Monday, April 4, 2011

TS CÙ HUY HÀ VŨ CÓ PHẠM TỘI "TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCNVN KHÔNG ? (Phạm Viết Đào)


Nhà văn Phạm Viết Đào
Thứ hai, ngày 04 tháng tư năm 2011

Chưa được chính thức tiếp cận cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, vả lại qua thông tin báo chí thì văn bản cáo trạng này đã nhiều lần chính sửa, thậm chí còn được sửa tới phút chót về các hành vi bị coi là vi phạm pháp luật của Ts Cù Huy Hà Vũ ?

Qua thu thập thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng, Ts Cù Huy Hà Vũ đã có một số hành vi sau đây rất có thể sẽ được đưa vào cáo trạng để khép vào tội danh: Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Tội danh này đã được quy định tại Điều 88 của Bộ Luật Hinh sự…

Đó là các nhóm hành vi sau đây:
1/ Viết bài, phát tán trên mạng, trả lời phỏng vấn một số Đài nước ngoài các ý kiến làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ, của Đảng cầm quyền…
2/ Viết đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số công chức, quan chức trong bộ máy Nhà nước;
Ngoài ra Cù Huy Hà Vũ bị bắt không phải do Cơ quan điều tra thu thập đủ chứng cứ, đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn theo đúng trình tự pháp luật về tố tụng để tiến hành bắt giữ mà bắt giữ Cù Huy Hã Vũ tại thành phố Hồ Chí Minh do hành vi tiếp bạn gái tại khách sạn sau 12 giờ?

Trước hết xin được có ý kiến về nhóm hành vi thứ nhất mà chủ blog biết chắc chắn Ts Cù Huy Hà Vũ có làm; nhưng để kết là có vì phạm luật pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì cần phải thảo luận, tranh luận…
Thứ nhất, Ts Cù Huy Hà Vũ có trả lời phỏng vấn một số Đài nước ngoài, có viết bài phê phán một số việc làm sai của Chính phủ, một số quan chức trong công tác quản lý kinh tế xã hội…
Hiện nay chưa có một điều luật nào, Bộ Luật nào kể cả Luật Báo chí quy định cấm: công dân không được phát biểu ý kiến của mình trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, phê phán những việc làm sai của cơ quan công quyền và công chức theo quy định của pháp luật hiện hành; nếu người lên tiếng đó có cơ sở để chứng minh…
Điều 10 của Luật báo chí có quy định Cấm tuyên truyền chống Nhà nước; tội danh này được cụ thể hóa bằng Điều 88 của Bộ Luật Hình sự…
Thứ nhất cần phân biệt và làm rõ khái niệm “phê phán Nhà nước” thể hiện trong 2 loại hành vi:
-a/ Giữa hành vi vi phạm luật pháp hiện hành làm tổn hại đến uy tín, tài sản, danh dự của cơ quan và quan chức nhà nước
-b/ Hành vi chống lại việc lợi dụng danh nghĩa nhà nước, quyền lực của nhà nước của một số cơ quan, quan chức nhà nước để làm trái pháp luật, nhằm để trục lợi cho bản thân hay để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó ?
Về 2 nhóm hành vi này thì hành vi xếp vào nhóm b không thể kết vào tội tuyên truyền chống nhà nước mà phải được xếp vào hành vi tuyên tuyền để xây dựng, bảo vệ nhà nước pháp quyền ?
Theo nhận thức của người viết bài này thì những hành vi của Cù Huy Hà Vũ nên xếp vào nhóm b; nhóm hành vi phê phán để lành mạnh hóa nhà nước là có cơ sở…

Đây là một “ bài toán “ cần được đưa ra tranh biện công khai tại tòa và trên các phương tiện thong tin đại chúng, để vừa công khai tuyên truyền, phổ biến, chứng minh tính minh bạch của pháp luật và để giáo dục cho người dân hiểu: Đâu là hành vi chống nhà nước và đâu là hành vi đấu tranh bảo vệ xây dựng nhà nước ?

Xin lấy ví dụ:
Cù Huy Hà Vũ có viết trên mạng và trả lời một số Đài nước ngoài đề nghị xây dựng một thể chế chính trị đa nguyên; Cho phép được thành lập nhiều đảng phái chính trị…

- Hành vi này nếu Ts Cũ Huy Hã Vũ làm như sau thì có thể bị coi là chống nhà nước: Tự cho in, kẻ vẽ ra rồi treo ra ngoài đường cho mọi người nhìn thấy, hoặc tự in ra rồi đi tán phát thì hành vi này có thể khép vào tội danh tuyên truyền chống nhà nước…
Bởi theo quy định của Luật Xuất bản, báo chí, Pháp lệnh quảng cáo, muốn tiến hành hành vi đó phải được cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc ngành văn hóa cho phép; nếu chưa được cấp phép mà anh tiến hành thì bị coi là hoạt động in ấn, xuất bản không có giấy phép;

-Cũng hành vi đó nhưng nếu Cù Huy Hà Vũ viết lên trang blog cá nhân, hoặc trả lời phóng vấn các Đài nước ngoài thì hành vi đó không vi phạm pháp luật Việt Nam; vì hiện nay chưa có quy định nào của pháp luật Việt Nam quy định các blogger không được bày tỏ ý kiến cá nhân của mình về một việc làm sai trái pháp luật của quan chức hay của một cơ quan nào đó của Chính phủ ?

Người viết công bố ý kiến của mình trên mạng, trên phương tiện truyền thông nước ngoài bị khép vào tội tuyên truyền chống nhà nước, vi phạm pháp luật nếu đưa ra những thông tin sai sự thật về các cơ quan, cá nhân nào đó; và cơ quan, cá nhân bị hại tìm đủ bằng chứng để chứng minh được thông tin đó sai một cách hiển nhiên; còn quy kết cho là hành vi cố ý xuyên tạc về một chủ trương, chính sách nào đó của Đảng và Nhà nước thì trong Luật Hình sự chưa có định nghĩa rõ ràng: thế nào là xuyên tạc, thế nào là chứng minh sự sai trái, sự vô lối của một quyết định hành chính, một hành vi của cơ quan, quan chức nhà nước…

Xin nêu một ví dụ khác: Hành vi của Cù Huy Hà Vũ đề nghị không giương cờ Đảng trong các dịp lễ tết…
Mặc dù tại điều 4 Hiến pháp có mặc định vai trò lãnh đạo nhà nước của Đảng; Thế nhưng hành vi này của Ts Cù Huy Hà Vũ chỉ vi phạm pháp luật nếu: Cù Huy Hà Vũ tự tay, hoặc thuê người hạ, cản không cho cờ Đảng xuất hiện tại các địa điểm công cộng, hoặc của đoàn diễu hành. Còn như Cù Huy Hà Vũ phát biểu trên blog cá nhân hay trả lời phỏng vấn thì đó là lĩnh vực thuộc phạm trù tự do ngôn luận, tự do tư tưởng… Những hành vi đó không có một điều luật nào cấm công dân không được phép làm ...
Còn nhớ một thời gian dài, Ban Tuyên giáo được đặt tên là Ban Tư tưởng Văn hóa; tên của ban chức năng này của Ban chấp hành TW Đảng đã phải thay đổi vì nếu tổ chức quản lý tư tưởng cho dù chí đối với các đảng viên, trong nội bộ Đảng sẽ dẫn tới các hành vi vi phạm Hiến pháp, vi phạm nhân quyền, vi phạm thông lệ quốc tế về tự do tư tưởng?!
Như vậy về nhóm hành vi thứ nhất, Ts Cù Huy Hà Vũ vẫn nằm trong khuôn khố, giới hạn luật pháp hiện hành của Nước CHXHCN Việt Nam cho phép…
Về nhóm hành vi này thì Ts Cù Huy Hà Vũ có những vụ kiện đã “thắng”: Ngăn cản không cho hành vi do một vài cơ quan công quyền tiến hành như vụ Đồi Vọng Cảnh ở Huế…

Đối với vụ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ts Cù Huy Hà Vũ có vi phạm pháp luật không ?

Thứ nhất cần phải khẳng định: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là công chức số 1 của bộ máy hành chính của nhà nước; do đó ông cũng chỉ được hành xử trong khuôn khổ luật pháp nhà nước, ông cũng không được phép làm sai các quy định hiện hành.
Thủ tường chỉ đại diện cho Nhà nước khi ông có những quyết định hành vi đại diện cho lợi ích nhà nước, mang lại cho lợi ích cho nhà nước và trong khuôn khổ luật pháp cho phép…Nếu Thủ tướng có các hành vi không trong khuôn khổ luật pháp cho phép, lại sai với pháp luật hiện hành thì lúc đó Thủ tướng không thể sử dụng bộ máy, công cụ quản lý để chế áp người đối thoại với mình…

Muốn biết việc kiện đúng hay sai, có vi phạm pháp luật hay không thì ta hãy phân tích lá đơn của Ts Cù Huy Hà Vũ. Đây là lá đơn Ts Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng hành vi ban hành quyết định đầu tư, khai thác dự án khai thác bauxite Tây Nguyên khi chưa có Đề án quy hoạch môi trường chiến lược vùng Tây Nguyên…
Theo quy định của Luật bảo vệ Môi trường và các văn bản dưới luật do Chính phủ ban hành thì: một dự án đầu tư khai khoáng muốn được triển khai, phải có Đề án quy hoạch môi trường chiến lược được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt…
Trong dự án này, căn cứ vào pháp luật hiện hành Chính phủ có 2 quyết định sai pháp luật:
-Chưa có Đề án quy hoạch mà đã cho đầu tư xây dựng nhà máy khai thác bauxite ở Nhân Cơ…
-Dự án này là một dự án lớn, thu hút lớn lượng tiền ngân sách đầu tư; về loại dự án này muốn triển khai phải được thông qua Quốc hội bằng biểu quyết như các dự án đầu tư lớn khác…
Chính phủ đã tìm cách lách luật, cho xé nhỏ ra nhiều gói, có những dự án thu hút nhiều tiền phục vụ cho dự án khai thác bauxite như xây dựng cảng, làm đường thì cho lẫn khoản này vào khoản đầu tư công ?
Như vậy hành vi khởi kiện của Ts Cù Huy Hà Vũ là xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật có thật của Thủ tướng Chính phủ chứ Ts Cù Huy Hà Vũ không dựng chuyện, vu cáo Thủ tướng…Có điều Luật pháp Việt Nam chưa có điều luật nào quy định công dân được khởi kiện Thủ tướng; Nhưng Hiến pháp lại quy định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, chứ vụ…
Đối với vụ kiện này, chỉ có thể quy kết Ts Cù Huy Hà Vũ không căn cứ vào pháp luật hiện hành để phát đơn; Hiện nay luật Khiếu nại hiện hành chỉ quy định được khiếu nại tới Bộ trưởng và các quyết định của Bộ trưởng. Còn tố cáo thì cũng lại không quy định chỉ được tố cáo tới Bộ trưởng ?
Như vậy đây là khe hổng, chỗ hở của luật pháp; hành vi này không thể buộc tội Ts Cù Huy Hà Vũ phạm tội chống nhà nước…

Còn hành vi thứ 3, cớ để cơ quan điều tra tiến hành bắt Ts Cù Huy Hà Vũ, đó là tiếp bạn gái tại phòng nghỉ khách sạn sau 12 giờ?
Vào thời điểm đó thành phố Hồ Chí Minh không có lệnh giới nghiêm nào được ban ra, do đó không thể quy kết cho Ts Cù Huy Hà Vũ phạm tội quả tang để bắt quả tang trước khi có lệnh phê chuẩn của Viện Kiêm sát…Thủ tục bắt giữ này là trái pháp luật hiện hành. Vì nếu khách sạn có quy định không được tiếp bạn gái quá 12 giờ thì chỉ được quyền từ chối phục vụ không được phép xử lý bất cứ hình thức gì. Còn nếu thành phố Hồ Chí Minh có quy định riêng, người viết bài này biết chắc là không có vì Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư cho phép một số hoạt động tại các khu du lịch có người nước ngoài sau 12 giờ. Còn nếu Ts Cù Huy Hà Vũ có quan hệ với gái mại dâm thì chỉ có thể bị xử phạt hành chính…Điều này không có cơ sở bởi bạn gái là một luật sư.

Trên đây xin nêu một vài ý kiến về vụ án đang được dư luận chú ý. Xin đợi có văn bản cáo trạng chính thức và Bản ản của tòa án, blog Phamvietdaonv sẽ có bài phân tích, đánh giá, “phán xét” theo nhận thức của cá nhân để hầu quý vị ./.
P.V.Đ
.
.
.

No comments: