm, kinh nghiệm lịch sử và bằng chứng của các cuộc khảo cứu chứng tỏ điều đó. Nhưng có vẻ như các bằng chứng hiển nhiên cũng không đủ sức thách thức những quan niệm đã ổn định. Nhưng có thể đấy là do người ta không nhận thức được rằng kinh tế không phải là hiện tượng có thể hiểu được bằng trực giác: kinh tế không phải là cuộc chơi với tổng bằng không, kinh tế phát triển không làm thiệt hại bất kì ai, mà trao đổi tự do và tự nguyện mang lại lợi ích cho cả hai phía tham gia. Nói cách khác, có thể cùng nhau làm giàu, chỉ có nhanh chậm khác nhau mà thôi.

Còn các nước “lạc hậu” thì sao? Chúng ta thường nghe nói đến việc gia tăng khoảng cách giữa những nước giàu và những nước nghèo. Đấy là sự thật. Trong “thế giới thứ ba” có những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng không, thậm chí âm nữa, trong khi đó kinh tế của đa số các nước phát triển đều gia tăng, ít nhất là với mức vừa phải. Nhưng so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế với mức độ tự do kinh tế thì chúng ta mới hiểu rằng các nước nghèo nhất và kém phát triển nhất về mặt kinh tế lại là những nước gần như không mở cửa nền kinh tế và nhà nước thường xuyên can thiệp vào tự do hoạt động kinh tế của dân chúng. Đúng là có những dân tộc “lạc hậu”, nhưng họ không phải là nạn nhân của tự do thương mãi hay là toàn cầu hoá. Họ là nạn nhân của những nhà lãnh đạo nước mình!

Có thể chứng minh được rằng tốc độ phát triển hầu như không phản ảnh được sự phân bố tài sản trong nước. Theo số liệu của các phương tiện truyền thông đại chúng, quá trình tự do hoá nền kinh tế trong các nước công nghiệp phát triển có thể thúc đẩy việc hình thành những chỗ làm việc mới, nhưng đây chỉ là những chỗ làm việc cho những người không có chuyên môn – “McJobs”, những người có học gọi như thế nhằm gia tăng màu sắc bài Mĩ của mình. Lao động nghèo – một công thức mới, họ vọng rằng nó sẽ là lợi khí trong tay những chiến sĩ đấu tranh chống lại quá trình toàn cầu hoá và tự do thưong mãi cả từ phe tả lẫn phe hữu. Nhưng ngay cả như thế đi nữa thì vẫn tốt hơn là không cho những người công nhân tay nghề thấp được tiếp xúc với thị trường lao động, như các nước châu Âu với một hệ thống bảo trợ xã hội quá cồng kềnh đang làm. Song thực tế không phải là như thế. Công nghệ mới không những không thu hẹp chỗ làm mà còn tạo ra thêm chỗ làm mới, tốt hơn.

Ở những nước mà thị trường tương đối cởi mở, nhu cầu người lao động có tay nghề cao chứ không phải người lao động có tay nghề thấp đang gia tăng. Ở Mĩ 55% chỗ làm việc mới xuất hiện từ 1983 đến năm 1996 là dành cho các chuyên gia có tay nghề cao, gần 32% đòi hỏi tay nghề trung bình và chỉ có 18% dành cho người có tay nghề thấp mà thôi. Còn nếu xem xét việc phân phối thu nhập trong nội bộ các nước thì thấy rằng những nước nghèo nhất và mất tự do nhất lại là những nước có sự bất bình đẳng nhiều hơn là các nước có tự do về kinh tế. Đôi khi phải nhìn vào số liệu thì mới hiểu được những bí ẩn đằng sau những khẩu hiệu về tự do kinh tế và thị trường toàn cầu. Vì vậy, như giáo sư Jagdish N. Bhagwati, một chuyên gia về lĩnh vực thương mãi, đã khẳng định trong bài báo “Hi vọng tốt nhất cho người nghèo”, cần phải đẩy nhanh quá trình tự do hoá thương mãi trên bình diện toàn cầu với sự trợ giúp của WTO. Ông kịch liệt phê phán chính phủ các nước đang phát triển vì họ không nhận ra những bất lợi của chính sách bảo hộ kéo dài và sai lầm của nhiều người trong số họ khi cho rằng các nước giàu thi hành chính sách bảo hộ thì họ cũng có quyền tiếp tục làm như thế. Như vậy là họ đã làm hại mình đến hai lần.

Soạn thảo chính sách kinh tế chính là tạo ra các định chế góp phần hình thành nên các thị trường cho sản phẩm và nhân tố sản xuất hoạt động một cách hữu hiệu. Để giải quyết vấn đề này người ta thường sử dụng các tác nhân chính sau đây: toà án, hệ thống luật pháp, cơ chế hành pháp công bằng và hệ thống bảo vệ quyền tư hữu hoạt động một cách hữu hiệu. Sau đây chúng ta sẽ xem xét các biện pháp này có ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo như thế nào. Cần phải nhắc đến một khía cạnh nữa của việc hình thành thị trường, đấy là cung ứng và bảo trì hạ tầng cơ sở. Các nghiên cứu về đói nghèo trên khắp thế giới đều cho thấy rằng tiếp xúc với hạ tầng cơ sở, thí dụ như đường xá và điện, giúp làm giảm mức độ nghèo khổ. Hạ tầng giao thông đưa người dân tới thị trường và giúp người dân nông thôn tiếp xúc với những cơ hội kinh tế mới, như gia tăng sản lượng hàng hoá có thu nhập cao, thí dụ trồng rau để cung cấp cho thành thị. Điện giúp người ta thành lập các xưởng sản xuất nhỏ. Không có hạ tầng cơ sở như thế, quá trình phát triển sẽ chỉ diễn ra trong các khu vực có liên hệ với nền thương mại quốc tế, chỉ phát triển trong các khu vực gần bờ biển còn các khu vực nằm sâu trong nội địa thì vẫn trì trệ. Minh chứng rõ ràng nhất là Ấn Độ và Trung Quốc.

Người nghèo cần một cuộc cách mạng về pháp lí

Mặc dù mối liên hệ giữa chính sách kinh tế tự do và sự phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo đã được xác định bằng thực nghiệm nhưng khi tiếp xúc với những đau khổ của người nghèo thì đa số lại cho răng những cuộc cải cách vĩ mô đó có tính cách quá trừu tượng và xa lạ với đời sống của những tầng lớp nghèo khó. Những cách suy nghĩ như thế chính là cản trở mang tính chính trị, ngăn cản việc thực thi các cuộc cải cách vì chúng không động viên người nghèo đứng về phía phong trào tự do.

Từ quan điểm đạo đức thì dù làm bất cứ việc gì – từ thiện hay thông qua trợ giúp của chính phủ, miễn là giúp được người nghèo – cũng đều đáng ca ngợi cả. Nhiều người nghèo cũng đòi hỏi như thế khi họ tham gia vào những quan hệ mang tính bảo trợ-chủ tớ. Nhưng đằng sau động cơ mang tính đạo đức này người ta lại thường lờ đi, không bàn xem là những biện pháp đó có loại bỏ được những nguyên nhân thật sự hay chúng chỉ làm giảm phần nào triệu chứng của căn bệnh đồng thời càng làm gia tăng sự phụ thuộc của người nghèo và đè nén sáng kiến của chính họ. Nhận thức được điều này thì các tổ chức đang giúp đỡ việc xoá đói giảm nghèo sẽ phải coi việc quảng bá tư tưởng sáng kiến cá nhân là nhiệm vụ chính của mình. Như vậy là, cuối cùng người ta đã công nhận rằng người nghèo không phải là những người vô tích sự mà những người với những tiềm năng bẩm sinh chưa được phát huy. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện một câu hỏi đơn giản sau: tại sao người nghèo lại cần các tổ chức bên ngoài, nhiều khi là các tổ chức ngoại quốc, động viên mới làm được những việc hiển nhiên, mà lại là làm cho chính mình nữa? Thời kì khi mà người châu Âu bắt đầu chinh phục con đường xoá đói nghèo làm gì đã có các tổ chức phi chính phủ!

Ta có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi loại đó trong hai tác phẩm tuyệt với của nhà kinh tế học Peru tên là Erando de Soto. Ông đã sử dụng ngay hệ thống kinh tế trong đó người nghèo đang sống làm xuất phát điểm cho công cuộc khảo cứu của mình. Ông chỉ ra rằng người nghèo không có điều kiện tiếp xúc với các công cụ và định chế pháp lí, tức là những phương tiện giúp gia tăng tính hiệu quả của nền kinh tế thị trường hiện đại, trong đó có các tiêu chuẩn pháp lí nhằm bảo vệ và thực thi các hợp đồng, quyền tư hữu ổn định và được bảo đảm cũng tức là công cụ điều tiết thị trường đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả. Không những thế, họ lại phải chạm trán với một hệ thống tư pháp phức tạp và kém hiệu quả. Ngay cả nếu gặp được các quan toà độc lập và chuyên nghiệp thì vụ việc cũng kéo dài hàng năm. Các văn bản pháp qui của nhà nước thì vừa quá phức tạp vừa bao trùm lên mọi lĩnh vực thành ra mọi hoạt động kinh tế đều bị giấy tờ dấu má cản trở. Người nghèo có thể có một chút vốn liếng, thí dụ như mảnh đất trong khu “xóm liều”, nhưng số vốn này lại không được đăng kí một cách hợp pháp.

De Soto và các cộng sự của ông đã làm một cuộc thí nghiệm: thực hiện tất cả các thủ tục, không đút lót cho ai, nhằm thành lập xưởng may với chỉ một công nhân. Phải mất gần một năm mới xong, kết luận rút ra là: không một doanh nghiệp nhỏ nào có thể tuân thủ được pháp luật. Đấy là một trong những lí do chính vì sao thị trường không chính thức lại phát đạt như thế.

Các qui định mang tính cấm đoán cũng có liên hệ đến sáng kiến của người nghèo: tại nhiều nước, sáng kiến, trong đó cho vay những khoản vốn nho nhỏ, là bất hợp pháp. Về lí thuyết thì đấy là nhằm bảo vệ người nghèo khỏi bị bóc lột. Nhưng trên thực tế thì họ lại bị cảnh sát và các quan chức bóc lột, phải mua chuộc những người này thì mới được hoạt động. Người nghèo, dù là người buôn bán nhỏ trên đường phố, người đạp xích lô hay lái xe, cũng đều phải trả tiền cho cảnh sát hay quan chức chính quyền cả.

Đấy là lí do giải thích vì sao phải có sự trợ giúp từ bên ngoài thì mới thoát được đói nghèo. Các tổ chức từ thiện ngoại quốc thường thuyết phục và áp lực chính phủ và bộ máy quan liêu để họ không ngăn cản sáng kiến cá nhân, ít nhất là trong một giới hạn nào đó. Đây là một trong những thành quả của các tổ chức nước ngoài, nhưng lại ít được công nhận nhất, nó giúp bảo vệ sáng kiến cá nhân trong các nước đang phát triển, không để cho bộ máy quan liêu của chính phủ bóp chết các sáng kiến đó ngay từ trong trứng nước.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là bảo vệ quyền tư hữu. Ở các nước phía Nam, quyền tư hữu thường được xác định không rõ ràng, hoặc không được bảo vệ hay khó chuyển giao. Hệ thống luật pháp về quyền tư hữu ở các nước này thường quá rắc rối, không phản ánh thực tế đời sống của người nghèo và được quản lí một cách cực kì kém hiệu quả. Nhiều người nghèo sống trong các “xóm liều”, không được công nhận về mặt pháp lí. Sự kém hiệu quả của thị trường sở hữu dẫn đến việc là càng ngày càng có nhiều người di cư vào thành phố không có đất ở và nhà ở. Vì vậy mà họ thường chiếm đất do chính phủ quản lí. Trong khi đó, chính phủ, tuy vẫn nắm quyền quản lí nhưng lại không biết phải làm gì và làm sao giữ được những khu đất đang nằm trong tay mình. Những cuộc lấn chiếm như thế thường do các “đầu nậu không chính thức”, tức là chủ nhân thật sự của những “xóm liều” thực hiện. Họ chính là những người đứng ra bảo vệ cho dân chúng sống trong các vùng đất bất hợp pháp đó. Người nghèo trong các “xóm liều” phải trả tiền thuê nhà cho đầu nậu, cho họ toàn quyền sử dụng tiếng nói của mình trong các cuộc bầu cử và tạo ra đám đông trong các buổi mít-tinh. Điều này, dĩ nhiên là có hại cho dân chủ và phát triển kinh tế, nhưng người nghèo không có lựa chọn nào khác.

Hậu quả kinh tế của tình hình nói trên là rất nghiêm trọng. Các loại tài sản như nhà ở, túp lều hay mảnh đất mà quyền sở hữu không rõ ràng hoặc không được công nhận không thể được chuyển hoá thành nguồn vốn. Chỉ cần người chủ sở hữu tài sản được xác nhận và được pháp luật bảo vệ, còn việc chuyển giao quyền sở hữu trở thành an toàn và hiệu quả thì tài sản ngay lập tức có thể trở thành nguồn thu nhập mới. Bằng cách đó, tài sản sẽ có một đời sống mới, đời sống ảo, dưới dạng nguồn vốn. Người nghèo thường bị tước mất quyền này: họ có tài sản nhưng không tiếp cận được các phương tiện pháp lí có thể biến tài sản thành sở hữu, và bằng cách đó chuyển hoá thành đồng vốn. De Soto viết rằng tổng số vốn không được sử dụng, nói cách khác là vốn “chết”, trong các nước phía Nam là hơn một chục tỷ Dollar Mĩ, mà phần lớn là vốn của người nghèo. Không một sự trợ giúp ngoại quốc nào có thể so sánh được với tiềm năng hình thành nguồn vốn lớn như thế. Hơn nữa, nếu làm được như thế, người nghèo sẽ có tài sản được đăng kí không phải là nhỏ.

Ở đây một lần nữa xin trở lại với ý tưởng ban đầu: giúp người nghèo tiếp cận với quyền sở hữu là cách xoá đói giảm nghèo tốt nhất. Hoá ra trong nhiều trường hợp việc này không hề tốn kém gì cả: chỉ cần công nhận về mặt pháp lí quyền sở hữu trên thực tế. Tất cả người nghèo trong các “xóm liều” đều biết ai là chủ túp lều nào. Nhà nước chỉ cần công nhận sự kiện đó và cung cấp cho các “sở hữu chủ mới” việc bảo vệ hữu hiệu về mặt pháp lí mà thôi. Theo De Soto, ban hành luật pháp phải được coi như là hành động xâm nhập thực tế. Trong quá trình đó ta sẽ thấy cần nhiều loại văn bản pháp qui khác nhau. Thí dụ, khu đất mà bộ lạc đã làm chủ hàng thế kỉ nay có thể đưa vào hệ thống quyền sở hữu hình thức nếu ta đăng kí nó dưới dạng sở hữu của hợp tác xã hay công ty cổ phần. Ở châu Âu đã có những trường hợp tương tự như thế, đấy là các tu viện, trong đó các thày tu hay các bà sơ đồng sở hữu mảnh đất tu viện và như vậy là họ trở thành những đối tác trên thị trường. Nếu bộ lạc muốn giữ gìn truyền thống canh tác tập thể thì văn bản pháp qui phải ghi nhận bộ lạc như người chủ sở hữu duy nhất.

Công nhận và bảo vệ quyền sở hữu của người nghèo không phải là nhiệm vụ thực tiễn mà là nhiệm vụ chính trị. Trong một thời gian dài, những người bảo vệ người nghèo đã ngoảnh mặt làm ngơ đối với quyền tư hữu của họ vì cho rằng đây là vấn đề của gnười giàu. Trong các nước phía Nam đây là sai lầm chết người. Tại các nước này người giàu lại không cần bảo vệ quyền tư hữu bằng người nghèo. Trên thực tế, chính vì không được xác định và không được bảo vệ mà người giàu thường tấn công và phá hoại quyền sở hữu của người nghèo. Thí dụ ở Bangladesh là một minh chứng: muốn thoát nghèo, một phụ nữ đã vay tiền của ngân hàng Grameen. Sau một thời gian lao động miệt mài và dành dụm bà đã kiếm được một số vốn và định mở một xưởng cưa nhỏ. Một doanh nhân địa phương, kẻ cạnh tranh với bà nhưng có nhiều thế lực hơn đã cho bọn lâu la đến đe doạ buộc bà phải từ bỏ ý định. Biết rằng cảnh sát sẽ đứng về phía hắn, còn toà án thì kéo dài hàng năm, cuối cùng bà đã đầu hàng.

Ở các nước phía Nam, những câu chuyện như thế không phải là hiếm. Chỉ cần nói chuyện với một vài doanh nhân về việc chuyển địa điểm sản xuất hay xây dựng nhà máy mới là họ chẳng bao giờ dám xâm phạm vào lãnh thổ của kẻ khác. Xảy ra chuyện như thế là vì chính phủ không bảo vệ được pháp luật, chính quyền địa phương, sống dựa vào những cộng đồng sắc tộc hoặc tôn giáo thiểu số, đứng ra làm việc đó thay cho chính phủ. Các hiện tượng như thế là những cản ngại nghiêm trọng trên con đường phát triển và tạo ra những rào cản không thể nào vượt qua được đối với hoạt động kinh tế của người nghèo. Trong những cuộc khảo cứu nhằm tìm hiểu thêm vấn đề vừa nêu, ngân hàng Grameen đã lí giải được vì sao những người vay tiền của họ không tìm cách thoát ra khỏi cảnh “vắt mũi vừa đủ đút miệng” của họ. Câu trả lời: thiếu quyền sở hữu tài sản ổn định, mà rộng hơn là thiếu luật pháp, mà cụ thể là trong lĩnh vực kinh tế, tức là thiếu những điều luật giúp cho người nghèo chuyển từ nền kinh tế ngầm sang nền kinh tế chính thức.

Không có các quyền tư hữu được ghi nhận một cách rõ ràng cũng là nguyên nhân của cảnh nghèo đói lan tràn khi người dân phải di cư khỏi những vùng đất họ đã sống nhiều đời để nhường chỗ cho các “dự án phát triển”, thí dụ như xây hồ chứa nước chẳng hạn. Ấn Độ hầu như đã xoá bỏ quyền sở hữu được hiến pháp bảo hộ, tức là bỏ điều luật nói rằng nhà nước phải đền bù 100% khi trưng dụng, nhằm hạ giá thành các dự án. Trong khi xoá bỏ điều luật thì người ta nói rằng đấy là để chống lại các đại điền chủ. Nhưng trên thực tế điều đó đã dẫn đến kết quả là hàng chục ngàn người nghèo đã bị mất hết nhà cửa mà không được đền bù thoả đáng vì không có quyền sở hữu một cách rõ ràng nên không thể đưa ra toà được. Bi kịch ở chỗ là đa số những người chống đối việc xây các con đập đó lại không nhận thức được vấn đề từ quan điểm về quyền sở hữu.

Thay đổi tình trạng nói trên là một tiến trình chính trị. Phải bảo đảm rằng trong quá trình chuyển sang hệ thống quyền sở hữu hữu hiệu hơn và ổn định hơn, người nghèo sẽ không bị những kẻ có quyền thế, thí dụ như chủ của các “xóm liều” chèn ép. Nguy cơ này dĩ nhiên là có, nếu việc điều tiết các tiến trình kinh tế vẫn cứ nằm trong tay các quan chức và những nhà kĩ trị phục vụ cho các thế lực có nhiều ảnh hưởng như hiện nay. Cần phải thực hiện một cuộc cách mạng theo hướng tự do hoá – và ở đây xin nhắc lại rằng chính cuộc cách mạng như thế đã xảy ra trong lịch sử châu Âu.

Như vậy là, nhiệm vụ của chúng ta không phải là phát minh ra những phương pháp phân chia tài sản mới và tốt hơn, có lợi cho người nghèo hơn. Mà là công nhận quyền tham gia của người nghèo vào đời sống kinh tế, đưa ra những điều luật phù hợp và tạo ra những định chế giúp họ thoát khỏi khu vực kinh tế ngầm và trở thành những thành viên bình thường của nền kinh tế thị trường chính thức. Đấy chính là quyền bất khả xâm phạm mà họ đã bị tước đoạt từ quá lâu rồi.

Tiến sĩ Otto Graf Lambsdorff là cựu Bộ trưởng Kinh tế Cộng hoà Liên bang Đức, hiện giữ chức chủ tịch quĩ Friedrich Naumann.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Nga: http://liberal.ru/Library_DisplayBook.asp?Rel=21.
.
.
.

No comments: