Lê Nguyên Hồng
Thứ năm, ngày 14 tháng tư năm 2011
Đã hơn một tuần lễ trôi qua, kể từ phiên tòa chấn động mang tên Cù Huy Hà Vũ, những giấc mơ xuống đường nhân ngày 04/04/2011 đã vụt bay đi. Khát vọng dân chủ là nhu cầu thiêng liêng và tất yếu. Nhưng người ta không thể thành công chỉ bởi những giấc mơ, mặc dù họ có quyền mơ ước.
Ồn ào náo nhiệt trên mạng Internet là hàng trăm lời kêu gọi, quảng bá cách mạng hoa Lài, hoa Sen, và cả hoa… Trống đồng. Nhiều người còn quả quyết rằng ngày 04/04/2011 sẽ là ngày khai tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, bắt đầu từ cuộc biểu tình của dân chúng đòi trả tự do cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.
Giấc mơ chính đáng của người Việt chưa thành hiện thực, vì nó chưa hội đủ yếu tố cần thiết để cấu thành một cuộc cách mạng. Trên thực tế cách mạng Dân chủ thành công ở bất kỳ đâu, đều có nguyên do và gồm nhiều yếu tố tác động, không phải cứ muốn là được. Và có lẽ, tư duy cách mạng, đúng hơn là tư duy về đích đến của cách mạng Dân chủ trong thế kỷ XXI phải có điều gì đó chuyên nghiệp hơn, hoàn mỹ hơn những thế kỷ trước. Nếu không phải vậy thì con người đang dậm chân tại chỗ, chứ không phải là họ đang tiến về phía trước.
Nhiều người không tìm hiểu sâu sắc, cứ nghĩ Bắc Phi và Trung Đông giống Việt Nam, tại sao họ làm cách mạng được còn chúng ta thì không? Họ khác Việt Nam nhiều lắm, dù mang tiếng là một khu vực khắt khe về văn hóa và tôn giáo nhất hành tinh, nhưng các nước Ả Rập đều có nền dân trí cao hơn Việt Nam rất nhiều. Lấy ví dụ Ai Cập, ngoài việc họ đại diện cho một trong những nền văn minh sớm nhất thế giới, đất nước của họ còn hình thành hệ thống đa đảng từ những năm 1907 đến năm 1920. Cho dù khi đó người Anh còn đang đô hộ Ai Cập, và trước đó họ vẫn phải phụ thuộc vào đế quốc Ottoman.
Kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1922, nhất là giai đoạn từ năm 1977 đến nay, Ai Cập đã có một hệ thống đa đảng khá phong phú, trước khi cách mạng hoa Lài nổ ra, họ đang có tới 24 đảng chính trị song hành. Đó là các đảng: Quốc gia tiến bộ đoàn viên, Đảng xã hội Ả rập Ai Cập, Đảng lao động, Umma đảng, Young Ai Cập đảng, Nasserist đảng vv…
Ở tại các nước Ả Rập khác, ví dụ Tusnia cũng có hàng chục đảng đối lập như: Đảng nhân dân thống nhất, Đảng dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng đoàn viên liên minh dân chủ, Đảng tự do, Đảng xanh vv.., những quốc gia khác như Yemen, Libya, Bahrain, Jordani… đều là những nước đa đảng.
Tuy nhiên, một vài những nhà độc tài cầm quyền tại một số nước khu vực Ả Rập (Bắc Phi và Trung đông) đã dùng thủ đoạn và sức mạnh vũ lực để thâu tóm quyền lực, khiến các đảng phái khác khó có cơ hội tham gia điều hành đất nước, điểm này họ có nét giống Việt Nam ở góc độ độc tài. Nhưng dù gì đi chăng nữa, họ vẫn là các nước Đa nguyên đa đảng.
Một khi hiến pháp của một quốc gia cho phép đa đảng, tức là cơ hội hoạt động công khai của các đảng phái chính trị là như nhau, việc đảng nào vượt qua sự cạnh tranh gay gắt nhưng lành mạnh, chiếm được lòng dân, dùng trí tuệ và sức lực để khẳng định mình trên vũ đài chính trị là do chính họ. Yếu tố tiên quyết cho việc bình đẳng về chính trị đó, ở Việt Nam chưa có, tương lai nhà cầm quyền cũng vẫn siết chặt chế độ độc đảng nắm quyền như hiện nay.
Một thông tin được phổ biến rộng rãi trên mạng Internet về việc tại Ai Cập có anh kỹ sư máy tính tên là Wael Ghonim lập ra trang Web: “We Are All Khaled Said”, rồi dùng nó kêu gọi người dân xuống đường làm cách mạng, thế là cách mạng nổ ra. Người ta quên mất vai trò to lớn không gì có thể thay thế được, đó là các thế lực chính trị của các đảng phái đối lập đứng đằng sau lãnh đạo cách mạng Ai Cập, bắt đầu từ ngày 25/01/2011. Quan trọng nhất phải kể đến là vị trí của Esraa Abdel Fatah, người đồng sáng lập tổ chức có tên là “Phong trào thanh niên 6/4”, tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ huy cuộc biểu tình từ khi mở màn đến lúc hạ bệ xong nhà độc tài. Người ta cũng không nhắc đến một điều rằng Ghonim là một nhân viên cao cấp của Google tại Dubai, và năm 2010 anh đã là Trưởng phòng Marketing của
Google tại Trung Đông - Bắc Phi, có trụ sở tại UAE văn phòng của Google tại Dubai Internet City. Ghonim có vợ là một người Mỹ và đã có hai con…
Có thể khẳng định chắc chắn là Ghonim hoạt động không đơn độc, và nếu chỉ với hành động lập ra một trang Web của Ghonim sẽ không có cuộc cách mạng nào nổ ra tại Ai Cập, bất luận đàm là nó có thành công hay không. Nếu ai đó nói đến cách mạng, nói đến xuống đường mà quên khâu tổ chức, khâu chỉ đạo, thì quả là người đó vô cùng ấu trĩ về cách mạng. Việt Nam cũng không là một ngoại lệ, chúng ta chưa có một “Ghonim” Việt Nam, nhưng nếu chỉ có vậy cách mạng vẫn còn rất xa. Chưa nói đến việc nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đang đóng chặt các trang Web chính trị đối lập, nếu chúng được lập ra trong nước.
Internet có lẽ chỉ là công cụ hoạt động hữu ích trong thời buổi số hóa và Internet hóa toàn cầu. Còn vấn đề cách mạng vẫn phải do các tổ chức đấu tranh công khai hoặc bí mật điều hành. Ở Việt Nam chưa có đa đảng, duy nhất có Khối 8406 thì cũng là “có mà không – Không mà có” vì không thể có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới. Đó là vì họ bị công an khủng bố, bắt bớ, cầm tù, canh gác chặt chẽ. Họ không thể kết nối, gặp gỡ, họp bàn để đề ra chương trình hành động. Ngoài Ban điều hành tự hình thành, 118 người đầu tiên “ký tên” ủng hộ theo cách: Nhóm của Linh mục Nguyễn Văn Lý tự chọn đề cử khiếm diện. Nếu nói về cá nhân xin tham gia Khối 8406 có lẽ chỉ có người viết bài này, anh Vi Đức Hồi ở Lạng Sơn (đang bị án tù 8 năm tội tuyên truyền chống nhà nước) và sinh viên Nguyễn Tiến Nam (Yên Bái) là có đơn xin gia nhập và có văn bản tiếp nhận mà thôi. Tất cả các trường hợp nói mình là thành viên Khối 8406 khác đều là tự ghi nhận, nói rằng có thì có, bảo là không thì không. Âu cũng là vì hoàn cảnh chứ không vì điều gì khác hơn…
Cần nhìn vào một thực tế là lực lượng đối lập với Đảng Cộng Sản Việt Nam trong nước, chỉ mới ở dạng tiềm năng là chính. Một số đảng phái ở hải ngoại có công khai hoặc bí mật đưa người về nước đấu tranh ôn hòa, đó là cố gắng của họ, nhưng có thể thấy là họ có rất nhiều hạn chế: Những người từ nước ngoài về khó nắm được tình hình thực tế, không quen môi trường, không nhiều mối quan hệ quen biết, chưa tạo được nhiều tín nhiệm của những người xung quanh. Có lẽ họ nên hoạt động theo cách hoàn toàn bí mật để tiếp cận và xây dựng phong trào là hợp lý nhất.
Như vậy ngoài yếu tố dân trí của ta (Việt Nam) còn thấp, nhân dân chỉ mới lờ mờ nhận ra là phải có điều gì đó thay đổi, nhưng chưa có một đảng phái nào có đủ sức mạnh để tạo “lực hấp dẫn” đưa nhân dân vào quỹ đạo, vào nề nếp. Vì không được nhà nước cho phép công khai và độc lập hoạt động, nên Việt Nam cần có ít nhất một xã hội dân sự ngầm đủ mạnh, từ đó kết hợp với các đảng phái tổ chức đấu tranh chính trị, khởi động một cuộc cách mạng.
Như người ta thường nói “có bột mới gột nên hồ”, cần phải có “bột” trong tay đã, thì ta mới có món “hồ” được. Ở Bắc Phi, Trung đông người ta có hạ tầng chính trị đa đảng tốt, hoặc ít nhất là có. Nhưng Việt Nam chưa có, vậy so sánh hoặc tưởng tượng Việt Nam giống như thế giới Ả Rập là một suy nghĩ hoàn toàn nông nổi. Ước mơ của ai đó không mạnh về tiền, không có thế lực về chính trị, muốn dùng Internet để điều khiển cả thế giới người Việt, là một ước mơ không bao giờ thành hiện thực.
Thế giới Ả Rập có các nhà độc tài, nhưng ở cấp độ nhẹ hơn, tiến bộ hơn Việt Nam, do vậy tháo gỡ nó sẽ dễ dàng hơn. Mô hình chính trị “Xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam là loại Độc tài đặc biệt, như chiếc “Boong-ke” bằng thép, không giống chiếc “lô cốt” bê tông của Ai Cập. Muốn vô hiệu nó cần phải dùng nhiều cách, nhiều phương pháp và phải có đủ sức mạnh, đủ thời gian…
“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Câu nói này của Hồ Chí Minh hay nhưng không sát với thực tiễn. Trên thực tế có những công việc vượt quá khả năng của con người thì họ không bao giờ làm nổi (ví dụ thay đổi vũ trụ chẳng hạn). Nhưng chuyện thay đổi một thể chế chính trị cầm quyền là điều trong tầm tay của nhân dân một nước, không thể nói là không làm được. Tần Thủy Hoàng và bao triều đại Phong kiến tàn bạo dã man là thế, nó sẵn sàng “tru di cửu tộc” một người làm phản, nhưng rồi nó vẫn bị lật đổ như thường. Vậy chế độ Độc tài buộc phải sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian, có lẽ cùng với nỗ lực tranh đấu của toàn dân, chất “xúc tác” mạnh nhất để cho chế độ Độc tài mau sụp đổ chính là căn bệnh tham nhũng. Tham nhũng trầm trọng kéo dài sẽ làm quỵ ngã nền kinh tế, khi đã bị lâm vào khủng hoảng kinh tế toàn diện thì cái “chân đất sét” của anh chàng khổng lồ “Xã hội chủ nghĩa” sẽ hoàn toàn bị ngâm trong nước, đó là ngày tàn của chế độ.
Việc Việt Nam sẽ có dân chủ đa nguyên đa đảng là điều sẽ đến, vì điều đó nằm trong khả năng và quyền hạn người Việt. Nhưng nó cần phải có lộ trình, lộ trình đó dài hay ngắn phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực vận động của chính mỗi công dân Việt Nam, Tương lai của người Viêt Nam sẽ do toàn dân Việt Nam quyết định, không ai có thể làm thay cho họ.
Chặng đường còn xa, nhưng không cất bước thì sẽ không bao giờ đến. Phải bắt đầu từ đâu? Có lẽ nên bắt đầu từ khâu tư tưởng. Phải chăng đó là tư tưởng cách mạng? Không hẳn! Đó chính là “Tư tưởng Công dân” trước đã. Phải làm sao cho người dân từ thành thị đến nông thôn, từ bậc thức giả đến anh phụ Hồ, biết giũ bỏ thân phận Thần dân, Thảo dân, “mặc” lấy chiếc áo Công dân cho mình. Chỉ khi người dân ý thức được quyền lực Công dân chân chính của mình, thì họ mới tạo cho mình sự tự tin của người chủ đất nước, họ mới biết rõ mình cần phải làm những gì và làm như thế nào để khẳng định quyền lực ấy...
Một cuộc chuyển mình từ Độc tài sang Dân chủ hoàn hảo không chỉ là một cuộc cách mạng thay đổi thể chế, “hạ bệ một nhà Độc tài” - Đó mới chỉ là một nửa chặng đường - Vì Đa đảng chưa đồng nghĩa là đã hết Độc tài: Xã hội Ả Rập, Trung Quốc, Myanmar, Campuchia và ngay cả một số nước Châu Âu hiện nay, đã cho thấy điều đó…
Mô hình nhà nước “kiến trúc Dân chủ và cấu trúc Công lý” từ thấp đến cao của xã hội có dân chủ sau cách mạng, phải do Xã hội công dân (Xã hội dân sự) quyết định. Chỉ có Xã hội dân sự mạnh, mới có đủ quyền năng chặn đứng mầm mống của thế hệ Độc tài mới (đôi khi còn nguy hiểm hơn cả chế độ Độc tài cũ). Mà muốn có Xã hội dân sự đó, thì mỗi người dân phải thực sự có dân trí Công dân (dân trí Công dân không bắt buộc bao gồm trình độ học vấn, kiến thức chuyên môn, chuyên ngành). Điều này mới đảm bảo rằng: Sau cách mạng chắc chắn sẽ mở ra một chân trời mới cho đất nước. Có lẽ đó mới là đích đến cuối cùng của mô hình cách mạng Dân chủ trong thế kỷ XXI, và Việt Nam không nên là ngoại lệ.
Người Việt sẽ không học theo cách rập khuôn các cuộc cách mạng Dân chủ ở Đông Âu, Bắc Phi, hay bất cứ nơi nào khác. Nên chăng họ chỉ học hỏi những tinh hoa nhân văn cách mạng và kiến thức tổ chức cách mạng, chứ không đi sao chép máy móc những gì mà người khác đã làm. Đặc biệt là không thể có thứ “cách mạng Domino” thụ động, nhờ hiệu ứng dây chuyền. Vì dây chuyền đó nếu thành, phải là kết quả của sự sắp xếp các quân cờ giống nhau. Nhưng chính trị cách mạng không thể là một ván cờ Domino. Bởi dù tương đồng về địa lý, văn hóa và lịch sử đến mấy, thì vẫn không bao giờ có các quốc gia nào lại giống nhau hoàn toàn như những quân cờ Domino.
Lê Nguyên Hồng
.
.
.
No comments:
Post a Comment